Phác thảo bìa cuốn sách “9 thập kỷ ca khúc tân nhạc Việt Nam”- Lê Thiên Minh Khoa.
Nhạc du ca trong trào Du ca ra đời đúng lúc mọi người đang đòi hỏi một nền văn nghệ sống động, thức tỉnh và mới lạ.
Phong trào Du ca ra đời năm 1966 do hai nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang và Đinh Gia Lập thành lập, có khởi nguồn là một ban nhạc sinh viên lúc bắt đầu hình thành chỉ có năm người: Nguyễn Đức Quang, Trần Trọng Thào, Hoàng Kim Châu, Nguyễn Quốc Văn và Mai Thái Lĩnh (tức Hoàng Thái Lĩnh), sau đó có thêm ca sĩ Phương Oanh và lấy tên chính thức là Ban Trầm Ca, rồi cùng nhạc sĩ Phạm Duy lưu diễn nhiều nơi tại miền Nam Việt Nam. Phong trào Du ca, là một đoàn thể hoạt động về văn hóa và văn nghệ phục vụ cộng đồng, xuất hiện cùng lúc với phong trào làm công tác xã hội của sinh viên, học sinh. Tôn chỉ của Phong trào là: "Dùng tiếng hát chung của cộng đồng để tô điểm cho nền văn nghệ dân tộc một màu xanh đầy hy vọng, đưa mỗi người đến gần nhau hơn để cùng lo xây đắp một quê hương tươi sáng".
NS Nguyễn Đức Quang
Du ca quy tụ khá nhiều các nhạc sĩ tên tuổi, cũng như nhiều nhạc sĩ trẻ xuất phát từ phong trào: Nguyễn Đức Quang, Trầm Tử Thiêng, Anh Việt Thu, Trần Tú, Nguyễn Quyết Thắng, Phạm Duy, Ngô Mạnh Thu, Giang Châu, Trần Đình Quân, Lý Văn Chương, Lê Quang Dũng, Nguyễn Văn Phiên, Võ Thị Xuân Đào, Fa Thăng, Trần Trọng Thào, Hoàng Kim Châu, Nguyễn Quốc Văn, Bùi Công Thuấn, Trần Quang Lộc, Mai Thái Lĩnh… Trong đó, ba nhạc sĩ tiêu biểu nhất cho phong trào Du ca Việt Nam với nhiều ca khúc được phổ biến rộng khắp là: Nguyễn Đức Quang, người sáng lập phong trào, Nguyễn Quyết Thắng và Bùi Công Thuấn.
Ban Trầm Ca khi ở Đà Lạt
Những ca khúc trong phong trào du ca có mục đích kêu gọi thanh niên hãy tự hào dân tộc, tin tưởng và hy vọng vào tương lai. Những loại nhạc mà phong trào du ca thường sử dụng là Thanh niên ca, Thiếu nhi ca, Sinh hoạt ca, Nhận thức ca, Sử ca, Dân ca, những bài hát phản ánh thân phận quê hương và ca ngợi tình yêu con người, quê hương.
Nhiều bài hát của Du ca đã trở nên quen thuộc, được hát phổ biến, thậm chí trở thành bài ca sinh hoạt trong học đường và các đoàn thể thanh thiếu niên bấy giờ, như: Hướng đạo Việt Nam, CPS, Thanh sinh công, Thanh niên Phụng sự Xã hội Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Thanh niên Caritas, Thanh niên Hồng thập tự, Thiếu nhi thánh thể, Gia đình Phật tử… Có thể kể ra những bài ca tiêu biểu có tác động lớn đối với lớp trẻ bấy giờ, ngoài những ca khúc của Nguyễn Đức Quang, người sáng lập phong trào: Việt Nam, Việt Nam của Phạm Duy; Đêm hồi động, Ta biết gì trên quê hương, Câu hát tình quê, Hát gọi mặt trời lên, Lãng du ca của Trần Quang Lộc; Anh sẽ về (thơ Khê Kinh Kha) của Nguyễn Hữu Nghĩa; Đến với quê hương tôi, Những bước chân đi tới, Tình ca quê hương, Mãi mãi bên nhau của Bùi Công Thuấn; Nước Việt Nam, Ta hát vang của Ngô Mạnh Thu; Chiều trên quê hương, Tuổi trẻ chúng tôi của Giang Châu; Hòa bình ơi! Hòa bình ơi! của Trầm Tử Thiêng; Đứa học trò trở về, Lặng im, Nằm vắt tay lên trán, Gọi tên đất Mẹ, Quê hương tôi của Nguyễn Quyết Thắng, v.v…
NS Bùi Công Thuấn
Trước năm 1975, phong trào Du ca có tác dụng sâu mạnh đối với giới trẻ qua các đoàn, toán ca như: Du ca Con Sáo Huế, Áo Nâu, Lòng Mẹ, Trùng Dương, Vàm Cỏ Tây, Vàm Cỏ Đông, Hồ Gươm, Sông Hậu, Vượt Sóng, Giao Chỉ, Đà Nẵng, Kiên Giang, Sông Phố, Mùa Xuân, Đồng Vọng, Phù Sa, Ca đoàn Trùng Dương, Trung Ương, Đuốc Việt, Tình Người, v.v… Họ trình diễn ở khắp nơi ở miền Nam khi đó, trong trường học, ngoài sân cỏ, trên sân khấu, trong các đoàn thể bạn… Khởi động phong trào hát cộng đồng, hát chung khắp mọi nơi, sau này được lan truyền sang nhiều địa hạt và nhiều giới khác, kể cả tôn giáo.
NS Trần Quang Lộc (phải) và tác giả tại
nhà nhạc sĩ ở TP. Bà Rịa ngày 14.10.2018
Du ca cũng đã phát hành một số tuyển tập nhạc như: “Tuyển tập Du ca 1, 2 và 3”, “Những bài ca khai phá”, “Ta đi trên dòng lịch sử”, “Những điều trông thấy”, “Hát từ tim – hát bằng hơi thở”, “Những khuôn mặt Du ca”, “Hát cho những người sống sót”, “Anh hùng ca”, “Sinh hoạt ca”… Đặc biệt, hai tập ca khúc của người đứng đầu phong trào, NS Nguyễn Đức Quang để lại dấu ấn không phai mờ trong nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam từ đó đến nay. Tập “Trầm Ca” gồm 10 ca khúc cho thanh niên và thời cuộc, những thao thức lớn nhất về con người, đất nước có các bài hát tiêu biểu: Nỗi buồn nhược tiểu, Người anh Vĩnh Bình, Tiếng hát tự do, Chiều qua Tuy Hòa, Việt Nam quê hương ngạo nghễ… Tập “Những bài ca khai phá” gồm trên 40 ca khúc sinh hoạt đặc biệt cho đoàn thể, sinh viên, học sinh dùng trong các buổi họp mặt công tác xã hội, các hoạt động đám đông, là tiếng kêu gọi tuổi trẻ đến với nhau cùng vun đắp niềm tin và xây dựng quê hương, đất nước: Không phải là lúc, Về với mẹ cha, Dưới ánh mặt trời, Chuyện quê ta, Hy vọng đã vươn lên, Xin chọn nơi này làm quê hương (thơNguyễn Ngọc Thạch),…
(Kỳ tới: NHẠC Tâm lý chiến Việt Nam Cộng hòa
LÊ THIÊN MINH KHOA
(Trích trong cuốn sách “9 THẬP KỶ CA KHÚC TÂN NHẠC VIỆT NAM”- nghiên cứu, nhận định- Lê Thiên Minh Khoa- trang 62-64, sắp xuất bản, 2018).
—————–
Nguồn ảnh: Internet và các nhạc sĩ cung cấp.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét