Thứ Tư, 9 tháng 5, 2018

Kỳ tích Bà Đen - Chương I - Kỳ 1 - Xuân Sắc


Tiểu thuyết KỲ TÍCH BÀ ĐEN của cố nhà văn Xuân Sắc khởi viết vào cuối năm 1985 và đăng tải nhiều kỳ trên Báo Tây Ninh và được đông đảo bạn đọc hoan nghênh đón đọc. Qua sự góp ý của độc giả và sự giúp đỡ của Ban biên tập Báo Tây Ninh, nhà văn đã hiệu chỉnh lại, Sở Văn hóa Thông tin cấp phép xuất bản vào cuối năm 1988 và tổ chức phát hành nhân dịp Hội Xuân Núi Bà năm Kỷ Tỵ (1989).
Để tiến tới kỷ niệm lần thứ 11 ngày mất của nhà văn ( 27.3.2007), Kháng Ngôn xin trân trọng giới thiệu tiểu thuyết Kỳ Tích Bà Đen nhằm tôn vinh người có công góp nhiều công sức, trí tuệ vào nền văn học tỉnh Tây Ninh.
 
LỜI NÓI ĐẦU
 
Khi nhắc tới núi Bà Đen người ta hình dung ra ngay một ngọn núi duy nhất ở miền Đông Nam Bộ, cao gần một ngàn mét. Núi là căn cứ địa của Cách mạng qua hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ mà chiến công của nó đã nhanh chóng vang xa khắp năm châu bốn biển.
Nhưng có lẽ ít người quan tâm đến quá khứ của Núi, hoặc có quan tâm nhưng trước bao nhiêu truyền thuyết về Bà Đen, không ai nhận thức được đâu là những điều có căn cứ, đâu là chuyện hoang đường. Có điều dễ nhận thấy là hằng năm, đặc biệt là suốt cả tháng giêng âm lịch, nhân dân ở mọi miền, kể cả khách nước ngoài, tấp nập hành hương viếng Núi. Ai cũng ngưỡng mộ Núi Bà Đen không chỉ là một danh lam thắng cảnh mà còn là nơi tôn thờ một người phụ nữ tiêu biểu: yêu công lý, oán ghét bất công, căm thù bọn tham ô quan lại, rồi tuẫn tiết một cách hào hùng để bảo vệ tiết trinh, công lý và lẽ sống.
Song, tới Núi Bà Đen khách hành hương còn một suy nghĩ cao đẹp hơn thế là thăm lại chiến trường xưa, công sự cũ, nơi đã chứng kiến một chặng đường chiến đấu gian khổ và chiến thắng vẻ vang của quân dân Tây Ninh nói riêng và quân dân cả nước nói chung.
Qua tác phẩm “Kỳ Tích Bà Đen”, bằng bút pháp giản dị và chân thực tác giả Xuân Sắc đã kể lại câu chuyện về Bà Đen, tức Lý Thị Thiên Hương xinh đẹp, đức độ, thông minh, văn võ toàn tài. Sống trong thời đại phong kiến, bao nhiêu tập tục ràng buộc, khuôn phép ngặt nghèo, lễ giáo kiềm kẹp, nhưng Thiên Hương đã vượt qua hết thảy, đạp bằng mọi trở lực đứng hẳn về phía nhân dân lao động chống áp bức bất công.
            KỲ TÍCH BÀ ĐEN đã được đăng tải trên Báo Tây Ninh gần 2 năm, trên 80 kì báo, được đông đảo bạn đọc hoan nghênh. Để đáp ứng nhu cầu chính đáng của độc giả, Sở Văn Hóa Thông Tin Tây Ninh cho xuất bản KỲ TÍCH BÀ ĐEN để giới thiệu rộng rãi với bạn đọc trong ngoài tỉnh.
Trước khi xuất bản, được sự góp ý của nhiều bạn đọc Báo Tây Ninh, tác phẩm đã được chỉnh lý nâng cao với trách nhiệm rất nghiêm túc nhưng chắc chắn không tránh khỏi sơ suất. Rất mong bạn đọc gần xa góp ý phê bình để Ban biên tập chúng tôi bổ sung, sửa chữa cho Kỳ Tích Bà Đen tốt hơn, hoàn chỉnh hơn.
            Bước sang Xuân Kỷ Tỵ 1989, KỲ TÍCH BÀ ĐEN xin ra mắt bạn đọc trong niềm hân hoan của mùa Xuân đổi mới.
BAN BIÊN TẬP BÁO TÂY NINH
SỞ VĂN HÓA THÔNG TIN TỈNH TÂY NINH
 
Kỳ Tích Bà Đen
Tiểu thuyết dã sử của Cố nhà văn Xuân Sắc
 
CHƯƠNG MỘT
Kỳ 1:

 
                Ánh nắng quá ngọ xuyên qua kẻ lá những tán cây dày, soi trên mặt thảo am từng đóm tròn như ai đổ trứng nằm lăn đầy đất. Cây dầu cổ thụ dưới triền dốc núi trước sân am to đến năm bảy sải tay ôm không giáp, có hai con Hồng Hoàng đậu nghỉ trưa, thỉnh thoảng kêu “oạc oạc” làm mấy chú sóc giật mình rút sâu vào nhánh lá um tùm.
                Trên thạch bàn trong am, sư cụ Tri Tân vừa qua buổi tham thiền từ từ mở mắt. Dưới chân thạch bàn một thanh niên khỏe mạnh đang quỳ gối cúi đầu.
                Vò hai bàn tay vuốt mạnh lên mắt ba lần, sư cụ đứng lên làm động tác thư giãn, co duỗi chân tay rồi nhìn người thanh niên từ tốn hỏi:
–        Lê Sĩ Triệt, sáng giờ con đi đâu vắng?
                Sư cụ đã cao niên nhưng vóc dáng khỏe mạnh, da thịt hồng hào, tiếng nói nhỏ nhẹ mà âm sắc mạnh trầm, chứng tỏ nội lực tràn trề sung túc, đặc biệt đôi mắt dù trông hiền diu nhưng lại như có sức xuyên suốt, nhà sư biết Lê Sĩ Triệt muốn nói điều chi nên hỏi thêm:
–        Con đứng lên đi, hình như có việc gì con cần nói với thầy?
–       Thưa thầy, sáng nay con xuống chân non đi tìm hái sa nhân, mải mê tận mé tây chân núi, gặp một vùng sa nhân mọc đầy dưới rừng mai cạnh con suối trong ngần, từ đáy nước ánh vàng li ti lấp lánh trong cát. Trên bờ có một ngôi mộ cổ xếp bằng những viên đá trứng, một tấm bia có mấy chữ "Lê Dân, Vân Kiều chi mộ", dưới là "Lê hiếu tử lập thạch". Bia phủ đầy rêu xanh nhưng nét chữ khắc vẫn hằn sâu. Nơi đây là chốn hoang vu, khách hành hương mỗi năm chỉ có đôi lần viếng núi, sao ngôi mộ lại đồng tính cùng con. Không biết có dính dánh đến thân thế của con cùng chăng, xin thầy phân giải?
        Trầm ngâm một lúc, sư cụ chăm chú nhìn Lê Sĩ Triệt hỏi lại:
–        Con gặp ngọn suối phát nguồn chạy qua ngang giữa chân hai hòn non nhỏ?
–        Thưa thầy, đúng vậy!
–        Bên bờ suối có một rừng mai, chen dưới gốc mai có sa nhân mọc đầy mặt đất?
–        Thưa thầy, đúng vậy!
–        Cạnh bờ suối có ngôi mộ bằng đá trứng?
–        Thưa thầy, đúng vậy.
–        Con muốn biết ngôi mộ này có quan hệ gì đến thân thế của con?
–        Vâng.
         Như xúc động sư cụ ngập ngừng, mắt nhìn về xa xôi để hình dung lại những điều sắp nói. Lê Sĩ Triệt hồi hộp theo dõi từng cử chỉ, từ cái nhìn sâu thẳm của thầy.
–        Thầy nuôi con, thầy biết sẽ có ngày con nhìn thấy ngôi mộ và con sẽ hỏi thầy.
–        Xin thầy dạy rõ.
–        Rừng thiêng đã tồn trữ, cất giữ biết bao pho sử đời. Nắm xương tàn trong đất ấy quả thật đã quyện chặt cùng thân thế cuộc đời con.
–        Xin thầy kể rành, sao con hồi hộp quá!
 
Còn nữa

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét