– Hai mươi năm trước, thầy ẩn
dật tại chùa này, những ngày rằm thiện tín đến lễ Phật cầu kinh và xin thuốc.
Khách hành hương gồm người tứ phương xa gần, lúc ấy thảo am đông vui như ngày hội.
Một hôm thầy xuống thăm người bạn già ở ngôi chùa gần bến Cẩm Giang khi về
ngang qua khu rừng mai, thầy gặp xác một người đàn ông khỏe mạnh bị ai giết chết.
Một vùng cỏ cây chà xát có dấu người ngựa quan quân. Thầy đang sững sờ bỗng
nghe tiếng khóc nấc của hài nhi, vạch cỏ lau thầy thấy một đứa trẻ lên hai nằm
trong bụi rậm, ẵm trẻ lên, nó lã trên tay thầy. Biết nó khát, thầy xuống suối
tìm nước cho uống thì gặp thêm xác người thiếu phụ, ngoài vết thương va đầu vào
đá, không thương tích gì thêm. Thầy cho trẻ thơ uống nước xong, nó tươi tỉnh lại.
Nhưng vì sợ thầy, nó lại khóc lóc vùng vẫy nhiều hơn, phải mất công dỗ dành nhiều
lần nó mới nín. Tình cờ thầy thấy dưới lưng áo trẻ có mấy hàng chữ máu, xem huyết
thư thầy đoán hiểu mọi điều rồi đem xác hai người mạng bạc xếp nằm dưới một cái
hố rộng, lấy đá sắp nên thành ngôi thạch mộ.
Đứa trẻ đó thầy đem về nuôi dưỡng nhờ nước suối, cơm chùa, nó lớn dần lên trong
tình thương đùm bọc của thầy và chư thiện tín gần xa. Càng lớn nó càng thông
minh, dễ ăn, dễ dạy, không phụ công thầy. Thầy đã gắng sức luyện võ, tập văn để
sau này nó thành người hữu dụng. Hiện đứa trẻ ấy là con, Lê Sĩ Triệt đang đứng
trước thầy đây.
Nghe xong, Lê Sĩ Triệt bàng hoàng xúc động. Bây giờ, chàng biết mình cũng có
cha, có mẹ như mọi người. Nhưng vì sao có tai biến gia đình đến nỗi ha bị giết,
òn mẹ phải quyên sinh, đầu va gộp đá giữa vùng hoang lạnh.
– Thưa thầy, nghe thảm cảnh
lòng con tan nát, nhưng xin thầy nói rõ nguyên nhân?
Sư cụ nói:
– Con hãy bình tâm, việc gì
đến nó sẽ phải đến. Lẽ đâu thầy chỉ nói cho con biết ngần ấy hay sao.
– Thưa thầy…
– Thầy sợ rằng không sống được
đến ngày con khôn lớn. Nên thầy đã ghi lại rõ ràng hoàn cảnh của con. Trang sử ấy
thầy cất chung cùng bức huyết thư trên lưng áo. Con hãy dỡ hộc đá trước mặt, lấy
cái tráp mở ra, bên trong các vật còn nguyên. Con xem sẽ rõ.
Vâng lời thầy, Lê Sĩ Triệt tay bưng tảng đá, lộ bên dưới một hộc vuông, chiếc
tráp bằng gỗ huỳnh đường bốc mùi thơm dìu dịu. Chàng nâng lên mở tráp, qua mấy
lần giấy bọc, bên trong một tập giấy và tấm áo trẻ thơ lộ ra. Tuy tháng năm
dài, nhờ bảo quản tốt mà mọi vật vẫn còn như mới. Hay tay run rẩy, Lê Sĩ Triệt
nâng lên trao cho thầy, sư cũ khoát tay:
– Con đọc đi, vì đó là của
con.
Nói xong, sư cụ ngồi im bất động, Lê Sĩ Triệt lật từng trang chằm chú để xem.
Xúc động dâng tràn qua từng trang giấy, hơi thở dập dồn đứt khoảng, những
giọt nước mắt tuôn rơi, khi xem đến mấy dòng chữ máu, Lê Sĩ Triệt không còn đứng
vững, chàng kêu lên:
– Cha mẹ ơi, thầy ơi…
Lời
chưa dứt, chàng lảo đảo gục dưới chân thầy. Sư cụ mắt rớm lệ, tay vuốt ve mái
tóc đứa học trò thân yêu, chuyện hai mươi năm trước như hiển ra trước mắt.
Bên bờ suối, một mái nhà tranh dựng trên vuôn sân rộng, viền quanh
bìa sân là hàng mía cây bụ bẫm, lá mía luôn xào xạc theo gió rừng.
Sau nhà những hàng cà ớt đâm hoa phơi trái xanh tươi. Buổi chiều, làn
khói bếp tỏa lộng không gian, trên sân một cái nôi trẻ đặt nằm trong
đó một hài nhi, một thiếu phụ xách những gàu nước tưới cho các
loại hoa màu, thỉnh thoảng nàng chạy thăm chừng trong bếp, có khi
bước lại chiếc nôi nhìn con mỉm cười. Từ trong chân núi, một thanh niên
vóc hình cao lớn, mặt vuông mắt sáng, mặc áo vải thô ngã màu cũ
kĩ, lưng chàng mang một ống tên và mấy con thù rừng nhỏ, tay xách
ná, kiền ná to bóng lộn màu nu. Chàng bước nhanh vào sân đến cạnh
chiếc nôi, thả các vật xuống, đưa tay ẵm đứa bé lên nựng nịu hôn
hít, trong khi thiếu phụ buông gàu nước, mắt rực niềm vui đến chìa
tay lật trở xem mấy con thú rừng nhỏ.
– Thằng con vắng anh, nó
khóc đòi ha hoài à!
Nàng
nói thế, mặc dù đứa trẻ vẫn cười hăng hắc bên cha, cả ngày chưa
thấy nó khóc bao giờ. Chàng trai bảo vợ:
– Vân Kiều, em lo bắc
nước sôi, để anh vào làm lông mấy con thú vừa săn được, ăn sớm cho
khỏe.
Nàng
bước vào trong tất tả, một lúc có tiếng gọi ra:
– Anh Lê Dân, ẵm con vòng
ra sau hái một nắm rau thơm dùm em đi.
Giữa
rừng sâu, cuộc sống ẩn dật cách xa xóm làng của đôi vợ chồng thật
êm ấm. Từ ngày họ đến đây ngả cây đốt rẫy, dựng túp lều tranh.
Chồng làm nương, săn thú, vợ gieo hạt, chăm sóc cửa nhà, tuy không ai
biết họ từ đâu đến, nhưng có người vùng đất thêm sinh khí, khách qua
đường có chỗ giải khát, nghỉ chân, chỉ làm quen nhau qua loa chứ
chẳng ai lưu ý người tốt bụng, cách ăn ở cũng như sự đối xử với
mọi người lần hồi tình cảm gia tăng. Tình cảm đó, địa thế đó, ngôi nhà của
Lê Dân trở thành trạm dừng của chư thiện tín về núi hành hương. Khi chuẩn bị
lên chùa họ đều ghé lại, có lúc nhờ nồi mượn bếp nấu cơm, có khi xin nắm rau,
trái ớt, quả cà, hoặc trong nắng thiêu khô giọng được Vân Kiều chặt cho cây mía
giải khát.
Đôi vợ chồng
trẻ yêu đời vui sống. Từ ngày thêm đứa con, họ như thêm chất men yêu, hai tâm hồn
quyện hặt vào nhau do sợi dây tình nghĩa ràng buộc. Họ sống với nhau đầy đủ bổn
phận của mỗi người trong cuộc vật lộn mỏi mệt để tìm nguồn sống, khi trở về dưới
mái tranh lành, chàng nhìn vợ, nựng con như trút sạch bao nhiêu vất vả. Liên tiếp
ba mùa mưa, nắng, rừng núi như cũng tán trợ, đất đai như cũng nhiệt tình đã cho
họ những mùa lúa bội thu, bồ lúa kê sau khuôn bếp luôn đầy hạt mẫy, họ thật hạnh
phúc.
Mùa xuân đến, khách thập phương tấp nập trên đường viếng chùa. Lê Dân bàn cùng vợ,
cố lo thu xếp cho được mấy ngày nhàn rỗi, để tháp tùng cùng khách lên chùa lễ
phật cầu kinh.
Một
sáng, trên thảo am chuông u minh nối tiếp những tiếng ngân dài. Chàng mang hành
trang, nàng ẵm con, vợ chồng cùng nhau đi lễ.
Rừng mai
nở rộ, những cánh hoa vàng mỏng manh, cành nhú ra những đọt lá mới, ướt rượt
non tơ. Chen lẫn trong rừng mai, khách hành hương trong những bộ quần áo mới
tươi màu, như điểm tô thêm rực rỡ cho bức tranh xuân.
Cuối thời Lê,
một vua hai chúa, qua bao năm sông Gianh phân giới, Đàng ngoài họ Trịnh lộng
quyền, Đàng trong chúa Nguyễn suy tàn, trộm cướp như ong, thuế má công sưu chất
nặng. Dân Thuận Quảng không đường sinh sống, liên tiếp mấy năm hết hạn hán đến
lũ lụt tiêu tán mùa màng, làm cho xóm làng xơ xác. Cái sung túc chỉ dồn về vùng
kinh thành, ở nơi của bọn vương chúa, quan lại lợi dụng địa vị, chèn ép,
tước đoạt của cải, ruộng đất màu mỡ của dân. Dồn dân nghèo đem cuộc sống của
mình lên vùng sỏi đá. Tại đây còn thêm nạn cường hào, ác bá dày vò. Không chịu
nổi kiếp đọa đày đói khát, họ bỏ nơi chôn nhau cắt rốn tìm chốn sinh nhai.
Những
đoàn ghe thuyền đủ mọi loại lần lượt trốn đi, họ xuôi hướng về nam tìm nơi màu
mỡ, gió hòa mưa thuận và tránh xa được sự trói buộc của quan quyền. Đoàn người
tha phương cầu thực nối tiếp nhau nhiều năm, nhiều ngày đổ về dựng ấp, lập xóm
từ Gia Định, Trấn Biên lên đến Trảng Bàng, Hố Bò.
“ Lúa thóc đến
đâu, bọ sâu đến đó”, dân quy tụ vừa thành chòm xóm thì vua quan đem bộ máy cai
trị đặt lên. Không còn ai biết vùng Trảng Bàng trở thành huyện Quan Hóa bao giờ.
Đến hơn nửa sau thế kỷ 18, nơi đây đã có một huyện đường cơ ngơi vững chắc,
quan lại trấn nhậm hầu hết nối nhau là bọn quan tham. Vùng đất càng xa, luật
pháp càng tồi tệ, việc trị dân bọn quan lại chỉ nhằm vào phương pháp đụt khoét ức
chế. Câu “Ngắn chân chạy chẳng khỏi trời” là câu đầu môi đặt mọi người yên phận.
Ở đây được cái phần người thưa đất rộng, nhiều màu mỡ, sản vật nên buộc phải ở,
phải sống để dễ làm ăn.
Dọc theo sông Vàm Cỏ,
những xóm nhỏ vài ba mươi nóc gia chen bên những cánh rừng rậm đầy muôn thú.
Chòm dừa cao, lũy tre dày kiên cố là hơi thở của nơi có cuộc sống con người.
Hà Đảnh được bổ
nhiệm về làm tri huyện huyện Quan Hóa hơn hai năm nay, theo về cùng y có thêm
ba tay vệ sĩ võ nghệ cao cường cùng là những con chó săn đắc lực.
Hơn một năm củng cố
uy quyền, thế lực, hắn đã xốc xáo, lộn nhào bộ máy nha lại cũ, đưa vào cửa quan
những kẻ cùng bè cánh. Taychân về theo phe y, toàn lũ đầu trâu mặt ngựa, nha
môn mặt ròng giống cú diều.
Ban đầu người ta thấy
huyện quan tháo vát, linh lợi, hàng ngày vào những buổi chiều quan và đoàn tùy
tùng độ năm bảy người ngồi trên lưng ngựa đi quan sát khắp nơi. Không bao
lâu thì hầu hết những nhà có tiền của, trâu bò, lúa thóc và nhất là những nhà
có con gái trông vừa mắt đều được quan huyện viếng nhà, rồi cũng từ đó trong
thôn xóm bắt đầu có sự biến.
Từ việc sưu cao thuế nặng,
đến vụ bắt bớ, uy hiếp vu khống khổ chủ phải chuộc mạng bằng bạc vàng, lúa thóc
hoặc bằng cả trinh tiết của đứa con gái thân yêu. Một nơi, nhiều nơi, không biết
bao nhiêu và đến bao giờ mới đủ cho khát vọng của quan.
Tâm địa quan như thế, còn
tướng mạo quan thì lần hồi người xa kẻ lạ cũng nhận ra dễ dàng, bởi già trẻ
trong vùng ai cũng thuộc mấy câu:
“ Người gì da sắt mặt đinh
Mày rô mắt cọp trán đinh mũi trầu
Khăn là, áo gấm, giày tàu”…
Sống trong vòng cương tỏa của y, người dân thôn sợ mất đủ thứ, phải cất giấu
tất cả, giấu của, giấu tiền và giấu cả con gái. Còn với quan, ai càng giấu thì
quan càng cố moi ra cho bằng được. Sự “siêng năng” cuả quan đến nổi có người phải
bỏ cả ruộng vườn trốn đi. Còn y sự càng tăng của tiền chồng chất.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét