Thứ Năm, 17 tháng 5, 2018

Chuyện ghi ở Làng cá Sóc Lào - Bút ký La Ngạc Thụy


Không hiểu từ lúc nào người ta gọi vùng đất này là Sóc Lào mà lại là tên một ấp hẳn hoi thuộc xã Đôn Thuận huyện Trảng Bàng. Nhưng anh Nguyễn Văn Kiểng - Chủ tịch Hội Nông dân huyện lại nói gọi là Sóc Lào nhưng chẳng có một người Lào nào sinh sống ở đây cả? Tiếc là anh Kiểng cũng chẳng biết nguyên nhân.


Trước mặt chúng tôi là dòng sông Sài Gòn dập duềnh bè cá lấp gần kín một khúc sông lấp lóa đón ánh nắng. Gương mặt người dân nuôi cá bè cũng rạng rỡ niềm vui mỗi khi cho cá ăn và nhìn chúng lớn từng ngày. Đây cũng là điều khác biệt với dòng sông Vàm Cỏ Đông quanh năm đầy ắp lục bình cản trở việc đi lại vận chuyển của người dân sống ven sông. Và khác cả với sự vắng lặng của vùng đất Bình Dương bên kia sông. Cuộc sống ở đây đang chuyển động theo từng con nước lớn ròng.
Đoàn văn nghệ sĩ đi thực tế sáng tác các xã cánh đông huyện Trảng Bàng gồm 10 người. Tất cả đều muốn nhìn tận mắt nghe tận tai nỗi vui buồn vất vả của người dân nuôi cá trên sông nên ai cũng háo hức đứng bên bờ chờ ngư dân đưa xuồng đến đón đưa ra từng bè cá. Anh Nguyễn Văn Kiểng và các anh lãnh đạo Hội Nông dân xã Đôn Thuận đứng nhìn cánh "nhà văn" lúng túng nghiêng ngã bước xuống xuồng cười vui. Nhìn các anh chẳng khác gì một nông dân chính thống dù đang đóng trên người bộ cánh cán bộ. Anh Kiểng tranh thủ "báo cáo" với đoàn giọng nói thật bổ bả:
- Trên khúc sông này có 31 hộ sống với nghề nuôi cá lồng bè mỗi hộ đóng từ 1 đến 3 lồng tổng cộng khoảng 50 lồng mỗi lồng thả 15.000 con. Mỗi năm thả 2 vụ chưa kể bà con ngư dân tranh thủ nuôi thêm cá lăng tận dụng chất thải của cá điêu hồng bình quân 300gram/con vị chi mỗi năm khúc sống này sản xuất trên dưới 250 tấn cá. 4 năm qua cuộc sống của bà con nuôi cá  đã dần ổn định có hộ phất lên làm giàu.
Do xuồng nhỏ nên mỗi xuồng chỉ chở 2 người. Không hiểu bà con ngư dân có thật tình tiếp đón chúng tôi hay không nhưng nhìn thái độ cởi mở vui vẻ và thân thiện của họ chúng tôi cũng an tâm liền tận dụng ngay "nhân hòa" đi vào đời sống của họ. Tiếp đón chúng tôi là bè cá của anh Võ Văn Chấu anh đóng 3 lồng bè nuôi 35.000 cá điêu hồng và 10.000 cá lăng. Anh "vô tư" ở trần quần đùi khoe hẳn làn da ngâm đen vì nắng gió và nước sông bơi xuồng đón chúng tôi. Chờ chúng tôi bước lên bè anh cúi xuống mở ngăn chứa cá ở đầu xuồng bắt ngay một con cá điêu hồng vẫn còn quẩy đuôi cố thoát bàn tay rám nắng của anh và gọi:
•-         Bà ơi! Nướng gấp cho "tui" tiếp các nhà văn vài ly!
•-         Sao biết "tụi tui" là nhà văn?
Anh cười:
- Thì "đón dzậy" mà. Mấy anh chị không là nhà văn cũng là nhà báo nhìn là biết ngay.
Nhìn là biết ngay? Vậy Là sao? Nhưng tôi chưa kịp hỏi cho rõ ngọn nguồn thì anh đã bước lên bè đưa con cá cho vợ rồi quay ra bước xuống xuồng chèo vào bờ. Anh đưa tay chỉ căn nhà lá vách ván bên bờ sông cười vả lả:
•-         Lên nhà lấy rượu đãi khách chứ!
Tấm lòng của anh Chấu thật chân chất làm sao?
Anh Chấu mới hơn 50 độ tuổi không còn trẻ nhưng cũng chưa phải là già nhưng anh lại cho rằng anh già trước tuổi vì nghèo vì sớm lặn hụp dãi nắng dầm mưa. Nhìn cái dáng vẻ dạn dày phong độ và nói năng đậm chất nông dân tôi có thể hình dung được một anh Chấu đã từng trải qua một đọan đời cơ cực và chữ nghĩa thì chỉ tạm đủ để đọc và viết một cách nhọc nhằn.
Có thể nói cuộc sống gia đình anh Chấu gắn liền với bến sông này. Vợ chồng anh phải lao vào cuộc mưu sinh ngay từ tuổi thơ bằng cái chài tay lưới miệng đáy trên sông do không có ruộng đất. Đến mảnh đất cất nhà cũng nằm ngay bên bờ sông. Anh Chấu kể:
•-         Cuộc sống đã qua đúng là vất vả trăm bề. Hiện nay vẫn còn vất vả nhưng không còn lo lắng theo từng con nước nữa vì đánh bắt cá trên sông cũng lên xuống tùy theo nước lớn nước ròng. 4 năm qua nhờ nuôi cá lồng bè cuộc sống gia đình đã dần ổn định.
Anh Kiểng chen vào nói vui:
•-         Phải nói là khá giàu mới đúng chứ? Mỗi năm lãi ròng 200 triệu mà nói mới ổn định!
•-         Ừ! Đúng là khi làm bài tính lãi ròng là 200 triệu nhưng ...
Tôi nhẩm bài tính theo anh: nuôi 45.000 con cá trong 3 lồng vốn khoảng 450 triệu. Sau 5 tháng thu hoạch. Giá hiện nay cá điêu hồng là 32.000 đồng/kg cá lăng 90.000 đồng/kg bình quân bán được 550 triệu đồng. Đúng là lãi 100 triệu đồng/vụ. Nhưng đúng là chữ "nhưng" bỏ lững của anh Chấu rơi vào việc cơm áo học hành đau bệnh mua sắm đầy đủ tiện nghi ... của cả gia đình nên 4 năm qua trên con số lãi là 800 triệu đồng nhưng anh chưa xây nổi căn nhà cấp 4 vẫn cứ phải ở trong căn nhà tuềnh toàng vách ván đã lâu lắm rồi là vì thế.
Anh Chấu cười thật tươi khi được hỏi: Bộ con đông lắm sao mà không có dư để xây nhà? - May mà thực hiện đúng chủ trương của nhà nước mỗi gia đình chỉ có 2 con nếu không ... Anh lại bỏ lửng không nói tiếp nhưng cả đoàn đều phì cười với dáng điệu dí dỏm của anh khi mô tả bằng đôi tay chống gậy và đấm lưng...
Anh Chấu đưa tay chỉ về phía cụm lồng bè cuối khúc lượn của dòng sông. Anh cho biết đấy là bè cá của anh Út Em anh cũng sống bằng nghề nuôi cá lồng bè ở Gò Dầu nhưng do dòng sông Vàm Cỏ Đông thỉnh thoảng bị ô nhiễm gia đình anh phải "bỏ của chạy lấy người" sang đây hơn 2 năm qua. Anh cũng  đóng nuôi 3 lồng bè như tôi nhưng chuyên nuôi cá lăng và cá trê. Thu hoạch cũng khá.
Đang hồ hởi kể chuyện bỗng dưng giọng anh Chấu chìm xuống: nói thật bà con nuôi cá vẫn canh cánh nỗi lo khi đến vụ thu hoạch giá cả cứ bấp bênh theo sản lượng đầu ra thương lái cứ mặc sức ép giá mỗi khi có dịp!?
Nếu như ở Đôn Thuận ngư dân nuôi cá lồng bè lợi dụng dòng nước chảy để nuôi cá điêu hồng thì ở xã Hưng Thuận tách ra từ xã Đôn Thuận thì có nhà doanh nghiệp Trần Văn Quang Giám đốc Công ty Công nghiệp thủy sản miền Nam ở Cần Thơ lên đầu tư nuôi cá da trơn trong ao và đang xây dựng nhà máy sơ chế tại chỗ trước khi chuyển về Cần Thơ xuất khẩu. Tiếc là khi chúng tôi đến thăm ông Quang đã mới trở về Cần Thơ giao cho anh Lê Văn Hiếu quản lý. Anh Hiếu cũng chẳng biết gì hơn ngoài việc quản lý 15 ao cá mỗi ao có diện tích mặt nước gần 1 ha đang nuôi cá tra trong 13 ao còn 2 ao dọc bờ sông Sài Gòn để xử lý nước thải trước khi xả ra sông. Theo tiết lộ của anh Hiếu thì công ty đang gặp khó. Bởi khi nhà máy sơ chế xây dựng xong với thiết kế năng suất 60 tấn/ngày mà với 13 ao cá hiện tại chỉ sản xuất được trên 190 tấn/6 tháng trong lúc đó chưa thể ký kết hợp đồng với người dân để nuôi và cũng chưa được tỉnh giao thêm số diện tích nào thì quả là quá khó cho nhà máy.
Nhìn cơ ngơi 15 ao cá đóng dọc bờ sông và nhà máy sơ chế đang dần hình thành không gian dường như vẫn hoang vắng bầu trời vẫn trong xanh dưới cơn nắng gắt của buổi trưa tháng sáu. Bước chân của đoàn văn nghệ sĩ đi thực tế sáng tác dường như nặng trĩu theo dáng công nhân cỏng từng bao thức ăn từ nhà kho ra ao cá và vải từng nắm xuống ao mặc cho lũ cá đông nghịch đặc sệt chen nhau tranh ăn quẩy nước văng tung tóe. Bước chân họ nặng trĩu không vì sự lao động vất vả của công nhân cũng không vì suốt chuyến đi họ cứ đi hỏi nghe ghi chép và chụp ảnh mà nặng lòng vì một mô hình chưa hoàn thiện đã đầy dẫy những khó khăn về đầu vào không thể khắc phục vào một sớm một chiều!.
Sau một ngày dập duyềnh cùng ngư dân trên các bè cá và lặn lội tham quan 15 ao cá đóng trên diện tích hơn 15 ha của nhà doanh nghiệp dù là chỉ như "dạo cảnh xem sông nước hồ ao" nhưng trong lòng mỗi người vẫn nặng oằn bài toán nan giải.: 2 mô hình nuôi cá cùng trên một dòng sông nhưng lại tách bạch 2 nỗi lo. Ngư dân nuôi cá bè thì vất vả về đầu ra trong lúc đó nhà doanh nghiệp thì lo sốt vó vì thiếu đầu vào. Dù là 2 địa phương nhưng cũng từ cái nôi Đôn Thuận mà ra lại chưa thể kết hợp? Trách nhiệm này thuộc về ai? Nếu như tỉnh chưa thể giao thêm đất tăng diện tích nuôi trồng cho nhà máy do nhiều nguyên nhân trước mắt huyện có thể chủ trì giải quyết 2 nỗi lo đầu ra và đầu vào. Ngư dân đang nuôi cá điêu hồng có thể chuyển đổi nuôi cá da trơn xuất khẩu nhà máy có thể ký hợp đồng đầu tư vốn và trách nhiệm bao tiêu đầu ra?
Tôi dự định mang vấn đề này đặt ra với lãnh đạo huyện khi trở về huyện nhưng các anh đã bận rộn với bao nỗi lo toan khác. Thôi thì qua bài viết này gửi bài toán cho các anh giải với nỗi mong ước "cuộc sống người dân Đôn Thuận và Hưng Thuận từ đó sẽ đi lên".
                      Trại sáng tác Văn học Tây Ninh năm 2009.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét