- Má dặn con nhớ! Mai mốt có khách tới nhà, nếu con pha cà phê đãi khách mà có má ngồi chung bàn, thì con phải hỏi coi má có uống cà phê không? Chứ con tỏ ra dững dưng hổng thèm ngó ngàng tới má, sợ người ta sẽ cười chê nhà mình mẹ ghẻ con chồng.
Bà Năm rầy thằng Tre buổi sáng, ngay buổi chiều nó mua rượu, bày mâm ra nhậu một mình. Nghe nói trên đường đi ruộng nó bắt được mấy con chuột cơm, đem về biểu vợ làm món chuột luộc cơm mẻ. Uống vô gần hết nửa lít rượu, nó bắt đầu chửi:
- Bà đâu có đẻ ra tui, mà bày đặt lên giọng mẹ! Nói thiệt hồi đó má tui chết, mấy anh em tui còn nhỏ không biết gì. Chớ tụi tui mà lớn, thì bà đừng có hòng bước vô tới ngạch cửa.
Bà Năm đứng trước sân nhà, nghe rõ mồn một từng lời chửi của thằng Tre, đứa con trai lớn của chồng. Đây không phải là lần đầu nó hỗn láo với bà, nó đã dằn mâm xáng chén đùng đùng từ lúc còn là thằng nhỏ cỡi truồng tắm sông.
Năm bốn mươi tuổi chồng bà chết vì bệnh nặng. Sanh được duy nhất mụn con gái, nó lại đi lấy chồng xa, bà phải sớm hôm thui thủi một mình. Phần ông Năm cũng lâm vào hoàn cảnh gà trống nuôi con, vợ ông mất vì sanh khó. Thằng Út lúc ấy nhỏ xíu như con mèo ướt, khóc oe oe suốt từ đầu hôm tới sáng. Hai nhà là hàng xóm, cách nhau mảnh vườn chuối độ chừng công đất. Thấy hoàn cảnh tội nghiệp quá, bà cầm lòng không đậu, nên sáng chiều tối ngày ba buổi, bà nhanh nhẹn tắt ngang vườn chuối, qua nhà tiếp ông Năm thay tả, pha sữa… chăm sóc cho thằng nhỏ. Thằng bé rất khó tánh hay quấy khóc. Bú no nê nó cũng không chịu ngủ, cứ nhăn mặt, vặn mình khóc hoài. Bà phải dùng sữa thoa lên núm vú nhét vô miệng nó. Nó chúm môi mút lấy mút để cái vú da, rồi chịu ngủ yên. Ngày qua ngày… tháng qua tháng… Bầu ngực nhão nhợt của bà bỗng dưng căng cứng lên rồi chảy sữa, như chính bà vừa mới sanh con nhỏ. Lúc này bà mới tin rằng trời đất luôn xoay dần và cơ thể con người thật huyền diệu.
Ông Năm dáng người khoan thai, gương mặt đẹp với đôi mắt sáng ngời, cái miệng cười nói có duyên, tánh tình hào hoa phong nhã. Bà cứ chạy qua chạy lại tắt ngang vườn chuối hoài. Tới chừng đám cỏ ống chịu thua bước chân người, nằm xẹp xuống mở thành lối mòn êm ái, thì hai người quen hơi bén tiếng từ hồi nào hổng hay. Sau lễ xả tang vợ ít lâu, ông Năm bày vài mâm cỗ, ra mắt bà con lối xóm thay cho đám cưới. Láng giềng đến dự đông đủ ai cũng ủng hộ. Bà hỏi ông:“Sao lớn tuổi mà còn con nhỏ vậy?” Ông trả lời nửa đùa nửa thật: “Mãi lo trăng hoa nên lấy vợ muộn!” Bà mệt bả người vì phải luôn tay luôn chân với công việc đồng áng, bếp núc và lo chăm sóc bốn đứa con riêng của chồng. Tụi nhỏ sanh năm một liền kề nhau, đứa lớn cao hơn đứa nhỏ chừng lóng tay. Cực thân là vậy nhưng bà vẫn vui, bởi bà thương ông Năm lắm.
Thời gian trôi qua mau không ngừng đâu! Dường như mới đó mà đã hai mươi lăm năm trôi qua cái vèo. Ở tuổi gần bảy mươi, lưng bà còng gập thành hình chữ V nằm Ngang. Riêng ông năm dù một nắng hai sương ngoài đồng ruộng, vậy mà ông vẫn còn tráng kiện. Xuống xuồng đôi tay ông vững chải, bơi chèo lướt sóng ào ào. Lên bờ, ông chạy xe hon da vài trăm cây số khoẻ re. Lúc vui miệng thấy lưng bà khòm, khiến gương mặt gần như cắm xuống đất. Ông ghẹo: “ Bà dùm ơn đi thẳng cái lưng lên coi!” Bà Năm vội vã thẳng lưng lên, nhưng lát sau nó lại trở về vị trí cũ.
Bây giờ, trong lúc bà Năm đang mụ mị thả hồn về quá khứ, thì phía nhà bên cạnh, thằng Tre đã tuông ra những câu chửi nặng nề:
- Tưởng chuyện gì lớn, đem ra cằn nhằn cử nhử… Đằng này lo giành uống cà phê với khách. Già cả sống nay chết mai mà răng cỏ không chịu rụng một cây, còn ham ăn hốt uống. Bởi vậy con cháu mần ăn cực trần thân chi thể vẫn không cất đầu lên nổi, nghèo rớt mùng tơi cả bầy cả lủ…
Bà Năm nhớ lại ban sáng mình rầy nó có sai gì đâu? Vã lại hàm răng còn tốt là do bà hết sức gìn giữ. Vậy mà nó chửi đau đến mức chịu đời không thấu. Thấy ông Năm điềm nhiên ngồi hút thuốc trước hiên nhà. Bà tới gần, giọng rầu rầu hỏi:
- Sao ông không rầy thằng Hai một tiếng?
Ông Năm lắc đầu:
- Nó đang say rượu, rầy la lúc nầy đặng nó quậy lên um sùm cho làng xóm chê cười sao? Âu cũng là căn quả của bà còn sót lại kiếp trước.
Chẳng biết kiếp trước bà có chửi cha mắng mẹ hay không? Nhưng giờ nghe thằng Tre đay nghiến, bà buồn thiệt là buồn. Đôi mắt kèm nhèm dâng trào nước mắt, bà lẳng lặng đi vô nhà sau, tấm lưng vốn còng giờ trở nên nặng nề hơn.
*
* *
Ông Năm lặn hụp dưới mặt nước, cặm hàng cây tràm nhỏ, cột lớp lưới dầy để đặt cái dớn bắt cá. Bà Năm ngồi thẩn thờ trên mũi xuồng, bâng quơ ngắm cảnh như đang rỗi rãi lắm. Trước mắt bà, cánh đồng hoang sơ trãi rộng tít tắp tận chân trời. Trên cao, bầu trời xanh lồng lộng vắt ngắt bóng chim, vắng luôn mây bay. Xa xa… ngọn núi Bà Đen sừng sững cắt ngang trời, vẽ thành đường nét gãy gọn dứt khoát. Lòng bà bỗng cảm thấy nhớ da diết đứa con gái do mình rứt ruột đẻ ra: “Ừ! Nó đang sống cùng chồng con ở chỗ ngọn núi đó…”
Tiếng ông Năm gọi giật cục:
- Bà nhảy xuống nước, kéo lưới cột tiếp tui coi. Làm gì ngồi thừ ra đó, giống hệt người chết chưa chôn.
Bà Năm vẫn thả hồn tận đẩu tận đâu, giọng nhỏ nhẹ một cách kỳ cục:
- Ông làm mình ênh đi, tui hổng tiếp ông nữa đâu. Tui tính ngày mai đi thăm con gái.
Ông Năm cột miếng lưới vào thân cây cặm chắc, miệng lầm bầm:
- Xa xôi thấy mồ tổ, thăm lom gì? Con cái nhớ mẹ phải tự tìm về. Già cóp thùng thiếc còn đi đứng gì nổi?
Bà Năm thở dài cái sượt:
- Chắc tui về sống với con gái tui hết đời luôn. Ông ở lại cố gắng giữ sức khoẻ, đêm ngủ nhớ đắp mền, lóng rày gió mái thổi mạnh quá!
Cứ tưởng giống như mọi lần, mỗi khi giận con chồng bà liền hăm dọa bỏ đi. Ai dè… xế chiều bà hỏi mượn vỏ lãi của người hàng xóm, rồi nhờ đứa cháu đưa đi thiệt. Ông Năm tay bưng đồ đạc xuống vỏ tiếp vợ, miệng cười cười cợt cợt. Ông coi như bà đang diễn màn kịch nhỏ, trong bụng chắc mẫm bà đi thăm con gái vài ba bữa, lại nhớ ông chịu không thấu sẽ lật đật trở về. Nghĩ vậy nên ông ghẹo vợ:
- Bà đi luôn thiệt hén. Tui rước bà khác à?
Bà rãi đều từng chữ:
- Ông tính sao cũng được, tui quyết chí đi luôn mà. Sau này dù có vất vả sơn trường cỡ nào, tui cũng không về với ông nữa đâu.
Lúc trở lên nhà, tới bên bàn thờ lấy tấm ảnh của người chồng trước đem theo. Bà nghe vợ thằng Út nói chuyện với chồng:
- Sao anh không lo giữ má lại? Dù má không có công sanh, nhưng cũng có công dưỡng dục, nuôi dạy mấy anh em anh khôn lớn.
- Kệ bả! – Thằng Út nạt ngang – Già cả còn bày đặt giận nhau kiểu vợ chồng son. Ba bảy hai mốt ngày là về thôi, hơi sức đâu mà cản!
Nghe những lời thằng Út nói, bà Năm đau xé ruột xé gan. Hóa ra dòng sữa thơm ngọt đột nhiên chảy ra từ bầu vú bà, không thể khiến đứa con chồng thương yêu hiếu thảo với mẹ ghẻ giống như mẹ ruột. Bà Năm rên thầm trong bụng: “Thôi còn gì nữa mà tiếc!”
Bước chân vô hồn đưa bà đến trước lối mòn ngày xưa, tắt ngang vườn chuối qua ngôi nhà cũ. Cỏ ống không còn mọc lên nổi trên lối đi, mặt đất sạch bong do bàn tay con người siêng năng cần mẫn. Ngôi nhà cũ của bà đã bị tháo dỡ từ lâu, nền nhà trồng đầy những luống khoai lang xanh mượt tươi tốt.
Tiếng ông Năm vọng lên từ dưới bến sông:
- Tối thui rồi, bà không lo đi cho kịp!
Trẻ buồn một, già buồn hai. Từ lúc bà định ra đi cho đến giờ phút này. Ông Năm không hề nói một câu níu giữ. Nỗi buồn dẫn suy nghĩ của bà tới người chồng trước: “Ờ…Sắp đến ngày thanh minh rồi, nếu ở nhà con gái mình đi tới mộ ổng gần hơn!”
*
* *
Hai tháng bà bỏ đi, ông Năm đi tìm rước vợ ba lần. Lần đầu tiên ông đi một mình. Lần thứ hai, đi cùng vợ thằng Tre. Lần kế tiếp ông đi với chú Bé Hai, người hàng xóm hiền lành tốt bụng luôn được nhiều người quí mến.
Lý do thuyết phục vợ được ông lặp đi lặp lại: “Bà về nhà, tui hứa sẽ cằt chia riêng cho bà vài công đất, sang tên chủ quyền đàng hoàng. Thằng Tre nó biết lỗi rồi. Nếu nó còn hỗn xược với bà, chính tay tôi sẽ viết đơn nhờ chính quyền giải quyết!”
Mặc cho ông năn nỉ ỉ ôi, bà vẫn một mực: “Tui không về với ông nữa đâu. Rủi sau này ông trăm tuổi già trước tui, tui làm sao sống nổi với đám con của ông. Lúc ấy biết đâu tui bệnh nằm liệt giường liệt chiếu, con gái nó bỏ tui chết luôn!”
Đứa con riêng của bà, nó cũng một chín một mười với thằng Tre. Nó mặt sưng mày xỉa khi nói chuyện với cha kế: “Hồi đó dượng cưới má con đàng hoàng, vậy mà mấy chục năm rồi má con không có tên trong hộ khẩu nhà dượng. Hồi đó, má còn khoẻ mạnh làm lụng suốt ngày thì được. Giờ già cả yếu đuối, thì đám con của dượng tìm cách đuổi ra khỏi nhà. Đúng là vắt chanh bỏ vỏ! – Con gái quay sang mẹ ruột vẫn không hề hạ giọng chút nào – Lần này má đi theo dượng về, thì từ đây mình không còn má con gì với nhau nữa hết!”
Lần thứ tư, ông Năm đi rước vợ với lá đơn li dị trong tay:
- Nếu bà không chịu về, dùm ơn ký vô đơn này để tui đi kiếm vợ khác. Tui già rồi, cần có người bầu bạn sớm hôm.
Bà ngần ngừ:
- Thôi… vài bữa nữa tui tự về!
Hơn tháng sau cũng không thấy bóng dáng bà đâu. Nằm một mình gặm nhấm nỗi cô quạnh và sự chờ đợi, ông Năm đâm bực tức quyết định đi rước bà lần nữa. Và đây là chuyến đi cuối cùng…
Một tuần sau. Tàu đò cặp bến. Bước lên bờ cùng ông là người phụ nữ trên năm mươi tuổi. Dáng dấp mập mạp thâm thấp, nước da trắng trẻo. Nhìn gần, gương mặt bà được trang điểm khá cẩn thận. Hai hàng chân mày xâm lớn, màu tím đen. Nét xăm của tay nghề quá vụng về, nên ngó chẳng khác hai con đỉa trâu nằm vắt ngang. Khiến gương mặt trở nên không phúc hậu. Móng tay, móng chân bà để dài, cắt nhọn, sớn màu hồng phết kim tuyến rực rỡ. Dì năm mới, làm nghề bán vải ở một chợ nhỏ giáp biên giới Campuchia.
Qua lời giới thiệu của ông Năm, nghiễm nhiên dì vô nhà làm bà chủ. Vợ thằng Út lấm la lấm lét, tránh đứng gần dì ghẻ. Bởi, mặc dù nhỏ hơn dì gần ba chục tuổi, nhưng ngó vợ thằng Út cùn mằn hơn biết bao nhiêu.
Việc đầu tiên, dì Năm chỉ huy đốn toàn bộ những quày chuối đã già và chín bói, kêu ghe hàng ghé lại bán hết, rồi cất tiền vào túi. Việc thứ hai, bắt tay vào tổng vệ sinh từ nhà trước tới bếp ăn. Ông Năm cũng cầm chổi, nằm trong lực lượng quét dọn.
Hàng xóm bàn ra tán vô:
- Ông già năm coi vậy mà tốt số. Mới đó đã sắm được cái gối ôm mượt mà, mềm mụp.
- Nghe nói… đêm nào ổng cũng phải đấm lưng, bóp tay chân cho vợ. Cưng lắm.
- Ừ! Để coi… Rồi thằng Tre nó làm sao?
Khi bình tĩnh cậu Tre đã thấy gai con mắt. Uống rượu say vô, lập tức hình ảnh hai chục móng tay, móng chân sơn màu hồng phết kim tuyến lấp lánh, bỗng biến thành hàng trăm con đom đóm màu sắc loè loẹt, bay qua bay lại làm xốn con mắt, nhức cái đầu. Cộng thêm dáng vẻ bà già tuổi gần sáu mươi, khi cười còn e thẹn đưa tay lên che miệng… Thiệt tình tức quá tức, chịu hết nổi.
Vậy là sỉn rượu, cậu Tre bắt đầu chửi:
- Ai đời… Trâu già còn bày đặt bẻ sừng làm nghé, ngó muốn phát ói. Thằng Tre này còn sống sờ sờ ra đây, đừng hòng mơ tưởng tới trăm công đất của ông già.
Hàng xóm vốn quen tai với việc khi say cậu Tre “đơn chửi”, mà không ai dám trả lời. Nên thảy đều giật mình, lúc nghe tiếng phụ nữ hét lên:
- Thằng ma men kia… Mầy đang chửi ai?
Giọng lè nhè của cậu Tre, bỗng trở nên cà lăm cà lắp:
- Tui chửi…. Chửi…
- Chửi ai? Ma bắt còn phải coi mặt người ta nghe mậy?
Dì Năm đi qua đứng ngay trước sân nhà cậu Tre, tay chống nạnh hai quai:
- Bà dám? – Cậu Tre loạng choạng bước ra.
Cô vợ sợ sệt níu áo chồng ghị lại, khuyên can bằng một câu huề vốn:
- Thôi anh… Vợ của ba, má của mình đó!
- Vợ gì? Tao đánh cho bỏ xác sa trường.
- Mầy có giỏi thì mau ra đây! – Dì Năm không sợ chút nào, bà hầm hừ xăng tay áo thách thức.
Phần say, phần bị vợ kéo quá mạnh. Cậu Tre té ịch đít xuống đất. Láng giềng thấy chuyện lạ, xúm lại coi đông nghẹt. Vài người cắc cớ kéo thằng con mười tuổi của cậu Tre lại, hỏi ghẹo:
- Bà nội với ba mầy đánh lộn, mầy bênh ai?
Thằng nhỏ trả lời tức cười:
- Bữa nay ba của con mới có đối thủ.
- Ông nội cưới bà nội này nữa, là hết phải không?
Thằng nhỏ lắc đầu nguầy nguậy:
- Dạ… cũng chưa chắc ăn.
Mọi người cười ồ lên, nhưng đều có chung ý nghĩ: “Thằng nhỏ thiệt thông minh, nó nhận xét nghe có lý!”
Trước hiên nhà, ông Năm đang ngồi đánh cờ tướng một mình. Không hiểu vừa nghĩ ra nước cờ hay nào, mà ông túm môi tủm tỉm cười. Xong, ông quay mặt vào trong biểu con dâu:
- Vợ thằng Út! Bây coi pha sẵn ly nước đá chanh, chút nữa cho dì con uống đỡ khàn cổ.Thời gian lúc này đang ở vào khoảng 6 giờ chiều. Trong vườn chuối bóng tối len lỏi khắp nơi, nhưng chân trời phía tây vẫn nấn níu ánh sáng ngày. Mặt trời chuẩn bị chui xuống đất, bỗng nhô gương mặt no tình, nhe răng ra cười cười. Từ giây khắc này cho đến khi bóng đêm hoàn toàn chiếm lĩnh, vẫn còn một khoảng thời gian nữa…
A.Đ
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét