Thứ Tư, 22 tháng 12, 2021

TỪ MỐI “LƯƠNG DUYÊN” GIỮA NGUYÊN LẠC VÀ CHÂU THẠCH - Phê bình VŨ THỊ HƯƠNG MAI

  


Công bằng nhận xét thì ông Nguyên Lạc có những bài viết hay với những tìm tòi, những giá trị đóng góp nhất định. Giá như không có mấy chuyện ì xèo ngoài văn chương như thời gian vừa qua thì hình ảnh ông Nguyên Lạc sẽ đẹp hơn. Bài viết này, bắt đầu từ mối “lương duyên” giữa 2 ông Nguyên Lạc và Châu Thạch, khởi nguồn phát sinh ra những chuyện không nên trong giới văn chương chữ nghĩa. Thật buồn là phần nhiều dù vô tình hay cố ý thì những mâu thuẫn đó đều có sự bắt đầu từ ông Nguyên Lạc. 

 

Đây là những suy nghĩ chân thành của tôi, hy vọng ít nhiều ông Nguyên Lạc và những người trong cuộc sẽ tĩnh tâm nhìn nhận lại mình, dần dần xóa đi những hình ảnh méo mó thời gian qua.

 

Năm 2017, tôi không nhớ vào tháng mấy, lúc đó ông Châu Thạch hình như chưa quen ông Nguyên Lạc. Tình cờ nhà phê bình Châu Thạch đọc bài thơ “Quê Hương” cúa ông Nguyên Lạc, thấy có nhiều cảm xúc nên đã viết lời bình. Sau đó ông Nguyên Lạc kết bạn Facebook với ông Châu Thạch và giao lưu qua lại rất thân mật. 

 

Trong lời bình bài thơ “Quê Hương”, nhà phê bình Châu Thạch đã viết nhiều lời có cánh cho thơ của ông Nguyên Lạc.

                    

I- NHỮNG LỜI CÓ CÁNH VỀ NGUYÊN LẠC CỦA CHÂU THẠCH:

 

Quê hương của Nguyên Lạc là thứ quê hương thực tế trong thời thơ ấu. Chùm khế ngọt và con đường rợp bướm vàng bay đẹp thật đấy nhưng chắc chắn hình ảnh đó không bao giờ khiến ta nhớ bằng hình ảnh “Qua sông, kham khổ từng ngày/ Thân mẹ vai gầy, gánh khô”.

 

Nhìn bức tranh quê hương của Nguyên Lạc hình như ta thấy nó không có gì mơ mộng nhưng nó lại rất gần với ta. Bức tranh hiển hiện lại cho ta những ngày nhảy nhót ở đồng quê. Tiếng chữi của bà, thước khẽ của thầy, vết roi của cha, những trái me chua, những viên kẹo chia nhau, có tiếng cười, có nước mắt cho ta sống lại hoàn toàn một thời huy hoàng của tâm hồn nhưng khó nhọc bởi đời sống tại nông thôn.”

 

Cuối cùng Nguyên Lạc khác với Đỗ Trung Quân. Đỗ Trung Quân khuyên phải nhớ quê hương vì quê hương có bao điều tốt đẹp,  Nguyên Lạc muốn quên quê hương vì quê hương “Muộn phiền cay đắng mà thôi” nhưng rồi muốn quên mà không quên được, lại còn làm cho nỗi nhớ dâng cao:”

 

Đọc đoạn kết trong bài thơ “Quê Hương” của Nguyên Lạc ta có cảm tưởng hình như có câu trả lời cho hai câu thơ của Đỗ Trung Quân: “Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nỗi thành  người”. Câu trả lời ấy như sau: không ai không nhớ quê hương, bởi vì muốn quên mà quên không được. Khổ thơ cũng cho ta một suy luận: có lẽ người có thể quên quê hương, người có thể phá quê hương là những người đang ở trên quê hương. Bởi những người đi xa, không có quê hương nên mới nhớ, không thể không nhớ được. Họ cũng không cầm vận mệnh quê hương trong tay nên cũng không làm sao phá được bằng những người trực tiếp với quê hương.”

 

Một thời gian sau, ông Nguyên Lạc viết bài Góp Ý Về “Đường Thi Hậu Hiện Đại”, giới văn chương chữ nghĩa cho rằng ông Nguyên Lạc “mượn” chuyện góp ý để đả kích nhà phê bình văn học Châu Thạch, và cũng làm nhiều người đặt nghi vấn phải chăng việc gây ra cuộc bút chiến này để ông Nguyên Lạc làm nổi tên tuổi mình? Đó là tiếng nói của dư luận mà những người trong cuộc khó kiểm soát được cảm xúc, dễ bị “cái tôi” che “mờ mắt”. 

 

Đấy là dư luận đánh giá, không phải quan điểm của tôi.

 

II- VỚI BÀI BÌNH THƠ ““XUÂN ĐỢI NHÉ” THƠ LÃNG UYỂN CHÂU: ĐƯỜNG THI HẬU HIỆN ĐẠI” CỦA CHÂU THẠCH:

 

Sau khi bài “Hai Bài Thơ “Quê Hương” Hai Tâm Tình Khác Biệt” đăng trên Trang Đặng Xuân Xuyến vài ngày, anh Đặng Xuân Xuyến tâm sự: - “Hôm qua, chị Nhã My cũng gửi đăng cảm nhận về bài “Quê Hương” của Nguyên Lạc, anh  nói với chị ấy là bài đó thường lắm, sao cả chị, cả chú Châu Thạch đều dành nhiều lời có cánh như thế? Chị Nhã My bảo vì xa quê hương nên đồng cảm với tâm trạng của Nguyên Lạc mới viết vài dòng cảm nhận.”. Sau đó, anh Xuyến nói tiếp với tôi: - “Tướng ông Nguyên Lạc này sống không có hậu, anh e chú Châu Thạch sẽ ân hận.”, thì quả thật một thời gian sau, ông Nguyên Lạc viết bài “Góp Ý Về “Đường Thi Hậu Hiện Đại” dù có yêu mến ông Nguyên Lạc thế nào, muốn bao biện cho ông Nguyên Lạc thế nào thì cũng phải thừa nhận bài viết đó nhằm công kích ông Châu Thạch:

 

Trước khi phân tích tính không chính xác lời phát biểu của Nhà bình thơ Châu Thạch, tôi xin được ghi ra đây vài ý

 

Hãy thật lòng mình, đừng bẻ cong ngòi bút vì tư lợi, ý đồ, phe cánh hoặc vì tiếng tăm người khác gắn cho bài thơ, cho thi nhân.v.v… mà vội vàng hít hà khen thưởng, không thẩm định kỹ. Nên nhớ rằng, khen “quá lố” có khi làm hại người được khen.

 

Cũng đừng đóng “hòm” trước rồi chặt chân xác chết cho vừa cái “hòm”. Có nghĩa là đừng đưa ra tiêu chí chủ quan riêng mình rồi

 

Còn riêng ông Châu Thạch thì không có theo thủ pháp nào cả, "vô chiêu" (Chắc ông muốn mình vô địch như Lệnh Hồ Xung, "vô chiêu thắng hữu chiêu", xỉa bậy kiếm vào vòng tròn của đối thủ, người đang canh giữ tù nhân Nhậm Ngã Hành dưới đáy Động Đình Hồ trong Tiếu Ngạo Giang Hồ của Kim Dung?), nên "cái áo khoác Veston" rộng thùng thình, dài phủ gối, phủ đầu khiến tác giả bài thơ bây giờ phải ngậm ngùi vì không biết thơ mình ở thể loại nào "chẳng giống ai": Vua chẳng ra vua, mà hề chẳng ra hề. Than ôi!”

 

Sau đó cuộc bút chiến xảy ra, không phân thắng bại. Một thời gian sau, bạn đọc thấy những bài viết “phê bình” khác của ông Nguyên Lạc không nhắm vào ông Châu Thạch mà chĩa mũi công kích vào những nhà thơ mà ông Châu Thạch ái mộ, đã viết nhiều bài bình về thơ của họ.

 

III - VỚI BÀI BÌNH THƠ “THUYỀN NEO BẾN LẠ” CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN:

 

 Theo tôi, bài thơ “Thuyền Neo Bến Lạ” của Phúc Toản là một bài thơ hay và nhà thơ Đặng Xuân Xuyến đã phát hiện ra những điểm sáng, những chi tiết đắt giá của bài thơ nên viết vài lời cảm nhận để chia sẻ với tác giả thơ, với bạn đọc. Tiếc là ông Nguyên Lạc đã viết bài “Vài Suy nghĩ khi đọc bài bình thơ Thuyền Neo bến lạ” với chủ ý “hạ bệ” nhà thơ Đặng Xuân Xuyến đã “bẻ cong” ngòi bút (cách ông Nguyên Lạc vẫn dùng để quy kết các bài bình thơ mà ông đố kỵ với tác giả) để vụ lợi, rồi miệt thị trình độ của nhà thơ Đặng Xuân Xuyến là việc làm không đúng. Bài viết đó đã bị nhiều nhà văn, nhà thơ như Nguyễn Khôi, Nguyễn Xuân Dương, Thái Quốc Mưu, Trần Quốc Phiệt, Trần Thắng... phản đối ở mấy điểm:

 

- Ông Nguyên Lạc buộc tác giả thơ cũng như tác giả bình thơ phải theo suy nghĩ của ông ấy, phải lấy tâm lý nhân vật của ông ấy là điều thật ngô nghê.

 

- Ông Nguyên Lạc quen tật ấu trĩ là dạy những điều cơ bản cho người bình thơ, cái mà không một cây bút bình thơ nào không biết.

 

- Ông Nguyên Lạc đòi dùng chữ “ôi” thay chữ “Ơ” của nhà thơ Phúc Toản thì thật buồn cười. Chữ “Ơ!”  biểu hiện một sự ngạc nhiên bất ngờ, chưa đủ thời gian để cơ thể có phản ứng gì. Chử ‘ôi’là chỉ niềm đau đã thấm sâu trong cơ thể. Tác giả dùng chữ “ơ’ rất hay.

 

- Ông Nguyên Lạc bắt buộc câu “Gừng cay muối mặn” chỉ được dùng khi  trai gái đã thành vợ chồng thì rất vô lý. Đây là một câu ca dao chỉ tình nghĩa sâu đậm thắm thiết vì vị mặn của muối và vị cay của gừng rất đậm đà, rất khó quên nên dầu chưa thành vợ thành chồng, chưa làm lễ “hợp cẩn” thì tác giả dùng cái ý để chỉ tình yêu khắng khít sâu đậm không sai.

 

- Ông Nguyên Lạc chỉ trích câu thơ “Nỗi buồn cứ nhói vào trong nỗi mừng” thì thật là cưỡng hiếp nhân vật. Nhân vật trong thơ có hoàn cảnh của nhân vật trong thơ. Vừa mừng vừa buồn cũng như vừa cười vừa khóc là cảm xúc tự nhiên trong lòng nhân vật mà họ đã bộc lộ ra ngoài một cách tự nhiên. Ta chỉ thấy và biết có sự  giằng co trong lòng họ. Nhà thơ viết “Nỗi buồn cứ nhói vào trong nỗi mừng” là ý thơ diễn tả đầy đủ tâm trạng giằng co buồn vui lẫn lộn trong lòng tác giả. Còn vì sao buồn vui lẩn lộn thì có khối lý do để giải thích.

 

- Hai chữ “nỗi” trong cùng một câu dùng để nhấn manh sự đối kháng xảy ra, sự giằng co giữa mừng và buồn, chỉ một hiện tượng tâm lý dằn vặt xảy ra trong lòng nhân vật mà Nguyên Lạc chê thì đúng là chịu thua sự hiểu và dùng câu chữ của ông Nguyên Lạc.

 

- Ở đoạn khen, Nguyên Lạc còn nói “Cũng phong cách ấy người sau phải làm hay hơn người trước”. Nói như vậy thì ai làm thơ lục bát cũng phải hay hơn cụ Nguyễn Du chăng?

 

- Ông Nguyên Lạc dùng bài viết để soi mói đời tư, nhục mạ tác giả thơ, tác giả bình thơ, phân định phe ta phe địch... là không chấp nhận.

 

 Nói chung bài viết của ông Nguyên Lạc chỉ chăm chăm moi cái đẹp ra chê thành xấu để làm bẽ mặt người bình, để tự đánh bóng tên tuổi ông ấy. Đấy thật sự là việc làm rất đáng phê phán của ông Nguyên Lạc.

 

Quý bạn đọc tham khảo thêm ở link dưới đây:

https://dangxuanxuyen.blogspot.com/2019/02/thua-chuyen-cung-ban-oc-ve-bai-viet-cua.html

 

Điều đáng trách là sau vụ “Thuyền Neo Bến Lạ”, ông Nguyên Lạc lại cố ý lồng vào rất nhiều bài viết để “làm xấu” nhà thơ Đặng Xuân Xuyến là: “muốn tạo dáng, muốn ta đây "riêng một góc trời" / “cố đưa vào trong thơ mình một vẻ gì khập khiễng, gượng gạo như một kiểu tạo dáng kém tự nhiên, khiến câu thơ tối tăm, khó hiểu.” / “ngữ lực yếu kém của bản thân nhà thơ: Không hiểu rõ hoa sao biết nó đẹp xấu, thơm thúi? Không biết rõ người con gái sao ta yêu thương được?” / “hai chữ "thầm thĩ " có gì "ghê gớm" hơn thầm thì đâu mà phải uốn éo tạo dáng để ra vẻ?” /  “Đây là cái trò MA GIÁO của Đặng Xuân Xuyến khi thêm mấy câu cuối này vào bài thơ HỜN DỖI của tôi. Tự thêm rồi tự chụp ảnh rồi phát tán khắp Email gần 100 người”...v.v... nhiều lắm, khiến nhà thơ Đặng Xuân Xuyến không thể nhịn được phải lên tiếng bằng bài viết “Vài Lời Về Mấy Bài Viết Gần Đây Của Ông Nguyên Lạc” đưa ra vài sai phạm của ông Nguyên Lạc, trong đó có vụ đạo thơ của ông Nguyên Lạc.

 

 Quý bạn đọc tham khảo thêm ở link dưới đây:

https://dangxuanxuyen.blogspot.com/2019/12/vai-loi-ve-may-bai-viet-gan-ay-cua-ong.html

 

IV - VỚI BÀI THƠ “NGHIÊNG” CỦA NHÀ THƠ LA THỤY

 

Bài thơ “Nghiêng” là một bài thơ hay của nhà thơ La Thụy (Phú Đoàn) nhưng qua bài “bình”, ông Nguyên Lạc đã “hô biến” “Nghiêng” thành bài thơ dở. Ông Nguyên Lạc “bình” thế này:

 

“Chỉ có "xỉn" rượu và do đó "xỉn tình đời" mới nghiêng ngả, chông chênh. Và do đó TRĂNG nghiêng theo, đổ sầu vào lòng tác giả. Phải không?

 

Đây là "cơn hứng" (phút xuất thần) của tác giả khi "xỉn rượu" đầy tâm tư, nhớ TÌNH, ĐỜI. Rượu giải phá "thành sầu" nhưng được không? Hay là càng sầu thêm.”

 

“Một bài thơ hay phải có ba yếu tố: vần, nhạc và họa” “Thơ không có vần, nhạc, họa cũng giống như bộ xương thịt đã mát hết. Ai có thể ôm ấp, làm tình với bộ xương”

 

 “Tuy nhiên về vần, theo chủ quan, cách ngắt dòng của La Thụy chưa hoàn toàn đạt”

 

“Theo tôi câu 4 ngắt dòng như thế này thì tuyệt, ̣xin ghi lại bài thơ

 

1. Ai từng chao nghiêng

2. Chắt lắng hết hương mê

3. Chừ hoài niệm

3.' Len lỏi ngoằn ngoèo

4. Trong ký ức

5. Tình xưa hẹn ước

6. Chông chênh rơi mất ánh trăng thề?”

 

Ông Nguyên Lạc còn “chỉ dạy” nhà thơ La Thụy cách làm thơ. Đây là hành động cực kỳ phản cảm của ông Nguyên Lạc bởi không ai làm thế với bạn thơ, nhà thơ khác cả: 

 

“Theo tôi câu 4 ngắt dòng như thế này thì tuyệt, ̣xin ghi lại bài thơ

 

1. Ai từng chao nghiêng

2. Chắt lắng hết hương mê

3. Chừ hoài niệm

3. Len lỏi ngoằn ngoèo

4. Trong ký ức

5. Tình xưa hẹn ước

6. Chông chênh rơi mất ánh trăng thề?”

 

May thay, sau đó vài ngày, nhà thơ Phạm Đức Nhì đã dành cho “Nghiêng” của La Thụy những lời công bằng, đặt Nghiêng” vào đúng tầm của bài thơ:

 

“Có thể nói Nghiêng của La Thụy là bài thơ phá hết mọi lề luật - chỉ giữ lại chút vần. Vần không chỉ thoang thoảng rất vừa độ ngọt mà vị ngọt cũng khác lạ. Không phải cái ngọt bình thường của đường mía hay đường thốt nốt mà hình như là vị ngọt của mật ong nguyên chất từ chốn rừng sâu núi thẳm.”

 

“Cảm xúc từ tầng 1 (câu chữ) và tầng 2 (thế trận) - đặc biệt là tầng 2 - khá mạnh. Độc giả thật sảng khoái khi bài thơ - lúc ấy cũng là bản nhạc - đi đến giai kết hoàn toàn (cadence parfaite). Chữ “thề”, có âm vang của chữ “mê” trợ lực, trở về chủ âm hết sức ngọt ngào. Vì bài thơ quá ngắn, có cảm xúc ở tầng 3 nhưng rất nhẹ.”

 

“Tóm lại, Nghiêng là bài thơ ngắn, ngắn nhưng hoàn chỉnh. Thi ảnh đẹp, thi pháp mới lạ”.

 

Và nhà phê bình văn học Châu Thạch cũng đã kịp thời lên tiếng phản biện những lời bình có vẻ như là “dìm hàng” của ông Nguyên Lạc:

 

Bài bình của Nguyên Lạc không nói được gì cho bài thơ cả ngoài việc cho người đọc thấy tác giả say và xỉn và chếnh choáng mà thôi. Đem câu “Dục phá thành sầu tu dụng tửu” vào đây để biện luận cho lời bình chỉ là phá thêm cho bài thơ hay mất đi nhiều ý nghĩa thâm thúy, vô biên và quyến luyến.”

 

Quý bạn đọc tham khảo thêm ở link dưới đây:

https://dangxuanxuyen.blogspot.com/2019/02/ban-ve-ba-bai-binh-tho-nghieng-cua-la.html

 

V- VỚI BÀI THƠ “NGŨ NGÔN TÌNH” CỦA NHÀ THƠ TRẦN MAI NGÂN:

 

Bình về “Ngũ Ngôn Tình, với tôi thì đây là một bài thơ hay của nhà thơ Trần Mai Ngân, ông Nguyên Lạc viết thế này:

 

"Tôi chẳng vui chẳng buồn" Vậy cái này là ai sầu?: "Một nhịp sầu đang tuôn!"


Nhịp gì đó "đang tuôn" thì tự nó đâu có vui hay sầu, vui hay sầu là do người cảm nhận ̣(ở đây là tôi). Tôi đã "vô cảm" - nhìn sự vật không buồn, không vui - thế thì theo "Tam Đoạn Luận" kết quả ra sao? - Với ý nói là không logic: Hai "tiền đề" nghịch nhau nên không thể đưa đến "kết đề". Mới vừa nói tôi không buồn (sầu) không vui , nghĩa là nhìn sự vật không nghe/ thấy sầu hay vui, lại nói ngay nhịp "sầu" vậy là phủ nhận câu vừa nói, sao "phản" logic vội vàng quá vậy? Chờ chút rồi nói sau không được sao
?” 

 

Tôi không đồng tình với cách cảm thơ và cách bình thơ kiểu “bắt chẹt” của ông Nguyên Lạc vì đó là cách giết thơ, giết cảm xúc với thơ, không ai cảm thơ, bình thơ như thế. 

 

Cảm thơ để bình thơ phải bằng sự vô tự, bằng cái tâm trong sáng, như nhà thơ La Thụy (Chủ bút trang Bâng Khuâng) đã khách quan phản biện:

 

Thơ có những cái nghịch mà Hàn Mạc Tử khi viết bài Tình Quê: 

 

“Gió chiều quên ngừng lại

Dòng nước luôn trôi đi

Ngàn lau không tiếng nói

Lòng anh dường đê mê”

 

Khi gió chiều quên ngừng lại thì làm sao ngàn lau không tiếng nói được”.

 

Nhưng ông Nguyên Lạc vẫn công kích bài thơ “Ngũ Ngôn Tình” của nhà thơ Trần Mai Ngân, đến nỗi nhà phê bình văn học Phạm Đức Nhì, bạn “chí cốt” của ông Nguyên Lạc cũng phải lên tiếng:

 

Ô hay! Ông bạn của tôi hơi bị quờ quạng rồi.

 

Mỗi bài thơ có vô số điểm, mặt, góc cạnh để độc giả thưởng ngoạn – và nếu có nhã hứng – bàn thảo tranh luận. Anh Nguyên Lạc chọn tính logic “thuận lí” để bàn cãi là quyền của anh. Tôi chọn tâm tình và tứ thơ để góp vài lời về tính nết nhẹ nhàng, dễ mến của tác giả là quyền của tôi. Bình luận của tôi hoàn toàn không dính líu, đụng chạm đến đề tài tranh luận của anh. Làm sao có thể nói là tôi xác định quy trình gì đó của anh là sai (hay đúng) được?”

 

Tôi nghĩ ông Nguyên Lạc không “chọn tính logic thuận lí” mà là cố ý công kích nhà thơ Trần Mai Ngân.

 

Quý bạn đọc tham khảo thêm ở link dưới đây:

https://phudoanlagi.blogspot.com/2019/06/oc-ngu-ngon-tinh-tho-tran-mai-ngan-chau.html#more

 

VI - VỚI VĂN SĨ THÁI QUỐC MƯU:

 

Nếu tôi không nhầm thì sau góp ý của văn sĩ Thái Quốc Mưu với ông Nguyên Lạc về cách giới thiệu bản thân trên trang facebook cá nhân thì 2 ông Thái Quốc Mưu và Nguyên Lạc đã sảy ra mâu thuẫn, lời qua tiếng lại, tiếng bấc tiếng chì. Ông Nguyên Lạc một mặt kêu gọi ông Kha Tiệm Ly, bào đệ của ông Thái Quốc Mưu, tham gia để ông Thái Quốc Mưu gỡ bài xuống, một mặt đem đời tư của văn sĩ Thái Quốc Mưu ra thêm mắm thêm muối nhằm làm xấu hình ảnh vợ chồng ông Thái Quốc Mưu. Biết ông Thái Quốc Mưu tuổi cao, đi lại khó khăn, lại đang nuôi vợ bị bệnh, ông Nguyên Lạc đe kiện ông Thái Quốc Mưu ra tòa, ra điều kiện ông Thái Quốc Mưu muốn yên thân phải gỡ bỏ bài đã viết về ông Nguyên Lạc dù đó chỉ là bài phiếm chỉ. Đấy là những gì tôi đọc được từ những comment trên facebook của cả 2 ông Nguyên Lạc và Thái Quốc Mưu.

 

Theo comment của nhà thơ Đặng Xuân Xuyến dưới bài “Vài Lời Về Bài “Vụ Án Đạo Ý ThơCủa Ông Nguyên Lạc” chia sẻ trên trang facebook cá nhân Đặng Xuân Xuyến, thì:

 

Vốn là người luôn tự ý thức lánh xa những bon chen vụ lợi của người đời nên ông nín nhịn, không lời qua tiếng lại, chấp nhận "là con rùa rụt cổ" trước thái độ xấc xược, hả hê của kẻ đốn mạt Nguyễn Lạc. Tưởng chuyện đã lâu, cũng chẳng lời qua tiếng lại, và thi thoảng còn đàm đạo thơ văn với Nguyên Lạc nên ông không thể ngờ mấy ngày cuối cùng của năm 2019, kẻ tiểu nhân bỉ ổi Nguyên Lạc lại xuyên tạc chuyện đời tư của ông để "trả thù" "Phản Hồi Bài Viết Của Nguyên Lạc - Kể Tự Xưng Từng Làm Thầy Giáo" ông viết từ 23 tháng 02 năm 2019.”

 

Đọc comment của nhà thơ Đặng Xuân Xuyến sẽ có người phản ứng anh gay gắt quá nhưng khách quan đặt vào hoàn cảnh liên tục bị ông Nguyên Lạc tạo ra những “sóng gió” đẩy vào anh thì mọi người sẽ thông cảm và đồng cảm. 

 

Tôi ít lên facebook, chỉ khi nào thật cần thiết mới lên facebook mà cũng rất chớp nhoáng nên cũng chỉ phong phanh chuyện gần đây từ thư đi thư lại của 2 ông Nguyên Lạc và ông Thái Quốc Mưu trong hộp thư chung 80 email do nhà thơ La Thụy chia sẻ và mấy bài tranh cãi gần đây của 2 ông trên facebook. Nhưng việc ông Nguyên Lạc cùng ông Lại Quảng Nam miệt thị ông Thái Quốc Mưu là Hán lai, là gốc Tàu với những comment như thế này: “Tôi cho rằng Phú Đoàn đánh lận con đen quốc tịch của “Thái Quốc mưu” mang tên như người Việt, họ Thái của anh Tàu này chắc phải khác với họ Thái của người Việt. Đừng bỏ người Việt có họ Thái vào cùng lồng với anh Tàu này.” Và nhiều câu nữa tôi không tiện trích dẫn thì bạn đọc hẳn rất nhiều ái ngai về nhân cách ông Nguyên Lạc cùng những người bạn của ông. Tôi thật buồn khi phải đọc những chữ đó từ những người vẫn phê phán người khác là “văn hóa đường phố”, “bỏ bóng đá người”, “không biết dùng kính ngữ”.

 

Cứ như nhà thơ Nguyễn Khôi: “Kính các Bác, họ Thái ở Việt Nam gốc ở Hà Tĩnh... có nguồn gốc hậu duệ họ Vua Mạc Thái Tổ (Đăng Dung), sau khi bị tập đoàn Lê -.Trịnh tiêu diệt, con cháu chạy trốn cải sang trên 20 họ khác nhau, độc đáo có họ Hoàng, họ Thái, họ Lều, họ Bế, họ Nguyễn... còn họ Thái của bác Thái Quốc Mưu... thì phải hỏi bác ấy, theo thiển ý của Nguyễn Khôi khi bàn luận Văn chương thì nên nghe theo lời của cụ Bảng nhãn Lê Quý Đôn xưa đã dạy: “Văn chương là của chung Thiên hạ, mỗi người một ý, bình phẩm góp ý thì được, chứ không nên chê mắng”. Ở ta từ sau 1945 đến nay hơi nhiều người khi bình phẩm Văn chương đã không luận bàn về Văn chương mà thường lồng quan điểm Địch / ta, soi mói đời tư, bóp méo sự thật, chụp mũ quy kết gây tổn thương phiền lòng bạn đọc?!!” thì cuộc đời sẽ đẹp đẽ, thơm hương biết bao.

 

Thật lòng mong những góp ý chân tình của tôi sẽ lọt tai những người trong cuộc, nhất là nhà thơ, nhà phê bình văn học Nguyên Lạc để bầu không khí văn thơ trên những trang báo mạng không làm “tổn thương phiền lòng bạn đọc”. Và nếu những dòng chân thành của tôi làm ai đó phật ý, nổi giận thì tôi cũng chân thành xin lỗi. Tôi sẽ không có bất cứ phản hồi nào nếu ai đó “phản biện” bài viết này!

 

*.

Hà Nội, 04 tháng 01.2020

VŨ THỊ HƯƠNG MAI

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét