Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2020

TRĂNG BẠC ĐẦU – Truyện ngắn Nguyễn Thị Mây

                                                    Ảnh minh họa của Nguyễn Gia
 
Ánh nắng cuối ngày nhuộm vàng mặt nước. Cơn gió thoảng qua đẩy đưa những chiếc lá úa trôi lững lờ trên dòng kênh. Bóng chị đỗ ra phía trước. Hai cánh tay giăng ngang theo chiều dài đòn gánh như cánh chim bay hối hả trong chiều. Chị thấy mình mỉm cười. Hàm răng đều đặn, trắng bóng thấp thoáng dưới làn nước. Đôi mắt sáng long lanh khiến gương mặt chị bỗng dưng trẻ lại như thuở mới dậy thì.
 
Cũng với đôi cánh tay nầy, trong đêm vũ hội xa xưa, chị đã làm cho biết bao người ngạc nhiên, say đắm. Những bước đi uyển chuyển theo nhịp ngũ âm. Mấy ngón tay mềm mại rung cùng nhịp trống. Đôi cánh tay chị như cặp rắn thần giữ đền thiêng, uốn éo, vươn dài rồi đưa cao vẫy gọi vầng trăng. Ánh vàng chảy tràn trên người chị. Cái dáng đang độ nảy nở đẹp lên một cách lạ thường. Chị lượn quanh các cô bạn. Tiếng vỗ tay phụ họa của những chàng trai đứng xem khi lớn khi nhỏ, khi nhanh khi chậm như tiếng mưa đầu mùa rơi xuống sân chùa. Chị như người say dù chưa nhấp chút men hồng. Chị cứ múa, cứ hát mãi đến gần tàn đêm Chol Chnam Thmây.
 
Khi dừng lại, chị mới hay trời đã về khuya. Các bạn đi đâu mất cả. Chắc họ đã trở lại nhà. Chỉ còn lác đác vài ba người đang thu dọn bàn ghế, nhạc cụ đem vào chùa. Chị lo lắng nhìn quanh, bắt gặp ánh mắt đắm đuối của anh chàng nào lạ hoắc. Cái nhìn giữ chặt nụ cười của chị, ghìm lại nỗi vui dạt dào và nhường chỗ cho sợ hãi bất chợt trong lòng. Anh ta tiến thêm vài bước rồi dừng lại, giọng trầm ấm:
– Cô múa hay quá! Đẹp quá!
 
Chị không cảm thấy mừng vì được khen mà một nỗi lo sợ mơ hồ cuốn lấy chị, nâng chị đứng vụt lên rồi bỏ chạy. Chị băng qua những con đường đất. Gió tạt mạnh vào mặt. Mái tóc xổ tung bay ngược về phía sau. Vầng trăng chập chờn đuổi theo, mỉm cười giễu cợt. Mặc! Chị cứ chạy, chạy mãi. Đến khi hàng cau thẳng tấp trong vườn nhà hiện ra rõ nét, chị mới dừng lại để thở. Tựa người vào gốc cây ven đường, chị ngoái nhìn ra sau. Không có ai đuổi theo hết. Chỉ có vầng trăng vẫn còn nhìn chị chằm chằm rồi lẫn vào làn mây mỏng.
 
Cuối năm đó, chị thành hôn với người con trai ấy. Anh không đuổi theo chị nhưng trái tim anh đã vượt qua mấy đoạn đường dài dõi theo bóng chị. Ôi, những ngày tháng ngọt ngào hạnh phúc mau chóng qua đi. Mới một năm thôi mà tình yêu đã bay khỏi căn nhà chị. Nó đem theo người chồng ham vui, ném anh vào các cuộc đỏ đen, những đêm vũ hội. Anh chỉ biết hội hè đình đám, bỏ mặc chị với ruộng vườn, với đứa con chưa đầy hai tháng.
 
Cũng một đêm trăng, chị đã băng qua con đường đất. Mặc gió buốt, mặc gai góc dọc đường, chị chạy thi với vầng trăng đưa thằng Chal Tha vào bệnh viện cấp cứu. Nhìn thấy con chị, bác sĩ liền mở tung tất cả cúc áo của thằng bé rồi vội vàng đưa nó vào phòng lạnh. Lúc trở ra, ông nghiêm khắc nói:
– Con chị bị sốt rất nặng. Sao tới giờ nầy chị mới đưa cháu vào đây? Chút nữa là không còn kịp…!
 
Chị cúi mặt, nước mắt chảy dài xuống má. Chị không biết trả lời sao với người thầy thuốc tận tình ấy. Chẳng lẽ chị lại nói rằng chị phải coi nhà, cha thằng bé bận đình đám, rượu chè.
 
Chal Tha bình phục, chị bồng con về luôn nhà cha mẹ ruột, bỏ lại tất cả đồ đạc, nhà cửa, ruộng vườn mà phần lớn do chị tạo nên. Chị xem như mình đã đánh mất những thứ ấy cùng lúc với tuổi trẻ, thời thiếu nữ vàng son ngày nào. Gia tài còn lại lúc bấy giờ thuộc về chị là Chal Tha, đứa con yêu quí!
– Mẹ để con gánh cho!
 
Sao Mai đã đến bên cạnh chị, cô bé đỡ lấy đòn gánh trên vai chị chuyền sang vai mình. Sao Mai khom người xuống, hai tay nắm chặt hai cán thùng, đẩy nhè nhẹ trên mặt nước, tạo thành những đợt sóng nhấp nhô, lan rộng, xóa nhòa khuôn mặt và cái bóng chị rung lên rồi vụt biến mất khi cặp thùng được Sao Mai nhận chìm xuống nước. Lúc cô bé đứng thẳng người lên, mặt trời đỏ ối như rơi tỏm vào thùng, nằm lơ lửng giữa bóng cây và mây trắng trôi bồng bềnh trong gánh nước. Chút nữa đây, cô bé sẽ tưới cả trời chiều lên hàng cà nâu tươi tốt. Cô đi những bước vững vàng lên bờ kênh. Gánh nước trông nhẹ hẩng theo tiếng cười trong trẻo và bàn tay đong đưa dịu oặt.
 
Chal Tha từ xa chạy tới, tóc xoăn tít trên đầu, vàng hoe dưới nắng chiều, tựa những sợi tơ óng ánh đang bốc cháy. Cậu cũng cười theo em gái mà không biết cười vì lý do nào. Hàm răng trắng đều tăm tắp phô ra khiến khuôn mặt đen bóng của cậu bất chợt duyên dáng, dễ thương. Chal Tha đến bên em gái, cất giọng vui tươi:
– Giành làm hết phải không?
 
Sao Mai vừa đổ nước sang thùng tưới vừa nói:
 
– Ừ, anh với mẹ vào nghỉ mệt đi!
– Có mệt đâu mà nghỉ. Đưa thùng tưới đây cho anh. Chiều rồi Sao Mai lặn đi là vừa. Giờ nầy là của Sao Hôm.
Sao Mai mỉm cười trêu anh:
– Thầy giáo không được gánh nước, việc của anh là gõ đầu trẻ kìa.
 
Chal Tha giật lấy cái thùng, nước bắn lên tung tóe. Cậu cười giòn tan, chị cũng cười theo, lòng vui như hội. Ai cũng nói chị có phước. Vùng nầy không có con ai học giỏi bằng Chal Tha. Còn Sao Mai vừa đẹp vừa siêng năng chăm chỉ hơn người. Con bé giống cha ở lòng say mê ruộng rẫy, chăn nuôi nhưng lại cùng suy nghĩ như mẹ là biết quý những thứ khác hơn của cải, vật chất.
 
Khi Chal Tha lên mười, chị bước thêm bước nữa. Người chồng sau rất cần cù lao động. Anh không hề đặt chân đến chỗ vui chơi nào. Hầu hết thời giờ của anh là để làm việc, là gặt hái, là chăn bò, là trồng rau, tỉa đậu, … Người trong “sóc” đùa rằng anh chỉ nhìn xuống luống cày, vồng khoai chứ không hề ngẩng lên ngắm nhìn ai hết. Người ta đâu ngờ anh vẫn len lén nhìn trộm chị để khi chị bắt gặp thì anh giả đò ngó đi nơi khác rồi chắt lưỡi, hít hà. Chị quyết định chắp nối với anh khi anh đã phóng mình xuống dòng nước xiết để cứu thằng Chal Tha lúc thằng bé qua cầu bị trượt chân té ngã.
Đây là điều sai lầm thứ hai của chị. Có sống chung với anh, chị mới thấy mọi người đã nghĩ đúng. Anh không yêu ai bằng con bò anh đang nuôi. Anh không quý ai bằng luống rau xanh anh bỏ công vun vén. Anh làm một cái chuồng cột đúc hẳn hoi để cho bò ở. Nửa đêm, anh vùng dậy, lao ra ruộng nếu trời nổi gió dông. Điều làm chị đớn đau, thất vọng nhất là anh buộc chị phải bắt Chal Tha nghỉ học với lý do là hai con bò đẻ một lượt. Không có ai chăn mấy chú bò con nầy ngoài Chal Tha. Anh giải thích:
 
– Học làm gì, nuôi bò có lợi nhiều hơn. Hai con bò mẹ sang năm lại đẻ. Vài năm nữa thôi mình sẽ có ít lắm mười con bò. Mình sẽ giàu to, bà biết không?
– Nhưng con mình sẽ phải bỏ học, thua kém người khác.
– Thì có sao đâu? Bên gia đình tôi không có ai tới trường mà mấy cái cột nhà tôi đều là cột đúc. Còn nhà bà, ai cũng học cao, hiểu rộng mà tới cái nhà ở cũng không lành.
 
Bỗng dưng, chị cảm thấy hơi thở mình trở nên nặng nhọc. Chị ngồi dựa lưng vào vách nghĩ ngợi hồi lâu rồi bỏ vào buồng thu xếp quần áo và dắt Chal Tha trở về nhà cha mẹ mình. Trở về căn nhà vách lá cột tre thân thuộc. Ở đó, cha mẹ chị lại cưu mang giúp đỡ chị trong những ngày sinh nở. Cũng chính trong căn nhà cột xiêu vách đổ này, Sao Mai, con gái của anh ta đã lớn lên. Hàng xóm lại được dịp bàn tán, xôn xao. Người khen chị biết yêu thương con. Người lại chê chị ngu, làm lụng vất vả rồi bỏ đi cho anh ta hưởng hết.
 
Sau đó, anh có đến xin lỗi, làm lành với chị. Không còn giận chồng nữa nhưng chị biết khó có thể tiếp tục sống chung với anh. Anh có ưu điểm mà người chồng trước không có là cần cù lao động nhưng lại tham lam, ích kỷ quá đáng. Trong khi người ta đã tìm đường lên tới tận vầng trăng kia mà anh bắt Chal Tha làm một người ngu dốt thì thà để nó chết dưới dòng nước xiết ngày nào còn hơn.
Chị biết anh không sao hiểu được rằng những con bò ấy được sinh ra là để phục vụ con người chứ không phải con chị phải rời ghế nhà trường để phục vụ nó. Chị biết anh không sao nghĩ ra rằng, khi sinh con thì phải có trách nhiệm với nó. Phải nuôi dạy nó chứ không phải chỉ cho nó ăn rồi lớn lên như một con bò. Chị biết anh không sao có được niềm vui khi nghe tiếng trẻ học bài sang sảng và chắc chắn anh không sao hiểu được rằng Chal Tha đã cư xử lễ độ với anh cũng chính nhờ có ăn học, có giáo dục.
 
Bây giờ cái nhà của mẹ con chị cũng đã được xây tường lợp tôn hẳn hoi. Nhưng không phải chị tự hào vì nó mà là ở chỗ chị có hai đứa con ngoan ngoãn. Chal Tha đã đi đúng con đường mà chị ước mong. Chal Tha đã trở thành thầy giáo. Một người có ích. Mỗi lần chị tưởng tượng Chal Tha đang đứng trước bao ánh mắt tròn xoe thơ dại, cậu cất tiếng trầm ấm nói về một điều gì đó trong lịch sử hay giảng một vấn đề thuộc khoa học và đời sống. Học sinh lắng nghe, miệng hé mở như để uống từng lời của con chị. Ôi, lòng chị như có ai gõ lên những nhịp trống lạ thường. Sao Mai, sáng đi học, chiều làm công việc nhà giúp mẹ. Tất cả những vồng cải, những luống cà qua tay cô bé đều tươi tốt như được tưới nước thần. Nó mườn mượt như tơ, như gấm. Và đồ đạc trong nhà sạch bóng lên khi được cô chú ý tới. Có phải đó là phần thưởng dành cho chị sau bao năm vất vả nhọc nhằn?
 
Chị mở cửa sau, bước nhè nhẹ ra sân. Đêm nay, trăng lại tròn vành vạnh. treo lơ lửng trên nền trời. Ánh nắng rơi đầy khu vườn nhỏ bé. Bóng những cây cau đen sẫm trước mắt chị. Mọi vật dường như đang say ngủ. Cây lá im lìm. Chỉ có cửa sổ phòng Chal Tha còn mở rộng. Chị biết giờ này con mình vẫn chưa ngủ. Cậu đang ngồi trước quyển giáo án nhưng không ghi tiếp được chữ nào. Người ta bảo tình yêu tạo thêm sức mạnh cho con người nhưng tại sao nó giết chết dần mòm con trai chị. Gần đây, trong nhà không còn rộn rã tiếng nói cười nữa. Tất cả hình như đổi thay. Chal Tha đi về như cái bóng, cả chị và Sao Mai không còn muốn nhếch môi. Mỗi người tìm một góc nhà ngồi ủ rũ. Chị muốn đến bên cạnh Chal Tha, ôm lấy nó, vuốt lên mái tóc xoăn tít của con rồi vỗ về:
– Hãy quên hết đi con!
 
Nhưng điều đó bây giờ trở nên quá khó với chị. Có phải tình yêu biến nó thành người lớn và nỗi đau khổ đang giày vò nó đã ngăn chị lại. Tại sao cô bé ấy chỉ xem Chal Tha như bạn chứ không muốn kết hôn với cậu. Cô không muốn làm vợ một thầy giáo? Hay cái nhà của chị còn quá nhỏ so với những ngôi nhà khác? Cô đã quay mặt đi giống như mặt trời vừa trốn khỏi nơi này. Những buổi sáng trở nên âm u, lạnh lẽo và đêm thì dài ra, tẻ nhạt.
 
Đêm nay, cũng dưới ánh trăng mà tóc chị dường như nhuộm bạc. Hai cánh tay bất lực, co quắp ôm lấy ngực. Trái tim chị như vỡ ra trong đớn đau, run rẩy. Chị thấy tuổi già phủ đầy hai vai. Chị ngã khuỵu xuống khi chợt nhận ra con đường mình vạch cho con đi đầy chông gai, thử thách. Không phải ai cũng trọng nhân nghĩa và xem thường vật chất, xa hoa. Không phải ai cũng ngã mũ chào con trai chị, một giáo viên như những đứa học trò nhỏ bé và cũng không phải ai cũng xem nghề giáo là một nghề cao quý. Cô gái ấy đã làm Chal Tha khổ sở và bóp chết cả trái tim chị nữa. Chị đưa hai tay ôm lấy mặt, khóc nức nở.
– Mẹ, mẹ …!
 
Chị giật mình ngước lên, Chal Tha đang đứng trước mặt chị, đăm đăm nhìn những giọt nước mắt ràn rụa trên má chị rồi cậu vụt ôm chầm lấy chị, gục lên vai chị và kêu lên đau đớn:
– Mẹ…!
 
Tiếng kêu lạc lỏng kinh hoàng. Tiếng thét của con chim trúng đạn. Chị vuốt tóc con rồi vỗ nhè nhẹ lên lưng cậu như ngày xưa lúc ru cậu ngủ, câu ca dao ngọt ngào ngày nào được thay thế bằng những tiếng nấc dồn dập, kéo dài của chị.
 
Chal Tha đỡ chị đứng lên. Cậu nhìn vào mắt chị, quả quyết nói:
– Khuya lắm rồi, mẹ vào nhà nghỉ đi. Đừng lo lắng nữa. Buồn khổ bấy nhiêu cũng đã đủ. Đây là đêm cuối cùng con thao thức vì dĩ nhiên là con sẽ không quên được cô ấy. Nhưng, không được kết hôn với cô ấy có lẽ còn tốt hơn. Vợ chồng sẽ ra sao nếu hai người không cùng một suy nghĩ, không tôn trọng nhau, lúc ấy còn đau khổ hơn nhiều. Ngày mai, con sẽ bắt đầu làm lại cuộc đời. Dù thế nào thì việc học cũng cần thiết. Con sẽ cố học. Học đến phút cuối đời. Đi dạy và tiếp tục học. Con xem đó là niềm vui. Con người không thể chỉ biết sống chết vì một cô gái đẹp. Con còn có mẹ, còn có Sao Mai. Ý chí con người chiến thắng tất cả. Xin mẹ cứ tin con. Mẹ đừng buồn nữa!
 
Chị ngơ ngẩn nhìn Chal Tha. Trong một thoáng, chị nhớ lại mấy câu dân ca đậm đà tình mẹ:
Tôi thương mẹ tôi vô bến vô bờ
Người đã sinh ra tôi cho đời tôi có mẹ
Dẫu núi Thái Sơn hay nước nguồn biển cả
Chi có mẹ tôi không thể thế ai vào.
 
Rồi chị nghĩ tới anh chồng sau của mình. Có thể anh ta có lý. Phải chi hồi đó mình bắt Chal Tha nghỉ học đi chăn bò có lẽ giờ này nó đỡ khổ hơn.
 
Ngay lập tức, ý nghĩ ấy xóa mờ bởi câu nói của Chal Tha ban nãy:
– Dù thế nào thì việc học cũng cần thiết. Con sẽ cố học. Học đến phút cuối đời.
 
Chị mỉm cười. Nụ cười điểm long lanh hai giọt nước mắt:
– Chal Tha! Con đã lớn rồi đó. Con yêu quí của mẹ!
 

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét