Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

Áo gấm - Truyện ngắn Nguyễn Khắc Luân

                     
Tôi có hai anh em trai, một chị gái. Cha mẹ nông dân, chân lấm tay bùn, làm hoài không đủ ăn, lớp thiên tai, chuột bọ phá hoại, lớp sưu cao thuế nặng. Khi tôi chào đời ba tôi mừng quýnh, vì có hai thằng con nối dõi, ông tằn tiện, dành dụm mấy năm, chọn ngày nông nhàn ra thị trấn chơi mấy bữa mới về.
 
Má tui đứng lặng, mắt ngó lom lom, khi ông để tay nải trên vai xuống lấy ra hai bộ đồ màu nâu tím có hoa văn. ông nói với má: " Tui sắm cho hai thằng nhỏ bộ áo dài khăn đóng, hết hơn trăm dạ lúa". Má tôi tính cự nự vì anh em tui còn con nít, lại ở đồng bưng, có đi đâu mà sắm áo dài khăn đóng làm chi, hơn trăm dạ lúa phải lao động cật lực mấy năm chứ ít gì, mà sao mắc quá vậy ông?. Hiểu ý má tiếc lúa, ba tui an ủi: "Mình sắm trước cho nó, biết đâu sau này làm ăn thất bát không sắm được, mà áo gấm đấy bà ạ". Nghe ba tui nói " áo gấm", mắt má tui sáng long lanh, bà vui vẻ hoạt bát hẳn lên " thiệt áo gấm không ông?". " Sao không thiệt, tui phải biếu cụ Cai tổng chục dạ nếp thơm cụ mới nhận lời đi coi hộ chớ bộ". Má tui súyt soa, bà chạy ra sau hè lấy thang leo lên gác nhà mở chiếc rương gỗ, trước khi trịnh trọng đặt hai bộ "áo gấm" vào rương bà còn nâng lên mặt hôn, như hôn báu vật.
Tôi là con út nên được cha mẹ cưng chiều. Má tui luôn mồm câu " giàu út ăn, khó út chịu, tui về già tui cậy nhờ út". Chị hai tui cũng tỏ ra chiều chuộng tôi, còn anh ba thì có vẻ hậm hực, biết tính anh hay ganh tị, má thường dấm dúi cho tôi phần hơn những lúc không có mặt anh. Thấy má mần thịt gà, tui canh vừa chín, sề tới nhõng nhẹo đòi cho được cái đùi, má dí tay vào trán tôi, miệng lẩm bẩm câu gì tôi nghe không rành, thấy má cười cười tôi chộp lẹ đùi gà chạy tâng tâng ra cổng. Đến bữa ăn má lại nựng" ưu tiên cho út cái đùi", anh ba lừ mắt bĩu môi, chị hai hiểu ý gắp cho anh ba miếng lườn tổ trảng " em ăn miếng lườn, thịt vừa trắng vừa mềm, lại thơm". Anh ba không nói gì cầm miếng thịt gà chấm như thụi vào chén muối ớt đưa lên miệng, cắn xé nhai ngấu, thấy anh ba ăn ngon lành, tôi cũng đòi miếng lườn, chị hai cười hi hi, chị biểu: " út thích miếng nào chỉ chị gắp cho".
Tai họa bất ngờ ập đến. Ba tôi đột ngột qua đời vì cơn bạo bệnh, năm ấy tôi mới mười tuổi, mọi việc đồng áng, mùa vụ chị hai cùng anh ba cáng đáng, má tui lo quán xuyến nội trợ. Ba mất má lại càng cưng chiều tôi hơn, tui không phải làm bất kỳ việc gì, chỉ lo học chữ, trường cách nhà không xa, giờ ra chơi tôi chạy te về nhà đòi má cho ăn. Mới mười hai tuổi mà tôi lớn phổng phao, áo quần chỉ bận vài tháng đã chật nứt, anh ba thì đen nhẻm, thấp tè, anh đứng gần đầu anh chỉ đến tai tôi. Anh bận toàn đồ tôi đã bận, vì quá chật tôi bỏ, má thấy uổng nịnh để anh ba bận " đồ còn tốt lắm con, nó là út, con chấp làm chi". Anh ba phụng phịu, người lạ thấy ai cũng bảo tôi là anh.
Ngày chị hai lấy chồng, má tôi lúc cười vui vẻ, lúc nước mắt rịn ra thành giọt. Đến giờ làm lễ "công cô", má đốt nhang khấn lạy bàn thờ ba xong bà chợt nhớ ra đôi "áo gấm", má kêu anh ba kiếm thang leo lên lấy "áo gấm" để trong rương trên gác, cho anh em tôi bận làm lễ. Hai bộ đồ may bằng vải lụa màu nâu tím, hoa văn in nổi, cả hai bộ cùng một kiểu, cắt may bằng nhau chằn chặn. Tôi bận đồ xong, người như bị cho vào cái bao chật cứng, da ngực như bị ép rít đến phổi, anh ba thì lụng thụng, bàn tay gọn lỏn trong ống tay áo, tà áo kéo lê dưới đất cả tấc.  Vài phút sau mồ hôi vã ra ướt đẫm lưng áo, tôi cố gắng không để gục ngã vì nghẹt thở, may sao tôi lách được đến sát vách làm chỗ dựa lưng, tôi cố hít thở nhè nhẹ, không để chuyện gì sảy ra khi chị hai và mọi người đang vui vẻ. Sức sống trong con người tôi bị bó buộc căng cứng, trong lồng ngực như có con quái vật  đang quẫy đạp, dãy dụa, quyết đòi thoát ra khỏi nơi hiểm nguy cùng cực. Giọng ông Tộc trưởng oang oang, tôi bỗng nghe tiếng xoặc xoặc, phì phì, con quái vật trong lồng ngực đạp bung hai bên mạng sườn tôi ra thoát ra ngoài, đầu óc tôi mụ mị, mắt tối sầm, chân tay bủn rủn. Trong giây phút tôi choàng tỉnh, thở hổn hển, toàn thân lạnh toát, tà áo trước bay phất lên ngang mặt, bất giác tôi đưa hai tay níu lại. Thật may, cây cột nhà che ánh đèn leo lét tạo nên khoảng tối nơi tôi đứng, nên không ai nhìn thấy. Tôi chợt hiểu ra, cơ thể tôi đã làm cho chiếc "áo gấm" đứt bung các đường chỉ may, tôi phải cố níu giữ nó trên cơ thể tôi bằng cách khoanh tay trước ngực để không ai nhìn thấy cảnh bi hài này. Đúng là " áo gấm đi đêm" nào có ai thấy. Anh ba tôi lụng thụng trong tà áo quá rộng, quá dài, lúc bước lên trao tặng chị Hai cái khâu 5 phân vàng 18, anh dành dụm lâu nay, chân anh đạp vào tà áo kéo lê dưới đất, làm anh ngã chúi nhủi, cái hộp đựng vàng trên tay anh văng xuống đất, mọi người vừa giúp anh tìm hộp đựng vàng, vừa cười khùng khục. Đến lượt tôi. Tôi cứ khoanh tay trước ngực ( đâu dám bỏ ra), tôi lê từng bước tới trước mặt chị hai, đầu luôn cúi gục, miệng lí nhí không ra lời. Chị hai luôn chiều chuộng tôi, như hiểu tình cảnh của tôi, chị lên tiếng: " Út hôm nay ngoan lắm, út cố gắng học thiệt giỏi là chị thích nhứt rồi". Tôi gật đầu lia lịa, chân lê từng bước đi lùi về phía sau, có tiếng rì rầm : " Thằng út được học tập nên lễ độ thấy ham, không như mấy đứa...". Có ai biết lúc này tôi khốn khổ chừng nào, muốn khóc hơn cười, muốn bỏ chạy trốn ra ngoài mà không được?
                                                   *   *    *
Chiến tranh lan rộng. Anh ba  xin má theo Việt Minh lên rừng đi kháng chiến, má khóc dữ nhưng cũng đồng ý cho anh đi, má còn dặn đi dặn lại: " đã theo phải theo tới cùng, không được đào ngũ, phản bội". Anh đi được ba mùa soài thì có tin anh hy sinh, giấy báo tử gửi về cùng hai tấm huân chương chiến công, tư trang chỉ còn duy nhất sợi dây chuyền bằng bạc má trao cho anh lúc lên đường, má dặn anh: "con mang theo vào người phòng gió độc, má chỉ có vậy cho con".  Anh chưa kịp có người con gái nào để yêu thương. Chị hai tôi cũng hy sinh trong đợt phục vụ lực lượng du kích xã Chân Bà Đen phối hợp bộ đội chủ lực tấn công trại lính Tua Hai hồi năm 1960. Chị cũng chưa kịp sinh đứa con đầu lòng mới  tượng hình 5 tháng còn nằm trong bụng mẹ.
                                                     *   *   *
Hoà Bình. Tôi trở về, má tôi đã ra đi trong khổ đau mất mát. Tôi không làm tròn phận con út, người giúp tôi là vợ và các con tôi. Ba, Má, chị Hai, anh Ba ngự cả trên bàn thờ nhang khói vấn vít. Cái rương gỗ vẫn còn trên gác.
 ... Hội nghị Thượng đỉnh A Pếch tại Hà Nội năm 2007, các nguyên thủ quốc gia tham dự, được Chính phủ Việt Nam may cho mỗi người một bộ áo dài truyền thống. Xem truyền hình thấy các vị Nguyên thủ Quốc gia bận "áo gấm Việt Nam" thật hiền từ, thân thiện, chất phác, tinh anh lắm. Tôi bất giác nhớ đến hai bộ "áo gấm" của ba tôi sắm cho hai anh em tôi từ nửa đầu thế kỷ trước. Giờ chỉ còn mình tôi với hai cái áo, một cái bung hết các mối chỉ chưa khâu lại, một cái còn nguyên vẹn lắm.
NKL

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét