Nhà thơ Ngã Du Tử
TÂM CA
Nhặt ngọn cỏ dắt vào trong túi áo
Có đất trời, có cả thảy trăng sao
Lời kinh rụng giữa đôi bờ hư thực
Nguồn tâm ca hương ngát ý bay vào
Ngã Du Tử
Lời Bình: Châu Thạch
“Tâm” không thể nắm bắt được trên tay vì “Tâm” không phải là vật chất. Tuy “tâm”không
phải là vật chất nhưng không có tâm thì vật chất trở nên vô nghĩa, bởi
vì cái gì không có tâm thì cái ấy vô tri và vô giác.
Khi nhắc đến “tâm”
là nhắc đến trái tim, lòng dạ, lương tâm con người. Mọi hành động của
con người đều xuất phát từ cái tâm. Tâm thiện thì suy nghĩ và hành động
đúng đạo lí, lẽ phải. Tâm không thiện thì sẽ sinh tà ý và làm nhiều điều
xấu xa, tội lỗi.
Chữ “tâm”
thường được dùng để hướng suy nghĩ của con người đến cái thiện, tu
thân, dưỡng tính, sống tích cực và làm nhiều điều tốt lành. Tâm lệch lạc
thì cuộc sống điên đảo đảo điên. Tâm gian dối thì cuộc sống bất an. Tâm
ghen ghét thì cuộc sống hận thù. Tâm đố kỵ thì cuộc sống mất vui. Tâm
tham lam thì cuộc sống dối trá.
Khái niệm “Tâm”
trong Phật giáo được xem là một trong những phạm trù quan trọng, cơ bản
của đạo Phật . Kinh Pháp Cú, vốn được xem như Kinh Thánh của Phật Giáo
mở đầu như sau: “Tâm dẫn đầu các pháp. Tâm là chủ. Tâm tạo tất cả”.
Một cách khái quát, qua các kinh điển Phật Giáo người ta có thể phân
biệt sáu loại tâm:
Nhục đoàn tâm : trái tim thịt
Tinh yếu tâm : chỗ kín mật, chỉ cái tinh hoa cốt tuỷ
Kiên thực tâm : là cái tâm không hư vọng, cũng gọi là chân tâm
Liễu biệt tâm : gồm sáu loại nhận thức đầu trong tám thức
Tư lượng tâm còn gọi là Mạt-na thức : thức thứ bảy trong tám thức.
Tập
khởi tâm còn gọi là A-lại-da thức dịch nghĩa là tạng thức hay tang thức
: chứa đựng mọi kinh nghiệm của đời sống mỗi con người và nguồn gốc tất
cả các hiện tượng tinh thần; là căn nguyên của mọi hoạt động nhận thức,
hoạt động tâm lý; là nơi lưu trữ những hạt giống sinh ra muôn sự muôn
vật, hữu hình hay vô hình. Tâm lý học phương Tây thường gọi thức này là
vô thức hay tiềm thức”
Tóm
lại, dù nhìn dưới khía cạnh nào, có thể nói theo Thiền Tông: Có hai thứ
tâm. Một thứ là tâm theo dòng tâm thức, khởi lên rồi diệt, vì ngũ uẩn
bị mê mờ bởi tham ái, dục lạc, vọng tưởng; tâm này được gọi là Vọng
tâm là tâm của chúng sinh. Hai là Chân tâm có tự tánh là thanh tịnh,
không sinh diệt, không dao động, thường vắng lặng, là tánh giác của
những vị đã giác ngộ, cũng còn được gọi là Tâm Phật.
Theo
cách mà dân gian Việt Nam hình dung, Tâm có thể là trái tim, Tâm cũng
có thể là lòng, dạ, bụng, ruột, thậm chí cũng có thể là gan và chúng có sự phân công về mặt ngữ nghĩa rất khác nhau.
Với Ki tô giáo, Tâm có thể là linh hồn, tâm hồn
Với nhà Phật, Tâm là thức bao gồm cả ý thức và vô thức.
Với những lập luận như trên ta có thể hiểu “Tâm Ca”
cúa nhà thơ Ngã Du Tử là gì. Đó là tiếng ca cúa trái tim đạo. Đó là
tiếng ca của linh hồn, hay đó là tiếng ca của ý thức con người hướng đến
chân, thiện, mỹ.
Nhạc sĩ Phạm Duy cũng viết 10 bản nhạc có tên là “Tâm Ca”.
Tâm Ca cúa Phạm Duy là tiếng ca nhận diện sự bi đát của cuộc đời và tỏ
thái độ, cũng như tuyên ngôn lương tâm trước những điều đã thấy.
Ngược lại với Phạm Duy, “Tâm Ca”cúa
Ngã Du Tử là bài thơ lấy cái tâm là trái tim của mình, lấy cái tâm là ý
thức của mình, lấy cái tâm hướng tới tự tính thanh tịnh, không sanh
không diệt để hưởng nguồn “hương ngát” dấy lên từ “ý thức” đó.
Vào bài, ta thấy Ngã Du Tử viết một câu thơ hơi lạ kỳ:
Nhặt ngọn cỏ dắt vào trong túi áo
Ngọn cỏ thì liên quan gì đến tâm ca?
Có
đấy, bài ca nào cũng bắt đầu từ nốt nhạc đầu tiên. Không có nốt nhạc
đầu tiên thì không có bài ca bao giờ. Nhà thơ lấy ngọn cỏ làm nốt nhạc
đầu tiên cho tâm ca của mình, bởi từ ngọn cỏ nhà thơ thấy sự vi diệu vô
cùng của Tạo Hóa. Thực sự, ngọn cỏ cũng được kiến tạo từ đất, nước. gió,
lửa là tứ đại, là 4 yếu tố bất di bất dịch mà Tạo Hóa đã dùng nó hình
thành nên thế giới vật chất từ cái nhỏ nhất đến cái vĩ đại vô cùng
trong vũ trụ.
Đọc
thơ, ta suy luận biết được, nhà thơ đứng một nơi nào đó, giữa trời đất
bao la có trăng, sao, mây, nước. Tác giả cầm ngọn cỏ lên tay, và ngọn cỏ
bỗng nhiên trở thành như một “văn Tự bất lập” để “trực chỉ nhân tâm”cho
tác giả thấy được cái tráng lệ nhiệm mầu của nguyên lý sáng tạo ra thế
giới. Nguyên lý ấy là tứ đại có trong vạn ngàn tinh tú trên trời cao mà
cũng có trong ngọn cỏ dưới đất dày. Ngã Du Tử đã thấy một cái thấy mà
một tác giả phương Tây đã viết như sau:
Thấy Vũ Trụ trong một Hạt Cát
Thấy Trời nơi một Bông Hoa Dại
Nắm Vô Biên trong lòng bàn tay
Và Vô Tận trong một khoảnh khắc.
Khi nhà thơ không vất bỏ ngọn cỏ, khi nhà thơ trịnh trọng “Nhặt ngọn cỏ dắt vào trong túi áo”
là lúc cái tâm nhà thơ không phải là Nhục Đoàn Tâm (trái tim thịt) mà
chính là Kiên Thực Tâm là chân tâm, là cái tâm không hư vọng đã làm nẩy
sinh bài ca trong linh hồn tác giả, một bài ca giác ngộ về sự huyền vi
của trời đất.
Từ cái việc Ngã Du Tử “Nhặt ngọn cỏ lên dắt vào trong túi áo”, nhìn ngọn cỏ ngộ ra trong ngọn cỏ “Có đất trời và có cả trăng sao” đã
đưa tâm hồn tác giả chuyển biến qua một trạng thái khác, một trạng thái
thăng hoa vượt trên nhận thức đời thương, lấy cái tâm Tập khởi hay còn
gọi A-Lại Đa Thức, hay còn gọi Tạng Thức trong Phật Giáo để hiểu ra, đê
ngộ được những lời kinh tụng niệm xưa nay, biết được những kinh điển tu
tập xưa nay chỉ là “bị mắc kẹt giữa đôi bờ hư thực” nên không thể chấp
vào đó nữa. Bây giở, từ nhặt ngọn cỏ làm duyên nghiệp u mê đã hết, quả
lành đã đến và lời ca từ tâm ấy ngát hương mới đến trong linh hồn:
Lời kinh rụng giữa đôi bờ hư thực
Nguồn tâm ca hương ngát ý bay vào
Vì sao lời kinh phải “rụng giữa đôi bờ hư thực” thì “nguồn tâm ca” mới “hương ngát ý bay vào”?
Ta hãy đọc khổ thơ của Nhà Sư Minh Đức Triều Tâm Ảnh:
Ta đứng lên
gọi đò
bên bờ sông lau lách
lá tử sinh cháy đỏ cuối ghềnh xa
lòng dừng lại, nhìn thời gian huyễn hoặc
chẳng bao giờ thấy hết cõi người ta
Đây là tâm trạng của nhà sư khi còn đi tìm đạo, khi mà “Lời kinh chưa rụng giữa đôi bờ hư thực”
Tiếng gọi đò là sự tìm kiếm một con đường giải thoát. “Bờ sông lau lách”
là trần gian. Con sông là sự ngăn cách giữa ta và chân lý. Đò chính là
đạo, là con đường đưa ta đến bờ giải thoát bên kia. Nhà thơ gọi đò trong
vô vọng. Bởi vì gọi đò mà tác giả không thấy đò đâu, lại thấy “lá tử sinh cháy đỏ cuối ghềnh xa” nghĩa là thấy sự chết chờ ta ở cuối cuộc đời. “Lòng dừng lại, nhìn thời gian huyễn hoặc” nghĩa là quán được tác động của thời gian trên mọi biến đổi của đời. Từ đó mà tác giả thốt lên một câu nói bi quan: “chẳng bao giờ thấy hết cõi người ta”. Cảnh
giới sông, đò lau lách trong thơ của nhà sư chỉ là sự đại diện cho cái
tâm cố chấp, là sự nô lệ cúa linh hồn bị dính mắc vào sắc tướng.
Và
rồi trong một bài thơ khác, để gọi được đò vượt qua con sông phàm tục
đó, nhà sư phải bỏ cái tâm cố chấp, cái tâm nô lệ, cái tâm dính mắc sắc
tướng đi, phải để linh hồn mình nhẹ như những chiếc lá “rụng giữa hai bờ sắc không”, cũng giống như Ngã Du Tử để cho “Lời kinh rụng giữa đôi bờ hư thực”, vậy thì mới qua được con sông, đến bến bờ giải thoát:
Qua sông bèn gọi con đò
Nôn nao lá rụng hai bờ sắc không
Từ chiếc “lá rụng” trong thơ Minh Đức Triều Tâm Ảnh và “lời kinh rụng” của Ngã Du Tử ta hiểu ra được sự buông bỏ tất cả, buông bỏ cả cái có và cái không thì khoái lạc của “Nguồn tâm ca hương ngát ý” sẽ “bay vào” linh hồn ta vậy.
Trong Phật giáo, khái niệm tánh "sắc" (thực) không thể bị đồng hóa với "có" và tánh "không”(hư) không thể bị đồng hóa với "không có". Kinh Bát Nhã viết “Sắc tức thị không, không tức thị sắc”
đã nói lên bản chất thật của vạn vật liên đới hài hòa giữa có và
không, giữa hư và thực. Ngã Du Tử nghiệm được thế, nhà thơ không chấp
vào sắc, không chấp vào không, để linh hồn thanh thản thành chiếc lá rơi
giữa đôi bờ sắc không như Minh Đức Triều Tâm Ảnh, hay để lời kinh rụng
giữa hư và thực thì tiếng ca chân lý sẽ dậy lên trong trái tim mình.
Trong kinh Hoa Nghiêm đức Phật dạy: “Trong 49 năm Ta chưa hề nói 1 câu, 1 chữ, 1 lời nào”. Ngài
đi giảng đạo 49 năm làm sao không nói được?. Lý do Ngài dạy chính là
buộc ta suy nghiệm ẩn ý trong lời Ngài để hiểu sâu xa hơn. Xin tạm ví
dụ “lời kinh” là triết lý nhà Phật, lời Ngài nói thành tiếng là “thực”, Ngài bảo Ngài không nói gì chính là “hư”. Ngã Du Tử để “Lời kinh rụng giữa miền hư thực”
chính là hiểu được câu nói phủ nhận của Phật. Mục đích của Phật là để
mọi người nhận ra cái bản lai diện mục của mình, bởi do (tam độc) vô
minh che khuất chân trí mà không ngộ được chân lý khi nghe lời phật
giảng.
Đọc “Tâm Ca”của
Ngã Du Tử, ta thấy được linh năng, linh quyền của tạo hóa trong mọi vật
từ thiên nhiên vô hạn đến ngọn cỏ trong bàn tay người thi sĩ. Đọc “Tâm Ca” của Ngã Du Tử ta chiêm nghiệm được sự huyền vi của đất trời có trên mọi vật. Tâm ca chính là nguồn vui trong linh hồn “vô quái ngại”,
thoát ra mọi ràng buộc, buông bỏ mọi chấp niệm kể cả chấp niệm lời
kinh Phật dạy để không vướng mắc vào sắc hay không, hư hay thực , hòa
nhập vào vô vi, hưởng hương thơm của nguồn trong trẻo vô biên, rong chơi
giữa thường hằng. Đó chính là ước vọng mà nhà thơ hằng hướng đến đến
khi viết “Tâm Ca”.
Chỉ
4 câu thơ, ban đầu nhà thơ dắt ngọn cỏ vào túi. Túi áo thể hiện cho cái
trí non nớt cúa mình mà ngọn cỏ đã khải thị cho nó thấy được tất cả
quang vinh của tạo hóa trong cái hình hài nhỏ bé kia. Thế rồi từ sự khải
thị đó, nhà thơ trực nhận được pháp môn, thoát khỏi sợi dây hư thực trì
kéo, biến linh hồn trở nên thơm ngát trong tiếng reo ca bát ngát của
tâm. Bốn câu thơ thật ngắn nhưng nói thật nhiều, như ngọn cỏ nói lên
cho cả cái vĩ đại của thiên nhiên huyền bí!
Linh hồn ai có tiếng tâm ca nầy thì linh hồn đó dư dật niềm vui, rời xa bi lụy!
Người viết bài nầy chỉ nương theo những gì uyên thâm tham khảo được từ sách vở để tìm cái hay trong thơ Ngã Du Tử.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét