Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

Lịch sử hình thành tỉnh Tây Ninh



Ảnh: Khu vực cầu quan sang phố Gia Long, trên rạch có chợ cá
tấp nập người mua kẻ bán

Nam bộ nói chung và tỉnh Tây Ninh nói riêng vốn có bề dày lịch sử lâu đời, rải rác trong các thư tịch cổ vẫn còn ghi chép lại những tư liệu về vùng đất này. Ngày nay, trên địa phận Tây Ninh vẫn còn lại những di tích cổ như: di tích tháp Chóp Mạt ở huyện Tân Biên, di tích Bến Sỏi ở huyện Châu Thành, di tích Gò Dinh Ông ở huyện Bến Cầu, di tích Gò Cao Sơn tự ở huyện Gò Dầu, di tích An Quới ở huyện Trảng Bàng … là bằng chứng về một nền văn hóa cổ hưng thịnh đã từng tồn tại trên mảnh đất này vào những thế kỷ đầu công nguyên. Tuy nhiên, trải qua thời gian nền văn hóa ấy rơi vào cảnh suy tàn do tác động của những đột biến về địa lý – sinh thái và kinh tế - xã hội. Đồng thời với sự suy tàn của nền văn hóa ấy, vùng lãnh thổ này trở nên hoang vu. Sau nhiều thế kỷ, vùng đất này lại được khai phá bởi những lưu dân đến từ nhiều xứ sở.



Cuối thế kỷ XVI, chế độ phong kiến thời Lê suy tàn. Cuộc chiến tranh Nam-Bắc triều vừa chấm dứt, mầm móng xung đột Trịnh-Nguyễn lại diễn ra, đẩy xã hội rơi vào cảnh rối ren-loạn lạc, đẩy nông dân rơi vào cảnh bần cùng, buộc họ phải bỏ quê hương đi tìm vùng đất mới yên bình để sinh sống. Và họ đã đến với Nam bộ, đến với Tây Ninh, cùng chung sống, cùng khai phá vùng đất này.


Những người lưu dân Việt đến với Tây Ninh khoảng năm 1658, chủ yếu xuất phát từ vùng đất Ngũ Quảng. Họ đến mảnh đất này lúc còn hoang vu, rừng rậm, đầm lầy và họ sinh sống chủ yếu ven sông Vàm Cỏ hay ven những con kênh, con rạch, những cánh rừng. Từ đó, hình thành nên những “làng rừng”, “làng sông” … Sau biến cố quân Tây Sơn đánh đuổi quân Chúa Nguyễn chạy vào Nam rồi chiến tranh xảy ra liên miên khắp các dinh trấn ở Gia Định, người Việt từ miền xuôi, cụ thể là từ Tân An, Bến Cát đã lên Tây Ninh khai hoang lập ấp ngày càng nhiều, cùng với người Việt thì người Hoa ở Đồng Nai, Tiền Giang và Hà Tiên cũng lên vùng này mở đất và sinh sống. Thời gian này, cùng với việc khai hoang lập đồng ruộng thì người Việt cũng sớm triển khai các hoạt động đánh bắt cá tôm, chăn nuôi gia súc, gia cầm, sản xuất thủ công, khai thác lâm sản … để hình thành nên những “làng đồng”. Làng đồng ra đời thì Đình, Chùa cũng được dựng lên làm nơi sinh hoạt tín ngưỡng, sinh hoạt cộng đồng của lưu dân Việt.

Nơi cư tụ sớm nhất của người Việt ở Tây Ninh là làng Bình Tịnh, làng được lập vào năm 1809. Năm 1818, ông Đặng Văn Trước, vốn là người Bình Định theo cuộc Nam tiến vào ở Bến Đồn (Bình Dương), cùng một số nhân sĩ đã đến làng Bình Tịnh xin đất, chiêu dân lập nên thôn Phước Lộc rồi sau đó ông còn tổ chức đào kênh, xây chợ Trảng Bàng, lập thêm các thôn mới là Lộc Ninh và Phước Hội. Năm 1844, ông Trần Văn Thiện, thôn trưởng làng Trung Lập, Phủ Bình Long, tỉnh Gia Định, đã hưởng ứng chủ trương khẩn hoang của triều đình Huế, chiêu mộ dân chúng lên Tây Ninh xin khai khẩn đất đai ở Bến Cầu. Và lập được rất nhiều thôn mới: Long Giang, Long Chữ, Long Khánh, Long Thuận, Long Đình, Thái Đình, Long Thới, Thái Bình, Thái Hiệp, Long Phú. Ông được coi là bậc tiền hiền có công lao mở mang khai triển vùng dân cư người Việt từ Gò Dầu qua Bến Kéo lên rạch Tây Ninh và còn lên tận phía Bắc, từ Trảng Châu đến Lò Gò. Ông đã được lưu dân người Việt thờ cúng ở một số ngôi đình như đình Long Thành, Hiệp Ninh … Cũng trong thời gian này còn có ông Lê Văn Thoi, Khưu Công Cang, Khưu Công Hoàng chiêu dân khẩn hoang lập ấp ở phủ Tây Ninh như thôn An Thạnh, Phước Lưu, Bình Nhuận, Bình Tứ và Bình Châu.

Ảnh: Đình Gia Lộc là  một trong những ngôi đình lớn và cổ nhất ở Tây Ninh.
Đây là một công trình mang dấu ấn lịch sử ghi nhận thời kỳ mở mang bờ cõi
phía Nam của người Việt cách đây hơn 2 thế kỷ

Mùa xuân năm Mậu Dần (1698) chúa Nguyễn Phúc Chu tức Hiếu Tông Hiếu Minh Hoàng đế sai Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý miền Nam, lấy đất Giản Phố trại lập ra phủ Gia Định, lấy xứ Đồng Nai lập huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lấy đất Sài Gòn lập huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn. Mỗi dinh đặt chức Lưu thủ, cai bộ và ký lục trong nom việc quản trị. Bấy giờ phần đất Tây Ninh lại thuộc về địa bàn huyện Tân Bình, phủ Gia Định, dinh Phiên Trấn. Tháng 10 mùa đông năm Kỷ Hợi (1779), sau khi đã khôi phục được đất Gia Định, chúa Nguyễn Ánh cho sắp xếp lại các khu vực hành chánh và quốc phòng, thành lập đạo Quang Phong trên địa bàn tỉnh Tây Ninh ngày nay, trực thuộc dinh Phiên Trấn. Đạo Sở đặt tại Cẩm Giang. Đến triều Gia Long, các thôn của đạo Quang Phong được đặt thuộc tổng Bình Cách huyện Thuận An phủ Tân Bình, trấn Phiên An. Năm Minh Mạng thứ 17 (1836) công cuộc đạc điền đại quy mô được thực hiện trên toàn Lục tỉnh Nam Kỳ, do hai vị khâm sai đại thần Trương Đăng Quế và Trương Minh Giảng phụ trách. Lúc này các xã thôn trên địa bàn đạo Quang Phong được đặt thuộc tổng Bình Cách Trung huyện Thuận An, phủ Tân An tỉnh Gia Định. Ranh giới Tây Ninh chưa được phân định, còn dính vào ranh giới Long An. Năm Minh Mạng thứ 18 (1837) do địa bàn đã phát triển, phủ Tây Ninh được thành lập. Địa danh Tây Ninh chính thức được khai sinh. phủ Tây Ninh cai quản hai huyện là Tân Ninh và Quang Hóa. Huyện Tân Ninh được thành lập cùng thời điểm với phủ Tây Ninh do phủ kiêm lý, Đông, Tây cách nhau 103 dặm, Nam, Bắc cách nhau 42 dặm. Từ huyện lỵ qua phía Đông đến ranh giới huyện Bình Long 66 dặm, về phía Tây đến biên giới Chân Lạp giáp ranh giới huyện Kiến Hưng 37 dặm, lên phía Bắc qua Núi Bà Đen đến biên giới 18 dặm, phía Nam đến ranh giới huyện Quang Hóa, huyện Bình Long 24 dặm, lãnh 3 tổng, 24 xã thôn.


Ảnh: Đình Long Giang tọa lạc ấp Bàu, xã Long Giang, huyện Bến Cầu.
Đình xây dựng cách nay hơn 150 năm, thờ thần Lãnh Binh Két

Huyện Quang Hóa ở về phía Tây Bắc phủ 29 dặm, Đông Tây cách nhau 84 dặm, Nam Bắc cách nhau 70 dặm. Từ huyện lỵ qua phía Đông đến huyện Tân Ninh 55 dặm, phía Tây đến ranh giới huyện Kiến Hưng 29 dặm, phía Nam đến ranh giới huyện Tân Ninh 37 dặm, phía Bắc đến ranh giới huyện Tân Ninh 33 dặm.

 

Nguồn http://baotang.tayninh.gov.vn

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét