NGỒI BUỒN NHỚ MẸ TA XƯA
Bần thần hương huệ
thơm đêm
Khói nhang vẽ nẻo đường lên niết bàn
Chân nhang lấm láp tro tàn
Xăm xăm bóng mẹ trần gian thuở nào
Mẹ ta không có yếm đào
Nón mê thay nón quai thao đội đầu
Rối ren tay bí tay bầu
Váy nhuộm bùn, áo nhuộm nâu bốn mùa
Cái cò... sung chát
đào chua...
Câu ca mẹ hát gió đưa về trời
Ta đi trọn kiếp con người
Vẫn không đi hết mấy lời mẹ ru
Bao giờ cho tới mùa
thu
Trái hồng trái bưởi đánh đu giữa rằm
Bao giờ cho tới tháng năm
Mẹ ra trải chiếu ta nằm đếm sao
Ngân Hà chảy ngược lên
cao
Quạt mo vỗ khúc nghêu ngao thằng Bờm...
Bờ ao đom đóm chập chờn
Trong leo lẻo những vui buồn xa xôi
Mẹ ru cái lẽ ở đời
Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn
Bà ru mẹ... mẹ ru con
Liệu mai sau các con còn nhớ chăng
Nhìn về quê mẹ xa xăm
Lòng ta - chỗ ướt mẹ nằm đếm mưa
Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương
Trọn đời nhớ mẹ ta xưa
Nguyễn Duy
I.
Bài thơ gồm 28 câu thêm một câu kết chốt là 29 câu tất cả.
Có thể chia bài thơ thành ba phân đoạn:
1. Trong tám câu đầu, nhà thơ đứng trước bàn thờ Mẹ với hai tâm thức: Mẹ thiêng liêng nay đã về cõi niết bàn –“Khói nhang vẽ nẻo đường lên niết bàn”; Mẹ nghẻo khó vất vả ở thuở còn bình sinh trốn trần gian:
Chân nhang lấm láp tro tàn
Xăm xăm bóng mẹ trần gian thuở nào
Mẹ ta không có yếm đào
Nón mê thay nón quai thao đội đầu
Rối ren tay bí tay bầu
Váy nhuộm bùn, áo nhuộm nâu bốn mùa
Hai câu thơ “Mẹ ta không có yếm đào/Nón mê thay nón quai thao đội đầu” chưa hẳn là điển hình về ý tưởng cho phân đoạn thơ này, nhưng cách thể hiện theo lối so sánh thì thật hấp dẫn và vô cùng cảm động.
Chỉ qua mấy câu thơ chấm phá, hình ảnh Mẹ hiện lên rất rõ nét về một bà mẹ Việt Nam chân quê lam lũ vô cùng gần gũi,rất mựcyêu thương và trân trọng.
Hình tượng cây hương với hai trạng thái mới thật độc đáo: Thuở bình sinh Mẹ như “Chân nhang lấm láp tro tàn”, nay Mẹ được “Khói nhang vẽ nẻo đường lên niết bàn”.
2. Phân đoạn thứ hai gồm mười câu thơ là lời ru và phong cách sinh hoạt dân gian mà Mẹ thể hiện qua lời thơ của thi sĩ:
Đó là những gì liên quan đến con cò như là nỗi chát chua (sung chát/đào chua). Đó là trái hồng, trái bưởi trong đêm rằm trung thu – một đêm vui của trẻ nhỏ. Đó là trò chơi đếm sao – “một ông sáo sáng/hai ông sáng sao…”. Rồi nữa, “Quạt mo vỗ khúc nghêu ngao thằng Bờm...” là câu chuyện “Thằng Bờm có cái quạt mo/Phú ông xin đổi ba bò chín trâu…”.
Nhà thơ cảm nhận sâu sắc đến vô cùng về bề rộng và chiều sâu lời ru của mẹ, khi anh viết:
Ta đi trọn kiếp con người
Vẫn không đi hết mấy lời mẹ ru
Đây là nói về tiếng ru, thật ra, đó là tất cả những gì về vật chất, lẫn tinh
thần mà Mẹ dành cho con. Đó là hai câu thơ “đinh” của phân đoạn thơ này.
3. Mười câu thơ thuộc phân đoạn ba của bài thơ, trước hết là tâm tư của nhà thơ
về lời ru của Mẹ . Qua lời ru của Mẹ, nhà thơ nhận ra cái lẽ của đời – Mẹ nuôi
thể xác con bằng sữa và nuôi tâm hồn con bằng lời ru – đây là hai câu thơ
“đinh” của phân đoạn này:
Mẹ ru cái lẽ ở đời
Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn
Coi đó như là quy luật sinh tồn và phát triển của con người. Song, dường như
nhà thơ băn khoăn về sự tồn tại của quy luật ấy, nên anh hạ hai câu:
Bà ru mẹ... mẹ ru con
Liệu mai sau các con còn nhớ chăng?
Đó
là lời nhắc nhở và cũng là lời trách cứ nếu các con không làm được như Bà và
Mẹ.
Tiếp theo là nỗi lỏng nhà thơ đối với Mẹ bằng hai ý tưởng dân gian: “Mẹ nằm chỗ
ướt/Chỗ khô con nằm” và cái cách mà Mẹ nhai mớm cơm cho con.
Chỉ hai ý tưởng dân gian ấy đủ thấy nhà thơ trân quý và biết ơn Mẹ biết chừng
nào:
Nhìn
về quê mẹ xa xăm
Lòng ta - chỗ ướt mẹ nằm đêm mưa
Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương.
Câu thơ cuối cùng kết chốt như là tiếng vang vọng mãi mãi về
nỗi thương nhớ và lòng biết ơn Mẹ:
Trọn
đời nhớ mẹ ta xưa…
Dưới đây là đôi lời về nghệ thuật của bài thơ.
1.Những phân tích trên đây thấy rõ nghệ thuật cơ bản của bài thơ là thi
liệu được dùng gồm những sự tích, lời ca dân gian rất gần gũi với người Việt
Nam. Vậy nên, bài thơ đậm đà văn hóa Việt là vậy! Sự kết hợp giữa nhận thức
nhân văn và cảm xúc văn hóa qua các câu thơ “đỉnh” khiến bài thơ rất phong phú
về ý tưởng.
2.Các hình tượng thơ đẹp, nhất là hình tượng Mẹ - rất gần gũi ở thuở bình sinh
và vô cùng thanh cao khi đã khuất.
Các hình tượng con cò, thằng Bờm, đom đóm, các thứ quả…thật gần gũi, tràn đầy
yếu tố dân gian!
3. Ngôn từ tìm tòi và đắc địa: “Bần thần”, “lấm láp” ,“rối ren tay/ bí tay
bầu”, “sung chát /đào chua”, “gió đưa về trời”, “đi trọn kiếp con
người/không đi hết mấy lời mẹ ru“, khúc nghêu ngao”, “đom đóm chập chờn”, “trong leo lẻo”, “ quê mẹ xa xăm”, “trọn đời nhớ mẹ ta xưa”... Đó là những ngôn
từ khi đọc lên khiến lòng ta xao xuyến, thổn thức lạ thường.
4.Là nhà thơ sành sõi thơ lục bát, trong gieo vần ở bài thơ mà ta đang bàn,
Nguyễn Duy đã gửi tới bạn đọc bài ca thật mượt và uyển chuyển không khác gì lời
ru của Mẹ ru ta vậy!
Cũng giống nhiều bài thơ khác của anh như “Tre Việt Nam”, “Đò Lèn”,”Bà tôi”…,”, “Ngồi buồn nhớ Mẹ ta xưa” của Nguyễn Duy
là một bài thơ được xếp vào hàng nghệ thuật bậc nhất trong thi đànViệt Nam.
Hà Nội, tháng 5-2020
M.T
Nhà thơ-nhà phê bình văn học
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét