Thứ Hai, 13 tháng 12, 2021

ĐÁNG NGẠI VỀ “VĂN HÓA” NÓI TỤC Ở LỚP TRẺ - Phiếm luận Vũ Thị Hương Mai

 



"Nói tục chửi bậy" tưởng chừng như một chuyện nhỏ, chẳng có gì đáng bàn, nhưng thực chất nó đang là vấn đề khá bức xúc trong giới trẻ ngày nay. Ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào, chúng ta cũng có thể nghe được những lời tục tằn được phát ra từ những cô, cậu nhìn bề ngoài thì rất "bảnh choẹ" và lịch sự. Nhiều khi chính bản thân người nghe còn cảm thấy xấu hổ nhưng người phát ra nó thì lại tỉnh bơ như không. Nói hài hước nhưng lại là sự thật, đứng trên xe bus khoảng 20 phút, bên cạnh 4 cậu sinh viên nhìn rất đẹp trai, lịch sự nhưng tôi đã đếm được không dưới 30 câu nói tục. Tần suất nói những câu tục tĩu ấy của mấy cậu sinh viên lớn đến mức mà hành khách cùng chuyến xe đều phải để ý và lắc đầu, còn phụ xe thì phải nhắc nhở. Những câu đại loại như "đéo" đối với dân chuyên nói tục có lẽ còn là quá nhẹ, còn vô số những câu mà người nghe được không thể tưởng tượng nổi.

 

Không phải chỉ cánh Công tử mới "trơn mồm" phát ra những câu tục tằn dễ sợ ấy mà cả các "tiểu thư" nhìn rất thanh lịch cũng làm người ta phải bất ngờ và sửng sốt. Xen vào những giọng oanh vàng, trong trẻ là những từ mà đáng lẽ ra chỉ có thể thấy được ở dân "chợ búa".

 

Gia đình chị H đều là cán bộ có chức vị của nhà nước, đều là dân trí thức, không bao giờ nói tục, thậm chí là một tiếng "lóng" trước mặt con cái, nhưng hai thằng con trai thì càng lớn càng khó kiểm soát lời ăn tiếng nói. Với bố mẹ thì chúng vẫn lễ phép, ngoan ngoãn, nhưng nói với nhau thì mày tao, ra ngoài thì nói đệm, nói tục văng mạng. Bố mẹ đã rất nhiều lần phản ứng trước kiểu ăn nói ấy của mấy cậu con trai nhưng lại nhận được câu trả lời ỡm ờ: "Bố mẹ quê thật, bây giờ đứa nào chẳng thế. Với lại bọn con chỉ nói ở bên ngoài như thế thôi, còn nói với người lớn vẫn rất lễ phép đấy". Nhưng dù sao điều đó cũng gây cho cha mẹ và những người thân những lo lắng, phiền lòng.

 

Bà Nội của một cô cháu gái đã 21 tuổi ở cạnh nhà tôi đã phải than phiền rằng: "Con gái con lứa có học hành hẳn hoi, thế mà nói năng bặm trợn như con trai. Nó bảo suốt ngày ở công ty phải lịch sự, mệt mỏi lắm rồi, lúc về nhà hay gặp bạn bè thì phải nói như thế cho thoải mái". Quả là, ngày nay con con gái có bặm trợn, nói đệm, nói tục nhiều và thoải mái hơn nhưng điều đó dường như vẫn khó có thể chấp nhận. Nói về hiện tượng ấy, Tiến sỹ Nguyễn Thị Minh Thái giải thích: "Có lẽ quan niệm về bình đẳng giới là nguyên nhân của hiện tượng nam nữ đang "đua nhau" nói tục. Tuy vậy ở Việt Nam - ảnh hưởng của nho giáo, nên nghe một câu văng bậy từ miệng cậu con trai vẫn dễ chấp nhận hơn từ một cô gái, nhất là một cô gái xinh xắn, hồn nhiên văng bậy giữa chốn đông người thì thật khó chịu".

 

Một giảng viên đại học ở Hà Nội đã than thở rằng: "sinh viên nói tục, nói đệm đã trở thành phong trào. Các bạn ấy nói thường xuyên, trong lớp học, trong căng tin, ra ngoài đường....". Cô còn nói thêm: "Một hôm tôi đang dắt xe ở bên lề đường thì có một toán thanh niên cả nam lẫn nữ đèo nhau phóng nhanh ra từ trong trường Đại học, rồi rú ga chửi thề với nhau trên đường suýt nữa thì xảy ra tại nạn".

 

Tuấn và nhóm bạn cùng trường phổ thông cho biết: "Trong nhóm nếu nói kiểu lịch sự sẽ bị coi là khách sáo và sến. Xưng hô mày - tao, nói đệm, nói tục khiến bọn em thấy vui vẻ, bình đẳng, sòng phẳng hơn, dễ phê phán nhau hơn, đặc biệt là thể hiện được bản lĩnh của mình". Cậu ta kể rằng: "Em có thói quen nói bậy từ khi phải chuyển từ một trường học  nổi tiếng sang trường mới do học lực hơi đuối. Ở lớp mới có một nhóm bạn sống ồn ào và nổi bật, nói tục dường như trở thành phong cách của nhóm, nhất là những khi đi chơi". Kết cục là Tuấn đã có cảm hứng nên đã nhập hội: "Dần dần em bắt đầu nói tục và không cảm thấy những từ đó là quá xấu. Nhiều khi bọn em còn cố tình nói tục và nói lớn tiếng để được người khác chú ý, rằng mình có bản lĩnh không sợ gì ai".

 

Thực ra không phải tất cả những người có thói quen nói tục đều không nhận thức được rằng những người xung quanh đang không đồng tình, thậm chí khinh ghét cách nói năng của mình. Có lẽ một phần cũng do thói quen, không thể sửa chữa được, nên cứ úi xùi cho qua. Một học sinh đã phân bua ngay cho một câu nói tục "nhỡ miệng" của mình: "Em cũng biết nói tục là không hay, nhưng khó bỏ qua".

 

Sự "lây lan" của "văn hóa" nói tục quả là đáng sợ. Đến mức chúng ta cảm tưởng nói tục với nhiều bạn trẻ đã trở thành "phản xạ". Rất đơn giản, chỉ cần mấy cậu "choai choai" đi không cẩn thận chạm xe vào nhau là có thể quay lại văng tục, chửi thề ngay lập tức, chưa cần biết ai đúng ai sai. Mà những hiện tượng ấy đang xảy ra rất phổ biến ở mọi nơi.

 

Chúng tôi đã có dịp trao đổi với một số giáo viên dạy trong các trường từ tiểu học đến đại học trên địa bạn thành phố Hà Nội về thói quen nói tục, nói bậy trong trường học của học sinh, sinh viên. Kết quả là học sinh càng lớn càng nói bậy nhiều, học sinh các trường có tên tuổi thì mức độ nói bậy có ít hơn những trường hạng trung và dân lập; Những trường đại học có tính thực hành cao, các sinh viên cũng thường thoải mái hơn trong cách ăn nói; Những cô cậu học sinh, sinh viên con nhà giàu có, được nuông chiều, ham chơi, lười học... đều là những thành phần khó tránh khỏi tình trạng nói tục chửi bậy... Nắm bắt được tình trạng ấy nên nhiều trường từ phổ thông đến đại học đã nhiều lần tổ chức các buổi trò chuyện phát động phong trào không nói tục, chửi bậy nhưng kết quả thì cũng chỉ dừng lại ở "phát" chứ chưa "động".

 

Quả là nói tục, chửi bậy ở giới trẻ ngày nay đang thực sự là một căn bệnh trầm trọng, nhưng giải quyết nó lại là một việc không đơn giản chút nào, vì nó thuộc vào phạm trù nhận thức, đạo đức, và cả thói quen của con người. Bản thân tôi nghĩ điều này chỉ dễ đối với học sinh tiểu học, còn khi đã lớn lên rồi thì việc uốn nắn, sửa chữa là rất khó. Chính vì thế biện pháp kết hợp nhắc nhở không nói tục chửi bậy trong các tiết học giáo dục công dân với những buổi họp phụ huynh học sinh là vô cùng quan trọng. Hơn thế nữa, Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng còn đưa ra ý kiến: "Trong môi trường trường học nếu bị mất mẫu mực, các thầy cô không làm gương được cho học trò hoặc không triệt để trong việc bài trừ những thói quen xấu thì trách gì khi ra đường chúng ta cứ phải nghe bọn trẻ nhồi nhét đầy tai những từ thô lậu, cục cằn".

 

Tôi thiết nghĩ rằng, ứng xử văn hóa trong giao tiếp đòi hỏi phải có cả một quá trình rèn luyện, đó là một phần quan trọng của quá trình xã hội hoá. Những đứa trẻ sinh trưởng trong gia đình gia giáo, nền nếp, được bố mẹ quan tâm giáo dục từ cử chỉ, lời ăn tiếng nói ngay từ nhỏ thì chắc chắn khi lớn lên sẽ có hành vi ứng xử, giao tiếp lịch sự, văn minh. Hầu hết những cô cậu hư hỏng, hay nói tục chửi bậy thường có hoàn cảnh gia đình lục đục, bố mẹ thường xuyên cãi vã, ăn nói bậy bạ, thiếu văn hóa.

 

Chính vì vậy, trong gia đình hay ở các trường học đều cần phải coi trọng việc giáo dục đạo đức, lễ tiết để hình thành và hoàn thiện nhân cách cho lớp trẻ. Cần phải tạo ra một môi trường giao tiếp văn minh lịch sự để tạo dựng nên những con người sống có văn hóa trong cộng đồng.

 

*. 

VŨ THỊ HƯƠNG MAI

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét