CHƯƠNG I
MỘT CUỘC TRUY SÁT
Mưa như trút nước. Khu rừng mờ mịt âm u. Trời sấm sét dữ dội. Những tia chớp như xé bầu trời. Trong khu rừng thưa dưới chân núi Linh Sơn, trời vừa xế nhưng màu trời đã nhuộm đen, một màu đen ảm đạm.
Căn nhà ba gian lợp tranh khá rộng nằm dưới những tàng cây cổ thụ, vẫn vững chắc dưới cơn mưa bão. Qua ánh sáng của ngọn đèn dầu chai chao đảo, bập bùng vì gió, nhưng vẫn còn đủ sáng soi rõ những đồ đạc thiết kế trong nhà. Lối vào cửa chính, ngay giữa nhà kê một bàn dài và sáu ghế tựa, tất cả đều bằng tre gai rừng già, được đôi bàn tay khéo léo của gia chủ đóng thành. Trên bàn, ở giữa để bộ bình trà bằng men sứ Bát Tràng, phía sau bộ bình trà là chồng sách màu giấy đã ố vàng. Đó là bộ sách võ thuật mà chủ nhân căn nhà luôn trân quí. Bên cửa sổ kê một bàn vuông có phủ khăn trắng, trên cửa sổ treo hai thanh kiếm gát chéo nhau thành hình chữ thập xiên. Trên bàn có một chậu hoa tươi. Cạnh bàn, rèm trúc che khuất giường ngủ. Cạnh đó là một chiếc tủ đựng quần áo và vật quí, vì ngoài ổ khoá ngầm, chủ nhân còn gắn khoen và khoá thêm một ổ khoá to tướng. Bên cạnh tủ, trên chiếc giường tre dài có kê chiếc rương cũng được khoá cẩn thận. Ngoài những vật dụng trên, trong nhà không thấy thứ nào khác, chứng tỏ chủ nhân căn nhà có cuộc sống rất đạm bạc.
Không ai biết chủ nhân căn nhà từ đâu đến. Ba năm qua họ sống âm thầm, ít giao du với người xung quanh, dù dưới chân núi, xa xa mới có một căn nhà và toàn vùng chỉ có hơn chục căn. Cuộc sống cư dân ở đây chuyên trồng chuối sứ, làm rẫy và săn thú. Chủ nhân căn nhà đến đây khai khẩn hơn ba mẫu đất, cất một căn nhà tranh bằng gỗ rừng, cột chôn nên rất chắc chắn, bất chấp những cơn mưa bão. Đất còn lại trồng toàn cây ăn trái, đủ loại. Nhiều nhất là chuối sứ và mãng cầu ta, phân ra từng khu. Nhìn lối sống của họ tưởng chừng họ không mơ ước gì hơn một cuộc sống yên lành và hạnh phúc bên nhau.
Chủ nhân căn nhà tuổi độ trên bốn mươi, người tầm thước, khoẻ mạnh rõ nét là người luyện võ. Gương mặt trầm tĩnh, rắn rỏi trải qua nhiều xông pha nguy hiểm khi tuổi còn trai tráng. Cứ vài ba ngày mang cung tên đến phía sau núi săn thú rừng. Mỗi lần đi đều mang về nào thỏ, chồn… Thỉnh thoảng có cả nai, mễn…
Vợ chủ nhân tuổi cũng trạc bốn mươi, đẹp thuỳ mị. Bà có mái tóc dài nhưng lúc nào cũng búi cao.mặt trái xoan và đôi mắt lúc nào cũng long lanh như ướt lệ. Bà ở nhà lo chăm bón vườn cây và chăm sóc, dạy dỗ hai đứa con trai. Đứa lớn khoảng mười ba, mười bốn tuổi, mặt sáng sủa thông minh, dáng người khoẻ mạnh như người luyện võ, đã biết gánh vác những việc nặng nhọc giúp mẹ như gánh nước, bổ củi… Đứa nhỏ cũng đã hơn mười tuổi, khôi ngô cũng như anh, tuy nhiên không được khoẻ mạnh lắm, có lẽ do trải qua cơn sốt rét rừng nên da xanh xao, mắt hơi vàng. Gương mặt phảng phất giống cha hơn giống mẹ.
Dân làng xung quanh biết tên hai đứa bé nhờ mẹ chúng hàng ngày gọi tên để sai bảo hoặc dạy dỗ. Đứa lớn tên Lã Quân Bảo, đứa nhỏ tên Lã Quân Thuỵ. Còn bà họ Ngô. Ngoài ra không ai biết tên tộc của họ là gì và quen gọi là Lã đại nhân và Ngô đại nương.
Ba năm qua gia đình Lã đại nhân sống chan hoà hạnh phúc với nguồn vui thú điền viên.
Cho đến đêm nay, một đêm mưa gió bão bùng, căn nhà tranh êm ấm đó bỗng dưng nổi cơn bão tố.
Ngọn đèn dầu chai vẫn chao đão theo từng cơn gió giật. Hai đứa trẻ mải mê chúi đầu vào quyển sách. Ngô đại nương ngồi nhìn hai con, thỉnh thoảng ngước nhìn sấm chớp ngoài trời, lòng nặng trĩu lo âu. Gió giông, mưa to đã hơn hai canh giờ mà Lã đại nhân vẫn chưa về. Thường ngày, dù có đi săn xa đến đâu, ông vẫn đoán được thời tiết nên luôn về trước cơn mưa hoặc đang mưa độ một khắc.
Đêm nay thật khác thường.
Trời vẫn mịt mù mưa bão, tối đen như mực. Ngô đại nương lo lắng, nghĩ ngợi lung tung. Bà lo có thể ông đã trượt chân xuống vực thẳm? Hay đã gặp thú dữ? Từ ngày âm thầm ẩn lánh vào núi rừng này, chưa bao giờ thấy hổ báo xuất hiện. Vả chăng, đối với võ công của ông thì loài hổ báo và vực sâu ông cũng không lo ngại gì lắm.Vậy thì, tại sao mãi đến bây giờ ông vẫn chưa về?
Lo thì lo. Nhưng Ngô đại nương vẫn tin tưởng võ công đã đến mức xuất thần nhập hoá của Lã đại nhân, ông sẽ vượt qua cơn nguy hiểm. Lã đại nhân từng vào sinh ra tử, chiến đấu bên cạnh Quang Trung Hoàng đế từ lúc mới phất ngọn cờ đào khởi nghĩa cho đến khi đại thắng quân Thanh vào năm 1789. Lã đại nhân chính là một cận tướng hợp cùng năm huynh đệ khác thành Lục Long cận tướng của vị tướng tài bách chiến bách thắng mà từ loài thảo khấu, cướp núi, cả giới lục lâm giang hồ nể mặt với uy danh Nhật Quang Kiếm tiên.
Trời mưa mãi rồi cũng dứt. Thay vào tiếng mưa rơi là tiếng ếch kêu rền rĩ tấu thành bản nhạc ưu hoài. Trong nhà vẫn yên ắng. Bỗng Ngô đại nương lao nhanh ra cửa, nhìn vào bóng đêm nghe ngóng. Có tiếng bước chân chạy vội và mệt nhọc bên ngoài. Rồi bóng Lã đại nhân lao vào cửa chính, toàn thân đầy thương tích, gục ngả nằm dài trên nền đất. Ngô đại nương hốt hoảng chạy lại ôm chầm lấy thân thể đẫm máu của Lã đại nhân kêu lên thảng thốt:
- Trời ơi! Sao lại thế này?
Lã đại nhân cố mở đôi mắt nhìn Ngô đại nương, gắng giọng thều thào:
- Đừng lo cho anh, hãy mau lấy kiếm phổ và mang hai con tìm nơi lánh nạn…
Ngô đại nương oà khóc:
- Tại sao? Tại sao lạo xảy ra thảm trạng này?
Lã đại nhân nói trong hơi thở dồn dập:
- Em hãy nghe lời anh, dẫn hai con chạy mau, kẻo không còn kịp nữa?
Ngô đại nương lòng nhói buốt chưa chịu rời Lã đại nhân:
- Ai tạo nên tội ác tày trời này?
Lã đại nhân dường như sắp hết hơi sức, cố thu tàn lực giục giã:
- Lên đường ngay đi…!
- Nhưng…
- Anh đã bảo, em không vâng lời, hối tiếc không kịp đâu!
- Anh phải cho em biết kẻ thù là ai?
Lã đại nhân cố thu tàn lực, thều thào:
- Là… là… Ngũ cận…
Chưa nói hết câu, Lã đại nhân gục đầu trong lòng Ngô đại nương tắt thở, đôi mắt còn mở to như hối thúc, như uất hận tràn đầy. Ngô đại nương gọi thất thanh:
- Lã Mai tướng công…
Giọng Ngô đại nương đứt quảng khóc thống thiết. Hai đứa trẻ nhìn thảm cảnh trước mắt nhưng cũng không hiểu được gì, chúng đứng sững sờ nhìn mẹ ôm xác cha gào khóc không kịp phản ứng. Nghe tiếng mẹ gọi tên cha thảm thiết chúng mới bừng tỉnh như vừa trải qua cơn ngủ mê. Chúng xô ngã hai chiếc ghế chạy ào đến ôm thi thể cha oà khóc:
- Cha ơi, cha ơi…
Ngô đại nương nghe tiếng khóc của hai con mới bừng tỉnh, sực nhớ đến lời dặn dò của chồng. Bà cố gượng dậy, bồng xác chồng đặt lên phản gỗ, rồi chạy vào mở rương lấy quyển kiếm phổ. Với tay lên khung cửa sổ rút vội hai thanh kiếm đến bên xác Lã đại nhân lâm râm khấn vái:
- Mệnh số chàng ngắn ngủi, đen bạc. Chết mà vợ con không kịp chôn. Hồn chàng có linh thiêng hãy phù hộ mẹ con thiếp vượt qua cơn nguy hiểm, thiếp nguyện sẽ báo thù cho chàng…
Khấn vừa dứt, Ngô đại nương vội dắt hai con chạy vào đêm tối không kịp để chúng lạy từ biệt cha một lần. Ngô đại nương vội dắt hai con nhắm hướng sau núi mà lao đi. Mưa đã tạnh hẳn nhưng sấm sét vẫn vang động, chớp loè liên tục bên kia núi. Trời vẫn âm u, mờ mịt…
Ba mẹ con chạy
mãi, chạy mãi. Không gian vẫn phủ màu đen tang tóc.
Hơi thở của Lã Quân Thụy đứt quãng, mệt nhọc. Ngô đại nương vội cúi xuống bồng
xốc con lên và tiếp tục chạy, không ngừng nghĩ. Lã Quân Bảo vẫn chạy bám sát
chân mẹ.
Định chừng kẻ thù không thể đuổi kịp, ba mẹ con dừng lại bên cây cổ thụ. Ngô đại nương đặt Lã Quân Thụy xuống và kéo Lã Quân Bảo lại gần. Bà ôm cả hai đứa vào lòng. Ôm hai con trong vòng tay mà tâm cang Ngô đại nương như bị ai giằng xé, nhói buốt. Nhưng Ngô đại nương vẫn cố dằn để hai con không bị sợ hãi. Lã Quân Bảo đã lớn, đủ trí khôn đoán biết lòng mẹ đang oằn oại, đớn đau. Lã Quân Bảo e dè hỏi:
- Ai giết cha con vậy mẹ?
Nhìn đôi mắt thơ ngây của Lã Quân Bảo, tim Ngô đại nương đau xé. Bà lắc đầu:
- Mẹ cũng chưa hiểu hết cội nguồn. Sau này nếu còn sống mẹ quyết truy tìm kẻ thù.
Bà nghiến răng:
- Hai con phải nhớ lời mẹ. Phải trả thù!
Bỗng bà nhìn ngoái lại phía sau. Lửa từ căn nhà yêu dấu đã bốc cao. Như vậy là kẻ thù đã tìm đến. Có lẽ chúng nổi giận vì tìm không gặp vật muốn tìm nên nổi lửa lên đốt nhà. Chắc chắn chúng sẽ truy đuổi ngay. Ngô đại nương than oán:
- Chắc chắn võ công của kẻ thù rất cao cường, nên cha con mới bị chúng sát thương. Nếu chúng truy đuổi kịp, mẹ cũng không phải là đối thủ. Bà nhìn vào trời đêm uất hận. Bỗng bà đi đến một quyết định. Ngô đại nương trao cho Lã Quân Bảo thanh kiếm. Bà dặn dò như trối trăn:
- Nếu bọn chúng đuổi kịp, mẹ sẽ liều mình ngăn chúng. Con cố bảo vệ em con trốn thoát, dò đường tìm đến Trung nghĩa Nhất trang, kể lại lai lịch và nhờ trang chủ truyền thụ võ nghệ, sau này truy tìm thủ phạm báo thù. Con gắng nhớ lời mẹ dặn và tuân thủ nghe theo.
Với số tuổi mười bốn, Lã Quân Bảo đủ trí khôn để hiểu rõ hoàn cảnh nguy cấp của mình và tầm quan trọng của việc bảo vệ em nên Lã Quân Bảo ngoan ngoãn gật đầu không phản ứng.
Ngô đại nương nhìn Lã Quân Thụy guơng mặt vẫn còn xanh xao do cơn bệnh sốt rét rừng chưa khỏi và vì quá sợ hãi mà đau lòng. Bà vuốt tóc con nói trong nghẹn ngào:
- Từ nay con phải xa mẹ thôi. Phải nghe lời anh con nhé!
Lã Quân Thụy vẫn im lặng, rúc mặt vào lòng mẹ. Từ lúc theo chân mẹ chạy trốn, cậu chưa nói một lời. Ngô đại nương ngỡ con còn sợ hãi nên không nói, chứ bà có biết đâu Lã Quân Thụy đang nén nỗi căm thù trong lòng. Ngô đại nương ngậm ngùi:
- Em con vừa trải qua cơn bạo bệnh, con cố chăm sóc cho em!
Ngô đại nương thò tay vào ngực lấy quyển kiếm phổ. Nhớ lời trượng phu, bà ngập chìm trong suy nghĩ:
- Có lẽ kẻ thù muốn chiếm kiếm phổ? Nhưng tại sao chúng biết tướng công đang giữ? Sau khi Quang Trung Hoàng đế băng hà, cử hành tang lễ xong, nhân lúc triều nội còn đang lo nhiều vấn đề hệ trọng, tướng công đã âm thầm rũ bỏ nhung gấm, từ giã chốn quan trường, dắt díu vợ con xuôi vào Nam và đến ẩn mình nơi đây không một người hay biết. Tại sao vẫn còn người tìm ra tung tích? Thật khó hiểu vô cùng?
Ngô đại nương chợt nhớ lời nói đứt quãng của chồng trước khi trút hơi thở sau cùng. Bà chỉ nghe được tiếng còn tiếng mất. Ngũ cận là gì? Tên một nguời hay bao nhiêu người? Ngô đại nương nhìn chăm chăm về phía ngọn lửa còn bốc cao, bà thét trong tâm tưởng:
- Ta quyết trả mối hận này!
0o0
Ngô gia trang nằm khuất sao ngọn đồi Yên Dũng thuộc phủ Quy Nhơn. Ngô trang chủ là người võ nghệ siêu quần, nhiều thao lược, cùng họ với Ngô Thì Nhậm quan Thị Lang dưới triều Lê Chiêu Thống. Chán cảnh quan trường và nhận thấy vận nươc đang hồi đen tối. Đàng ngoài chúa Trịnh thao túng, Đàng trong chúa Nguyễn chiếm cứ, sông Gianh ngăn cách đất nước, dân chúng lầm than cơ cực vì sưu cao thuế nặng. Các quan từ trên xuống dưới mặc tình vơ vét dân lành. Trộm cướp nổi lên khắp nơi. Ngô trang chủ dù là người thao lược, võ nghệ cao cường nhưng sống như người ẩn dật tại gia trang, cưới một người vợ là dân quê. Sau ba năm chung sống sinh được duy nhất một người con gái. Ngô trang chủ đặt tên con là Ngô Hiền Thục. Khi Ngô Hiền Thục lên hai tuổi, Ngô phu nhân lâm cơn bạo bệnh rồi qua đời dù Ngô trang chủ hết lòng chạy chữa. Khi con gái lên năm, Ngô trang chủ bắt đầu rèn luyện cho con cả văn lẫn võ. Khi lớn lên tiểu thư Ngô Hiền Thục đẹp thùy mị, đoan trang và nổi tiếng gần xa là văn hay võ giỏi. Ngô trang chủ đồng thời cũng thu nhận sáu đệ tử truyền tất cả sở học của mình. So với các sư huynh đệ, Ngô Hiền Thục tỏ ra không kém một ai.
Quy Nhơn nổi tiếng là miền đất võ. Ngô trang chủ là một người hùng tài, thao lược, dù chán cảnh quan trường nhưng lòng nhiệt huyết lúc nào cũng sục sôi trước bối cảnh đất nước đang hồi nhiễu nhương. Ông sớm biến Ngô Gia trang thành võ quán, đặt tên Ngô gia môn, đề ra gia quy hẳn hoi. Một trong mười hai điều gia quy, quy định rất rõ ràng: “Môn đệ của Ngô gia môn chỉ hành hiệp trượng nghĩa, giúp dân, giúp nước, không được tham gia vào quan trường”.
Môn chủ Ngô gia giải thích rất cặn kẽ với sáu đệ tử gia nhập đầu tiên lý do mà Ngô trang chủ đề ra gia quy đó. Thấu hiểu nỗi lòng sư phụ, các đệ tử nguyện tôn trọng môn quy. Hàng ngày cố công rèn văn luyện võ, chờ ngày thành tài xuất môn sống với cuộc đời hành hiệp trượng nghĩa.
Cuộc sống cứ nối tiếp qua những ngày êm đẹp. Một hôm, trong lúc mọi người đang luyện võ ngoài sân tập, thì có gia đinh vào báo:
- Thưa Môn chủ, có người tự xưng tên là Nguyễn Huệ ở vùng Thượng xin vào tham kiến.
Môn chủ khoát tay ra hiệu ngưng tập và cho phép sáu đệ tử được vào tiếp khách.
Vào đến đại sảnh, Ngô Hiền Thục trông thấy một tráng niên mặc võ phục xanh, lưng đeo trường kiếm, gương mặt khôi ngô, tuấn tú, dáng đứng thật oai hùng, hai tay khoanh trước ngực. Khi thấy mọi người bước vào. Thanh niên vòng tay:
- Chào Ngô bá phụ, điệt nhi Nguyễn Huệ xin vấn an bá phụ.
Môn chủ Ngô gia cười hớn hở:
- Không cần đa lễ. Ngồi, ngồi xuống. Hiền điệt ngày nay không còn như ngày xưa nữa, đang là một trong ba thủ lĩnh phong trào Tây Sơn. Hiền điệt cứ tự nhiên.
Sau khi phân ngôi chủ, khách, tiểu thư Ngô Hiền Thục đã đặt trước mọi ngừơi một tách trà hương thơm bay ngào ngạt. Môn chủ đưa tay mời:
- Mời hiền điệt và các con uống trà.
Sau hớp trà, Nguyễn Huệ vòng tay:
- Thưa bá phụ, các huynh đệ đây là…
Môn chủ không để vị thủ lĩnh phong trào Tây Sơn nói hết lời. Ông cười ha hả, giới thiệu:
- Đây là sáu đệ tử tâm phúc nhất của bá phụ. Bá phụ chuẩn bị cho hiền điệt một lực lượng bảo vệ trước mắt và sau này sẽ là những cận tướng.
Rồi ông ra hiệu cho các đệ tử tự giới thiệu về mình.
Đầu tiên là đại đệ tử Ngô Thúc Ngạn, nhị đệ tử Triệu Xuân Phong, tam đệ tử Lã Mai, tứ đệ tử Nguyễn Trinh, ngũ đệ tử Ôn Văn Hầu và cuối cùng là lục đệ tử Vũ Huỳnh Ngạc.
Môn chủ cũng giới thiệu con gái của ông, tiểu thư Ngô Hiền Thục đang đứng bên cạnh.
Nguyễn Huệ đứng lên vòng tay trịnh trọng chào từng người, thái độ hết sức khiêm cung, nhưng cũng không tỏ vẽ khách sáo, tỏ rõ bản lĩnh một danh tướng.
Sau vài tuần trà, Môn chủ Ngô gia hỏi Nguyễn Huệ:
- Hôm nay, hiền điệt viếng gia trang cần gì đến bá phụ, hiền điệt cứ nói, đừng ngại ngần gì cả. Tất cả mọi người có mặt ở đây tương lai sẽ là những cận vệ trung thành và đắc lực cho hiền điệt.
Nguyễn Huệ khiêm tốn:
- Thưa bá phụ, điệt nhi nào dám. Đệ tử của bá phụ là huynh đệ của điệt nhi. Bá phụ không nên nói thế các huynh đệ hiểu lầm. Điệt nhi đâu có ngại ngần vì sự hiện diện của các huynh đệ. Sở dĩ hôm nay điệt nhi đến đây, thay mặt các nghĩa sĩ Tây Sơn đến vấn an bá phụ và xin lời giáo huấn của bá phụ.
Môn chủ không khách sáo nói ngay:
- Hiền điệt cứ trình bày.
Nguyễn Huệ khẳng khái:
- Thưa bá phụ, hiện nay đất nước đang lầm than. Trên vua chúa mặc tình vơ vét, dưới dân chúng cơ cực đói khổ, đang rên xiết dưới ách thống trị tàn bạo. Anh em điệt nhi đứng lên dựng cờ khởi nghĩa, lãnh đạo nông dân vùng lên chống lại áp bức bất công, nhưng chưa thể vẫy vùng cho phỉ chí làm trai trong lúc dầu sôi lửa bỏng này. Anh em nghĩa sĩ mong muốn vời bá phụ đến bản doanh làm người mưu sĩ…
Không để cho Nguyễn Huệ nói hết lời, Môn chủ Ngô Gia vuốt chòm râu bạc cười sảng khoái:
- Bá phụ hiểu nỗi lòng của anh em nghĩa sĩ. Vận nước đang hồi nghiêng ngã, bất cứ người tâm huyết nào cũng không thể ngồi yên. Nhưng hiền điệt phải hiểu cho bá phụ. Đã trót ẩn danh lánh xa nơi xô bồ trọn kiếp người, hiền điệt thông cảm cho bá phụ. Còn nói về sách lược thì hiền điệt đã lĩnh hội hết sở học của bá phụ rồi. Hiền điệt cứ nghiên cứu sách lược đó vận dụng vào thực tế. Bá phụ tin là hiền điệt sẽ thành công. Hiền điệt đừng nài nỉ nữa!
-Nhưng …
-Nhưng gì nào?
Nguyễn Huệ ngậm ngùi:
-Bá phụ cũng biết, điệt nhi cùng Nhạc đại huynh và Lữ đệ ngày quên ăn, đêm quên ngủ để tìm phương sách an dân. Nhưng sức lực bọn điệt nhi có hạn. Vì bên ngoài trộm cướp nổi lên cướp phá, chém giết dân lành, lại còn bọn do thám của nhà Mãn Thanh ngày đêm rình rập, mua chuộc, lôi kéo bọn tham quan dọn đường cho Càn Long thôn tính nước ta lần nữa, mà bọn do thám đều là cao thủ võ lâm Trung nguyên.
Môn chủ trầm ngâm suy ngẫm một lúc rồi nói:
- Bá phụ hiểu nỗi khổ của hiền điệt. Cũng như bá phụ đã nói, sáu đệ tử của bá phụ là những người đắc lực phụ trách phần việc mà hiền điệt lo nghĩ. Hiền điệt đừng lo nghĩ về mặt này nữa, hãy toàn tâm toàn ý tìm sách lược thống nhất đất nước và chống giặc ngoại xâm. Hai tháng sau, bá phụ sẽ cho các đệ tử đến đại bản doanh nhận nhiệm vụ. Trước mắt hiền điệt cho điều tra nắm tình hình để phân phó cho các đệ tử.
Nguyễn Huệ nghe Ngô gia chủ giải quyết hết nỗi lo nghĩ của mình.Vị tướng trẻ của phong trào Tây Sơn thở phào nhẹ nhõm, đứng lên vòng tay cung kính:
- Cám ơn bá phụ đã chu toàn. Riêng các huynh đệ, Huệ này xin kết nghĩa đệ huynh cùng nhau lo việc lớn. Công việc về sau, chúng ta sẽ bàn bạc tại đại bản doanh.
Trong lúc mọi người đang đàm luận, Ngô tiểu thư đã xuống nhà sau cùng với các gia nhân chuẩn bị tiệc tẩy trần. Khi bàn luận xong, Ngô tiểu thư lên mời tất cả sang thực phòng dự tiệc. Mọi người vừa ăn, vừa cười nói thật vui vẻ. Nguyễn Huệ và các đệ tử Ngô gia môn hợp ý tâm đầu. Nguyễn Huệ lớn tuổi nhất được tôn làm đại sư huynh. Mọi người chén tạc, chén thù rất tâm đắc cho đến xế chiều. Nguyễn Huệ kiếu từ trở về đại bản doanh an tâm chờ đợi đệ tử Ngô gia môn.
Hôm sau, Ngô môn chủ triệu tập sáu đệ tử tụ hợp tại sảnh đường. Môn chủ ngự ở giữa, tiểu thư Ngô Hiền Thục đứng hầu bên cạnh. Sáu đệ tử ngồi xoay quanh trước mặt. Môn chủ lim dim hồi lâu, chợt mở bừng mắt ra, từ tốn nói:
- Hôm nay, sư phụ cho gọi các con đến đây để bàn một việc hệ trọng. Như các con đã biết, hôm qua Nhị thủ lĩnh nghĩa quân Tây Sơn Nguyễn Huệ đã tha thiết yêu cầu sư phụ cùng chung lo việc nước, nhưng các con đã hiểu ý ta. Do vậy các con phải thay ta và cũng là để đem sở học của mình giúp dân giúp nước mà thời gian qua các con đã cố gắng học tập, rèn luyện. Sư phụ đã truyền hết những sở học của mình. Sư phụ nhận thấy các con đã đủ sức hành hiệp giang hồ. Ngày mai các con trở về thăm quê nhà, đúng rằm tháng tám các con đến thẳng đại bản doanh của nghĩa quân nhận nhiệm vụ.
Lã Mai, đệ tử thứ ba, cũng là đệ tử được Môn chủ tin yêu nhất đứng lên toan nói. Nhưng Môn chủ đã khoát tay chận lại:
- Sư phụ chưa nói hết. Các con cố gắng lắng nghe và khắc ghi vào tâm khảm. Môn qui của Ngô gia là không được tham gia quan trường. Không phải ta muốn cấm cản các con không cho tiến thân lập danh, ghi tên mình vào sử sách. Như các con đã biết, sử sách đã ghi rành rành các gương của các vị đại thần đã chết oan hoặc lui về ẩn dật sau bao nhiêu năm đem hết tâm huyết của mình tìm phương sách giúp vua chống giặc ngoại xâm. Khi thanh bình giúp vua vỗ an bá tánh, lo cho dân giàu nước mạnh. Trong bất cứ triều đại nào cũng có bọn gian thần, xu nịnh tìm cách hảm hại trung thần để bọn chúng ngoi lên dù bọn chúng chẳng có công cán gì đối với triều đại, với dân, với nứơc mà nổi bật nhất là tấm gương của đại thần Nguyễn Trãi, ông đã bị án oan chịu tội tru di tam tộc, mãi đến đời vua Lê Thánh Tông nỗi oan của ông mới được rửa sạch, nhờ sự anh minh của một minh quân. Không phải sư phụ nghi ngờ phẩm chất và thuật dùng người của Nguyễn Huệ, mà còn tin chắc sau này Nguyễn Huệ sẽ dẹp tan thù trong, giặc ngoài thống nhất đất nước và Nguyễn Huệ đúng là một minh quân.
Nhưng ta nghĩ các con nên giúp Nguyễn Huệ bên ngoài, bằng cách tiểu trừ bọn giặc cướp và bọn võ lâm cao thủ do thám nhà Thanh để Nguyễn Huệ an tâm lo diệt trừ bạo chúa và chống giặc ngoại xâm. Nói như thế, không phải các con xa rời Nguyễn Huệ, mà các con là những người bảo vệ trung thành. Vì bảo vệ an toàn cho Nguyễn Huệ là gián tiếp các con lo cho vận nước. Cách nào cũng vinh quang cả. Chức tước mà Nguyễn Huệ ban cho các con, cao nhất các con có thể nhận là những cận tướng âm thầm và vô danh. Đó cũng là phương cách đảm bảo an toàn tính mạng cho các con. Các con hiểu ý sư phụ chứ?
Tất cả đệ tử đều đồng thanh trả lời:
- Chúng con tuân lời giáo huấn của sư phụ.
Môn chủ Ngô gia hớp một ngụm trà từ tay tiểu thư Ngô Hiền Thục dâng lên, nhìn các đệ tử với ánh mắt trìu mến. Lát sau, ánh mắt mới trở nên ngiêm khắc. Các đệ tử nhìn sắc thái của sư phụ biết rằng vấn đề trọng đại bây giờ sư phụ mới công bố. Ai cũng sửa lại tư thế ngồi cho nghiêm trang, chăm chú lắng nghe.
- Dù Nguyễn Huệ giao nhiệm vụ gì, các con cũng phải triệt để tuân theo, dù bắt các con chết. Vì đó là mệnh lệnh của dân của nước. Riêng đối với môn qui, các con phải tuân theo mệnh lệnh của đại sư huynh Ngô Thúc Ngạn, kể cả con ta. Xếp theo thứ tự thì Hiền Thục đứng hàng đệ tử thứ tư, sau Lã Mai.
Giọng Môn chủ bỗng dịu lại:
- Các con ghi nhớ lới ta. Ta mong rằng đệ tử Ngô gia môn không đánh mất uy danh của Ngô gia. Đây là những lới tâm huyết của sư phụ mong các con không phụ lòng ta.
Rồi ông quay sang tiểu thư Ngô Hiền Thục:
- Con xuống nhà sau cùng các gia nhân chuẩn bị tiệc tiển hành.
@@@
Đêm nay trăng sáng vằng vặc soi rõ cỏ cây, hoa lá. Chứng kiến đôi tình nhân quyến luyến chia tay. Bên khóm hoa quỳnh, Là Mai và Ngô Hiền Thục lưu luyến bên nhau. Đôi trai tài gái sắc, thật xứng đôi đang trao nhau từng nụ hôn nồng thắm của tình yêu đầu đời. Trăng đêm nay dường như sáng hơn những đêm trăng khác, như để chúc mừng cuộc tình đẹp của hai người. Hơn năm năm sống bên nhau cùng rèn văn luyện võ. Chỉ có đêm nay hai người sống trọn vẹn bên nhau. Trăng chênh chếch đỉnh đầu, vậy mà họ chưa nở chia tay nhau. Có cuộc hội ngộ nào mà chẳng chia ly. Ngô Hiền Thục trìu mến đặt vào tay Lã Mai chiếc trâm vàng có nạm ngọc xanh biếc mà nàng thường cài trên mái tóc lúc nào cũng buông xõa bờ vai, chỉ trừ những lúc luyện võ:
- Anh nhận chiếc trâm này để bên mình sẽ có ngày hữu dụng. Đây là của gia bảo, có tác dụng ngăn ngừa mọi chất độc xâm nhập vào cơ thể.
Lã Mai từ chối:
- Em nên giữ nó bên mình, vì nó cần thiết cho em hơn. Anh…
Ngô Hiền Thục vội đưa tay ngăn lại không cho Lã Mai nói hết suy nghĩ của mình:
- Gia phụ đã sắp xếp cho em ở bên anh dưới trướng sư huynh Nguyễn Huệ. Anh có thể đối đầu với bọn võ lâm Trung nguyên. Mà bọn chúng toàn là những cao thủ tà giáo, chúng không ngại dùng thủ đoạn, kể cả sử dụng chất độc. Anh cần nó hơn em.
Lã Mai bâng khuâng nhận chiếc trâm, anh cẩn thận cài lên búi tóc mình. Xong anh cúi xuống hôn lên đôi môi mọng đỏ của nàng, lòng nghe thanh thản đến kì lạ. Trăng trên cao đang mỉm cười với đôi bạn trẻ.
@@@
Hai tháng sau. Tại bản doanh của nghĩa quân Tây Sơn không gian như rực rỡ hơn cùng với ngọn cờ đào bay phất phới trước sân. Trong trang trại dành cho Long Nhương tướng quân, Nguyễn Huệ đang hân hoan tiếp đón sáu đệ tử của Ngô Gia môn. Toán quân đặc biệt này chỉ đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của vị tướng tài Nguyễn Huệ.
Sáu huynh đệ hôm nay mới nhận ra sự uy dũng của vị tướng trẻ tài cao này. Nguyễn Huệ phán đoán tình hình thật rõ ràng minh bạch như nắm hết trong lòng bàn tay. Yêu cầu đặt ra cho sáu nghĩa sĩ là tuyệt đối giữ bí mật thân phận mình. Vị tướng trẻ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng người. Lã Mai đuợc giữ lại bên mình như một cận vệ, đồng thời là người liên lạc, truyền chỉ thị khi cần thiết. Còn lại năm người toả ra khắp nơi dưới lớp áo hành hiệp giang hồ với nhiệm vụ do thám tin tức của địch, báo về đại bản doanh, đồng thời tìm cách hạn chế cuộc chém giết bừa bãi của cao thủ võ lâm Trung nguyên đối với võ lâm nước ta. Mọi người hân hoan nhận nhiệm vụ, vì khi phân công, vị tướng trẻ đã phân tích cụ thể từng vấn đề.
Do phải hoạt động bí mật để tránh bọn do thám nhà Thanh phanh phui ra mối quan hệ và có thể tìm cách trà trộn xâm nhập đại bản doanh gây tổn thất cho nghĩa quân khi còn trong trứng nước. Cho nên họ đến âm thầm và ra đi cũng thật âm thầm cho đến những nghĩa sĩ dưới trướng Nguyễn Huệ cũng không một ai hay biết.
Trước khi các nghĩa sĩ lên đường, Nguyễn Huệ đã ban cho mỗi người một chung Hoàng Cúc tửu và trịnh trọng tuyên bố:
- Kể từ giờ này các huynh đệ là Lục Long Cận tướng của ta, hiền muội Ngô Hiền Thục là Nhất Phụng liên lạc sứ. Tín vật liên lạc nhau là một thẻ bài có chạm hình rồng bay, đúc thật giống nhau, chỉ khác là mỗi thẻ có thêm các chữ nhất, nhị, tam, tứ, ngũ, lục để phân biệt thân phận từng người. Một tín vật khác là thẻ bài có chạm hình chim phụng đang cất cánh sẽ trao cho tiểu thư Ngô Hiền Thục. Các thẻ bài như những tín lệnh cho các lộ nghĩa quân chịu sự phân công và điều động của người cầm thẻ, mỗi khi cần thiết.
Vị tướng trẻ đưa các thẻ bài ra cho mọi người nhận diện và trịnh trọng trao cho từng ngừơi. Riêng tín lệnh Nhất Phụng sẽ trao cho tiểu thư Ngô Hiền Thục khi nàng đến nhận nhiệm vụ.
Sau khi năm nghĩa sĩ chia tay nhau phi thân ra khỏi doanh trại để thực hiện nhiệm vụ bí mật, mà chắc chắn nhiệm vụ nào cũng cực kỳ khó khăn và nguy hiểm, có thể dẫn đến họa sát thân. Nhưng không một ai tỏ thái độ chần chừ hay e ngại. Lã Mai đứng thừ người dõi theo bóng các huynh đệ mất hút sau rặng cây rừng. Long Nhương tướng quân chầm chậm bước tới vỗ tay lên vai người võ sĩ cận vệ đang đứng bất động.
- Tam hiền đệ đừng buồn. Ta giữ hiền đệ lại bên mình để giao nhiệm vụ quan trọng hơn. Đây cũng là do sự sắp xếp của Ngô bá phụ.
- Thưa thũ lĩnh…
Nguyễn Huệ khoát tay:
- Đừng quá kích động. Nên nhớ chúng ta vẫn là huynh đệ kết nghĩa. Do đó không cần cung kính khi chỉ có hai ta. Tam đệ chỉ có vai trò vệ sĩ khi có mặt các tướng sĩ.
Lã Mai vẫn chưa trấn tĩnh, chàng vòng tay:
- Nhưng…
Nguyễn Huệ cười ha hả phá tan bầu không khí trầm trọng:
- Không “nhưn nhị” gì cả. Thật ra, ta giữ tam đệ lại không phải do sự gởi gấm của bá phụ, tam đệ đừng áy náy nữa. Trong sáu huynh đệ ta trọng vọng tam đệ nhất. Hãy ngồi xuống đây, ta có điều hệ trọng cần nói với tam đệ.
Tuy bảo Lã Mai ngồi nhưng Nguyễn Huệ vẫn đứng nhìn chăm chăm về phía án thư. Vị tướng trẻ đang suy ngẫm lại mọi điều, nhớ lại từng thái độ, tác phong của Lã Mai. Anh là ngừơi trầm tĩnh, trung tín, chưa có một thái độ nào lộ rõ là một ngừơi có nhiều tham vọng.
Nguyễn Huệ quay lại nhìn thẳng vào đôi mắt cương nghị của người thanh niên mới tròn hai mươi tuổi đang nhìn mình chờ đợi. Sau khi cân phân lợi hại và nhận thấy quyết định của mình sắp thực hiện không có gì sai. Nguyễn Huệ bước đến án thư lấy một quyển sách được đóng bìa cẩn thận và trang sách đã úa vàng chứng tỏ quyển sách có từ lâu lắm. Nguyễn Huệ đặt quyển sách trước mặt Lã Mai, trầm giọng:
- Đây là Nhật Quang kiếm phổ, một báu vật của tiền nhân để lại. Ta được sư phụ Trương Văn Hiếu cẩn trọng trao cho. Theo lời sư phụ thì Nhật Quang kiếm phổ đuợc Lão sơn nhân của phái Kim Quang, một kì nhân võ thuật đã từ những tinh hoa kiếm pháp của các võ phái nước Nam và năm đại môn phái Trung Nguyên, ông đã rút ra một bí quyết luyện kiếm vô thượng. Từ bí quyết đó, ông lĩnh hội được sự tinh tuý “kiếm nhập tâm, kiếm thành khí”. Nghĩa là khi luyện kiếm đến mức xuất thần nhập hoá, kiếm sẽ nhập tâm và biến thành kiếm khí. Ai luyện đến mức ấy, chỉ cần dùng nội lực thông qua ý nghĩ điều khiển kiếm quang theo ý mình, thu phát bằng tâm. Khi kiếm khí phát ra chỉ là một lằn chớp sáng loà như ánh nắng mặt trời đúng ngọ, nhanh như chớp giật, đả thương địch thủ trong tầm mười trượng, ngừơi bị trúng kiếm cũng không hề biết mình bị đả thương bằng cách nào. Lão Sơn Nhân đã luyện thành công và ghi những bí quyết đó truyền lại cho đời sau. Ông đặt tên cho bí kíp này là Nhật Quang kiếm phổ. Theo truyền thuyết, cách đây 800 năm, Ngô Quyền, một vị tướng tài dưới trướng Tiết chế Dương Diên Nghệ đã dùng kiếm khí này đánh tan quân Nam Hán mà chiến công hiển hách nhất là chiến thắng Bạch Đằng giang năm 983. Do bí quyết luyện kiếm đòi hỏi nhiều điều kiện phức tạp ít người kham nổi nên dần dần thất truyền.
Truyền thuyết cũng kể rằng, vào thời An Dương Vương, sau khi thần Kim Quy dâng móng thần đúc thành Nỏ thần ngăn chặn quân xâm lược Triệu Đà, thần Kim Quy cũng giúp Vương kết hợp khí thiêng sông núi và thần khí của chính mình đúc thành Lạc Hồng thần kiếm để bảo vệ Nỏ thần. Trước hai vũ khí lợi hại đó, khiến cho Triệu Đà phải dùng đến kế sách lợi dụng Thái tử Trọng Thủy làm con tin kết hôn cùng Công chúa Mị Nương để đánh tráo Nỏ thần mà sử sách còn ghi lại tạo thành thiên tình sử độc nhất vô nhị của nước ta và truyền lại cho đến hôm nay. Nỏ thần bị đánh tráo, thành trì bị thất thủ, An Dương Vương cùng Công chúa Mị Nương chạy ra biển Đông, mang theo thanh kiếm Lạc Hồng. Cùng đường chính An Dương Vương dùng thần kiếm giết chết công chúa và Vương cùng thần kiếm chôn vùi dưới đáy biển sâu.
Gần 500 năm sau có tin thần kiếm Lạc Hồng xuất hiện trở lại. Tin đồn đến tận Trung nguyên, bọn võ lâm cao thủ Trung nguyên đã vào nước ta truy tìm thần kiếm và đã gây ra những trận hỗn chiến đẫm máu để tranh giành thần kiếm. Thế nhưng thần kiếm đâu chẳng thấy, chỉ thấy cao thủ hai nước tàn sát nhau thật là thảm khốc.
Các đệ tử đời sau của Kim Quang phái, đứng trước cảnh võ lâm hỗn loạn đã nghĩ đến việc luyện tập Nhật Quang kiếm khí để đủ sức ổn định tình hình võ lâm nước nhà. Thế nhưng Nhật Quang kiếm phổ cũng đã mất tích theo vị trưởng môn phái Kim Quang. Võ lâm hỗn loạn một thời gian rồi cũng dịu đi. Bởi Lạc Hồng Thần kiếm cũng chưa nghe ai chiếm giữ được. Mãi cho đến khi Lê Thái Tổ phất cờ khởi nghĩa chống giặc Minh, thần Kim Quy mới tái xuất hiện và trao thần kiếm cho Lê Thái Tổ đánh đuổi giặc ngoại xâm chấm dứt một ngàn năm đô hộ của các triều đại phong kiến phương Bắc. Hồ Hoàn Kiếm hay hồ Gươm chính là nơi vua Lê Thái Tổ trao trả lại thần kiếm Lạc Hồng cho thần Kim Quy. Thần kiếm Lạc Hồng lại một lần nữa mất tích. Riêng Nhật Quang kiếm phổ này được sư phụ Trương Văn Hiếu nhặt được trong một hang núi trên Ngũ Hành Sơn trong một lần ông leo núi hái thuốc, bên cạnh bộ xương người đang còn trong tư thế nhập định. Ong mang về trao lại cho ta với hy vọng ta luyện thành công kiếm khí để chống thù trong giặc ngoài, cứu vớt dân lành thoát khỏi cảnh lầm than. Nhưng sau khi nghiên cứu kiếm phổ, ta nhận ra điều mà từ trước đến nay ít người luyện được trọn vẹn. Ta cũng ở trong số người đó, chưa đủ tư chất để tu luyện kiếm phổ.
Lã Mai ngồi nghe như nuốt từng lời của vị tướng trẻ. Khi nghe Nguyễn Huệ bảo mình chưa đủ tư chất, anh mới ngạc nhiên, bật thốt:
- Tại sao?
Nguyễn Huệ không chú đến thái độ của Lã Mai, người em kết nghĩa mà chính Nguyễn Huệ đặt hết kỳ vọng vào anh. Nguyễn Huệ điềm nhiên tiếp tục nói:
- Muốn luyện Nhật Quang kiếm khí, ngoài trí thông minh tuyệt đỉnh ra, người luyện kiếm phải có lòng nhân từ, không gợn một chút tư lợi, ích kỉ nào nhất là tâm phải định, có nghĩa là phải thanh thản không bận tâm đến việc gì. Điều này thì ta không có được. Trước vận nước điêu đứng, dân chúng lầm than, tâm ta không thể nào an được. Tam đệ là người luyện võ, chắc tam đệ hiểu điều này chứ. Muốn tu luyện kiếm thuật đến mức vi diệu đòi hỏi người luyện không thể phân tâm, mà luyện Nhật quang kiếm khí đòi hỏi Tinh, Khí, Thần phải hoà làm một. Tinh phải thiền, Khí phải sung, Thần phải định, nếu không kiếm khí không thể nào phát ra và dễ dẫn đến tẩu hỏa nhập ma, nguy hiểm đến tính mạng.
Nguyễn Huệ ngưng nói, hớp một ngụm trà nhìn mông lung ra ngoài trướng phủ. Dường như trước mắt vị tướng trẻ là tia chớp của làn kiếm khí uy vũ đang tìm diệt bọn tham quan, bọn do thám của triều đình Mãn Thanh.
Nguyễn Huệ như nói với khí thiêng sông núi:
- Ta nhận thấy tư chất của Tam đệ hội đủ Tinh Khí Thần để rèn luyện kiếm phổ. Hồn thiêng sông núi đặt hết kỳ vọng vào Tam đệ. Ta nghĩ Tam đệ không thể nào phụ niềm tin mà ta đặt hết vào Tam đệ.
Lã Mai xúc động thật sự và biết không thể nào từ chối, anh nâng quyển kiếm phổ ngang mày:
- Đệ xin tuân lời sư huynh. Đệ hứa với chính lương tâm của mình sẽ không phụ lòng chiếu cố của người đã đặt hết kỳ vọng vào đệ. Đệ chỉ ngại chưa đủ tư chất thông minh để lĩnh hội điều kì diệu của kiếm phổ, luyện khó thành công.
Lúc này Nguyễn Huệ mới nở nụ cười thật tươi :
- Ta nhìn ngươi không lầm đâu! Theo kiếm phổ thì Nhật Quang kiếm khí có hai giai đoạn thành đạt. Giai đoạn đầu đặt nền móng cho giai đoạn luyện kiếm khí. Thành công giai đoạn này, người luyện cũng trở thành đệ nhất giang hồ. Bởi lẽ, có thể dùng kiếm hoặc bất kì vật nào thay kiếm tấn công địch thủ với chiêu thế nhanh như chớp giật. Thành công giai đoạn này cũng có thể làm điêu đứng hàng cao thủ bậc nhất võ lâm. Phía bên kia núi có một hang động rất kín đáo. Kể từ ngày mai Tam đệ đến đó tham thiền luyện tập. Ta đã trút hết nỗi lòng , mong tam đệ vì vận nước, vì hào kiệt võ lâm nước Nam mà gắng sức. Thôi Tam đệ nghỉ, ta đến thao trường để tập trận cho nghĩa quân.
Ngô đại nương đang xuất thần nhớ về quá khứ, quên hẳn tai hoạ đang xảy ra. Cho đến lúc Lã Quân Thụy nắm tay mẹ lắc lắc lay gọi bà mới sực tỉnh:
- Mẹ, mẹ nhìn gì mà xuất thần vậy?
Ngô đại nương giật mình trở về thực tại. Nhớ đền hoàn cảnh hung hiểm của ba mẹ con, đại nương thảng thốt:
- Con nói gì?
Lã Quân Bão trả lời thay em:
- Mẹ suy nghĩ gì mà thừ người ra thế?
Ngô đại nương ôm hai con vào lòng, suy tính mọi lẽ. Xong đại nương dặn dò:
- Hai con nhớ lời mẹ dặn. Bằng mọi giá Quân Bão phải bảo vệ cho em cùng đến Trung Nghĩa Nhất Trang. Nếu mẹ có mệnh hệ nào hai con phải cố công rèn luyện Nhật Quang Kiếm phổ để trả thù rửa hận.
Lã Quân Bão hỏi:
- Nhưng kẻ thù là ai?
Ngô đại nương nói trong căm hờn:
- Trước khi cha con trút hơi thở cuối cùng chỉ thốt lên hai tiếng “Ngũ cận”. Mẹ cũng chưa hiểu là gì ? Hai con ghi nhớ, có thể ngày sau sẽ có manh mối từ hai tiếng ấy.
Lã Quân Bão dù mới mười bốn tuổi, vừa trải qua một tai hoạ thảm khốc nên ngầm hiểu ý mẹ, yên lặng gật đầu. Bỗng Ngô đại nương vụt đứng lên, lắng tai nghe ngóng. Dường như bà phát hiện có tiếng chân người phi thân về hướng ba mẹ con. Ngô đại nương vội buộc kiếm phổ vào mình Lã Quân Thuỵ, nói khẻ vào tai hai con:
- Để Quân Thuỵ giữ kiếm phổ, kẻ địch sẽ không ngờ. Nào hai con hãy lên đường theo lời của mẹ dặn dò.
Nhìn thái độ thiểu não nhưng cương quyết của mẹ, Lã Quân Bão dứt khoát đứng lên nắm lấy tay Lã Quân Thuỵ chạy vào bóng đêm.
Ngô đại nương nhìn theo bóng hai con, tim dường như thắt lại. Đại nương không thể tưởng tượng nổi cuộc sống đang yên lành lại nổi cơn sóng gió, nhà tan cửa nát gia đình ly tán, kẻ chết, người đang tìm đường bôn tẩu. Tội nghiệp hai đứa con thơ từ nay phải đương đầu với mọi nguy hiểm, không hiểu có thoát qua tai kiếp này không?
Tiếng phi thân ngày càng đến gần. Ngô đại nương vội lao mình thoát đi ngược với hướng hai con vừa chạy.
Vầng thái dương ló dạng sau đỉnh núi. Rừng cây thưa hơn. Nhìn cảnh vật, Ngô đại nương biết mình đang ở phía sau núi. Nơi này chưa một lần đại nương đặt chân đến. Trước tầm mắt đại nương là hố thẳm, bên kia là ngọn Hổ Sơn. Hố thẳm chạy dài xa tít, ngăn cách hai ngọn núi Linh Sơn và Hổ Sơn. Nhìn hố thẳm, đại nương tự lượng sức mình không thể nào dùng khinh thân bay qua được. Ngô đại nương thở dài:
- Cùng đường rồi chăng? Chẳng lẽ trời cao tuyệt tình thế sao?
Có tiếng chân người đuổi theo phía sau thật gấp. Trời đã sáng hẳn. Không có một ngách đá nào khả dĩ ẩn mình được. Kẻ thù đến chúng sẽ phát hiện ra ngay.
Ngô đại nương dường như kiệt sức khi nghĩ đến hoàn cảnh quá tuyệt vọng của mình. Đại nương nghĩ đến hai con, lòng quặn thắt. Đại nương chợt thét căm hờn:
- Ta liều chết với bọn khát máu.
Đúng lúc đó, năm bóng người mặc võ phục toàn đen, mặt bịt kín bằng vuông lụa đen, chỉ chừa lại đôi mắt. Trên tay mỗi người lăm lăm kiếm báu vây Ngô đại nương vào giữa.
Một gã cao to đứng trước mặt, nhìn Ngô đại nương hồi lâu, bỗng gã cười lên ghê rợn:
- Ha, ha… ngươi chạy đâu cho thoát!
Ngô đại nương đứng thẳng người lên không một nét sợ hãi, hai tay thủ song kiếm, thét hỏi:
- Bọn ngươi là ai?
Gã to lớn ngưng cười buông giọng sắc lạnh;
- Tử thần!
Ngô đại nương vẫn trầm tĩnh:
- Có phải bọn nguơi giết chồng ta?
Vẫn gã to lớn:
- Đúng vậy!
Đại nương hờn căm:
- Thù hận gì?
Gã đáp khô khốc:
- Không cần biết! Chỉ biết cả nhà ngươi phải chết.
Đại nương vẫn nhẫn nại:
- Thật vô lý!
Gã to lớn trả lời lạnh lẽo:
- Trong thời kỳ nhiễu nhương này không có gì là hợp lý cả. Chỉ có một đạo lý trên đời này là “để bảo tồn phải tàn độc”.
Ngô đại nương lòng quặn thắt:
- Có phải bọn ngươi muốn chiếm kiếm phổ?
Gã to lớn không cần giấu giếm:
- Đúng vậy!
Ngô đại nương cố kéo dài thời gian:
- Tại sao biết chúng ta có kiếm phổ?
Gã to lớn bí mật:
- Trên đời này, nếu không nói không làm thì không ai biết. Có nói có làm tất có người biết.
Bốn tên còn lại dường như nóng ruột, sợ gã to lớn kéo dài cuộc nói chuyện sẽ lộ hết nên một tên xen vào:
- Ngươi đã hỏi hết chưa?
Ngô đại nương vẫn trầm tĩnh:
- Còn…
Gã thứ hai đanh gọn:
- Dù còn, nhưng bọn ta đã hết thời gian. Hãy chuẩn bị đón cái chết!
Gã hất hàm. Thế trận chuyển động.
Ngô đại nương nhìn khắp lượt, thét căm hờn:
- Ta liều chết với bọn bây!
Ngô đại nương lia song kiếm tấn công ngay gã to lớn với chiêu thức “phụng hoàng xuất động” trong Ngô môn kiếm pháp. Ngô đại nương muốn tung ngay thế hiểm để rút ngắn thời gian quyết đấu.
Gã to lớn dường như biết chiêu kiếm độc hại, vội lắc mình né tránh không đón đỡ. Bốn tay kiếm còn lại lợi dụng đòn tấn công chưa hết đà của Ngô đại nương tung ra bốn chiêu thức hiểm ác vào đầu, ngực, bụng và chân của Ngô đại nương.
Ngô đại nuơng dù sao cũng là con gái độc nhất của Ngô gia môn, không thể nào khuất phục dễ dàng. Đại nương đã biết trước sẽ có đợt tấn công của bốn tên còn lại nên vừa tung chiêu, đồng thời tung người lên cao theo thế “phong đẩu tinh vân” tránh thoát. Thân pháp Ngô đại nương khi bay lên trông như phụng hoàng đang tung cánh.
Gã to lớn tránh thoát song kiếm, vội hoành kiếm ra chiêu phối hợp. Khi đại nương còn lơ lửng trên không, gã xỉa thẳng mũi kiếm vào gót chân đại nương.
Ngô đại nương không chút sợ hãi, tay trái khoa vội thanh kiếm đón đở, lợi dụng đà chạm lượn người lên cao, đồng thời tay phải ra chiêu “ hoành tảo thiên sơn” quét nhanh một vòng đẩy lui bốn tên còn lại. Ngô đại nương đáp nhanh xuống đất, chưa kịp đứng vững đã bị gã to lớn xỉa thẳng mũi kiếm vào ngực. Ngô đại nuơng không hổ với biệt danh Nhất Phụng liên lạc sứ của Hoàng đế Quang Trung. Truớc thế kiếm hung hiểm đó, Ngô đại nương vẫn bình tĩnh ngả người ra sau né tránh, đồng thời tung hai ngọn cước đá thẳng vào tay gã áo đen to lớn. Gã vội biến chiêu, ngoặt cườm tay, dùng chuôi kiếm điểm mạnh vào bàn chân đại nương. Đoán biết gã to lớn sẽ đối phó bằng chiêu kiếm hiểm ác này. Không bỏ lỡ cơ hội, đại nương dùng chân còn lại đá vút thẳng lên cằm của gã áo đen to lớn. Gã to lớn nhận thấy nếu vẫn giữ chuôi kiếm điểm nát bàn chân của đại nương, gã phải dồn sức cúi người tới, như vậy sẽ lãnh trọn ngọn cước vào cằm. Gã đành ưỡn người rồi thu hồi chiêu kiếm, thối lui. Nhân đà đó, Ngô đại nương chống vội hai mũi kiếm xuống đất, tung ngừơi lộn vòng bay ra khỏi vòng vây, vừa đúng lúc bốn tên còn lại vừa tung chiêu kiếm chém xuống.
Thoát khỏi cái chết trong đường tơ kẽ tóc, Ngô đại nương nhận ra mình không phải là đối thủ của năm gã áo đen bịt mặt. Qua những thế kiếm chứng tỏ bọn chúng là những cao thủ bậc nhất hiện nay. Đại nương liên tưởng đến trận chiến mà Lã Mai tướng công phải đương đầu. Một trận chiến không cân sức, vì tay không mà phải đối đầu với năm tay kiếm thượng thừa.
Biết không thể nào tránh khỏi cái chết, Ngô đại nương dự định liều mạng. Nhưng chợt nghĩ lại cần phải kéo dài thời gian để hai con có thêm cơ hội thoát thân, nên đại nương không trực tiếp đối đầu mà dùng khinh thân tránh né.
Hơn mừơi chiêu trôi qua nhưng năm gã áo đen chưa dồn Ngô đại nương vào cái chết được, vì đại nương cứ mãi né tránh, mà thân pháp “phụng hoàng di bộ” nổi tiếng của Ngô gia môn có thể sánh ngang với “ lăng ba di bộ” nổi tiếng của phái Nga Mi ở Trung Nguyên.
Chợt nghĩ ra điều gì, gã to lớn vội nhảy ra ngoài. Gã ra lệnh:
- Nhị đệ, ngũ đệ chia nhau truy sát hai đứa bé. Bọn chúng mà trốn thoát hậu quả sẽ khó lường hết được. Việc giải quyết tại đây, ta, tứ đệ, lục đệ đảm nhận. Nên nhớ, nhổ cỏ phải nhổ tận gốc.
Hai gã áo đen được gọi là nhị đệ, ngũ đệ tức tốc phi thân ra khỏi trận đấu, chia đường đuổi theo truy tìm hai đứa bé.
Ngô đại nương hốt hoảng dùng khinh thân hầu ngăn chặn hai gã áo đen. Nhưng Ngô đại nương không thể nào thực hiện được dự định, vì ba gã còn lại đã xuất chiêu tấn công. Ngô đại nương căm hờn:
- Ta liều mạng với bọn ngươi!
Ngô đại nương trụ người lại xoay nhanh song kiếm. Một lưỡi phạt ngang, một lưỡi xỉa tới vào gã to lớn, chiêu thức hung hiểm vô cùng. Gã to lớn không dám đón đỡ vội thu hồi chiêu thức lùi ra sau né tránh. Hai gã còn lại cũng vội biến chiêu. Một gã dùng mũi kíêm điểm tới huyệt minh đường giữa trán, một gã điểm vào huyệt phong thị ở đùi của Ngô đại nương thật thần tốc.
Ngô đại nương thu hồi song kiếm, một thanh xoay lên đón đỡ mũi kiếm xỉa vào huyệt minh đường, một thanh phạt ngang che chở huyệt phong thị.
Gã to lớn sau bước thối lui, nhận thấy song kiếm của Ngô đại nương đã bị kiềm chế nên tiến tới hai bước dùng mũi kiếm xỉa thẳng vào yết hầu đại nương. Không còn kịp né tránh, đại nương chỉ còn cách liều lĩnh hứng mũi kiếm điểm vào huyệt phong thị, rút nhanh thanh kiếm chém thẳng vào tay cầm kiếm của gã to lớn. Gã to lớn nhận ra Ngô đại nương đã liều mạng , gã không dại gì đánh đổi nên thu hồi kiếm nhảy lui lại phía sau.
Ngô đại nương thoát chết nhưng nghe nhói ở chân. Đại nương nhìn xuống máu từ vòi phun ra có vòi. Đại nương vội đưa tay điểm nhanh cầm máu và câm hờn thét lên:
- Bọn bây phải chết!
Sau tiếng thét, Ngô đại nương đã tung ra liên hoàn Ngô môn kiếm pháp điểm tới ba tên áo đen với khí thế vô cùng hung hiểm. Tuy nhiên, ba gã áo đen dường như hiểu rõ sự nguy hiểm của thế kiếm này, nên tung người thoát ra khỏi vùng kiếm ảnh, đồng thời nhất loạt tung chiêu ức chế. Ngô đại nương ngạc nhiên đến sững sờ:
- Bọn ngươi là ai mà biết Ngô gia kiếm pháp?
Ba gã áo đen nhìn nhau. Biết đã lộ hình tích, chúng dùng ánh mắt ra hiệu: phải tận diệt để trừ hậu hoạn, không thể nào nương tay được nữa, Ngô đại nương còn sống mà thoát đi được thì hậu quả khôn lường.
Gã to lớn phất tay kiếm:
- Ngươi không cần biết!
Gã tung người lên cao, lia nhanh thanh kiếm phạt vào cổ Ngô đại nương. Gã được gọi là tứ đệ dùng mũi kiếm điểm tới ngay nguyệt á môn, gã lục đệ dùng “ tảo địa cước” quét ngang, đồng thời dùng tay kiếm điểm nhanh tới huyệt trọng quyển của Ngô đại nương.
Trước ba chiêu kiếm hiểm độc và nhanh như chớp giật. Ngô đại nương thót ngừơi phi thân bay lên nhưng gã to lớn đã biến chiêu điểm vào gót chân đại nương. Dù tránh được hai thế kiếm nhưng Ngô đại nương vẫn không thế nào tránh được chiêu kiếm của gã to lớn. Bà lãnh trọn chiêu kiếm xỉa vào gót chân máu bắn ra xối xả, đồng thời thân hình đại nương mất đà rơi xuống như trái rụng. Trong lúc đó từ trên cao gã to lớn đâm bổ xuống, hai gã bên dưới đâm thốc mũi kiếm lên. Ngô đại nương thét lên đau đớn hứng trọn ba thanh kiếm đâm xuyên qua thân mình. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, đại nương trợn mắt căm thù nhìn ba gã áo đen vừa rút gươm ra khỏi thân mình:
- Ta đã biết bọn ngươi là ai rồi. Đồ phản bội!
Ngô đại nương oằn người, đầu ngoẻo sang bên, tắt thở. Đôi mắt bà vẫn mở trừng trừng, nét căm hận còn đọng lại trên khuôn mặt đầy máu.
Ba gã áo đen bịt mặt thở phào ngẹ nhõm. Một trong ba gã tỏ vẽ hối hận hỏi hai gã kia:
- Có cần đuổi tận giết tiệt không?
Gã to lớn hất hàm:
- Lục đệ đau lòng à?
Gã lục đệ gật đầu. Gã tứ đệ xen vào:
- Nhưng chúng ta không làm khác được. Đệ nghĩ lại xem. Nếu một người còn sống sót, bọn ta sẽ thân bại danh liệt.
Gã lục đệ không nói nữa, bởi gã nghĩ cũng không còn cách nào hơn. Ba người dự tính đuổi theo truy tìm tung tích hai con của Lã Mai. Chúng chưa kịp phóng đi thì hai gã áo đen đã quay trở lại. Gã to lớn hỏi ngay:
-Thành công chứ?
Gã áo đen được gọi là nhị đệ gật đầu:
- Một đứa rơi xuống vực sâu, một đứa bị chưởng của ngũ đệ bay qua bên kia bờ vực thẳm nằm im.
Gã to lớn nôn nóng:
- Còn kiếm phổ?
Gã nhị đệ lắc đầu:
- Không lục soát được vì không thể theo xuống vực thẳm, cũng không thể phi thân qua bên kia được vì miệng vực khá rộng. Nên đành quay lại.
Gã to lớn chợt nhớ đến xác chết của Ngô đại nương. Gã quay phắc lại, chạy vội đến lục soát khắp người Ngô đại nương, nhưng không thấy kiếm phổ ở đâu?
Gã to lớn hỏi hai tên áo đen:
- Có chắc hai thằng bé đã chết không?
Gã nhị đệ khẳng định:
- Thằng nhỏ bệnh hoạn rơi xuống vực sâu chắc chắn không thể nào sống được. Thằng lớn hứng trọn một chưởng như trời giáng của ngũ đệ bay qua bên kia chỉ có con đường chết mà thôi!
Gã to lớn vẫn lo lắng:
- Phải tìm cách qua bên kia để xác định thực hư. Vả lại phải tìm cho được kiếm phổ!
Gã lục đệ hỏi:
- Tìm cách nào bây giờ?
Gã to lớn ra lệnh:
- Hãy đến ngay hiện trường tìm cách ứng phó.
Bọn chúng bỏ mặc xác Ngô đại nương đồng loạt chạy đi. Đến nơi, nhìn hố thẳm sâu hun hút, bọn chúng yên tâm một phần. Cả năm gã đều nhận thấy không thể nào dùng khinh công lướt qua bờ vực bên kia được. Quan sát một lúc, gã lục đệ nhận thấy bờ vực bên kia có một cây cổ thụ đứng sát bên miệng vực, có thể dùng dây quăng sang làm cầu nối. Thế là cả bọn tung người vào rừng tìm dây leo. Một khắc sau, cả năm quay trở lại, trên tay người nào cũng có một khoanh dây rừng. Sau khi bện xong thành một sợi to bằng nắm tay, gã to lớn dùng sức tung đầu dây sang bên kia và quấn chặt vào thân cây cổ thụ. Bọn chúng nhúng thử thấy chắc chắn mới tung thân người lướt trên dây bay qua bên kia vực thẳm.
Khi tất cả đã sang bờ bên kia, gã nhị đệ tung mình đi trước đến địa điểm mà thân thể của Lã Quân Bão nằm im lìm lúc hứng trọn một chưởng vào ngực.
Khi đến nơi, hai gã áo đen theo truy sát ngơ ngác khi nhìn thấy vũng máu còn đọng lại trên mặt đất mà thi thể của Lã Quân Bão thì không thấy đâu. Gã thảng thốt
- Thế này là thế nào?
Gã to lớn vội hỏi:
- Sao thế?
- Thế này là thế nào?
Gã to lớn vội hỏi:
- Sao thế?
Gã nhị đệ lắp bắp:
- Rõ ràng nó mới nằm im đây sao giờ biến mất?
Gã ngũ đệ thêm vào:
- Không thể nào nó chạy nổi vì hứng trọn tả chưởng của đệ vào ngực. Nội lực của nó còn non nớt không thể nào tránh được cái chết!
Gã tứ đệ nhìn quanh quan sát:
- Không có hiện tượng thú dữ tha, vì chung quanh không có dấu vết nào cả. Thế thì lạ thật!
Gã to lớn nóng nảy:
- Nếu thằng bé sống sót thì không thể nào chạy xa được. Hãy chia nhau truy tìm.
Cả bọn tung người theo năm hướng lục soát từng ngọn cây, ngách đá nhưng tung tích của Lã Quân Bão vẫn bặt tăm, không có một dấu vết. Bọn chúng quay trở lại, thất vọng, nhưng gã ngũ đệ vẫn tin tưởng vào cú chưởng của gã, gã khẳng định:
- Dứt khoát thằng bé đã chết. Có điều không hiểu tại sao không tìm thấy thi thể?
Bỗng gã vổ tay vào trán:
- À! Đúng rồi. Có thể loài chim dữ ăn thịt ngửi được máu tanh đã sà xuống dùng móng vuốt quặp xác thằng bé bay lên nên chúng ta không thấy được dấu chân trên mặt đất!
Gã nhị đệ đồng tình:
- Ngũ đệ nói có lý!
Rồi gã nhìn bốn gã kia tìm sự đồng tình và nhìn gã to lớn hỏi:
-Sư huynh có ý kiến gì không?
Gã to lớn cúi đầu ngẫm nghĩ. Sau khi cảm thấy không còn lý giải nào khác hơn được. Gã tạm an tâm nên đành nói:
- Chúng ta xem như đã hoàn thành nhiệm vụ. Dù kiếm phổ không tìm được, nhưng chắc chắn đã theo hai thằng bé rơi xuống vực sâu.
Rồi gã khoát tay
- Hãy trở qua bờ bên kia.
Khi đã trở về bờ vực bên kia, gã to lớn nghiêm giọng:
- Tất cả hãy giữ đúng qui ước, ai phản lời thề sẽ đón nhận hậu quả thảm khốc như vợ chồng Lã Mai.
Tất cả đồng thanh:
- Thề giữ đúng qui ước.
Năm người tung mình lên trở về bên kia núi. Bọn chúng không ngó ngàng gì đến thân xác cũa Ngô đại nương. Phút chốc năm gã biến mình trong rừng cây.
Thi thể của Ngô đại nương vẫn nằm bất động. Đôi mắt đại nương vẫn mở trừng trừng như nhìn hoàng hôn sắp tắt. Đâu đây dường như cótiếng oán than. Cả nhà bốn người của một cận tướng Quang Trung hoàng đế đã chết thảm khốc. Nhật quang kiếm phổ một lần nữa tuyệt tích giang hồ. Người nước Nam mất đi một bí kíp quí báu.
Bầu trời đặc quánh lại. Không gian trầm nặng ưu uất. Mây đen giăng đầy bầu trời báo hiệu cơn mưa to sắp đổ xuống.
Lại một đêm mưa bão tiếp theo…
(Xem tiếp chương II - Thất Kiệt Quái nhân)
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét