Thứ Tư, 19 tháng 12, 2018

Phố chợ Tây Ninh vốn dĩ không đứng yên… – Ký sự La Ngạc Thụy

cầu quan 1969
Cho đến hôm nay đã gần năm mươi năm, người con gái năm xưa tôi yêu, đến nay tôi vẫn không hiểu, em có yêu tôi không? Cũng ngàn ấy thời gian, tôi đi hoài chưa biết hết phố, hết hẻm. Có lẽ đến chết, tôi cũng không có câu trả lời, vẫn chưa hiểu hết những khúc quanh bí ẩn cuộc đời em, dù em thỉnh thoảng nhận lời cùng tôi đi uống cà phê mỗi chiều thứ bảy. Như phố, như phường, ngõ hẻm … ở thành phố Tây Ninh và huyện Hòa Thành, hai nơi mà tôi đã sinh ra và lớn lên.

Thành phố Tây Ninh hay huyện Hòa Thành một hai năm nữa sẽ trở thành thị xã. Có người hỏi giữa chợ và đô thị thì nơi nào h́ình thành trước? Câu hỏi thật khó trả lời. Riêng ở Tây Ninh thì chợ hình thành trước, sau đó mới phát triển lên thị tứ và đô thị. Hiện nay mỗi huyện, xã đều có từ một đến hai chợ. Và chợ có phồn thịnh hay không tùy thuộc vào dân số và mức sống.
Đầu tiên là chợ Tây Ninh. Chợ Tây Ninh hiện nay đã qua hai đợt di dời. Cách nay hơn trăm năm, chợ Tây Ninh hình thành dọc theo rạch Tây Ninh gọi là chợ cũ tại khu vực xã Hiệp Ninh xưa (hiện nay là khu phố 3, phường 2, TP. Tây Ninh), nhà lồng chợ lợp lá, cột gỗ đối diện với trụ sở xã. 20 năm sau, dân số ngày càng đông nên dời về bên kia rạch Tây Ninh phía sau khu phố Gia Long, nhà lồng được xây dựng kiên cố, nóc 2 mái lợp tôn. Hai bên chợ là những dãy phố thương mại, buôn bán tấp nập. Chợ cá nằm trên rạch Tây Ninh cạnh cầu Quan để nước thải dễ dàng thoát xuống lòng rạch, đảm bảo vệ sinh môi trường chợ. Phía trước chợ, sát mé rạch có những ki-ốt xậy hình lục giác nhỏ nhắn bày bán những sản phẩm thủ công, nước giải khát, thức ăn chế biến sẵn cho người dân đi chơi đêm mua sắm, ăn uống và thư giản sau một ngày lao động vất vả. Các ki-ốt này bày bán hầu như suốt cả đêm, nhất là nam thanh, nữ tú hoặc giới trung, thượng lưu đi xem hát, chiếu bóng ở rạp Thanh Sơn gần đó hay ở rạp chiếu bóng Lạc Thanh nằm cuối phố Gia Long. Đến năm 1965 chợ một lần nữa chợ di dời về địa điểm hiện nay, nhưng mãi đến năm 1972 mới đi vào hoạt động chính thức. Nguyên nhân chợ di dời phải đến 7 năm sau mới hoàn chỉnh vì khu vực này là vùng đất không chân, đầm lầy nước đọng nhiều lục bình, lau sậy phải san lấp tạo mặt bằng, mở kênh cho nước thoát ra rạch rất nhiêu khê, vất vả… và nơi hoang vắng, nhiều đầm sâu, hoang hóa này trở thành khu phố thị mới tấp nập bán mua, một trung tâm thương mại toàn vùng mua sắm và trao đổi hàng hóa.
Tôi sinh ra ở Cẩm Giang, kỷ niệm tuổi thơ ở Thanh Điền và lớn lên ở Long Hoa. Đồng nghĩa cuộc sống của tôi từ sinh ra, lớn lên ở hai huyện Châu Thành và Hòa Thành (thời ấy xã Cẩm Giang thuộc quận Phú Khương, nay là huyện Hòa Thành). Trước khi xây dựng chợ Long Hoa ở địa điểm hiện tại vào năm 1952, người dân buôn bán ở khu chợ tạm (bà con gọi là chợ cũ Long Hoa tại khu vực phía trước tiệm thuốc bắc Tòng Sơn, có cả bến xe Long Hoa – Sài Gòn), nhà lồng chợ bằng cột gỗ lợp tôn. Chợ Long Hoa có nhà lồng hình chữ thập trên một lô đất hình vuông, chung quanh có 8 cửa, hướng ra 8 con đường, với ý nghĩa: lưỡng nghi sanh tứ tượng, tứ tượng sanh bát quái. Từ trên cao nhìn xuống khu chợ Long Hoa trông như bát quái đồ.
Ngày xưa, chợ Long Hoa được xây cất sau chợ Tây Ninh, không có hệ thống giao thông thủy bộ như chợ Tây Ninh được khách thương hồ lui tới thuận lợi. Tuy nhiên, việc buôn bán rất sầm uất, nhộn nhịp.  Chợ Long Hoa vẫn là một trung tâm sầm uất nhất tỉnh Tây Ninh, nơi tập kết hàng hóa của Hòa Thành và Dương Minh Châu … chuyển về Sài Gòn và các tỉnh miền Tây, nơi tiêu thụ số lượng lớn hàng hóa từ các tỉnh lân cận. Vì chợ nằm trên tuyến đường tham quan, chiêm bái của khách thập phương từ Sài Gòn và các tỉnh miền Tây nam bộ. Họ ghé chợ để mua sắm về làm quà cho người thân. Đặc biệt, nơi đây có bán khá nhiều loại thức ăn chay phục vụ nhu cầu của người dân theo đạo Cao Đài.
chợ long hoa 1966Ngoài hai chợ Tây Ninh và Long Hoa, các huyện còn lại đều có những ngôi chợ lớn nhỏ tùy theo dân số nhiều hay ít. Chợ Trảng Bàng và Gò Dầu Hạ mang dáng dấp đô thị hơn các huyện khác. Mức độ hưởng thụ văn hóa của người dân cũng theo sự phát triển của từng khu chợ. Chính các chợ hình thành dần khu thị tứ. Chợ Trảng Bàng cũng nằm trên phụ lưu của sông Vàm Cỏ Đông. Hai bên chợ là hai dãy phố khang trang. Chính giữa là ba dãy chợ cột gỗ, lợp ngói cất thẳng hàng liên tiếp nhau. Chợ Gò Dầu cũng nằm bên bờ sông Vàm Cỏ Đông, cạnh cầu Gò Dầu, ngoài buôn bán hàng tạp hóa, đồ hàng bông và quán ăn uống, có cả quán cơm Tây, thuận tiện cho du khách đến Tây Ninh dừng chân khi lỡ bữa. Và có lẽ chợ Gò Dầu là chợ duy nhất chưa thay đổi địa điểm. Trảng Bàng và Gò Dầu giáp ranh với  “Hòn ngọc Viễn đông hoa lệ” nên nhanh chóng “du nhập” văn hóa Sài Gòn tích cực nhất. Khi về Tây Ninh nét văn hóa ấy được phô bày trước tiên ở các chợ.
Nói đến chợ ở Tây Ninh mà quên một loại chợ đặc biệt: Chợ Trời là một thiếu xót lớn. Ở Tây Ninh có hai Chợ Trời ở Phước Tân thuộc quận Phước Ninh (nay là huyện Châu Thành) và Gò Dầu Hạ ở quận Hiếu Thiện (nay là huyện Gò Dầu). Chợ Trời Gò Dầu Hạ cách tỉnh lỵ Tây Ninh 40 km, nằm giữa biên giới xã Lợi Thuận (Bến Cầu) và xã Bavet (quận Svay Teap, tỉnh Svay Riêng của Kampuchia). Hai trạm kiểm soát biên giới đặt cách nhau 1km, khoảng giữa hai trạm là vùng đất trống, người dân hai nước tranh thủ họp chợ, ngồi trao đổi, mua bán hàng hóa, ban đầu chỉ một vài người sau dần phát triển thành ngôi chợ qui mô. Do là vùng trắng giữa hai trạm kiểm soát nên có thể nói nơi đây không thể thực thi pháp luật. Và chợ cũng thường di chuyển do tình hình bang giao giữa hai nước và sự quản lý dễ dãi, tùy tiện của chỉ huy hai trạm; có khi chợ họp tại trạm, có khi vào hẳn bên trong biên giới hai bên.
cầu gò dầu 1968
Năm 1963, chính quyền quận Gò Dầu Hạ cho cất ba dảy nhà tôn, cột gỗ không vách dài khoảng 200 mét, ngang 60 mét bên này biên giới. Mỗi dảy chia thành nhiều gian, thương lái Tây Ninh chiếm hai dảy, dân Bavet một dảy. Hàng hóa bày bán lộn xộn không theo mặt hàng gì cả, bởi người dân hai bên sản xuất được gì mang ra bán thứ đó, người nhiều hàng thì bày bán trong các gian hàng, người ít hàng thì bày hẳn dưới đất phía trước. Hàng hóa thì rất đa dạng, kể cả hàng cấm, hàng trốn thuế, hàng giả… Do vậy, không phải ai cũng có thể vào chợ, vì chợ chỉ dành cho dân ở Tây Ninh, nên ở tại chốt giữ cầu Gò Dầu có hẳn tấm bảng “cấm người ngoài tỉnh Tây Ninh không được đến vùng biên giới”. Thế nhưng dù bị xét hỏi, ngăn cấm nhưng những người ngoài tỉnh đều có trăm phương ngàn cách len lõi đến để mua sắm những mặt hàng không có trên thị trường, nhất là các mặt hàng đặc biệt dành cho lính Mỹ và các loại thuốc Tây, cứu thương, dụng cụ phẩu thuật… chính chợ Trời cung cấp nhiều mặt hàng cho quân giải phóng từ bên kia biên giới bí mật sang chọn mua những mặt hàng cần thiết. Vậy nên, lực lượng mật vụ cũng trà trộn vào để thu thập tin tức tình báo. Nơi này cũng là cửa ngõ vượt biên cho những tội phạm và tị nạn chính trị. Khu chợ Trời này tồn tại suốt 20 năm chiến tranh chống Mỹ, đến năm 1975 mới bị xóa bỏ.
Có thể nói nhờ chợ Trời mà xã Lợi Thuận nghèo đói, hoang vắng trở thành thị tứ, tiền đề để huyện Bến Cầu qui hoạch thành Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài. Riêng chợ Trời Phước Tân qui mô khá nhỏ do dân số ít, không đáng kể.
Chợ Tây Ninh là thế, vốn dĩ không đứng yên.
La Ngạc Thụy

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét