Thứ Ba, 28 tháng 12, 2021

Các thi văn đoàn trước năm 1975 - Hồi ức La Ngạc Thụy

 

                                La Ngạc Thụy và Sa Chi Lệ

Các thi văn đoàn trước năm 1975

– Bước đệm của văn học Tây Ninh

  • Các văn đàn Quốc Biểu của cụ Quốc Biểu Nguyễn Cư Hiến, văn đàn Đạo Đức do ông Cao Quỳnh Cư thành lập đã tập hợp những bậc danh sĩ, trí thức sinh hoạt thi phú và tuyên truyền đạo đức qua thơ ca vào đầu những năm 50 và mãi đến đầu năm 60 mới xuất hiện thêm nhóm Đất Lành. Nhóm này tập hợp lại sáng tác rồi ngâm vịnh mà thể thơ chủ yếu là thể thơ Đường luật. Trong giai đoạn này  hoạt động văn chương ở các tỉnh phía Nam nở rộ.

    Ở Sài Gòn, ngoài các tạp chí văn nghệ chuyên đăng tải những tác phẩm thuộc lĩnh vực văn học, các nhật báo đều dành nhiều trang đăng tiểu thuyết, và một phần trang dành đăng thơ, truyện ngắn. Đài Phát thanh Sài Gòn cũng có các các chương trình ngâm thơ, diễn thơ trên sóng như Mây Tần, Tao Đàn… đã tạo điều kiện chuyển tải tác phẩm văn học đến công chúng ngày càng nhiều, thu hút càng đông người làm thơ, viết văn và đa số họ đều còn trẻ, tuổi dưới hoặc ngoài đôi mươi, đang còn ngồi trên ghế nhà trường trung học hay giảng đường đại học. Và các thi văn đoàn trong thời gian này cũng nở rộ khắp các tỉnh phía Nam. Tây Ninh cũng không nằm ngoài xu hướng chung đó.

       Họ tập hợp lại để động viên, thúc đẩy nhau sáng tác. Ngoài Sài Gòn, có lẽ Tây Ninh là tỉnh có nhiều người làm thơ, viết văn và hoạt động hăng say nhất. Đáng kể là Văn nghệ Trăng Vàm Cỏ Đông, Văn nghệ Lãng tử, Thi văn đoàn Trăng Núi Điện, Bút nhóm Cỏ Hồng, Thi văn đoàn Mây Núi Điện, Bút nhóm Tiếng Lòng Vàm Cỏ… thường xuyên có thơ đăng trên các nhật báo và xuất bản nhiều tập thơ, ấn phẩm đặc san quay roneo hoặc in typo. Ngoài ra còn nhiều cây bút độc lập không theo một nhóm nào.

     Vào năm 1965, tại trường Trung Học Công Lập Tây Ninh, xuât hiện nhóm B.BIÊN GIỚI do Sa Chi Lệ, Tạ Thành Căng, Lý Tưởng Hóa và Trần Nguyên Thủy  khởi sướng: 1967 – Đã in tập thơ đầu tay: Mùa Xuân Trong Tình Yêu Thành Phố gồm: Điệp Thuyên Ly- Sa Chi Lệ- Trần Thy Dã Tràng. Ngay sau đó nhóm B.Biên Giới phát hành tập san Trần Gian số mùa thu 1967. Chủ trương: Điệp Thuyên Ly, Sa Chi Lệ, Vũ Ngọc Đức & Đỗ Định Khúc. Với một số cây bút thành danh góp mặt:

    -Từ Trẩm Lệ-Trần Dạ Từ-Trần Tuấn Kiệt, Nhã Ca-Thanh Việt Thanh-Dương Trữ La-Mây Viễn Xứ-Lưu Vân-Huỳnh Nhược Thủy…

      Đến đầu thập niên 70,  Không khí văn nghệ Tây Ninh thật sinh động với nhiều khuôn mặt trẻ mê làm văn nghệ: Trần Nguyên Thủy, Hồ Chí Bửu, Sa Chi Lệ, Trần Duyên Tưởng… chung tay làm tập san Động Đất ra được 3 số. Đồng thời, tập san Đất Đứng  do các cây bút Trần Thế Diêm Sinh, La Ngạc Thụy, Thy Vy Lệ (Vũ Miên Thảo)… thực hiện. Tiếc rằng, những tập san kể trên chỉ thực hiện được vài số rồi thôi. Nguyên nhân thì có nhiều, chủ yếu là do không kham nổi kinh phí in ấn, vì hầu như những người chủ trương đều còn ngồi trên ghế nhà trường trung học và giảng đường đại học hoặc mặc áo lính, chưa ai có thu nhập ổn định, mỗi người lại ở một nơi, ít khi tập hợp đầy đủ. Tuy nhiên, năm:

      1969: Sa chi Lệ ấn hành tập thơ Quỳ Xuống

      1971, nhóm Động Đất ấn hành tập thơ: Tình Khúc Em Trên Đỉnh Cao Sơn. Không lâu sau, nhân Sa Chi Lệ đang nằm dưỡng bệnh trong Quân Y Viện Tây Ninh, Trần Thế Diêm Sinh thực hiện cho Sa Chi Lệ tập thơ bỏ túi Nước Mắt Rêu Rong được nhiều người nhắc nhở…

      1973: Sa Chi Lệ ấn hành tập thơ Đôi Mắt Phù Sa

      1974: Tập Thơ Viết Ngoài Mặt Trận – Trong Quân Y Viện của Sa

                Sa Chi Lệ bị Bộ  Dân Vận & Chiều Hồi cấm xuất bản.

Sau giải phóng 30.4.1975, các nhóm văn nghệ đã tự thân giải tán và hầu như ngưng sáng tác. Mãi đến năm 1984, khi tỉnh Tây Ninh thành lập Ban vận động để hình thành Hội Văn Nghệ Tây Ninh, một số cây bút đã hồi sinh và gia nhập hội, trở thành lực lượng tiên phong, nồng cốt của hội đến hôm nay. Khi các phương tiện thông tin đại chúng phát triển, đặc biệt là mạng internet đã thôi thúc lực lượng văn nghệ sĩ mở các trang Weblogs cá nhân để tự mình phổ biến tác phẩm. Rầm rộ nhất vào những năm đầu thế kỷ 21. Trong đó trang weblogs của anh La Ngạc Thụy góp mặt trên diễn đàn vào năm 2008 nhanh chóng có tầm ảnh hưởng trên cả nước. Ban đầu cũng chỉ là trang weblogs cá nhân với tên miền ngacthuy.vnweblogs.com, tuy nhiên trang này lại khác với các trang khác với nhiều chuyên mục được mở ra, đăng tải tác phẩm đủ thể loại của những tác giả trên cả nước. Từ đó, để đáp ứng sự quan tâm của bạn đọc, anh La Ngạc Thụy đã nâng tầm từ weblogs lên website và mời thêm một số thân hữu cộng tác thành lập Trang văn học nghệ thuật Đất Đứng với tiêu chí là “Nơi trao đổi, ươm mầm văn học – giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam, hoạt động phi chính trị, phi lợi nhuận – một vùng đất để mọi người cùng đứng chân” được một số nhà văn, nhà thơ đồng hành trong Ban quản trị, như cố nhà văn Nguyễn Đức Thiện, nhà văn Trần Hoàng Vy, nhạc sĩ Nguyễn Quốc Đông, nhà thơ – Bác sĩ Nguyễn Thế Nhiệm, nhà thơ Phiêu Vân, nhà thơ Nguyễn Văn Tài… phụ trách các chuyên mục. Do nhiều nguyên nhân các vị trên đã rút chân. Sau nhiều lần củng cố, Ban quản trị Ðất Ðứng hiện đã ổn định và hoạt động suốt thời gian qua gồm các nhà văn, nhà thơ La Ngạc Thụy, Vũ Miên Thảo, Vĩnh Thuyên, Minh Phương, Lãng Thanh, Kha Tiệm Ly. Đến đầu năm 2017 Ban quản trị còn lại là La Ngạc Thụy, Vũ Miên Thảo, Vĩnh Thuyên, Thế Diệp. Song song với trang website, Ban quản trị Đất Đứng còn chủ trương xuất bản những tuyển tập Văn Thơ – Lý luận phê bình, đến năm 2017 đã phát hành 14 số, mỗi số dày từ 120-140 trang, in 500 tập mỗi kỳ.

 Cũng cần ghi nhận thêm về trang WEB Đất Đứng. Trước năm 1975 do các anh La Ngạc Thụy, Vũ Miên Thảo, Trần Thế Diêm Sinh chủ trương ra hẳn tập san cùng đồng hành với tập san Trần Gian và Động Đất. Tiền thân của tập  san Đất Đứng là tập san Văn nghệ Tây Ninh in roneo, ra được 2 số thì đổi tên thành Đất Đứng. Việc đổi tên này cũng là một giai thoại. Nhớ lại, sau khi tập san Động Đất ra đời, anh La Ngạc Thụy từ trường Sư Phạm Phước Tuy về Tây Ninh đã cùng Vũ Miên Thảo, Trần Thế Diêm Sinh uống cà phê tại quán cóc Cây Xoài (Góc cửa 3 chợ Long Hoa) đã nói vui: Động Đất nghĩa là không còn đất đứng, sao mình không đổi tên Văn nghệ Tây Ninh thành tên gì có ý nghĩa hơn một chút! Trần Thế Diêm Sinh sau một hồi suy nghĩ đã vỗ đùi: Vậy mình lấy tên là Đất Đứng đi. Họ không còn chỗ đứng thì mình tạo vùng đất để mọi người cùng đứng chân. Vũ Miên Thảo gật gù tán thành: Đất Đứng còn có một nghĩa khác nhân văn hơn, chẳng những tạo một vùng đất mà còn tạo một  luồng sinh khí mới hơn, an lành hơn cho  niềm đam mê của các bạn viết trẻ đang quây quần quanh ta?. Thế là tập san Đất Đứng ra đời, in typo, khổ 20×23 cm, bìa in 2 màu và phát hành được 2 số. Trong quá trình thực hiện may mắn được nhà thơ Viên Linh chủ trương Tuần báo Khởi Hành hỗ trợ khâu maket, giấy phép xuất bản, sau đó mang bản thảo về Tây Ninh in tại nhà in Lê Thành (Long Hoa). Tiếc rằng hiện nay không còn ai lưu giữ được.

Trong quá trình hoạt động, Ban quản trị nhiều lần thay đổi, nhưng mục tiêu vẫn giữ vững. Ngoài việc xuất bản những tuyển tập, Đất Đứng còn tổ chc 2 cuộc bình chọn “Thơ Hay và Thơ Lục bát hay” và một cuộc thi thơ. Với sự tài trợ của nhà thơ – bác sĩ Nguyễn Thế Nhiệm, Đất Đứng mở “Cuộc bình chọn thơ lục bát hay trên Đất Đứng” được sự hưởng ứng của các tác giả trên cả nước gởi tác phẩm tham gia. Cuộc bình chọn được sơ kết phát giải hàng tháng và trải qua 5 tháng có 15 tác giả đạt giải và 05 tác giả có lời bình hay nhất. Cố nhà văn Nguyễn Đức Thiện – Trưởng ban giám khảo cuộc bình chọn đã đánh giá: Điều thực đáng mừng, số tác giả tham gia gửi thơ để bạn đọc bình chọn, không chỉ bó tròn trong tỉnh Tây Ninh mà mở rộng ra  trong phạm vi cả nước. Có tác giả ở các trung tâm lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Có tác giả ở miền Tây sông nước như Cần Thơ, Cà Mau, Đồng Tháp, Tiền Giang… Có tác giả sống trên cao nguyên như Lâm Đồng, Gia Lai, Đắklắc… rồi có cả những tác giả ở miền Trung như Quảng Trị, Khánh Hòa… Vẫn còn những tác giả ở nhiều địa phương khác đã gửi bài tham gia nhưng Đất Đứng chưa kịp đăng tải. Điều này thể hiện sân chơi này đã thu hút nhiều người sáng tác thơ trong cả nước. Cái lẽ đơn giản  là thế này: Làm thơ là một nhu cầu của những người yêu thơ. Họ cần một sân chơi để thể hiện mình. Ở sân chơi ấy có được một vài độc giả của mình như thế là đủ. Đất Đứng với trang bình chọn lục bát hay đã làm được như vậy. 

Năm 2012-2013, Ban quản trị với nhân sự mới đã đề ra chủ trương mở cuộc “Bình chọn Thơ Hay trên Đất Đứng” lần thứ 2. Cuộc bình chọn diễn ra từ ngày 01/12/2012 và tổng kết phát giải vào ngày 31/01/2013, giải nhất thuộc về nhà thơ TT. Áo Trắng, giải nhì Trần Nhã My, giải ba Phương Uy và giải lời bình hay nhất thuộc về tác giả Mộc Lan Hoa đọc bài thơ “Chợ chiều Tân Phú” của nhà thơ Vũ Thiện Khái. Và cuộc bình chọn được nhà tài trợ đồng  ý nâng tầm lên thành “cuộc thi Thơ Hay trên Đất Đứng” với chủ đề “Ca ngợi quê hương đất nước và tình người, thể hiện đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam”. Có thể nói, đây là cuộc thi đầu tiên do một trang website văn học tổ chức. Thế nhưng lại được đông đảo tác giả cả nước gởi tác phẩm tham gia với 437 tác phẩm của 138 tác giả trên khắp mọi miền đất nước và nước ngoài. Đặc biệt 2 thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh có nhiều người tham gia đông nhất. Ngày 24.5.2014, Đất Đứng đã tổ chức tổng kết phát giải nhân dịp họp mặt kỷ niệm 6 năm Đất Đứng góp mặt trên diễn đàn văn nghệ. Giải thưởng do Công ty gạch COSINCO – Tây Ninh tài trợ. Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng đạt giải nhất, nhà thơ Ngưng Thu đạt giải nhì, nhà thơ Trần Hồng Giang đạt giải ba và 5 giải khuyến khích của các nhà thơ: Hà Nhữ Uyên, Hải Thụy, Vĩnh Thông, Trang Ly, Huỳnh Nhân.

 Có thể nói, các thi văn đoàn hoạt động từ những năm 60 thế kỷ trước là bước đệm và một số văn nghệ sĩ thời đó đã trở thành lực lượng nồng cốt của Hội Văn học Nghệ thuật Tây Ninh.

*La Ngạc Thụy


Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét