Thứ Hai, 24 tháng 12, 2018

Xã hội hóa văn học, nghệ thuật: Con dao hai lưỡi – Lại Tấn

Chủ trương xã hội hóa (XHH) đã giúp các hoạt động văn học, nghệ thuật (VHNT) thêm đa dạng, tiếp cận nhanh chóng với nhiều nền văn hóa trên thế giới.Tuy nhiên, nếu không có sự định hướng đúng đắn, kịp thời, đó sẽ là con dao hai lưỡi bởi nhiều mặt tiêu cực sẽ tác động lên suy nghĩ, lối sống của người dân.
Chạy theo nhu cầu giải trí đơn thuần
Điện ảnh là một trong những lĩnh vực XHH thành công nhất với sự phát triển của nhiều hãng phim tư nhân. Tuy nhiên, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan cho biết: Các nhà sản xuất tư nhân khi đầu tư hoặc huy động vốn làm phim sẽ tính mục đích thu lãi. Vì vậy, hầu hết phim tư nhân sản xuất đều thuộc dòng giải trí, thương mại. Những thể loại phim hành động, kinh dị, hài, tình cảm, theo hình thức “sốc và sex” được khai thác tối đa. Rất nhiều phim vi phạm những điều cấm trong Luật Điện ảnh, phải chỉnh sửa mới có thể phát hành, thậm chí có phim đã bị cấm phát hành.
 

 
Bên cạnh đó, hiện nay, gần 70% phòng chiếu phim do các công ty nước ngoài nắm giữ, dẫn đến tình trạng chèn ép, áp đặt tỷ lệ chia giữa nhà phát hành và nhà sản xuất phim. Công ty sở hữu số lượng rạp lớn nhất (lên đến hơn 40% tổng số rạp) có biểu hiện thống lĩnh thị trường. Theo đó, sản xuất phim Việt Nam chịu nhiều rủi ro, thua lỗ, thậm chí nhiều nhà sản xuất phá sản.
Đối với lĩnh vực sân khấu, Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban sáng tác, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam Lê Chức cho biết: Với sân khấu, XHH rất bấp bênh. Có hiện tượng nghệ sĩ bất chợt bỏ vai, bỏ buổi diễn. Trên sân khấu có biểu hiện tùy tiện về nội dung vấn đề mà kịch bản đặt ra, nhất là về kiến thức và sự kiện lịch sử bị thay đổi mà không có một cơ sở khoa học nào, tạo nên sự lầm tưởng, phản cảm.
Với góc nhìn bao quát hơn, nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận định, sau XHH, dù chúng ta có nhiều chủ thể văn hóa, nhiều hãng phim, nhiều CLB thơ, nhiều nhà phát hành sách nhưng chất lượng nghệ thuật lại hoàn toàn không tương xứng với số lượng. “Chúng ta có hàng nghìn CLB thơ nhưng có bài thơ nào hay, có sức sống lâu dài không? Khó vô cùng! Tôi rất chịu khó đọc thơ của các CLB nhưng phải thú nhận là không có thơ hay” – nhà thơ Hữu Thỉnh chia sẻ.  
"Khi xem tác phẩm VHNT là một sản phẩn hàng hóa chịu sự chi phối của quy luật cung – cầu tức là phải quan tâm đến đầu vào và đầu ra của sản phẩm. Vì thế, khi đã tìm được thị trường tiêu thụ thì chắc chắn sản phẩm ấy sẽ có tự tăng trưởng và VHNT cũng không năm ngoài quy luật này. Qua đó có thể thấy, khi XHH hoạt động VHNT đi đúng hướng sẽ là động lực thúc đẩy sự phát triển của VHNT." – PGS.TS Trần Hoài Anh – trường Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh

"Nghệ thuật sân khấu hiện đang lâm vào tình trạng khủng hoảng ở những khâu cơ bản: Thiếu kịch bản hay, vắng đạo diễn giỏi. Cho đến nay, số lượng tác phẩm sân khấu tăng lên rõ rệt nhưng vẫn chưa có nhiều tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, tương xứng với thành tựu của công cuộc đổi mới. Nay sát nhập thành một đơn vị tổng hợp, nếu không có phương án phát triển thì dễ dẫn đến tình trạng mất bản sắc nghệ thuật, thiếu tính chuyên nghiệp trong hoạt động." – NSND Lê Tiến Thọ
Giám đốc Nhà xuất bản Văn học Nguyễn Anh Vũ cũng cho hay, ngành xuất bản đang chạy theo nhu cầu giải trí đơn thuần của một bộ phận độc giả, dẫn đến xuất hiện “hàng chợ” trong đời sống văn học Việt Nam, trong khi những sách để nâng cao dân trí rất thưa thớt. Ngậm ngùi hơn, các nhà xuất bản phải sống bằng việc bán giấy phép xuất bản.
Vướng mắc trong quản lý
Nhìn lại quá trình XHH các hoạt động VHNT ở Việt Nam từ khi ban hành chủ trương đến nay, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, việc XHH không phải Nhà nước buông lơi về lãnh đạo và đầu tư mà là nhằm huy động nguồn vốn của xã hội, tăng mức hưởng thụ cho người dân. Tuy nhiên, khi thực hiện XHH vẫn còn có nhiều bất cập như: Các chính sách về ưu đãi đầu tư không được như mong muốn, sử dụng ngân sách Nhà nước khó khăn; khi làm Nghị định, Thông tư thì không chú ý đến tầm quan trọng của văn hóa tinh thần nên việc thực hiện còn vướng mắc.
Cũng nhìn nhận ở góc độ quản lý Nhà nước, NSND Lê Tiến Thọ – Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam cho hay: “Về quản lý Nhà nước có tình trạng vừa gò bó, vừa buông lỏng. Cơ chế chính sách chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, thiếu đồng bộ nên các đơn vị nghệ thuật lúng túng không biết dựa vào đâu để thực hiện. Có thể lấy ví dụ cụ thể như việc cho thuê đất, cho hoãn thuế thu nhập đối với các đơn vị nghệ thuật ngoài công lập không biết thực hiện như thế nào nên gặp rất nhiều khó khăn về địa điểm biểu diễn.
Hà Nội – hình mẫu về xã hội hóa nghệ thuật
Chủ trương XHH là chìa khóa mở cửa cho VHNT phát triển. Trong lĩnh vực sản xuất các tác phẩm VHNT, từ khi đa dạng hóa chủ thể quản lý cũng như các hình thức xuất bản, đặc biệt là việc liên kết giữa các nhà xuất bản với các đối tác có nhu cầu, thị trường xuất bản đã sôi động, linh hoạt hơn. Nhiều ấn phẩm VHNT ra đời đã đáp ứng được nhu cầu của người đọc, tạo điều kiện cho họ lựa chọn sản phẩm theo yêu cầu. Sự năng động và linh hoạt của thị trường VHNT theo xu hướng XHH còn thể hiện ở hoạt động của các nhà xuất bản và các đối tác. Họ đã mạnh dạn đầu tư mua bản quyền, xuất bản tác phẩm của nhà văn, nhất là các nhà văn được các bạn trẻ yêu thích như Nguyễn Nhật Ánh, Hamlet Trương, Nguyễn Ngọc Tư…
Một hình thức hoạt động khác theo xu hướng XHH là “Hội sách” ở TP Hà Nội. Các công đoạn từ in ấn, quảng bá, phân phối, tiêu dùng các sản phẩm VHNT đều do các nhà xuất bản, đơn vị tư nhân, các nhà văn tự tổ chức, đã thu hút nhiều sự quan tâm của bạn đọc trong và ngoài nước. Hàng năm, "Hội sách" được tổ chức tại Công viên Thống Nhất. TP Hà Nội đã trở thành hình mẫu cho sự phát triển thị trường VHTN theo chủ trương XHH. Điều này thể hiện rõ qua doanh thu và hình thức hoạt động. Theo số liệu thống kê của ban tổ chức, "Hội sách" 2018 có tổng doanh thu là 11 tỷ đồng, thu hút sự tham gia của 80 đơn vị, phục vụ bạn đọc trên 50.000 tên sách, hơn 5 triệu bản sách các loại. Chỉ cần điểm qua hoạt động của "Hội sách" tại TP Hà Nội có thể thấy rõ hiệu quả của chủ trương XHH đã góp phần kích thích sự phát triển của thị trường VHNT. Đến nay, việc tổ chức "Hội sách" theo mô hình của TP Hà Nội đã lan rộng đến nhiều tỉnh, TP như Đà Nẵng, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh… và hiệu ứng đối với sự phát triển của thị trường VHNT là đáng ghi nhận.
Bên cạnh đó, từ khi có chủ trương XHH, lĩnh vực điện ảnh ngày càng phong phú, đa dạng. Theo đạo diễn Đặng Nhật Minh: “Các Liên hoan phim quốc tế được tổ chức ở Hà Nội đã tạo ra một không khí háo hức, sôi động trong sinh hoạt điện ảnh nước nhà. Những nhà làm phim cũng như khán giả Việt Nam có dịp được tiếp xúc với người làm phim và nền điện ảnh tiên tiến của các nước trong khu vực và thế giới”.
Thành công của Hà Nội cho thấy, nếu đi đúng hướng, XHH VHNT sẽ mang lại những kết quả rất tích cực.
Nguồn http://kinhtedothi.vn

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét