Thứ Tư, 29 tháng 4, 2020

XIN HÃY ĐONG ĐẦY BỂ NƯỚC KHOAN DUNG TRONG MỖI NGƯỜI – Văn Lý


 
 Ở cái tuổi gần đất xa trời rồi, mình chỉ biết lắng nghe thôi chứ mình đâu dám bình luận gì…
 
Nhưng đôi khi đọc nhiều bài báo, đọc nhiều bình luận không ít những thời khắc cảm thấy  chạnh lòng… hai mắt cay xè, đâu đấy trong khóe mắt có những ngấn nước chực trào (khổ nỗi mình là người sống theo cảm xúc).
 
 Ôn dịch từ phương Bắc tràn xuống phương Nam rồi lan ra trên khắp địa cầu. Con người đang điêu đứng. Tình hình dịch thì ai cũng biết rồi không cần phải nói thêm, số người nhiễm, người chết đang tăng theo mỗi ngày thật quá đáng sợ. Nhìn hình ảnh những mồ chôn tập thể người chết vì nCovi trên đảo Hart một đảo hoang ở Mỹ. Bạn có thấy toàn thân nỗi da gà, cổ họng tởm lợm thậm chí là có cái dị vật to tướng chắn ngang thực quản?


  Một đoàn xe gồm ít nhất 10 xe tải quân sự đã được ghi hình đi qua thị trấn phía Bắc Italy vào tối 18/3. Họ đang vận chuyển khoảng 61 thi thể đến các địa điểm hỏa táng tại 12 thị trấn khác của nước này, bao gồm Modena và Parma, theo báo Italy Corriere Della Sera. Và rồi đến lúc người chết không kịp hỏa tán người ta lại phải đông lạnh xác người trong các container để rồi đưa đến những mộ phần tập thể, dùng xe cơ giới chôn lấp các thi hài trong các cổ quan tài, không có một người thân đưa tiển…Bạn có cảm nhận con tim mình nhói đau theo nhịp đập?
 
 Có một phút giây nào đó bạn nghĩ về những người con Việt, những người chung dòng giống Lạc Hồng chân chính ( chỉ là những người con Việt chân chính, yêu quê hương đất nước) đang phải đối đầu với hàng ngàn những lo sợ, suy nghĩ, hiểm nguy, đôi khi mất hết tinh thần khi họ không biết xoay xỡ thế nào trong tất cả mọi vấn đề của cuộc sống nơi xứ người. Họ đang hướng về tổ quốc…đôi lúc như vô vọng? Họ liên tục theo dõi những chính sách bảo hộ công dân của Việt Nam liệu có đến với họ. Họ chỉ mong chờ thôi đâu dám một lời kêu ca đòi hỏi.
 
 Tôi có một vài người bạn, người thân đang lao động ở nước ngoài, qua điện thoại thăm hỏi nhau họ đều có chung một sự hãnh diện, họ bảo rằng: – Mình rất tự hào mình được làm người con của  nước Việt. Mỗi khi có dịp chuyện trò cùng người bản xứ họ được nghe những lời nói chân tình: “-Việt Nam các bạn quá tốt, quá nhân từ…luôn thương yêu đồng loại.  “Congratulations to you”.
 
  Trong hoàn cảnh ôn dịch hoành hành họ cảm thấy mình không bơ vơ nơi đất lạ, họ luôn được động viên an ủi từ xa, họ cảm nhận đó là hơi ấm từ đất mẹ truyền thêm để họ vượt qua thử thách.
 
  Tất nhiên điều đó có ở tất cả những người Việt Nam xa quê luôn hướng về tổ quốc, không phân biệt Việt kiều hay người lao động xuất khẩu, du học sinh…. Chỉ có một số thể nhân trong đó tự nhận mình là người biết tìm cái gọi là “cuộc sống tự do”, đánh đổi cái sự thuần túy dân tộc để lấy chút lợi nhuận mà họ đang tìm kiếm. Họ nghĩ là mình đang ở xã hội văn minh. Và rồi họ lên tiếng chữi bới quê hương một cách thậm tệ. Trong thời gian chống dịch khó khăn chồng chất khó khăn, ấy vậy mà lại có những người xin về nước tị nạn, trốn dịch lại lên tiếng chê bai đủ kiểu. Hàng trăm sinh viên đại học quốc gia phải ra thuê chổ trọ, dọn dẹp ký túc xá để nhường cho đồng bào mình có nơi lưu trú trong những ngày phải cách ly. Đã không biết quý trọng cái sự nghĩa nhân mà vài người còn lên tiếng thị phi, đòi cho bằng nơi mình tạm trú nơi đất khách.
 
 Không thiếu những người đi lao động xứ người chạy về trốn dịch mà lại la to lên rằng “…Không có bọn nước ngoài như tao thì chúng bay ăn “…”…,trong đó có ông bà, mẹ cha và bà con ruột thị của cô ta đang sinh sống tại quê nhà”.
 
 Từ những bộ não thiểu năng đó đã làm nên làn sóng phẩn nộ của một bộ phận tại Việt Nam. Xin lỗi được nói là một vài người thiếu kiềm chế hoặc nóng tính vội đã phản pháo để trả thù thông qua internet. Suy cho cùng thì họ phản pháo không sai. Những câu nói thiếu kiềm chế của họ đã làm tăng thêm sự kỳ thị và vô tình làm đau lòng những người hồi hương tránh ôn dịch, đã làm cho không ít bà con xa quê thấy chạnh lòng và tuổi thân ( xin nhắc lại là những người Việt xa quê đúng nghĩa). Có câu: “Quơ đủa cả nắm”. Vì tức giận nên họ quên đi chọn lọc.
 
  Đọc bức tâm thư của một người lao động nước ngoài. Trong tâm thư có đoạn bạn viết: “…Xin thưa rằng trong hoàn cảnh khó khăn,dịch bệnh phức tạp như thế này,chúng tôi cũng có thể hiểu được nỗi khó khăn vất vả của các bạn.khi nhà hàng,khách sạn…đóng cửa,khó khăn thêm phần khó khăn,nhưng các bạn vẫn còn rất may mắn,đó là vẫn có những cỗ máy “ATM gạo” miễn phí không thu lấy một đồng,vẫn có những gian hàng thực phẩm “tình thương”…và khi bị cách ly vẫn được nhà nước chu cấp chu đáo không lấy phí…”
 
Rồi những dòng tâm thư làm xúc động đến nghẹn ngào: …”Không phải chỉ có dịch chúng tôi mới tìm về Việt Nam đâu,mà nỗi nhớ Việt Nam luôn nằm trong tim chúng tôi đó các bạn ak,chúng tôi chỉ đợi ngày hoàn thành nghĩa vụ,để trở về nơi chôn rau cắt rốn của mình mà thôi.Có những đên nằm một mình tủi thân mà khóc,điện về nhà bố mẹ hỏi có “ổn không?” Chúng tôi vẫn phải nghẹn ngào để thốt lên câu là con ”ổn”.
 
 Bạn ấy đã thay mặt nhiều người lao động nước ngoài nói lên sự chân tình của mình gần như nói trong nước mắt: “…Vì vậy xin đừng “ghẻ lạnh”,xin đừng xa lánh và gọi chúng tôi là “virus corona”.Cũng xin đừng “ích kỷ”.Vì tôi biết rằng con người Việt Nam không phải thế,người Việt Nam luôn giàu lòng nhân ái và giàu lòng vị tha…”
 
 Và bạn ấy đã khẳng định: “…Hãy yên tâm chúng tôi biết sự nguy hiểm của dịch bệnh này.Chúng tôi sẵn sàng trả các chi phí trong thời gian cách ly nếu được nhà nước yêu cầu.Xin hãy tin chúng tôi!…”.
 
 Lục lại những bài viết, đọc lại những lời lẽ cay nghiệt, xúc phạm. Đôi lúc tôi cũng từng muốn cmt mấy dòng cho bỏ tức, nhưng sau khi nghĩ suy tôi chưa biết nên nói những gì. Do bởi tôi cũng chỉ là con người bình thường như bao con người đang chung sống. Người Việt mình có câu : “uốn lưỡi ba lần trước khi đối đáp” quả thực là chí lý.
 
 Cái câu nói cửa miệng của người Việt ta mỗi khi thấy ai hoạn nạn “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.” Há chẳng phải đã thể hiện rõ ràng tình yêu đồng loại? Nếu xét về nghĩa đen của câu ca dao này thì nó bao hàm cả thế giới loài người, nhưng cái nghĩa bóng của nó thì chúng ta ai chẳng hiểu. Bầu và bí là hai giống hoàn toàn khác nhau, nếu ai tinh ý thì sẽ nhận ra khi nhìn vào cái hạt, nó khác nhau ở một khía cạnh nào đó, nhưng chúng lại cùng sống chung. Giống như con người có màu da, tập quán và lỗi sống khác nhau vậy.
 
 Là một con người trong xã hội rộng lớn. Quan điểm sống mỗi người mỗi khác, nhưng đều đi đến cái đích chung cuối cùng đó là: “ YÊN BÌNH – HẠNH PHÚC”.
 
  Trong mỗi chúng ta ai cũng có trách nhiệm với bản thân, ai cũng phải dành chút thời gian riêng để mà nhìn lại mình. Không chỉ một lần trong đời mà nên dành chút thời gian mình có được. Tất nhiên là ai cũng có một cái quyền tự do được nói ra quan điểm, nói ra cái điều mà mình cảm thấy không hợp lẽ với sự chung nhất của cộng đồng. Nhưng khi nói cần “uốn lưỡi” để ghìm lấy cái tôi trong tâm thức đang hình thành và có thể bùng nỗ…
 
  Cảm nhận và đánh giá sự việc xãy ra thường trong mỗi người đều có sự đấu tranh trong hai luồn suy nghĩ đó là ích kỷ và vị tha. Khi sự ích kỷ trong tâm bị đánh tan thì lòng vị tha sẽ dạt dào, giống như hồ nước ngọt ngào đã được đong đầy. Đọc đâu đó có một đoạn văn “…Mỗi người có một hộp “công cụ” chứa những sức mạnh của sự sống, những thứ mà chúng ta gọi đó là giá trị đạo đức, và lòng khoan dung nằm trong số đó, vấn đề là làm cách nào bạn có thể vận dụng nó tốt nhất…”
 
  Thay cho lời kết bài viết này. Xin mọi người hãy cùng suy xét tận tường rằng ai là kẻ đáng để ta phải lên tiếng. Đáng để ta chỉ trích dạy bảo. Còn những người con dân Việt máu đỏ da vàng đang gặp cảnh lầm than nơi đất khách quê người họ rất cần chúng ta giúp sức. Họ đang từng ngày mong ngóng được về quê mẹ, cái nơi mà họ luôn cảm nhận được là nơi BÌNH YÊN NHẤT.
 
Vanlytb. Phạm Văn Lý

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét