Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2013

TÂY NINH - VÙNG ĐẤT LONG TIỀM HỔ PHỤC - Nguyễn Thanh Liêm

NHÀ THƠ TRẦN MINH TẠO RẤT MẶN MÀ TÌNH CẢM VỚI TÂY NINH. ANH Đà LANG THANG TRÊN MẠNG  VÀ Đà ĐỌC ĐƯỢC MỘT BÀI VIẾT NGHIÊN CỨU VỀ TÂY NINH.  ANH Đà CHUYỂN TẢI VỀ CHO ĐẤT ĐỨNG NGHIÊN CỨU SỬ DỤNG. THEO ANH ĐÂY LÀ BÀI VIẾT CÓ GIÁ TRỊ VÀ  RẤT QUÝ BÁU ĐỐI VỚI NGƯỜI DÂN TÂY NINH.  SAU KHI ĐỌC, ĐẤT ĐỨNG XIN  ĐĂNG LÊN ĐỂ BẠN ĐỌC CÙNG THAM KHẢO ... VÀ MONG NHẬN ĐƯỢC Ý KIẾN BỔ SUNG .



          LỄ HỘI NÚI BÀ (LINH SƠN THÁNH MẪU) 
 
           Cũng như Châu Đốc, Tây Ninh là tỉnh biên giới vô cùng quan trọng giữa Việt Nam và Kampuchia, tức Cao Miên như người Miền Nam thường quen gọi. Nhưng nếu Châu Đốc là một trong những tỉnh thành hình sau cùng của Miền Nam nước Việt thì Tây Ninh lại là một trong những tỉnh thuộc về Việt Nam rất sớm ở vùng Đồng Nai Cửu Long.
          Cả hai tỉnh đều có những anh hùng bảo vệ biên cương và phát triển đất nước được dân chúng đời đời sùng bái thờ phượng: Châu Đốc có Thoại Ngọc Hầu, Tây Ninh có ba anh em Huỳnh Công Giảng, Huỳnh Công Thắng và Huỳnh Công Nghệ. Mỗi tỉnh là một cái nôi cho một tôn giáo mới của người Việt Nam: Tây Ninh là cái nôi của Cao Đài giáo trong khi Châu Đốc là cái nôi của Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật Giáo Hòa Hảo. Mỗi tỉnh có một đền thờ Bà mang sắc thái tín ngưởng Việt - Chàm hay Việt - Miên, hằng năm qui tụ bao nhiêu trăm ngàn người khách thập phương ngưởng mộ từ các nơi về xin xăm, cầu lộc, cầu nguyện để được che chở bảo vệ: đền thờ Bà Đen ở Tây Ninh và Miếu Bà Chúa Sứ ở Châu Đốc. Cả hai nơi đều có xóm làng của người Việt gốc Chàm định cư sinh sống. Nhưng Tây Ninh ở gần Sài Gòn hơn Châu Đốc. Châu Đốc ở về Miền Tây trong khi Tây Ninh nằm về phía Bắc của Nam Phần Việt Nam, chỉ cách Sài Gòn có 99 km. Biên giới chung giữa Tây Ninh và Kampuchia là 214 km. Tây Ninh giáp ranh với Kompong Cham của Kampuchia ở phía Bắc, với hai tỉnh Prey-veng và Sway Riêng (kampuchia) ở phía Tây và Tây Bắc, với hai tỉnh Bình Dương và Bình Long ở phía Đông và Hậu Nghĩa ở phía Nam (thời Việt Nam Cộng Hòa). Với diện tích của tỉnh ước độ 4 ngàn cây số vuông, mà gần 50% là rừng núi, Tây Ninh có nhiều loại gổ quý như Trắc, Cẩm Lai, Căm Xe, Cà Chất, nhiều thú rừng như voi, cọp, beo, heo, bò rừng, và nhiều chiến khu hay đồn quân nổi tiếng như trại Bến Sỏi, Thiện Ngôn, Kà Tum, Tống Lê Chân, Bời Lời. . . Lỵ sở đặt tại xã Thái Hiệp Thạnh, quận Phú Khương. Khoảng đầu thập niên 1940 dân số toàn tỉnh Tây Ninh có độ 260,000 người, ba mươi năm sau, vào đầu thập niên 1970, con số này tăng lên đến gần 400,000, và theo thống kê gần nhất hồi năm 1999, dân số Tây Ninh đã tròn trèm một triệu. Có hai quyển sách viết về người dân và vùng đất Tây Ninh, với rất nhiều tài liệu dữ kiện giá trị, và nhiều chi tiết thật phong phú. Đó là quyển "Tây Ninh Xưa" của Huỳnh Minh, và quyển "Tây-Ninh Quê Hương Sông Gấm" của Nguyễn Bá Hoa. Theo nhiều tài liệu lịch sử thì. . . .            
            Cho đến cuối thế kỷ XVI Tây Ninh còn là vùng rừng rậm hoang vu thuộc nước Chân Lạp (Kampuchia). Một số ít người Khmer (Miên) sống rải rác ở đây và tên Miên của vùng này là Rondum Ray mà sau này người Pháp gọi là Pare aux Éléphants (Chuồng Voi). Sang đầu thế kỷ XVII một số người Việt vào Mô Xoài (Bà Rịa) khai khẩn đất hoang định cư sinh sống. Từ đó họ lan dần ra các vùng lân cận như Biên Hòa, Bình Dương, Trảng Bàng, rồi lần lên Gò Dầu Hạ, đến chân núi Bà Đen. Công cuộc định cư của người Việt ở Tây Ninh trở thành quy mô hơn từ sau sự kiện vua Miên Chey Chetta II cưới công chúa Ngọc Vạn (con của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên) về làm hoàng hậu (1620). Về phương diện xã hội, việc công chúa Ngọc Vạn theo chồng về Miên có thể được xem như là một sự mở đầu cho những bành trướng lãnh thổ quy mô về phương Nam của dân tộc Việt. Theo chân Ngọc Vạn công chúa lưu dân người Việt càng ngày càng vào Nam lập nghiệp nhiều hơn. Với chính sách khuyến khích khéo léo của chính quyền, làn sóng vào Nam càng lúc càng bành trướng mạnh mẻ. Về phương diện chính trị ngoại giao, cuộc hôn nhân của công chúa Ngọc Vạn với vua Chey Chetta II là bước mở đầu cho mối liên hệ ngoại giao giữa hai dân tộc Việt-Khờ Me, một mở đầu hết sức quan trọng đối với triều Nguyễn và người dân Đàng Trong. Từ đây trở đi trước mắt người Đàng Trong mở ra một vùng đất mênh mông hoang vu để khai khẩn để biến thành kho lương thực và tài sản vô tận cho người dân và quốc gia. Cũng từ đây triều Nguyễn luôn luôn sẵn sàng để hoặc giúp đỡ/viện trợ, hoặc can thiệp vào nội tình Chân Lạp với những kết quả vô cùng thuận lợi cho người Việt. Cứ mỗi lần quân chúa Nguyễn tiến lên xứ Miên làm một công ơn gì đó đối với Chân Lạp là mỗi lần triều đình Chúa Nguyễn được đền đáp bằng một số đất đai để hợp thức hóa những nơi lưu dân người Việt đã từng vào khai phá. Những sự kiện lịch sử sau đây đánh dấu những bước tiến trong quá trình hoàn thành vùng đất Đồng Nai hay Miền Đông Nam Phần theo lối "dân đi trước chính quyền đến sau":         
         - Hai năm sau khi Ngọc Vạn trở thành hoàng hậu Chân Lạp, năm 1623, chúa Nguyễn sai phái bộ tới Oudong yêu cầu vua Chey Chetta II cho chúa Nguyễn lập hai đồn thu thuế tại Prei Nokor (Sài Gòn) và Kas Krobei (Bến Nghé). Đây là vùng qua lại và nghỉ ngơi của thương nhân Việt Nam đi Chân Lạp qua ngả Tây Ninh. Từ khi có các đồn thu thuế của chúa Nguyễn, vùng này đã trở nên vùng thị tứ trên bến dưới thuyền rất là sầm uất.         
        - Năm 1658 triều đình Chân Lạp có nội biến, thái hậu Ngọc Vạn đã khẩn cầu Chúa Nguyễn là Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần giúp quân đánh dẹp Nặc Oâng Chân dành lại ngôi báu cho dòng họ Prea Outey. Chúa Hiền, cháu kêu thái hậu Ngọc Vạn bằng cô ruột, cho quan Khâm Mạng Trấn Biên dinh Phú Yên là Tôn Thất Yến đem 3,000 quân qua giúp bắt được Nặc Oâng Chân giải về Quảng Bình. "Người Cao Miên khâm phục oai đức của triều đình đem nhượng hết cả đất ấy rồi đi lánh chỗ khác, không dám tranh trở chuyện gì." (Gia Định Thông Chí, trung, tr.7). Đất ấy đây là vùng Mô Xoài, chính thức thuộc lãnh thổ Việt Nam từ đó.
        - Sang năm 1674 Nặc Oâng Đài lại liên kết với Xiêm La chống Đại Việt. Chúa Nguyễn là Hiền Vương cử cai cơ Nguyễn Dương Lâm đem quân đánh chiếm Sài Gòn và tiến lên Nam Vang. Chúa Nguyễn làm chủ tình thế cả vùng Đồng Nai trong đó có Biên Hòa, Bình Dương, Tây Ninh.          

         - Năm 1679 trấn thủ Quảng Đông là Dương Ngạn Địch cùng với phó tổng binh Hoàng Tiến, và tổng binh các châu Cao, Lôi, Liêm là Trần Thượng Xuyên cùng phó tổng binh Trần An Bình đem 3000 quân Trung Hoa (nhà Minh) với 50 chiến thuyền trốn quân Thanh chạy sang Việt Nam xin làm thần dân của Chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn Phúc Tần dung nạp họ và cho người hướng dẫn họ đến vùng đất mới trong Nam để định cư sinh sống. Nơi đây đã có một số người lưu dân Việt khai phá. Dương Ngạn Địch vào Mỹ Tho, Trần Thượng Xuyên vào Biên Hòa khai khẩn đất đai, thiết lập phố xá bán buôn, phát triển nông nghiệp và thương nghiệp cùng với người lưu dân Việt ở hai nơi này.           
            Vùng Đồng Nai phát triển mạnh mẽ thêm và Tây Ninh giữ vị trí vô cùng quan trọng về cả ba phương diện chiến lược quân sự, thương mại kinh tế, và chính trị ngoại giao trong thời gian này khi nó nằm trên biên giới giữa hai nước Việt - Miên. "Con Đường Sứ" (người Pháp gọi là Route des Ambassadeurs) là vết tích lịch sử nói lên vai trò quan trọng đó của Tây Ninh hồi thuở nào. Các sứ thần Miên mỗi năm mang lễ vật triều cống Việt Nam phải đi qua ngả Tây Ninh trên con đường sau này biến thành Tỉnh Lộ 13 và Lộ Xóm Vịnh, do đó có tên "Đường Sứ". Ngoài ra còn có con đường huyết mạch nữa từ Gia Định lên Tây Ninh dành cho quân Nam triều xử dụng trong việc vận tải lương thực, di chuyển quân binh, giao thông liên lạc quan yếu, chống giặc Miên bảo vệ Miền Nam mỗi lần có sự xăm lấn hay loạn lạc ở biên thùy. Con đường này cũng được gọi là đường sứ hay là Thiên Lý Cù, con đường tuy dắp bằng đất nhưng rộng lớn như một tỉnh lộ sau này.             
          Người dân Tây Ninh vẫn nhớ ơn những vị anh hùng đã có công bảo vệ vùng biên giới này trong thời mới mở mang. Miếu thờ quan lớn Trà Vông và đền thờ Huỳnh Công Nghệ là những nơi biểu tõ lòng tri ơn đó. Theo các bô lão ở các xã Cẩm Giang, Bến Cầu và Thái Bình (Tây Ninh) thì khoảng năm 1846 giặc Cao Miên tung hoành cướp bóc chém giết nhiều người Việt Nam ở vùng biên giới này. Triều đình Huế phái ba anh em họ Huỳnh đến tảo trừ bọn giặc đem lại an ninh cho dân chúng. Tổng chỉ huy đoàn quân là tri phủ Huỳnh Công Giản tức quan lớn Trà Vông. Ngài đóng quân tại đây, bị quân Miên vây hảm ngặt nghèo. Quân tiếp viện của hai người em là Huỳnh Công Thắng và Huỳnh Công Nghệ không đến kịp để giải vây. Huỳnh Công Giản chống cự không nổi trước lực lượng quá đông của giặc Miên nên đã tuẩn tiêát. Miếu thờ Ngài được xây tại ấp Thái Vĩnh Đông, xã Thái Hiệp Thạnh. Miếu không lớn lắm, giữa miếu có bàn thờ trên đó có linh vị của Ngài. Phía trên có treo tấm biển sơn son phết vàng khắc bốn chữ "ĐÁP TẠ THẦN ÂN". Hai bên có hai câu liễn chữ nho do cụ Nguyễn Ngọc Diệp phụng cúng :            
           "Nhựt tảo xuất anh tài, vị quốc vong thân, trứ trứ phương danh thùy trúc bạch,  Tà dương trừ man tặc, ưu quân tri mạng, nguy nguy chính khí quán sơn hà."            
            Cụ Hi Đạm dịch hai câu trên như sau :           
         "Nhật Tảo trổ oai thần, nặng nước nhẹ thân, rỡ rỡ hùng danh ghi sử sách, Trà Vông ngăn giặc Thổ, tròn trung vẹn tiết, long long chánh khí ngút non sông."          
         Quân tiếp viện của Huỳnh Công Nghệ và Huỳnh Công Thắng đến nơi tuy không còn kịp để cứu anh nhưng cũng còn cơ hội để tiêu diệt đám quân Miên, đuổi bọn sống sót chạy về nước để không còn dám qua quấy nhiểu nữa. Huỳnh Công Nghệ chết được dân Tây Ninh nhớ ơn làm đền thờ ở Vàm Bảo, Bến Cầu, thuộc quận Hiếu Thiện. Mộ của tướng Huỳnh Công Thắng thì còn ở phía chân thành Cẩm Giang cũ. Cả ba anh em đều rất linh hiển nên dân chúng rất sùng kính, lập miếu thờ cúng, làm lễ tế hằng năm.          
          Tây Ninh có núi Bà Đen nổi tiếng linh thiêng mà không người dân Nam Kỳ nào không nghe tiếng. Có hai truyền thuyết khác nhau về lịch sử Bà Đen. Thuyết thứ nhất kể rằng ngày xưa ở Trảng Bàng có người con gái tên Lý Thị Thiên Hương, nước da ngâm đen, rất có duyên, vừa biết võ nghệ lại vừa có tài văn chương thi phú. Có một chàng trai cũng văn hay võ giỏi tên là Lê Sĩ Triệt đem lòng yêu mến cô. Hai người hứa hẹn nhau sẽ đi đến hôn nhân trong vòng lễ giáo. Cùng lúc đó có một chàng trai khác, con quan lớn trong vùng, cũng mê say nàng Thiên Hương. Anh này dụ dỗ cô Thiên Hương không được bèn làm kế hoạch sai thuộc hạ dùng võ lực bắt cóc cô đem về làm vợ lẻ. Nhờ có Lê Sĩ Triệt giải cứu, cô Thiên Hương không bị bắt. Sau đó đôi trai tài gái sắc bèn cưới hỏi nhau nhưng rồi vì quốc gia hữu sự chàng phải lên đường tòng quân. Cô vợ ở nhà lại một lần nữa bị bọn tay sai của anh công tử con quan lớn tìm cách bắt đi. Lần này không có ai giải cứu, tự cô từ trên núi cao nhảy xuống hố tự tử để giử lòng trinh tiết đối với chồng. Hồn cô rất thiêng, về báo mộng cho nhà sư trên núi biết sự việc. Theo điềm mộng báo, nhà sư tìm đến nơi đem xác cô về chôn cất tử tế. Chuyện đến tai Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt. Chính Ngài Thượng Công thân hành đến nơi để biết rõ đầu đuôi. Ngài nói với người khuất mặt : "Nếu hồn trinh nữ Thiên Hương quả có hiển linh thì hãy xuất hiện cho bổn chức được biết." Ngài vừa nói xong thì có một cô gái chạy đến bên Ngài cất tiếng "Kính chào Thựợng Quan." Đức Thượng Công hỏi lai lịch. Người con gái ấy bảo : "Tôi là Lý Thị Thiên Hương. Tôi xin mách trước cho Thượng Quan được biết. Hồn của Thượng Quan sau này sẽ được phong thần, nhưng xác của Thượng Quan sẽ bị hành hạ, mả bị xiềng xích, tên bị đục khoét, về sau mơiù được minh oan." Đức Thượng Công bảo : "Bổn chức không cầu xin được biết tương lai của mình, chỉ muốn biết rõ căn do của nàng." Người con gái thuật rõ sự việc và nói thêm : "Nay thiếp được Ơn Trên cho xuống trần cứu nhơn độ thế." Đức Tả Quân vêà dâng sớ tâu lên vua Gia Long. Nhà vua nhớ lại thuở xưa lúc chạy trốn quân Tây Sơn đã có đến núi Điện Bà, ở đây nhà vua được mách bảo hướng đi dể khôi phục giang san. Nhớ ơn xưa và theo lời sớ của Đức Tả Quân, vua Gia Long bèn sắc phong Lý Thị Thiên Hương là Linh Sơn Thánh Mẫu chủ trì Linh Sơn Tiên Thạch Động, ngự ở núi Một, tức núi Điện Bà hay núi Bà Đen.
          Thuyết thứ hai kể rằng ngày xưa có một ông quan người Miên có người con gái tên là Nàng Đênh. Lúc cô được 13 tuổi thì có một ông sư người Hoa đến giảng Phật pháp cho gia đình cô và quân sĩ ở đây. Tuy trẻ tuổi, nàng Đênh học hiểu rất nhanh và trở thành kẻ sùng đạo quyết chí chọn con đường tu Phật để giải thoát. Có người con trai của quan trấn thủ Trảng Bàng mê say nhan sắc của nàng Đênh, xin cha cho được cưới nàng. Quan trấn thủ đến xin cưới nàng Đênh cho con trai. Cuộc hôn nhân được gia đình nàng chấp thuận dễ dàng. Nàng cũng không dám cải cha, nhưng xin cho hoản lại để nàng suy nghĩ kỹ. Thật ra nàng đã quyết tâm xuất gia từ trước nên không thể lập gia đình nhưng nàng cũng không thể nói thẳng cho cha nàng biết ý định đó. Rồi một đêm trong lúc mọi người ngủ yên, nàng lén ra đi tầm đạo, và biệt tích luôn. Sau này hiển linh bà nhập vào xác một cô gái trong làng thuật lại sự việc cho mọi người biết và nói thêm là được Ơn Trên cho xuống thế gian cứu độ chúng sanh. Dân chúng sùng kính thờ bà từ đó. Nguyễn Ánh trong thời gian chạy trốn Tây Sơn có lên đây, được bà phù hộ, nên sau này truyền cho quan địa phương đúc cốt bà bằng đồng đen, sắc phong cho bà là Linh Sơn Thánh Mẫu. Bà Đen là tiếng đọc trại ra từ tiếng Bà Đênh. Cả hai truyền thuyết, một Việt một Miên, đều đi đến kết luận là được sắc phong Linh Sơn Thánh Mẫu của vua Gia Long, rất hiển linh và được người dân Nam vô cùng tin tưởng, sùng bái. Bà Đen Tây Ninh là một tín ngưởng rất phổ biến trong dân chúng Miền Nam cũng như Bà Chúa Sứ ở Châu Đốc vậy.         Nhìn từ phía văn hóa xã hội, tôn giáo tín ngưởng gốc của người dân Việt là đạo Thờ Ông Bà cũng như nhiều dân tộc khác thuở xa xưa trên thế giới. Sau hằng ngàn năm giao tiếp học hỏi trau đổi với người Trung Hoa, người Việt Nam lại thu nhận thêm tam giáo (Phật-Lão-Khổng) đem cọng vào với đạo thờ Ông Bà có sẵn của mình làm thành tôn giáo Việt Nam. Người di dân Việt vẫn mang gốc tôn giáo đó vào vùng đất mới. Nhưng theo định luật biến đổi và thích nghi của văn hóa xã hội, không có gốc nào còn nguyên vẹn được khi con người phải sinh sống trong một môi trường, một hoàn cảnh mới với những va chạm trau đổi mới. Cao Đài giáo là một tôn giáo mới của người Việt Nam mà cái gốc Thờ Ông Bà và Tam Giáo đã được phát huy một cách đặc biệt hơn để thích nghi với hoàn cảnh và môi trường Đồng Nai vào thế kỷ XX, trong tôn chỉ "Tam Giáo Qui Nguyên, Ngũ Chi Phục Nhất" và với cứu cánh "Nhân Bản, An Lạc, Tiến Bộ". Tư tưởng chính được ghi trong hai câu liễn treo trước cổng số 1 :        
         "Cao thượng Chí Tôn Đại Đạo hòa bình dân chủ mục,          
          Đài tiền sùng bái Tam Kỳ cộng hưởng tự do quyền."         
Những vị khai sáng đạo đã lựa chọn Tây Ninh làm vùng đất thiêng mở đầu cho đạo. Tòa Thánh Tây Ninh là đền thờ gốc của tôn giáo mới này, là thực tướng thể hiêản Thánh Thể Đức Chí Tôn kết hợp bằng ba ngôi Bát Quái, Hiệp Thiên và Cửu Trùng Đài. Là biểu tượng của Cao Đài giáo, Tòa Thánh được khởi công từ gần cuối thập niên 1920 kéo dài trên hai thập niên, đến năm 1953 mới được tạm xem như hoàn tất, với một công trình kiến trúc vô cùng đặc biệt. Tòa Thánh nằm cách thị xã Tây Ninh chùng 4 km về hướng Đông trong khuôn viên khoảng 1 cây số vuông. Hãy nghe ông Nguyễn Bá Hoa nói về Tòa Thánh: "Trong khuôn viên có cây cao bóng mát, xung quanh có tường rào cẩn thận, Tòa Thánh Tây Ninh là một công trình kiến trúc độc đáo với những nét kỹ thuật công phu, với những hình rồng uốn khúc uy nghi, màu sắc rực rỡ. Mỗi nét họa linh hoạt, mỗi cảnh đều ẩn một sự tích linh thiêng, một lịch sử oai hùng. Đền có chiều dài 140 thước, rộng 40 thước, cao 36 thước về phía Hiệp Thiên Đài, 25 thước Cửu Trùng Đài và 30 thước Bát Quái Đài. Bên trong chánh điện, trên trần và các cột đều có chạm hình rồng nổi, sơn ngủ sắc. Nơi thờ phượng có một quả địa cầu lớn có hình Thiên Nhãn. Tòa Thánh là một kiến trúc đặc biệt do sự đóng góp công sức, tài vật của hằng triệu tín hữu Cao Đài, trong tinh thần thiết tha tự nguyện." (Tây Ninh - Quê Hương Sông Gấm, tr. 187). Cũng theo ông Nguyễn Bá Hoa thì trong công trình xây dựng Tòa Thánh, có hằng vạn người về đây làm công quả. Đại đa số là người dân Nam Kỳ Lục Tỉnh gồm dủ hạng từ thợ chuyên môn đến những công nhân thường, nam phụ lão ấu đều nhiệt thành đóng góp công sức. Một số người Miên từ Thiện Ngôn, Điện Bà, Soài Riêng, Gò Dầu Hạ cũng đến làm công quả. Ngoài ra còn có một ít người Tà Mun gốc ở Bình Long đến dịnh cư ở ấp Ninh Lợi, ngoại ô Tòa Thánh cũng đến làm công quả, học đạo và theo đạo luôn.           Đạo Thiên Chúa cũng có ở Tây Ninh, cũng phát triển bình thường như ở nhiều nơi khác trong vùng Đồng Nai Cửu Long. Nhưng có một xóm đạo đặc biệt ở đây được rất nhiều người biết đến vì một cái tên và vì một bài thơ. Cái tên đó là Tha La, nghe như cái gì xa xôi hẻo lánh nhưng mà huyền bí nhiệm mầu, và bài thơ đó là bài "Tha La Xóm Đạo" mà tác giả Vũ Anh Khanh đã rung động gởi vào trong đó một nỗi buồn xa xăm nhiều gợi cảm :
(***)
"Đây Tha La xóm Đạo,
Có trái ngọt cây lành. . . .

Đây rừng xanh, rừng xanh,
Bụi đùn quanh ngỏ vắng,
Khói đùn quanh mái tranh,
Gió đùn quanh mây trắng,
Và lửa loạn xây thành. . .
Gió vun vút, gió rợn rùng, gió rít.
Bỗng đâu đây vang véo von tiếng địch
Thôi hết rồi, còn chi nữa Tha La!
Bao người đi thề chẳng trở lại nhà
Hay đã chết giữa chiến trường ly loạn!
Tiếng địch càng cao, não nùng ai oán,
Buồn trưa trưa, lây lất buồn trưa trưa,
Buồn xa xưa, ngây ngất buồn xa xưa.(***)
Lòng viễn khách bỗng dưng tê tái lạnh.
Khách rùng mình, ngẩn ngơ người, hiu quạnh,
Thôi hết rồi, còn chi nữa Tha La! . . ."

     Tây Ninh cũng là nơi cư trú của một ít người Chàm đã được định cư từ cuối thế kỷ XVII. Xóm Chàm hay "Phồn Chàm" ở cách chợ Tây Ninh chùng 1 km, trong ấp Thái Vĩnh Đông, xã Thái Hiệp Thạnh, có vài trăm nóc gia và một giáo dường nhỏ cât theo kiểu La Mecque Ấn Độ chớ không theo kiểu các tháp Chàm ở Phan Rang. Bên hành lang giáo đường có đặt một chiếc hòm không đáy, hòm này là quan tài chung cho cả xóm. Khi có người chết thì người ta tẩn liệm bằng cách bó xác chết rồi để vào quan tài, lót ở dưới đáy bằng một tấm ván rời. Khi chôn người ta chỉ chôn xác chết và tấm ván mỏng lót ở dưới mà thôi. Quan tài được mang về giáo đường để dùng cho người chết khác. Người Chàm ở đây theo Hồi giáo. Họ không ăn thịt heo và không nuôi heo. Người Chàm theo chế độ mẫu hệ, đàn ông con trai phải ở rễ cho nhà gái, nhưng được quyền có nhiều vợ. Nhà ở phần nhiều là nhà sàn lợp lá, phần trên thì người ở và phần dưới là chổ của trâu bò. Họ sống hòa mình trong cộng đồng người Việt, xem như người Việt thiểu số gốc Chàm, nhưng họ vẫn bảo tồn những nét đặc thù của nền văn hóa cổ truyền của họ.          

             Tây Ninh còn nhiều điều để nói nhưng khuôn khổ của của bài này không cho phép. Thôi thì xin hẹn lại một lần khác sẽ nói thêm về những chuyện khác. Ở đây người viết xin tạm biệt đồng hương Tây Ninh bằng mấy vần thơ về tỉnh biên giới này của những người đã được sinh ra và sinh sống ở tại đây :

Từ xưa : ...
"Vùng đất Tây Ninh giáp với Miên,
Dân ta khai khẩn dựng đồn điền
Lập thành một phủ trong Gia Định
Sử liệu Nam triều đã lược biên. . ."

(Hưng Huyền)

Và :
"Quê tôi đấy Tây Ninh miền biên giới
Nẻo thông thương Bến Sỏi nối Tầm Long
Êm êm nước chảy xuôi dòng
Trầm buồn bằng một con sông lặng lờ. . .
Quê tôi đấy danh lam thắng cảnh
Núi Điện Bà dưới ánh tà huy
Là đây hùng vĩ uy nghi
Quê tôi đấy "kỳ quan tòa thánh"
Cảnh địa phương đâu sánh cho bằng. . .
Quê tôi đấy chiều nay gió lộng
Gởi chút lòng tha thiết với quê hương."


(Phan Phụng Văn)
 (***) Mời bạn đọc tham khảo thêm góp ý của Nhất Phượng và thưởng thức bài thơ "Tha La xóm đạo" do Đặng Hoàng Thái cung cấp qua comment.                                    

góp ý

 

  1. Viết bởi LÊ TRIỀU ĐIỂN:
    bài viết quá hay.Mấy bài thơ trích bên trong cũng quá cảm động.Tây Ninh đúng là linh địa về cội nguồn lẫn vị trí địa -chính trị ngày xưa cũng như nay.
  1. Viết bởi Nhât Phượng: La huynh à!Theo em thì mấy câu thơ của bài "Tha La xóm đạo" có trích trong bài viết trên có những chỗ chưa thật chính xác. Thứ nhất,đó không phải là những câu thơ liền mạch mà thuộc nhiều đoạn khác nhau của một bài thơ khá dài. Cách trinh bày các câu liền nhau như vậy dễ gây hiểu lầm đó là một bài hoàn chỉnh, chỉ có 18 câu. Thứ hai,một số từ trong đoạn dẫn, nếu em nhớ kg lầm thì như thế này:
    Khói đùn quanh nóc (kg phải mái)tranh
    Bỗng đâu đây vẳng (kg phải vang) véo von...

    Nay (kg phải hay) đã chết giữa chiến trường...
    Buồn xưa xưa ngây ngất buồn xưa xưa (kg phải xa xưa)
    Tại em rất thích bài thơ này và thuộc từ hồi nhỏ nên thấy chệch đi là đâm... ngứa miệng thày lay vậy,để huynh và chư vị tham khảo cho vui.
  2. Viết bởi danghoangthai: Tôi tìm được bài thơ "Tha La xóm đạo" của Vũ Anh Khanh, không biết có đúng như ý kiến của chị Nhất Phượng hay không!
    "Đây Tha La xóm đạo,
    Có trái ngọt, cây lành.
    Tôi về thăm một dạo,
    Giữa mùa nắng vàng hanh,
    Ngậm ngùi, Tha La bảo:
    - Đây rừng xanh, rừng xanh,
    Bụi đùn quanh ngõ vắng,
    Khói đùn quanh nóc tranh,
    Gió đùn quanh mây trắng,
    Và lửa loạn xây thành.

    Viễn khách ơi! Hãy dừng chân cho hỏi
    Nắng hạ vàng ngàn hoa gạo rưng rưng

    Đây Tha La, một xóm đạo ven rừng.
    Có trái ngọt, cây lành im bóng lá,
    Con đường đỏ bụi phủ mờ gót lạ
    Ngày êm êm lòng viễn khách bơ vơ!
    Về chi đây! Khách hỡi! Có ai chờ?
    Ai đưa đón?

    Xin thưa, tôi lạc bước!
    Không là duyên, không là bèo kiếp trước,
    Không có ai chờ, đưa đón tôi đâu!
    Rồi quạnh hiu, khách lặng lẽ cúi đầu,
    Tìm hoa rụng lạc loài trên vệ cỏ.
    Nghìn cánh hoa bay ngẩn ngơ trong gió
    Gạo rưng rưng, nghìn hoa máu rưng rưng.
    Nhìn hoa rơi, lòng khách bỗng bâng khuâng
    Tha La hỏi: - Khách buồn nơi đây vắng?
    - Không, tôi buồn vì mây trời đây trắng!

    - Và khách buồn vì tiếng gió đang hờn?
    Khách nhẹ cười, nghe gió nổi từng cơn.
    Gió vun vút, gió rợn rùng, gió rít,
    Bỗng đâu đây vẳng véo von tiếng địch:
    - Thôi hết rồi! Còn chi nữa Tha La!
    Bao người đi thề chẳng trở lại nhà
    Nay đã chết giữa chiến trường ly loạn!
    Tiếng địch càng cao, não nùng ai oán
    Buồn trưa trưa, lây lất buồn trưa trưa
    Buồn xưa xưa, ngây ngất buồn xưa xưa
    Lòng viễn khách bỗng dưng tê tái lạnh
    Khách rùng mình, ngẩn ngơ người hiu quạnh
    - Thôi hết rồi! Còn chi nữa Tha La!
    Đây mênh mông xóm đạo với rừng già
    Nắng lổ đổ rụng trên đầu viễn khách.
    Khách bước nhẹ theo con đường đỏ quạch.
    Gặp cụ già đang ngắm gió bâng khuâng
    Đang đón mây xa... Khách bỗng ngại ngần:
    - Kính thưa cụ, vì sao Tha La vắng?
    Cụ ngạo nghễ cười rung rung râu trắng,
    Nhẹ bảo chàng: "Em chẳng biết gì ư?
    Bao năm qua khói loạn phủ mịt mù!

    Người nước Việt ra đi vì nước Việt
    Tha La vắng vì Tha La đã biết,
    Thương giống nòi, đau đất nước lầm than".

    ***
    Trời xa xanh, mây trắng nghẹn ngàn hàng
    Ngày hiu quạnh. ờ...Ơ...Hơ... Tiếng hát,
    Buồn như gió lượn, lạnh dài đôi khúc nhạc.
    Tiếng hát rằng:
    Tha La hận quốc thù,
    Tha La buồn tiếng kiếm.
    Não nùng chưa! Tha La nguyện hy sinh
    ờ... Ơ... Hơ... Có một đám Chiên lành
    Quỳ cạnh Chúa một chiều xưa lửa dậy
    Quỳ cạnh chúa, đám Chiên lành run rẩy:
    - Lạy đức Thánh Cha!
    Lạy đức Thánh Mẹ!
    Lạy đức Thánh Thần
    Chúng con xin về cõi tục để làm dân...

    Rồi... cởi trả áo tu,
    Rồi... xếp kinh cầu nguyện
    Rồi... nhẹ bước trở về trần...
    Viễn khách ơi! Viễn khách ơi!
    Người hãy ngừng chân,
    Nghe Tha La kể, nhưng mà thôi khách nhé!
    Đất đã chuyển rung lòng bao thế hệ
    Trời Tha La vần vũ đám mây tang,
    Vui gì đâu mà tâm sự?
    Buồn làm chi cho bẽ bàng!
    ờ... Ơ... Hơ...ờ... ơ Hơ... Tiếng hát;
    Rung lành lạnh, ngân trầm đôi khúc nhạc,
    Buồn tênh tênh, não lòng lắm khách ơi!
    Tha La thương người viễn khách quá đi thôi!

    ***
    Khách ngoảnh mặt nghẹn ngào trông nắng đổ
    Nghe gió thổi như trùng dương sóng vỗ.
    Lá rừng cao vàng rụng lá rừng bay...
    Giờ khách đi. Tha La nhắn câu này:
    - Khi hết giặc, khách hãy về thăm nhé!
    Hãy về thăm xóm đạo
    Có trái ngọt cây lành
    Tha La dâng ngàn hoa gạo
    Và suối mát rừng xanh
    Xem đám Chiên hiền thương áo trắng
    Nghe trời đổi gió nhớ quanh quanh..."
    V.A.K

  1. Viết bởi TRẦN MINH TẠO: LA TIÊN SINH ƠI,MẤY CHỤC NĂM TRƯỚC EM CHỈ BIẾT "THA LA XÓM ĐẠO"KHI NÓ ĐÃ ĐƯỢC PHỔ THÀNH TÂN NHẠC VÀ TÂN CỔ GIAO DUYÊN;ĐẾN GIỜ,LẦN ĐẦU TIÊN,EM MỚI ĐỌC ĐƯỢC CỘI NGUỒN CỦA NÓ, LÀ MỘT BÀI THƠ.BÀI THƠ NÀY,ĐỌC XONG,VỪA XÚC ĐỘNG VỪA NỂ HỒN THƠ LẪN TÀI THƠ CỦA TÁC GIẢ VŨ ANH KHANH LÀM SAO!NGOÀI RA,KHI ĐỌC BÀI THƠ NÀY,EM QUÁ TRỜI PHỤC HAI CÂU:"BUỒN TRƯA TRƯA LÂY LẤT BUỒN TRƯA TRƯA/BUỒN XA XƯA NGÂT NGẤT BUỒN XA XƯA";NHƯNG NẾU ĐÚNG NGUYÊN VĂN LÀ "BUỒN XƯA XƯA ..."THÌ QUẢ LÀ HAY HƠN LÀM SAO!
    EM CŨNG NGHI NGHI BÀI THƠ NÀY KHÔNG ĐẦY ĐỦ,VÌ TÁC GIẢ CỦA BÀI VIẾT CÓ SỬ DỤNG BA CHẤM (...)RẤT NHIỀU.NẾU NHẤT PHƯỢNG CÒN THUỘC HAY CÒN LƯU GIỮ BÀI THƠ NÀY TRỌN VẸN THÌ NÊN CHÉP LẠI VÀ PHỔ BIẾN LẠI CHO ANH EM XA GẦN NGÀY NAY ĐƯỢC THƯỞNG THỨC ĐẦY ĐỦ:RẤT LÀ QUÍ(CẢ NƯỚC ĐỀU BIẾT ĐẾN THA LA XÓM ĐẠO CỦA TÂY NINH,CÙNG YÊU MẾN NÓ , QUA BÀI THƠ NÀY ,TỪ MẤY CHỤC NĂM QUA...).NẾU BIẾT VỀ TÁC GIẢ NÀY NỮA THÌ CŨNG NÊN GIỚI THIỆU LUÔN;NẾU TG CÒN SỐNG THÌ ĐÓ CÒN LÀ MỘT CỦA QUÝ CỦA ĐẤT TÂY NINH ĐÓ CHỨ!...ĐỐI TƯỢNG ĐỀ TÀI HẤP DẪN CỦA Đ Đ ĐÓ,LA TIÊN SINH THÂN MẾN!

  2. Viết bởi ngacthuy: Cám ơn lời góp ý của Nhất Phượng. Anh cũng hơi ngờ ngợ nhưng khg chính xác nên mới đặt vấn đề để bạn đọc góp ý thêm. Đây là bài viết TMT chuyển nguyên văn trên mạng, nên không thể biên tập hay chỉnh sửa vì tôn trọng bản quyền. Do ậy mời bạn đọc tham khảo thêm góp ý của Nhất Phương để hoàn chỉnh kiến thức.


Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét