Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2013

Pleiku – đêm về nhớ thêm - Bút ký: La Ngạc Thuỵ


            … Thành phố sương mù, đêm về nhớ thêm…Âm vang câu hát trong ca khúc “Thành phố sương mù” cứ bám lấy tôi trong suốt hai chặng đường thay xe vượt gần 600km từ Tây Ninh qua Bình Phước, leo dốc đường nhựa quanh co, lượn lờ dốc cao, dốc thấp qua Đắk Nông, Đắk Lắk, rồi đến Pleiku – thành phố trực thuộc tỉnh Gia Lai, nơi Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tổ chức Trại sáng tác khu vực Tây Nguyên và Đông Nam bộ tháng 5-2008. 

         Khởi hành từ sáng sớm, trời Tây Ninh vừa trút cơn mưa lớn. Cứ ngỡ đến Pleiku chắc chỉ nằm trùm chăn trong khách sạn vì mưa. Thế nhưng, như chìu lòng văn nghệ sĩ, trời Pleiku chỉ bất chợt lất phất mưa nhẹ từng cơn và về đêm thì trăng mờ ảo se lạnh, chập chờn hoà quyện cùng mặt nước hồ quanh Làng du lịch Hồ Diên Hồng khiến cho không gian Pleiku dường như đặc quánh lại, lạnh vắng. Dù trời Pleiku giữa tháng năm không có mù sương như trong ca khúc, nhưng đêm về tôi vẫn nhớ … nhớ vì ký ức cứ trổi dậy những nỗi niềm…Ai đến Pleiku không thể nào quên những con dốc cao và dài mờ sương vào những tháng mùa đông đã từng đi vào ca khúc “Thành phố sương mù” cùng với những địa danh Pleime, Cheo Reo … đi vào lịch sử với những chiến công oanh liệt của quân và dân Gia Lai trong thời kỳ chống Mỹ, tiếp nối truyền thống chống giặc ngoại xâm của cha ông được thể hiện đậm nét qua các di tích lịch sử văn hóa Khu Tây Sơn thượng đạo – di tích căn cứ của người anh hùng áo vải Tây Sơn Nguyễn Huệ. Ở đây cũng là quê hương của Anh hùng Núp từ thời chống Pháp, trở thành huyền thoại đi vào văn học trong tác phẩm “Đất nước đứng lên” của nhà văn Nguyên Ngọc… Tất cả những tên người, địa danh đó đã tô đậm thêm cho một Gia Lai vốn đã hùng vĩ với nhiều cảnh quan tự nhiên của rừng nguyên sinh bạt ngàn, cổng trời MangYang cao vút, đỉnh Hàm Rồng, Biển Hồ như đôi mắt của Pleiku… phối hợp cùng cảnh quan nhân tạo của rừng cao su, đồi chè, đồi thông, cà phê và các tuyến du lịch cưỡi voi xuyên rừng ngắm thú, tuyến dã ngoại bằng thuyền trên dòng Sê San ngắm thuỷ điện Ya Ly, An Khê, Sê San … cùng hai khu vui chơi giải trí: công viên hồ Diên Hồng và khu du lịch Đồng Xanh. Đặc biệt là cùng với đồng bào các dân tộc Jrai, Banar, Sêđăng, Giẻtriêng … uống rượu cần, nhảy múa theo nhịp điệu cồng, chiêng … vào những mùa lễ hội của dân tộc họ.
               Truyền thuyết hình thành địa danh Pleiku mãi thấm đẫm ký ức người dân Pleiku. Vùng Tây Nguyên xưa là lãnh địa của người dân tộc thiểu số. Họ sinh sống bằng nghề săn bắt, đốt rừng làm nương  theo từng bộ tộc do cha ông họ xây dựng nên. Trong vùng nổi lên một làng hùng mạnh nhất của bộ tộc Jrai. Tộc trưởng của làng đã già yếu, nên một hôm đã triệu tập dân làng lại chứng kiến cuộc thi tài săn bắt giữa hai người con của tộc trưởng để chọn ra người kế vị. Trong cuộc thi tài đó phần thắng lại thuộc về người em. Người anh đành phải ngậm ngùi ra đi tìm vùng đất mới để sinh sống. Người em sau khi lên kế vị đã đặt tên làng là Pleiku – làng của người em, để nhớ về chiến thắng của người em. (plei là làng, ku là người em). Và địa danh Pleiku trở thành tên gọi của vùng đất này suốt bao năm tháng qua.
             Đứng trên nhà thuỷ tạ nổi lên giữa Biển Hồ bao la nhìn xuống, quanh tôi  hiện hữu một Gia Lai toàn cảnh – một tỉnh miền núi Tây Nguyên, không chỉ có thành phố Pleiku thơ mộng với muôn sắc màu của những biệt thự, cao ốc sang trọng, sương mù bãng lãng nhấp nhô đồi thông, đồi chè … mà Gia Lai quanh tôi là trập trùng rừng núi, là vùng đất badan mênh mông màu mỡ, là những bản làng xa xôi heo hút của bà con 39 dân tộc thiểu số chiếm gần 50% dân số toàn tỉnh. Phải nói là điều kiện tự nhiên của Gia Lai khá đa dạng khác hoàn toàn với các tỉnh miền Đông Nam bộ. Toàn tỉnh có gần 1,1 triệu người sống trên hơn 15.400 km2 đất tự nhiên, với 90 km đường biên giới giáp Campuchia ở phía tây, phía bắc giáp tỉnh Kontum, phía nam giáp tỉnh Đắk Lắk, phía đông giáp các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên. Sự phân bậc khá rõ từ bắc xuống nam với bốn loại địa hình là đặc điểm nổi bật của địa hình Gia Lai: núi, cao nguyên, đồi và thung lũng bao gồm 1 thành phố, 2 thị xã và 13 huyện.
               Cuộc sống của người dân Gia Lai thật bình dị, ngoài thành phố Pleiku, thị xã An Khê mang dáng dấp đô thị, nhịp độ sống có vẻ hối hả, bon chen thì dù thị xã Ayun Pa, tên cũ của huyện Cheo Reo nổi tiếng xưa mới hình thành và các huyện thì cuộc sống người dân trầm lặng theo từng loại cây trồng công nghiệp: cao su, trà và cà phê. Có thể nói đặc trưng ẩm thực của Pleiku là trà. Bởi lẽ, tên quán nào cũng nổi lên dòng chữ: quán trà hay cà phê – trà và vào bất cứ quán nào, khách vừa yên vị thì chủ quán mang ngay bình trà và vài chung nhỏ đặt lên bàn rồi mới hỏi khách uống gì. Trong lúc chờ tách cà phê nhỏ từng giọt xuống ly, khách có thể thưởng thức loại trà thơm nước xanh trong ẻo, thật thi vị làm sao, nhất là đối với văn nghệ sĩ. Đặc biệt là khi thưởng thức loại trà “cung đình” ở các quán Vương cát trà, Đại cát trà, Văn nhân trà … mới thưởng thức hết sự độc đáo của nó. Trà được chế biến thành bịt nhỏ hoà tan như trà Lippton hoặc để nguyên đặt vào đáy tách, phía trên xếp các loại nhãn nhục, táo, nho khô, vài lát cam thảo, chanh… có nắp đậy và đường là loại đường phèn để riêng ngoài đĩa cùng một phích nước nóng. Khách chỉ cần bỏ thêm đường tuỳ khẩu vị từng người và chế nước sôi vào, đậy nắp lại vài phút và lúc uống thì theo phong cách của các vị vua, quan lại thời phong kiến mà chúng ta thường thấy trong các phim Trung quốc. Điều đáng ghi nhận là ở Pleiku các quán trà, cà phê và nhậu rất ít. Và đặc biệt, những ngày thường trong giờ làm việc rất ít người vào ngồi quán. Đông khách nhất từ khoảng 16 giờ đến 22 giờ đêm và các ngày thứ bảy, chủ nhật. Không như ở Tây Ninh, lúc nào quán cũng có khách và dày đặc. Bởi lẽ người dân, ngoài các cán bộ, công chức trong giờ làm việc đều ở cơ quan, còn dân thường cũng tất bật lao động ở các đồi chè, cà phê hay rừng cao su…
               Đến cao nguyên mà không đi thăm các làng người dân tộc để thưởng thức rượu cần, nhảy múa .. cùng bà con dân tộc thiểu số là một thiếu xót lớn. Chúng tôi được Hội VHNT tỉnh Gia Lai đưa đến thăm làng dân tộc Plei - Kroi thuộc xã Glar, huyện Đắk – Đoa. Đây là một làng văn hoá cấp huyện được công nhận cách nay 5 năm. Ở đây có 126 hộ và hơn 1000 dân, chỉ có 3 hộ khá giàu, còn lại đủ ăn và 11 hộ nghèo. Do vậy, cuộc sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn. Tuy thế, khi nghe chúng tôi đến thăm, bà con cũng tập họp lại và tổ chức biểu diễn cồng chiêng và cùng nhảy múa, thưởng thức rượu cần với chúng tôi. Trong tiếng cồng chiêng như vang dội núi rừng hoà quyện cùng với tiếng hát, làn điệu dân ca dân tộc Banar, chúng tôi cùng múa hát với họ sau khi thưởng thức qua 5 hủ rượu cần theo từng nồng độ thấp lên cao. Có cùng nhảy múa qua những điệu cồng chiêng, dù là ban ngày, không phải bên đống lửa bập bùng về đêm, nhưng cũng có thể hiểu được cuộc sống hồn nhiên, lạc quan của người dân tộc Banar. Nghệ nhân chinh chiêng A. Đâu cười cởi mở: “Vui lắm, có nhà văn, nhà thơ đến thăm vui lắm. Lần sau ở đêm vui hơn”.
                Từ giả Pleiku trong nhịp điệu cồng chiêng và sau khi thưởng thức rượu cần cùng đồng bào dân tộc Banar, nhịp sống lạc quan của người dân Tây nguyên theo chúng tôi suốt chặng đường về.

                         Trại sáng tác VHNT khu vực Tây nguyên – Đông nam bộ 2008.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét