Anh hùng Bùi Văn Thuyên
                                
Vùng đất Chòm Dừa - Sa Nghe trước đây toàn là rừng già, bố tranh và trảng cỏ. Mùa nước nổi dưới trảng dày đặc một loại "cỏ mềm lông". Mùa khô cỏ cháy, đồng trảng nổi lên các "đụn trùng hen", đặc điểm của một vùng đất màu mỡ. Chính nơi đây có một bà mẹ sinh ra và nuôi dạy 6 người con trưởng thành để cống hiến cho Tổ quốc. 

         Cả nước ta có lẽ duy nhất một gia đình bà có đến 2 anh hùng, 5 liệt sĩ. Bà mẹ ấy suốt đời tận tuỵ với con, với cách mạng, nén chặt khổ đau, nuốt nước mắt vào trong cho con hoàn thành nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. Mẹ tên là Lê Thị Mới với tấm lòng hy sinh cao cả đó bà được Nhà nước truy tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng". Dù bà đã chết đi, nhưng tên tuổi bà mãi mãi ghi vào sử sách.
Vùng đất Sa Nghe chẳng những sản sinh ra 3 anh hùng mà còn là vùng đất tạo nên nhiều chiến tích suốt 2 thời kỳ kháng chiến. Thời chống Pháp, nông dân ở các nơi bị lùa gom về Toà Thánh nên họ rất khát khao có một mảnh đất để gieo trồng mưu sinh. Sau Hiệp định Genève, được cán bộ cách mạng động viên, hướng dẫn, gia đình con cháu ông Ngô Văn Yên gồm 6 hộ đã đến vùng đất này cắm cọc đầu tiên. Tiếp theo là các ông Sáu Trữ, Bảy Sạn, Năm Mẹo, Năm Chơi, Hai Hy, Ba Hàm, Hai Nữa... cùng một số bà con ở Toà Thánh, Trung Lập, Trà Võ nối tiếp nhau đến khai hoang lập nghiệp. Khi Ngô Đình Diệm phát động tố cộng, các toán biệt kích đã chà xát từ Cầy Xiêng, Tua Hai lên đến cầu Vịnh, chúng bắt bớ tra tấn dã man và giết hại nhiều người. Hành động man rợ nhất là mổ gan lấy mật. Xóm Chòm Dừa có 2 người dân gánh chịu cảnh tra tấn này đã làm rúng động cả xóm. Để có bộ mặt hợp pháp, bà con đã quan hệ với Hội đồng xã Hảo Đước đề nghị lập ấp, được ông Ba Xinh, Tư Đức chấp thuận, bà con đã đưa anh Tư Thi là cơ sở cách mạng lên làm Trưởng ấp. Nhờ đó bà con được yên ổn làm ăn một thời gian dài. Khi địch mở cuộc hành quân bình định lấy tên chiến dịch Trương Tấn Bửu, chúng đã đổ một đại đội lính bảo an đóng giữa ấp, với mưu đồ lùng sục tìm diệt cơ sở cách mạng. Để giảm bớt thiệt hại, bà con đã bàn bạc biện pháp đấu tranh hợp pháp với danh nghĩa "chào mừng quân đội", bà con đã tổ chức cuộc mít - tinh đón đoàn quân và đưa ra yêu sách, buộc tên đại đội trưởng ở vào thế "chẳng đặng đừng" hứa với bà con không ruồng bố, bắt bớ vô cớ, không xâm phạm tài sản đồng bào dù là một trái ớt, trái cà.
Thiên nhiên thuở ban đầu còn phong phú, ưu đãi những người đi mở đất. Mùa mưa lươn cá, ếch nhái đầy đồng mặc sức đóng sa, lưới cá. Mùa khô thì săn bẩy thú rừng. Để tạo cảm tình với lính đóng đồn bà con đã biếu cho chúng nhiều thịt rừng. Nhờ vậy mà tình cảm giữa lính và người dân ngày càng thân thiện. Những bữa nhậu thịt rừng, chúng cho xe về thị xã kéo bia lên chiêu đãi. Chúng còn giúp bà con chở cả gỗ lậu. Mỗi khi người dân bị bệnh nặng hoặc sinh đẻ, chúng cho xe đưa về tận bệnh viện Tây Ninh. Khi được yên ổn làm ăn, bà con đã nghĩ đến việc tương trợ cho người nghèo khó, lập ra Hội "Tương đồng", tự bỏ công sức ra canh tác 2 mẫu lúa, vận động ông Trần Minh Kiết ở Toà Thánh ủng hộ phân tro. Sản phẩm làm ra dùng để giúp cho người mới đến và người thiếu thốn mượn ăn. Hội còn mua được một đôi trâu dùng để cày bừa. Tiếng lành đồn xa, dân nghèo kéo đến lập nghiệp ngày càng đông. Chỉ trong vòng một năm mà các cánh đồng trảng lớn và dọc hai bên đường từ ngã ba Lộ Kiểm đến bàu Cây Cám, bàu Lồng Măng, bàu Đưng, Trảng Cây Sung, một phần bàu Sa Nghe và suối Sóc nhà cửa mọc lên san sát, thật đông vui. Dân càng đông, nhu cầu học hành của con em cũng được bà con quan tâm, dựng hẳn lên một ngôi trường giữa ấp. Đây cũng là nơi để bà con học tập, thảo luận các tài liệu chính trị của Đảng và Mặt trận. Từ cơ sở đó, dân Sa Nghe đã đoàn kết với dân xã Hảo Đước hình thành đạo quân chủ lực trong cuộc đấu tranh đánh tên Quận Huê, góp công lớn vào chiến thắng Tua Hai lịch sử. Chiến tranh ngày càng leo thang, cuộc chiến đấu ngày càng trở nên khốc liệt. Đất Chòm Dừa - Sa Nghe trở thành địa bàn sôi động vì đây là vành đai diệt Mỹ, con em của đồng bào nhiều người thoát ly hẳn theo cách mạng mà điển hình là các con Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Mới.
Nếu như trong thời kỳ chiến tranh, vùng đất Sa Nghe là địa bàn khốc liệt. Nay trong thời kỳ đổi mới tiến lên công nghiệp hoá, hiện đại hoá Sa Nghe vẫn không chấp nhận chậm chân. Đồng ruộng Sa Nghe luôn tươi tốt quanh năm, trải màu xanh ngút tầm mắt. Bộ mặt đô thị cũng dần được hình thành dọc tuyến đường nhựa. Ai đến đây, càng vào sâu trong ấp càng cảm nhận sức bật của đất và người nơi đây với nhiều nhà tường, nhà tôn đủ kiểu dáng cổ kim mọc lên cùng trụ ăng - ten truyền hình ngạo nghễ với trời xanh.
NCV