Chỉ
còn một mình, tôi phơi ngữa tấm thân con gái của mình trên nệm, lộn xộn
mền gối. Ngày hôm qua tôi đã phải trốn biệt khi lũ bạn nhao nhao, í ới
rủ nhau về quê. Đây là cái tết đầu tiên tôi không đuợc hưởng không khí
ấm nồng của gia đình. Cũng đành thôi, tôi không có cách nào hơn là giam
thân nơi này.
“ Con
biết xuân này mẹ chờ tin con…”, tiếng hát ồm ồm của một chàng nào đó
vẳng lại thật ác nhơn ác đức thế không biết. Chẳng lẽ có người cũng ở
vào tâm trạng như mình! Thế nhưng lời hát như một mũi kim châm vào tim.
Tôi kéo chiếc mền trùm kín cả đầu, vậy mà cái thứ âm thanh quái ác kia
cũng không buông tha. Đúng là giờ này mẹ tôi cũng đang trông ngóng đứa
con xa, mặc dù tôi đã gửi một lá thư cùng tấm bưu phiếu chuyển số tiền
ít ỏi từ tiền thưởng tết, tiền giữ lại ngộ nhỡ ốm đau về nhà. Hình ảnh
mẹ tôi lom khom trên ruộng rau muống ngập nước, diện tích non nửa công
đất, cứ đong đưa trước mắt tôi, thằng em đang học năm thứ nhất đại học
kinh tế chắc cũng đang ngóng mong chị về cho tiền xài tết.
May
mắn được xếp vào hàng “Học sinh nghèo học giỏi”, tôi đã được nhận học
bổng để đi tiếp đến tương lai của một vị mạnh thường quân dấu tên. Mẹ
tôi đã mừng đến ràn rụa nước mắt, nghèn nghẹn khi tiễn tôi: “Con à! Mẹ
và em con rất hãnh diện và hy vọng ở con rất nhiều, con cố gắng học
thành tài, đi làm giúp mẹ cho em con tiếp bước vào đại học. Cố ráng
nghen con”. Biết phận mình, ngoài việc học bằng học bổng, tôi cố gắng
tìm thêm việc làm, một chút để chi dụng thêm cho mình, còn lại tôi gửi
về phụ mẹ. Tôi không biết có phải mình già trước tuổi, cụ non như lời
những đứa bạn từng chế giễu. Nhưng tôi ý thức được vai trò chị cả của
mình, nhất là từ ngày cha tôi mất vì bạo bệnh. Thế nhưng, con đường đi
tiếp tương lai của tôi nghẻn lại khi vị mạnh thường quân kia bị tai nạn
giao thông qua đời khi tôi chưa học hết năm thứ nhất và em tôi mới lên
lớp 11. Tôi đành phải bỏ học xin vào làm công nhân dệt may tại khu công
nghiệp Trảng Bàng, giúp mẹ lo cho em ăn học đến nơi đến chốn như kỳ vọng
của ba tôi lúc sinh thời. Khi tôi bỏ học, mẹ tôi khóc hết nước mắt,
nhưng hoàn cảnh với non nửa công đất trồng rau muống, ăn còn chưa đủ làm
thế nào có tiền để cho tôi theo đuổi đại học!?
Không
thể nào chịu đựng nổi giọng hát cứ len lỏi vào đôi tai, trong nỗi nhớ
miên man về gia đình, chắc tôi sẽ khóc mất nếu không làm một cái gì đó
để quên. Tôi vùng dậy, quờ chân tìm đôi dép rồi khoác thêm chiếc áo
lạnh, tôi bước vội ra ngoài. Có những lúc người ta phải chạy trốn chính
mình, với tôi chính là lúc này đây. Gió đêm cuối tháng chạp lạnh quắt
queo, khu phòng trọ trầm lặng chìm vào mênh mông. Cuối dãy phòng trọ còn
một phòng thấp thoáng ánh đèn. Có lẽ người ấy có chung một hoàn cảnh
như tôi và tiếng hát phát từ nơi ấy? Thật ích kỷ nếu coi đó là niềm vui.
Nhưng thật tình, trong lúc này nếu có được ai đó đồng cảnh ngộ mà an
ủi, mà tâm sự thì thật không còn gì bằng. Nghĩ thế, nhưng tôi cũng quay
mình bước ra đường Xuyên Á. Con đường rộng thênh thang, sáng choang ánh
đèn đường và đèn của đủ loại xe. Chiếc nào cũng chạy với tốc độ cao, gấp
gáp, hối hả. Họ đang tranh thủ để kịp về đón giao thừa. Tôi chợt thấy
mình thật lẩm cẩm. Ra đường làm gì để thấy mình càng cô đơn hơn.
Về
phòng, tôi để nguyên áo khoát nằm vật xuống nệm. Đúng là phận gái tết
không về chăm lo nhà cửa mà nằm chèo queo ở đây, ai biết thế nào cũng
cho là tôi thất tình hay chí ít bị đuổi ra khỏi nhà vì hư thân mất nết!
Bỗng có tiếng bước chân dừng ngoài cửa, rồi tiếng gõ cửa e dè. Tôi ngạc
nhiên, nhưng cũng vội thu xếp mền gối gọn gàng trước khi đứng lên mở
cửa. Dù sao cũng là con gái mà phòng trọ bề bộn quá cũng không tốt. Lại
nữa, đang đón mừng năm mới mà. Một chàng trai lạ hoắc, vẻ mặt thoáng bối
rối nhìn tôi. Tôi lên tiếng:
– Chào anh! Anh muốn tìm ai?
Anh lúng túng :
– À tôi…tôi không tìm ai cả .
– Ủa, không tìm ai sao anh gõ cửa?
Tôi
nhìn mặt anh nghệch ra, chợt thấy mình cũng kém lịch sự nên mở rộng cửa
tỏ ý mời anh vào. Cả hai cùng ngồi xuống nệm. Tôi hỏi:
- Có phải anh trọ ở cuối dãy phòng này không?
Anh có vẻ tự nhiên hơn:
- Sao cô biết?
Khi nảy tôi thấy cuối dãy còn một phòng có ánh đèn.
Anh cười, nụ cười thật thân thiện:
– Tôi muốn được nói chuyện với cô, cô không phản đối chứ ?
Tôi nhìn anh lạ lẫm, sau vài giây lưỡng lự, tôi nói:
– Anh cứ tự nhiên.
Anh có vẻ mừng rỡ nói ngay:
– Trước hết tôi xin tự giới thiệu: Tôi tên Luân, công nhân xí nghiệp “Mây tre lá” ở khu công nghiệp Trảng Bàng. Còn cô?
Bất ngờ, tôi im lặng nhìn anh dò xét. Như chợt nhận ra sự vô ý của mình, tôi trả lời:
- Tôi tên Liên, công nhân dệt may.
Anh có vẻ tự tin hơn khi nghe tôi sẵn sàng hầu chuyện:
– Tôi xin lỗi Liên về sự làm quen đường đột này, nhưng có lẽ không thể
nào khác, khi tôi nghĩ hai chúng ta đang có cùng cảnh ngộ.
– Có cùng cảnh ngộ ?
– Vâng! Vì hai chúng ta đang chuẩn bị đón một mùa xuân xa nhà.
Như chạm vào nỗi buồn, tôi quay vội đi. Anh như kịp nhìn thấy đôi mắt tôi chớp chớp. Anh bối rối :
– Xin lỗi , tôi không cố ý …
Tôi lắc đầu :
– Anh không có lỗi gì đâu, tại tôi…
– Liên ạ! Nếu Liên không cho là tôi nhiều chuyện, Liên có thể cho tôi biết lý do không?
Tôi im lặng, do dự. Anh thuyết phục nhẹ nhàng :
– Liên à, không phải ngẫu nhiên mà chúng ta gặp nhau trong một hoàn
cảnh đặc biệt thế này. Thật lòng tôi cũng muốn có chút sẻ chia với người
đồng cảnh ngộ, chí ít thì mỗi chúng ta cũng không phải chịu đựng nỗi
buồn một mình, chia sẻ được ta sẽ nhẹ lòng hơn .
Tôi hỏi lại:
- Thế vì sao anh cũng không về nhà ăn tết?
Anh nói ngay, không do dự:
- Tôi không muốn về nhà, hay nói đúng hơn tôi không có nhà để về.
- Sao vậy?
- Có
nên nói không nhỉ? Ba mẹ tôi ly dị. Ba tôi theo sống với vợ sau. Tôi
sống với mẹ. Nhưng mới đây bà đang có người theo đuổi. Bà nói với tôi:
con lớn rồi, con sẽ lập gia đình. Mẹ cần có người nương tựa. Nhưng ông
ấy không muốn con ở chung nhà. Ông sẽ mua căn nhà khác cho con. Tôi thật
sự bị hụt hẩng. Tôi không tin đôi tai mình. Vì tôi là con một. Đối với
gia đình khác họ quí hơn vàng. Còn cha mẹ tôi chỉ lo hạnh phúc riêng của
họ. Thế là tôi bỏ tất cả, đi xin làm công nhân sống tự lập.
Nghe qua câu chuyện, tôi giảm hẳn khoảng cách xa lạ, còn tỏ ra thương cảm hỏi anh:
– Vậy là năm trước anh còn được về ?
– Đúng vậy ! Nhưng năm nay thì …
Tôi
hiểu anh đang nghĩ gì khi anh không nói tiếp. Anh hụt hẩng là phải. Cha
mẹ nào cũng hy sinh cho con, còn cha mẹ anh thì… Tôi không dám nghĩ
tiếp. Biết đâu họ còn nỗi khổ riêng? Còn tôi, biết nói gì với anh bây
giờ? Mẹ và em tôi đang mong tôi. Ai cũng muốn tôi về cùng sum họp với
gia đình. Nhưng tôi viện vào lý do tăng ca những ngày tết để không về.
Từ Trảng Bàng về Tân Biên cũng hơn tám mươi cây số. Xa không? Không xa
nếu muốn về. Nhưng lại khá xa khi túi không tiền, mà tết thì biết bao
thứ phải mua sắm, lo toan. Trong lúc cả nhà đang trông chờ vào đồng
lương ít ỏi của tôi. Tháng trước tôi đã vay mượn bạn cùng phòng số tiền
để mua cho em tôi chiếc xe đạp. Nó nói: Từ nhà trọ đến trường không xa
nhưng đi bộ hàng ngày thì chịu không xiết. Đi xe buýt thì tốn tiền mà
bất tiện, đôi lúc trể giờ. Chị ráng mua cho em chiếc xe đạp vừa tiện lợi
vừa không tốn tiền đi xe buýt. Nghe em òn ỉ, tôi chịu không nổi nên vay
tiền mua. Tháng tết, ai cũng cần tiền nên phải trả. Trả thì không còn
tiền mang về nhà. Thôi thì gom góp được bao nhiêu gửi về. Bây giờ mà về
thấy cảnh nhà khó khăn mà túi thì đã nhẳn tiền, làm sao chịu nổi. Thôi
thì đành ở lại vậy. Mẹ và em cứ nghĩ mình tăng ca, đỡ lo hơn. Nên tôi
không thể về nhà mà “ vui như tết “ được .
- Liên thật có hiếu.
Tôi nhìn anh cười trừ. Con gái lớn, trụ cột trong gia đình, tết không về mà có hiếu sao?
Tôi nghe anh khẽ thở dài và nói :
– Tôi không đươc may mắn như Liên, vì ít ra Liên cũng còn có được hạnh
phúc trong tình thương của mẹ và em trai. Còn tôi, đã mất cả kể từ sau
phiên tòa ly hôn của ba mẹ tôi.
Tôi bùi ngùi, hóa ra tôi còn diễm phúc hơn anh thật. Nhưng giờ không phải là lúc ngồi gặm nhấm hạnh phúc của mình. Tôi lựa lời :
– Theo tôi thì cái chính anh phải vượt qua tâm lý của chính mình. Vẫn
biết cha mẹ ly hôn là nỗi bất hạnh lớn cho con cái. Anh đã chọn cho mình
con đường thì cứ vững bước mà đi. Nếu không mình sẽ mang tiếng là ích
kỷ.
Anh buồn bã:
– Mình đã từng có gia đình, bỗng dưng trở thành kẻ không có nơi mà
về. Nhưng thôi, có lẽ chúng ta cũng không nên đào sâu chuyện này, hy
vọng rồi sẽ khác. Cảm ơn Liên đã cho tôi lời khuyên.
Anh ngước nhìn lên đồng hồ. Đã hơn 11 giờ khuya. Cứ nghĩ anh dự định trở về phòng trọ. Anh bỗng đề nghị:
- Liên nghĩ sao? Nếu tôi đề nghị hai chúng ta hít thở không khí mùa xuân trong đêm giao thừa trên đường Xuyên Á.
Tôi chớp mắt:
– Ồ, ý kiến tuyệt đấy. Vâng, có lẽ sẽ tốt hơn là…
Anh tiếp lời tôi :
– Ngồi đây mà gặm nhắm nỗi cô đơn trước thềm năm mới.
Tôi
cười tán thành, nụ cười làm gương mặt tôi giãn ra, xinh tươi hơn; bởi
đôi mắt anh nhìn tôi có vẽ khác lạ. Ít phút sau, hai chúng tôi như một
đôi tình nhân, vui vẻ thả từng bước chân thư thái trong không khí mùa
xuân đang tràn ngập. Tôi trở thành một cô gái vui tươi, hồn nhiên, đi
bên anh không nghĩ ngợi. Không ai bảo ai trong phút giao mùa rất thiêng
liêng của đất trời, đều có cùng một ước nguyện, hy vọng một mùa xuân
mới sẽ mang đến cho con người một cuộc sống an lành rạng rỡ hơn. Tôi và
anh như trôi theo mùa xuân. Và không bíết tự lúc nào, bàn tay anh đã ấm
gọn trong tay tôi, cả tiếng “tôi” khô khốc và khách sáo cũng đã thay
bằng anh và em. Để đến khi anh đưa tôi về đến phòng trọ, tôi nghe được
từ anh lời dịu ngọt:
– Anh chúc em một mùa xuân mới với thật nhiều điều tốt đẹp.
Tôi e ấp :
– Em cũng chúc anh như thế. Và…chẳng phải mùa xuân này chúng ta đã bắt đầu bằng một điều tốt đẹp đó sao.
Men
xuân như ngấm vào lòng, thôi thúc. Tôi khẽ nép đầu vào ngực anh, ngước
nhìn anh say đắm và hé môi chờ đợi … Anh cũng không bỏ qua cơ hội, ôm bờ
vai tôi và cúi xuống…
Xuân mới đã về.
Cuối tháng 12
LNT
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét