Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

Tây Ninh - Nắng tháng ba - Tản văn La Ngạc Thụy


Ở đây gió núi quanh năm hát
Nắng hóa con sâu cuốn lá mì...
 
Hai câu thơ của nhà thơ Vũ Mậu Tý vang lên như một điệu hát và sự liên tưởng của nhà thơ thật độc đáo làm sao? Nếu không hòa nhập vào thực tế, nếu không có xúc cảm của những lần đụt nắng dưới tán lá mì, thì không thể cảm nhận được.

Vùng Thạnh Tân, Tân Bình vào những năm 80 với đất cát pha bạc màu, nên lá nhỏ, cây tong teo, dù trồng khoản ba, bốn tấc một gốc, tán lá cũng không thể nào che hết nắng cho đất, nhất là vào khoảng tháng hai, tháng ba, nắng và gió đều nung người, lá mì cuốn kèn lại trông y hệt con sâu đang cuốn lá. Nếu không nhìn được con sâu cuốn lá ra sao, ví như sâu cuốn lá chuối trong vườn nhà thì làm sao liên tưởng ra hình ảnh đó. Và rõ ràng nắng Tân Bình hay nắng Tây Ninh độc đáo vô chừng. Đất và trời lồng lộng, chỉ có mì và mía, gió thổi lồng quyện vào lá mía, len lõi vào từng thân cây mì, âm thanh chao động theo nghe như tiếng hát, khúc hát triền miên.    
Chữ nghĩa khi đã trở thành thơ ảnh huởng đến đời sống tình cảm của con người rất nhiều, và không thể nào thay thế đuợc. Tôi đã sống ở phố thị suốt cả đời người, mỗi lần trở lại thăm nơi tôi đã sống và công tác chỉ hơn 10 năm, tôi cứ lấn cấn mãi với từ "về". Ở một nơi mà mình đã gắn bó thiết thân, dù thời gian rất ngắn, có thể nói là "về Tân Bình" hay không? Nếu ai có hỏi đi đâu? Tôi trả lời "về Tân Bình" không chút ngượng ngập, mà nói là "đi Tân Bình" nghe xa cách làm sao ấy? Bởi lẽ, trong tôi đến tận bây giờ Tân Bình vẫn là nơi nhà cửa thưa thớt, mái tranh vách đất; đường làng lầy lội vào mùa mưa, tung bụi mù vào mùa nắng, dù hiện nay Tân Bình thay đổi rất nhiều. Nhà tường, nhà ngói đủ kiểu dáng mọc lên, đường đất ngày xưa đã nhựa hóa, đặc biệt là hai nhà máy chế biến mía, mì với công suất lớn thay cho những lò mì, lò mía thủ công, kéo theo nhiều dịch vụ ăn uống và dần đô thị hóa. Thế nhưng, tháng ba Tây Ninh "nắng hóa con sâu" vẫn thế, vẫn như lời của một ca khúc "Tây Ninh nắng nung người" và cũng trong tháng ba, ba mươi tám năm về trước tin tức chiến sự từ Phước Long, Ban Ma Thuột cứ dồn dập đổ về.
Hiện tại, trời Tây Ninh vẫn đầy nắng. Ngồi uống ly cà phê đá trong một quán ven đường nhìn ra đường ngập tràn nắng, chợt khựng lại bởi đám mây đen cuối phía trời tây nam chập chờn trôi. Và gió bỗng hiu hiu mơn man. Có thế từ sáng đến trưa nắng vẫn nung người, không có một dấu hiệu nào báo trước trời sẽ mưa. Nhưng đến xế trưa, gió ở đâu đột ngột ùa về phủ khắp không gian, len lỏi vào tận ngõ phố, nhà cửa, quán xá, rồi bay đến những cánh đồng mì, mía; đứng từ xa nhìn nắng và gió quyện nhau đùa với ngọn mía, đọt mì lã lơi, chập chờn trông như bão, trông như mưa. Và trời đã mưa thật.
Một sáng, ngồi nhâm nhi ly cà phê đen với đứa cháu gọi bằng chú tại ngã ba Cầu Gió. Đứa cháu than thở: Con trồng mì tưới mà khoan hơn 10 giếng không có nước. Không tưới được chắc tiêu quá. Nắng gì quái thế không biết! Nghe cháu than thở lòng tôi cũng nghe nóng. Nhìn lên trời vẫn xanh trong. Tôi chép miệng: Trời thế này chắc còn lâu lắm mới có mưa! Đột ngột tiếng chuông điện thoại reo vang. Cháu tôi mở máy chưa kịp alô đã nghe giọng nó reo vui: Sao? Đêm qua mưa hả? Mưa ở đâu, ở Tân Châu à? Lớn không? Lớn ngập cả mì à? Tốt. Tốt quá! Rồi nó nhìn sang tôi: Có mưa rồi chú ạ. Khỏe rồi. Nợ nần tùm lum, toàn tiền vay bạc hỏi, không mưa chắc chết quá. Rồi nó đứng lên nói: Con phải lên ngay xem coi thế nào mới được. Chú đi không? Ừ thì đi!
Thời đại công nghệ thông tin, chỉ cần một cú "phôn" là biết tất tần tật, từ chuyện trên trời đến chuyện dưới đất. Chiếc điện thoại di động không còn độc quyền cho một giới nào. Nông dân thời kỹ thuật số chẳng những sử dụng thành thạo điện thoại mà còn truy cập cả internet. Cách nay chừng hơn hai mươi năm, làm một mẫu đất cần tới 10 người, nay thì một người quản lý 10 mẫu đất là chuyện thường ngày. Như đứa cháu tôi sản xuất hơn 80 ha mì giống mới có tưới, năng suất hàng năm từ 30 - 35 tấn/ha, trước đây, thời tôi chỉ biết trồng mì xanh, giống mì truyền thống do cha ông để lại, cho dù có bón phân, chăm sóc đầy đủ cao lắm cũng chỉ hơn 10 tấn/ha. Nói vậy chứ, thời tôi "làm chắc ăn bền", thời bây giờ "chơi vơi" quá, khoa học có phát triển, nhưng người dân thì sản xuất tự phát, không đồng bộ, trồng mì tưới mà trông vào nước trời mưa, nếu trời không mưa, mới khoan giếng, giếng khoan không nước, không tưới được là "chết chắc".
Tôi và đứa cháu đã lên tận rẫy mì. Nhìn rừng mì như đang reo vui đùa cùng nắng gió. Lá mì mơn mởn xanh, mới mưa đêm qua mà đọt đã nhú lá non. Mì đã thỏa cơn khát nước. Nắng Tây Ninh cũng dịu đi, gió cũng ủ hơi lạnh. Cháu tôi cũng giảm bớt nỗi lo. Về chú! Về ăn mừng mới được! Tôi hỏi: Không cần vào xem à? Khỏi. Mưa vầy nửa tháng sau đất vẫn còn ẩm. Chú không thấy tán lá đã phủ kín đất, giảm bốc hơi nhiều lắm. Thế kia à? Nông dân bây giờ biết cả lá che kín đất giảm bốc hơi nữa!
Về ngang Tân Bình cháu tôi vẫn chạy thẳng. Sao không về nhà? Ra thị xã lai rai vài chai bia cho bớt nóng rồi về chú. Trời này uống bia là nhất. Nghe cháu nói, tôi chợt thấy mình trở thành người quê kệch. Tôi rơi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Nông dân bây giờ xài điện thoại di động và uống bia. Không như thời của tôi chạy xe đạp và uống rượu đế. Thế mới gọi là nông dân thời số hóa chứ!
Ngồi trong quán bia lai rai bia Tiger với tôm luộc chấm muối tiêu là nhất xứ rồi. Nhìn ra đường phố, dường như nắng đã dịu đi. Tây Ninh - nắng tháng ba cũng đáng yêu vô cùng. Thế nhưng, khi gọi tính tiền, tôi chợt giật nảy mình. Đến nửa triệu cơ à? Bằng một phần tư lương giám đốc chi nhánh của tôi rồi. Cháu tôi cười phân bua: Khoan 10 cái giếng không nước mất đứt ba triệu bạc. Một chầu nhậu ăn mừng chỉ tốn 500.000 ngàn đồng, nhiều nhỏi gì chú! ?
LNT 

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét