Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2020

Một ấp có ba làng nghề - Ghi Chép của La Ngạc Thụy

            
 
         Nơi này vang lên tiếng máy cưa tre, chỗ kia rì rầm tiếng máy may, làng trên thơm mùi trầm, xóm dưới thoảng mùi tre nứa, có chỗ tốp năm, tốp mười, có chỗ chỉ một hai người lặng lẽ hoặc khẩn trương với công việc …Đó là là làng nghề ấp Long Tân, xã Long Thành Bắc, huyện Hoà Thành (Tây Ninh) với các làng nghề sản xuất nhang, sản xuất sản phẩm từ mây tre và may mặc , doanh thu hàng năm hơn 8  tỉ đồng. Các làng nghề ở đây đúng nghĩa là làng nghề vì tất cả các hộ cùng nghề dù ít hay nhiều đều sống tập trung theo từng khu vực trong ấp. Ngoài trừ nghề làm nhang là nghề truyền thống có từ hơn trăm năm qua, các nghề sản xuất sản phẩm từ mây tre và may mặc mới hình thành khoảng hơn 20 năm qua.


Bước chân vào đầu ấp là làng nghề may mặc. Có thể nói đây là làng nghề phát triển nhanh nhất trong các làng nghề. Chỉ trên đoạn đường hơn 500 mét mà có đến 36 hộ lân cận nhau cùng làm nghề may. Anh Nguyễn Văn Tuấn Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Thành Bắc cho biết: "Ban đầu nơi đây chỉ có vài ba hộ hành nghề, sau phát triển dần lên toàn ấp, nhưng tập trung nhiều nhất là ở đoạn đường này". Điều đáng ghi nhận là tại mỗi cơ sở chỉ có vài người thợ may tại chỗ, còn lại họ nhận về nhà may gia công, nên có thể nói đến đâu cũng nghe tiếng máy may chạy rầm rập suốt ngày đêm. Trước mỗi cơ sở đều treo la liệt quần áo đủ loại, đủ sắc màu. Tại cơ sở của anh Trương Văn Đức có đến 12 máy may, là cơ sở có công suất cao nhất trong làng nghề. Nhìn những người thợ đang gò lưng bên máy may cùng với những thao tác đưa, xoay vải nhịp nhàng cùng nhịp lên xuống nhanh, chậm của hệ thống mô – tơ may mới thấy hết sự khéo léo của đôi bàn tay tài hoa của họ. Dưới nền gạch men hoa hoặc trên bàn cắt, thao tác cắt vải với những vết cắt sắc ngọt, của thợ cắt trông cũng thuần thục…  
 
Làng nhang chỉ cách làng may mặc non nửa cây số. Nghề sản xuất nhang hiện diện khắp nơi trên địa bàn huyện Hoà Thành, chỉ riêng ấp Long Tân các hộ làm nghề mới sống tập trung với hơn 50 hộ. Trên lộ Thiên Cang, hai bên lề như trải thảm với sắc màu đỏ, trắng, vàng của nhang phơi rực rỡ dưới nắng. Từ ngày lộ Thiên Cang được nâng cấp, mở rộng thông thoáng, không còn cảnh lầy lội thì "thảm màu nhang" càng khoe sắc thắm tươi hơn. Đi sâu vào làng nghề và chứng kiến cảnh những cô gái tuổi đôi mươi ngồi bên bàn se, khéo léo se từng cây nhang với những động tác thật thuần thục, nhanh nhẹn mới thấy hết vẻ đẹp qua lao động của họ. Chưa kể những động tác chẻ chân nhang, vừng, trộn bột nhang, phơi, nhúng màu … , nhất là cảnh phơi nhang với nhiều động tác của người phơi khi trải nhang hình cánh quạt xòe tròn trông như múa trên thảm sắc màu. Điều đáng tiếc là do còn sản xuất theo từng hộ gia đình, các công đoạn sản xuất chưa sắp xếp hợp lý và phân tán nên chưa phô diễn hết nét độc đáo quá trình sản xuất nhang. Theo chị Trần Thị Ngọc chủ một sơ sở sản xuất có hơn 40 năm làm nghề thì hiện nay làng nhang Long Tân chỉ còn sản xuất 2 loại nhang se và nhang nhúng. Nếu như hơn 20 năm về trước thì sản xuất hơn 10 chủng loại được người tiêu dùng ưa thích và có sức tiêu thụ mạnh. Trên thực tế nhang Long Tân chiếm lĩnh thị trường các nơi nhưng lại mang thương hiệu nơi khác. Bởi lẽ, những năm qua, hầu hết các hộ sản xuất nhang ở đây đều sản xuất thành phẩm nhang trần cho các cơ sở sản xuất ở TP.Hồ Chí Minh. Các cơ sở này gia công vô bao bì, dán nhãn hiệu và xuất  đi các tỉnh miền Tây nam bộ, sang cả thị trường Campuchia… và bán ngược về chính nơi sản xuất ra nó ở Tây Ninh.
 
Đi khỏi làng nhang là đến làng sản xuất sản phẩm từ mây tre mới hình thành hơn 5 năm qua ở tổ 42. Ban đầu chỉ có 1 cơ sở sản xuất của anh Nguyễn Đăng Khoa nay đã phát triển thêm 12 hộ và chính anh Khoa là người đi học nghề về phổ biến và phát triển làng nghề. Mà không phải đi đâu xa, làng nghề mây tre Long Tân hình thành, tiếp nối từ làng mây tre Long Kim, xã Long Thành Trung. Làng nghề sản xuất sản phẩm mây tre cũng có nét độc đáo riêng của nó. Bước chân vào làng nghề, hình ảnh đầu tiên là từng đống tầm vông nằm ngổn ngang cùng với thành phẩm phơi hai bên lề đường tạo nên bức tranh sinh động, đặc thù. Trong từng cơ sở sản xuất, nào máy khoan, máy cưa … vang lên tiếng động cơ hòa lẫn cùng tiếng đục, đóng … tạo thành mớ âm thanh hổn tạp nghe thật vui tai. Bên cạnh những người thợ mồ hôi nhễ nhại, ướt đẩm lưng áo loay hoay với những đoạn tầm vông dài, ngắn nằm ngổn ngang từng đống. Những thứ ngổn ngang đó qua những thao tác thành thạo của đôi bàn tay thiện nghệ đã biến thành những sản phẩm gia dụng nhưng không kém độc đáo như bàn, ghế, kệ sách, chậu hoa … với nhiều kiểu dáng, mẫu mã đa dạng, thu hút không chỉ người tiêu dùng trong nước mà còn được xuất khẩu ra nước ngoài.
 
Các làng nghề ở ấp Long Tân cùng với "láng giềng" là làng nghề ấp Long Kim đang tạo hàng ngàn việc làm cho người dân địa phương. Đến thăm các làng nghề, nơi này vang lên tiếng máy cưa tre, chỗ kia rì rầm tiếng máy may, làng trên thơm mùi trầm, xóm dưới thoảng mùi tre nứa, có chỗ tốp năm, tốp mười, có chỗ chỉ một hai người lặng lẽ hoặc khẩn trương với công việc … hình thành làng nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp ít nơi nào có được. Một điều thuận lợi khác là tất cả các làng nghề đều thành lập Hợp tác xã, nếu như các ngành, các địa phương nghiên cứu, sắp xếp, định hướng, tạo điều kiện … xây dựng thành khu du lịch làng nghề thì không nơi nào hơn được.
 
La Ngạc Thụy

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét