Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

Đồng Cỏ Đỏ: Gắn liền với chiến tích của Lãnh Binh Tòng - Di cảo của Nhà văn Xuân Sắc La Ngạc Thụy viết lại


 Từ giữa thế kỷ 19*, nước ta đang trong tình trạng bị giặc Pháp đe doạ xâm lấn. Nước bạn Campuchia cũng liên tiếp nội loạn, lệ thuộc vào Xiêm La. Dưới triều đại Ang Đuông lại bị hai áp lực giữa Pháp và Xiêm La xâu xé, giựt giành.
            Bọn thổ hào là những lãnh chúa địa phương dọc theo bên kia biên giới đã tập hợp bọn lưu manh, côn đồ thành những toán cướp lớn tràn sang cướp phá dân ta. Liên tiếp nhiều năm, có năm vài ba lần, không những bọn cướp tràn sang khuấy phá vùng biên giới mà còn thọc sâu vào nội địa, tràn xuống gần đến địa phận thị xã ngày nay, gây thiệt hại nặng nề về người và của, khiến cho nhiều nhà phải rút vào rừng sâu ẩn náo, có nhà phải chuyển hẳn đi về miệt Trảng Bàng để lánh giặc cướp. Bởi khi chúng tràn đến đâu thì cướp phá, giết chóc đến đó, khi rút đi để lại một cảnh hoang tàn đổ nát, máu đổ thây phơi. Lòng căm thù giặc cướp cứ mãi nung nấu, nhưng do lực yếu, thế cô, người dân đành phải tìm cách lánh sang vùng khác làm ăn.

Thuở ấy có vị Hương Cả làng Gia Lộc tên Đặng Văn Trước có tài, có chí mở mang vùng đất này, được nhân dân kính trọng gọi là Cả Trước. Ông có người con trai duy nhất sung vào quân ngũ. Nhờ tài trí hơn người nên được phong chức Lãnh binh, người dân thường gọi là Lãnh Binh Tòng. Trước tình hình bất an ở vùng biên giới, Lãnh binh Tòng được triều đình điều đến trấn nhậm để bảo vệ dân lành.
Sau khi nắm tình hình bọn giặc cướp, Lãnh binh Tòng đã vạch ra phương án tác chiến. Phía bắc Tây Ninh, đường lên hướng về cánh rừng Trà Vong bạt ngàn, có một số trảng cỏ rộng lớn nằm gần bìa rừng. Bọn cướp thường tụ tập nơi này để chia của sau khi cướp phá. Lãnh binh Tòng đã chọn nơi này làm chiến trường để tiêu diệt. So về quân số, dân binh ta chỉ có hơn trăm, trong lúc bọn giặc cướp mỗi khi tràn sâu vào nội địa nước ta thường tập hợp quân số rất đông lên đến hơn 200 tên, lực lượng của ta yếu hơn hẳn. Nhưng nhờ mưu lược tài tình của một vị Lãnh binh nên chỉ một trận đánh đầu tiên ông đã tiêu diệt sạch bọn cướp. Chuyện kể rằng: Lãnh binh Tòng đã cho mỗi dân thường nấu sẵn chảo dầu "con rái", mỗi người lính chế sẵn ống thụt bằng tre. Để tránh bọn giặc cướp phá, tàn sát dân mình, ông điều động nhiều trâu bò cột đầy dọc theo bìa xóm. Khi bọn giặc cướp tràn sang thấy trâu bò có sẵn dây cột, chúng mừng rỡ quên cả giết chóc, theo thói quen lùa về trảng cỏ để ăn uống và chia chác cho nhau. Thấy bọn giặc cướp đã lọt vào trận địa phục sẵn. Lãnh binh Tòng cho nổ pháo lệnh. Bọn giặc còn đang giật mình, ngơ ngác, thì hàng trăm tia dầu đang sôi sụt lòng căm thù trút xuống trên đầu chúng. Sức nóng của dầu con rái rơi đến đâu, da thịt bọn chúng cháy phỏng đến đó, khiến chúng hoảng loạn, nhiều tên dùng tay phủi lia lịa, nhưng chúng không ngờ càng phủi vết bỏng càng lan ra. Đau nhức không chịu nổi. Lòng căm thù của người dân được nung nấu bấy lâu nay được dịp bộc phát. Cả binh lính và dân thường đã tràn vào dùng dao búa ra sức đâm chém. Dưới những ánh chớp loé lên của dao búa là một chiếc đầu rơi, một thân mình đứt đoạn. Không mấy chốc cả bọn cướp bị tiêu diệt hoàn toàn, máu loang nhuộm đỏ cả cánh đồng cỏ.
Trận đánh đơn giản, chiến thắng dễ dàng nhưng tên Lãnh binh Tòng đã làm khiếp đảm bọn giặc còn bên kia biên giới. Từ đó về sau, bọn chúng chẳng còn dám héo lánh sang quấy nhiễu dân ta nữa.
Máu chảy đỏ cả cánh đồng cỏ. Để ghi nhận chiến công, người dân nơi này đã gọi thành tên Đồng Cỏ Đỏ suốt từ đó đến nay. Đến ngày giải phóng, thống nhất đất nước Đồng Cỏ Đỏ vẫn còn hoang hoá, cỏ vẫn còn mọc um tùm. Đến năm 1978 có hơn 30 hộ từ Hoà Thành chuyển về đây khai hoang phục hoá và số hộ tăng dần lên gần 100 hộ. Giai đoạn này cuộc sống người dân rất khó khăn, nhưng với truyền thống vượt qua mọi thử thách của người dân xưa đã cùng với chính quyền địa phương sau 30 năm xây dựng, Đồng Cỏ Đỏ đã thành một vùng đất sung túc, cuộc sống người dân ổn định với nhiều thành tích trong xây dựng và phát triển. Vùng đất Đồng Cỏ Đỏ xưa, nay thuộc xã Bình Minh, thị xã Tây Ninh, luôn gắn với chiến tích anh hùng của vị Lãnh Binh Tòng tài ba.
LNT
* số liệu đã chỉnh sửa

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét