Thứ Bảy, 18 tháng 3, 2017

THƠ TÌNH HỒ CHÍ BỬU - Ngông nghênh và dễ dãi - La Ngạc Thuỵ



Tôi biết Hồ Chí Bửu từ thời "Con gái" (tựa tập thơ xuất bản năm 1970) đến nay nên tôi rất hiểu cuộc đời và thơ của Hồ Chí Bửu. Có thể nói thơ của anh là cuộc rong chơi chữ nghĩa như chính cuộc đời lang bạt của anh.

Và do chữ nghĩa anh rong chơi nên không có gì ngạc nhiên khi trong năm 2009 anh xuất bản đến 2 tập thơ (một kỷ lục khó người theo kịp!): "Gởi người chưa một lần diện kiến" "Thơ tình Hồ Chí Bửu".
Đọc "Thơ tình Hồ Chí Bửu" (Nhà xuất bản Văn nghệ xuất bản tháng 12/2009) tôi có cảm giác thơ anh từ trước đến nay vẫn vậy. Vẫn là giọng thơ "tưng tửng" và đứng bên lề cuộc sống. Thơ tình mà đứng bên lề cuộc sống nên "Thơ tình Hồ Chí Bửu"thì dù tình yêu có đẹp bao nhiêu cũng "vô vị" bấy nhiêu và chỉ để "đọc chơi" nhưng để lắng hồn vào thơ thì không thể lắng được vì sau khi đọc xong thơ cũng trôi tuột đi mất người đọc chẳng vương vấn lại gì. Cảm nhận như Võ Tấn Cường thì "thơ Hồ Chí Bửu là thơ khẩu khí và sức hấp dẫn chính là giọng điệu ngang tàng đầy khí khái". Tôi dồng cảm với Võ Tấn Cường ở giọng điệu ngang tàng nhưng không thể chấp nhận thơ Hồ Chí Bửu là thơ khẩu khí.

Thơ là hình thức nghệ thuật dùng ngôn ngữ giàu hình ảnh và có nhịp điệu để thể hiện nội dung một cách hàm súc. Thơ cần kiệm lời chắt lọc nhưng thơ Hồ Chí Bửu buông thả như văn nói đời thường nên dễ lạc lõng và trúc trắc. Và chính sự rong chơi và buông thả chữ nghĩa đó mà thơ Hồ Chí Bửu mang nét "bông lơn" nhiều hơn đúng là một thứ "virus" như Hồ Chí Bửu tự hào tôi nghĩ vậy vì bài thơ này Hồ Chí Bửu chọn in đầu tiên trong tập thơ:
Em bảo thơ ta là virus
độc vô cùng - nhiễm lan tới tim em
con virus không thèm ăn trứng cút
ăn hoa hồng - hoa huệ - hoa lan ...
(Virus HCB...)
Không hiểu người đọc hiểu HCB nói gì trong "tuyên ngôn" này riêng tôi thì "không hiểu gì cả".
Còn nữa:
... Tức mình chửi đổng nghe chơi
Trong hang có một con dơi lộn đầu
Con gà nằm chỏng phao câu
Còn ta cứ nhỏng cái đầu ... lâu chơi!
(tức mình)
Còn thêm:
...Trong mơ ta cứ thấy em
thấy trên thấy dưới thấy thèm nọ kia
nghĩa trang trăm vạn hàng bia
có ai chết cái vụ kia không nè
(trong mơ)
Thơ mà như thế còn gì là thơ nữa?!
Có thể đó là phong cách thơ của Hồ Chí Bửu cũng như phong cách đời thường và hơi "ngạo đời" của anh nên ảnh hưởng vào thơ. Theo tôi đây là thơ để đọc chơi trong lúc "trà dư tửu hậu" chứ không thể "trân trọng" in thành tập thơ.
Có những bài thơ (nhất là các bài theo thể thơ 8 chữ lục bát) đọc lên nghe rất êm tai ngắt nhịp gieo vần ... đúng theo phong cách thơ vào những năm 60 70 của thế kỷ trước âm hưởng nhịp điệu của những nhà thơ nổi tiếng thời đó như T.T.Kh Lệ Khánh Trường Anh ...
Phải nói là thơ Hồ Chí Bửu nếu tách riêng từng khổ biệt lập thì có nhiều khổ thơ rất hay:
Anh yêu vì tâm hồn em thánh thiện
Em yêu anh vì cá tánh ngang tàng
Em mộc mạc chân tình không nguỵ biện
dễ thứ tha và cũng dễ cầu toàn ...
Nhưng khi ghép thêm:
Khi lâm trận em xuất thần biến hoá
Anh thọ hình bó gối khóc như mưa
Anh đầu hàng mà em thì hăm doạ:
Nợ lần này mai mốt trả nghe chưa?!
(năn nỉ)
Gì vậy nhỉ? Thánh thiện mộc mạc chân tình? Vậy mà lại hăm doạ? - Ngang tàng? Sao lại đầu hàng và bó gối khóc như mưa? Nguyên nhân ở đâu chả hiểu!
Các bài Tạ lỗi Tiểu thư của anh Lộ trình Chờ đến bao giờ ... cũng tương tự vậy dường như những khổ thơ không liên quan gì nhau nhưng lại nằm chung một bài. Không lẽ khi sáng tác một bài thơ Hồ Chí Bửu chẳng cần "tức cảnh sinh tình" gì cả không "xúc cảm" gì cả cứ ghép "chữ" cho có "nghĩa" vần điệu cho chỉnh chu thì xem như đã làm được bài thơ?
Có lẽ bài thơ "tài thiệt" diễn tả đúng tâm trạng và phong cách làm thơ nhất của Hồ Chí Bửu:
Ngẫm ra em giỏi vô cùng
Khi không mà lấy thằng khùng như ta?
chẳng trẻ mà cũng không già
làm thơ mắc cục như gà mắc thun
cho hay thiên hạ anh hùng
tự nhiên có một thằng khùng làm thơ...
Một đặc điểm khác trong "thơ tình Hồ Chí Bửu" là sự dễ dãi câu chữ sử dụng từ tuỳ tiện ... Cứ cho chữ nó "rong chơi" và tuỳ tiện "ghé vào" miễn có vần và ngữ điệu:
Yêu cái đẹp của nhau và delete cái xấu
.....
Tình yêu là phương thuốc kích thích hóc môn của
sự sống.
.....
Tình yêu không cần giấy phép kinh doanh
Là vĩnh cửu và bất diệt
biết chưa
(bài học)
Như khổ thơ sau:
Anh nhớ em - điều này là có thật
thật vô cùng như máu đỏ tim anh
Hai câu thơ rất thực tế và quá hay vậy mà bỗng dưng Hồ Chí Bửu ghép vào thêm:
Như hôm nào dòng lệ nhỏ chảy quanh
Ai nuốt hết vào tim dòng lệ nóng?
Chẳng "ăn nhập" gì đến 2 câu trên và giảm đi "chất hay" của nó. (đọc mà tức "anh ách")
Về từ ngữ thì Hồ Chí Bửu sử dụng cả từ ngữ chuyên dụng tin học: virus delete ... đến từ cổ xưa: viễn khách miên viễn tàn y độc hành ....
Và cả ảnh hưởng:
viễn khách ơi có một người cô độc
rượu đâu còn đầy ắp để mà say
ở đâu đó có một người muốn khóc
hay đang cười đầy ấm một vòng tay
(Tạ lỗi)
 thể nói "Thơ tình Hồ Chí Bửu" hay từng câu từng khổ khi đọc riêng từng câu từng khổ. Nhưng ghép chung lại thành bài thì vô nghĩa đôi lúc mâu thuẩn lẫn nhau và đặc biệt là "đứng bên lề cuộc sống" "vừa ngông nghênh vừa dễ dãi". Phải chăng Hồ Chí Bửu muốn tìm cho mình một phong cách thơ riêng? Từ cuộc sống đa dạng phong phú thì thơ càng nhiều lời dung chứa được nhiều ý thì càng có thế mạnh riêng của tiếng nói trong thơ chăng? Tất nhiên trong khám phá đi tìm cái mới trong sáng tác là việc làm cần thiết của nhà thơ. Thế nhưng Hồ Chí Bửu càng muốn khám phá muốn tạo nét riêng thì càng dễ rơi vào "cuộc rong chơi chữ nghĩa hơn". Hy vọng Hồ Chí Bửu thật sự có những đột phá mới chỉnh chu hơn.
La Ngạc Thuỵ

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét