Thứ Tư, 15 tháng 12, 2021

VỀ BÀI THƠ “HƯ VÔ” CỦA QUANG HUY - TS Mai Thanh

 



 HƯ VÔ 


Cái gì cũng có một thời
Bao nhiêu máu chảy trong lời vua ban
Cái gì rồi cũng tiêu tan
Bao nhiêu xương trắng nằm oan dưới mồ
Cái gì rồi cũng hư vô
Bao nhiêu tượng gỗ lên chùa ngồi chơi
Cái gì rồi cũng rụng rơi
Qủa trên Vườn Cấm, hoa nơi Địa Đàng
Chỉ còn mãi với thời gian
Tình yêu tự thuở hồng hoang dại khờ
Gắng ngồi viết cạn bài thơ
Bài thơ rồi có hư vô như mình?


Quang Huy 

 

Cái ý tưởng cho rằng, “mọi thứ trên đời đều là vô nghĩa và sẽ mất đi, chỉ tình yêu là quý giá và mãi mãi vĩnh hằng” được khẳng định dưới nhiều hình thức ngôn ngữ - văn chương. 

Nhưng, dưới hình thức thi ca, thì với “Hư vô”, nhà thơ Quang Huy thực hiện rất hiệu quả điều đó!


Về ý tưởng thì đã rõ, ở đây chúng ta cảm nhận về hình thức thể hiện của “Hư vô” như là nghệ thuật độc đáo của bài thơ vậy!


Trước hết, là những hình tượng được lựa chọn – những thứ hư vô, rất điển hình.


Đó là nõi dứt day về mâu thuẫn, bất công xã hội – hành động của kẻ thống trị tượng trưng là “lời vua ban” và kẻ bị trị nhận lấy “máu chảy”. Cứ gọi thẳng ra, đó là nỗi đau nhân thế mà ngàn đời nay con người phải gánh chịu. Đó là nỗi oan – một hiện tượng phổ biến từ cổ - kim đông tây như nỗi oan của nàng Thị Kính và người vợ của gã da đen Otenlo là nàng Desdemona…


Tượng gỗ là tượng trưng cho niềm tin tôn giáo phổ biến cũng mất hết linh thiêng mà “lên chùa ngồi chơi”, vậy đó! “Qủa trên Vườn Cấm, hoa nơi Địa Đàng” là tượng trưng cho hạnh phúc của con người cũng sẽ rụng rơi. Đến cả bài thơ mà nhà thơ gắng gỏi viết rồi cũng nghi ngờ sẽ trở thành hư vô như chính nhà thơ vậy.
Tất cả những gì quan trọng nhất của cuộc đời như trên đã nêu cũng chỉ có một thời, đều là hư vô, để dọn chỗ cho hai câu thơ đinh của bài thơ và cũng là ý tưởng chủ đạo của thi phẩm:


Chỉ còn mãi với thời gian
Tình yêu tự thuở hồng hoang dại khờ


Ngôn từ trong bài thơ rất chuẩn đạt, trước hết là điệp từ “cái gì” để chỉ ”tất cả mọi thứ”; từ “hư vô” nguyên là khái niệm triết học, nhưng được dùng vào bài thơ lại rất đắc địa; từ “cạn” trong câu “Gắng ngồi viết cạn bài thơ” được sử dụng rất mới và đầy sức gợi cảm.


Thể thơ lục bát với hầu hết các câu thơ theo nương vận, tiểu đối (ví dụ:“Qủa trên Vườn Cấm, hoa nơi Địa Đàng”) và hợp đối (chẳng hạn" “máu chảy” – “lời vua ban”, “xương trắng” -“nằm oan dưới mồ”, “tượng gỗ” – “ngồi chơi”…).


Nhà thơ Quang Huy yêu mến!
Không đâu, bài thơ “Hư vô” của anh không bao giờ hư vô cả, mà nó tồn tại mãi mãi với thời gian cùng bạn đọc! 


Thật ra, câu thơ đó ở thể nghi vấn với cụm từ “Bài thơ rồi có hư vô như mình” kèm theo dấu hỏi (?), chứ không phải ở thể khẳng định. Còn có thể hiểu rằng, nhà thơ gián tiếp khuyên các thi nhân hãy sáng tạo tác phẩm thi ca của mình đừng để hư vô, mà tồn tại mãi mãi với thời gian cùng người đọc.

TS Mai Thanh
Nhà thơ-nhà phê bình văn học

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét