Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

Côn Đảo giữa bạt ngàn biển xanh - Bút ký La Ngạc Thụy

Chúng tôi phải trải qua một chặng dài đường biển cách cảng Cát Lỡ thành phố Vũng Tàu hơn 97 hải lý bằng tàu Côn Đảo 09. Trước khi lên tàu, chúng tôi đã kháo nhau về chuyến hành trình đầy sóng gió với tư thế chuẩn bị thật chu đáo của những người nhiều kinh nghiệm chống say sóng đã từng bị những cơn sóng dữ của gió cấp 7, cấp 8 vùi dập: nào thuốc chống say sóng, ói mửa, cả những bọc ni lông… nhất là các cô trong đoàn tham quan.

Một góc Côn Đảo trước Trụ sở Bảo Tàng Côn Đảo


Nhưng, chắc có lẽ, biển chìu lòng người mới đi Côn Đảo lần đầu tiên, nên suốt đêm biển lặng gió êm, tàu thỉnh thoảng có chao đảo, đủ để cho những người mới đi biển lần đầu cảm nhận được  lênh đênh trên biển là như thế.Khi tàu vừa ra khơi khoảng mười lăm phút, cảng Cát Lỡ đã mờ nhạt phía sau. Ai cũng háo hức đứng tựa lan can tàu đón gió lộng, nhìn trời biển bao la với nhiều tâm trạng. Rồi đêm cũng buông xuống. Biển đêm đen như mực và càng lạnh hơn, có người đã lục tục xuống khoang, tôi cũng vậy. Đi biển lần này để nhớ những ngày tháng lênh đênh trên biển và cận kề cái chết vì đói khát trong chuyến ra khơi tìm hiểu về nỗi gian truân của nghề đánh cá và tàu không may bị chết máy. Tôi đã biết quá rõ biển đêm như thế nào. Biển đêm thản nhiên đến mức gần như lạnh lùng trước những cơn sóng dữ, gió to, bão lớn... Nên dù nằm dưới khoang tàu tôi cũng biết bầu trời đêm ấy lấp lánh đầy sao và vẫn có người đang ngắm sao giữa trời và biển, dù biển đêm thật lạnh. Nửa đêm tàu chao đảo nhiều hơn và dường như những người trong cánh nhà báo đã vật vờ ngủ sau những câu chuyện về nghề nghiệp chỉ còn đọng lại những chuỗi âm thanh mơ hồ, vất vưởng…
Chuyến hành trình mang đầy chất lãng mạn và nên thơ về biển của cánh phóng viên trẻ giờ đây chắc chỉ còn thoi thóp theo những cơn chao đảo, nặng nề như chiếc kim đồng hồ nhích dần về sáng. Thế là đã qua hơn mười hai tiếng “thắc thỏm” trong khoang tàu ngột ngạt. Côn Đảo như  chìm trong bóng đêm bỗng hiện lên và đón chúng tôi trong cơn ngái ngũ của ngọn hải đăng mờ mờ phía xa. Rồi tàu cũng cặp cảng Bến Đầm khi mặt trời chưa kịp mọc. Mới 5 giờ sáng, vậy mà vịnh Tây nam của Côn Đảo như bừng sáng hẳn lên. Trên chiếc xe mười hai chỗ ngồi chúng tôi như bay vào không gian vừa mới tỉnh giấc của biển. Chúng tôi ngắm nhìn thoả thích. Trên con đường nhựa phẳng phiu, một bên là vách núi, một bên là bờ biển đẹp như tranh. Thỉnh thoảng bắt gặp vài chiếc xe Dream dựng đứng bên lề đường vắng nhưng chẳng thấy chủ nhân, như thách thức kẻ gian trước sự kinh ngạc của những người từ đất liền mới ra đảo. Thuyết trình viên Khu di tích lịch sử cách mạng Côn Đảo Nguyễn Thanh Vân cũng là người dân ở đảo kỳ cựu từ những năm tám mươi của thế kỷ trước tự hào: “Dân ở đây không ai lấy của ai, nếu có lấy, các anh chị cứ nghĩ xem đem đi đâu mà không qua bến cảng, dù có rả máy cũng bị tóm ngay tại bến”. Tôi thầm nhủ: “Có một nơi không bị mất cắp – đó là huyện Đảo”. Thị trấn huyện Đảo nằm trên đảo Côn Sơn. Nếu nhìn trên bản đồ thì  đảo Côn Sơn có hình dáng như một con gấu  mẹ quay lưng về đất liền, chân hướng ra biển đông, chung quanh có mười lăm đảo nhỏ như những gấu con vây quanh gấu mẹ.
Bước xuống xe, gió biển thổi lồng mang cả vị mặn ngấm vào da thịt. Chúng tôi, những người đất liền – chợt lặng đi. Trong tự sâu thẳm mỗi người, đó là nỗi khát khao được sống và được hoà cùng cái bản thiện của người dân đảo, mà từ lâu lắm rồi người của đô thị dường như đã quên đi sự hồn nhiên của con người sống trong cảnh “không ai lấy của ai”.Với hơn 5.000 dân hầu như sống tập trung trên thân gấu mẹ, có chiều dài khoảng 15 km, chiều ngang nơi rộng nhất khoảng 9km và hẹp nhất 1km. Cô Nguyễn Thanh Vân cho biết: “Từ sau giải phóng tù nhân không còn nữa, chỉ còn khoảng 2.000 dân và con số đó gần như không thay đổi trong suốt hai mươi năm. Cho đến năm 1995 số dân mới tăng dần lên cho đến nay là 4.750 người”.
Mọi người dân Côn Đảo đều thuộc lòng về sự tích và truyền thuyết về Côn Đảo. Mười sáu hòn đảo đều có sự tích hoặc truyền thuyết riêng của nó, mà trong đó truyền thuyết “về Bà và Cậu Côn Nôn” tạo ngạc nhiên cho những người mới đến đảo. Bởi lẽ, ai cũng thuộc lòng câu ca dao “Gió đưa cây cải về trời. Rau răm ở lại chịu lời đắng cay” lại xuất phát từ đây. Đó là câu chuyện về Hoàng tử Cải con vua Gia Long và bà Phi Yến Lê Thị Răm bị vua cha quăng xuống biển trên đường bôn đào khi bị quân Tây Sơn đuổi bắt và bà Phi Yến bị vua Gia Long nghi ngờ có ẩn ý thông đồng với Tây Sơn nên ra lệnh nhốt bà vào một động đá trên một hòn đảo. Địa danh Hòn Bà được bắt đầu từ truyền thuyết đó. Trong thời gian bị giam cầm nơi đây bà Phi Yến cám cảnh hàm oan “chịu lời đắng cay” đã sáng tác bài thơ và được người dân đảo truyền khẩu cho đến ngày nay:
Đốt nén hương thề tạ chúa công
Can vua nên nỗi tội thông đồng
Ngai vàng một thuở ngồi chưa vững
Bía đá ngàn năm vết vẫn còn
Máu chảy ruột mềm đau phận thiếp
Nồi da xáo thịt thoả tình ông
Sông sầu núi thảm hoa mờ lệ
Đã khóc cho con lại khóc chồng”
                Một tình tiết xúc động nhất là chuyện bà Phi Yến dù bị hàm oan và đã dứt tình cùng chồng nhưng vẫn giữ khí tiết của người phu nữ Việt Nam khi bị tên Biện Thi chỉ mới động đến cánh tay bà. Bà cho rằng như thế là đã bị xâm phạm tiết hạnh nên đã liều mình tự tử. Người dân đảo đã đề tặng bốn câu thơ:
“Lòng đất chôn sâu niềm uất hận
Lưng trời đeo mãi kiếp tang thương
Thương người cương trực liều thân thể
Trách kẻ tà dâm dạ khó lường”
Côn Đảo không chỉ có những sự tích, truyền thuyết thi vị mà Côn Đảo còn nổi tiếng là một nhà tù từ năm 114 năm về trước, khi tên Thiếu  uý hải quân Pháp Lepès Sebastien Nicolas  Joachim tự vỗ ngực nhân danh nước Pháp chính thức đặt ách thống trị lên quần đảo Côn Lôn bằng một bản tuyên cáo xâm lược và ngày 1.2.1862 Bornard ký quyết định thành lập nhà tù Côn Đảo. Từ đó, Côn Đảo với núi non hùng vĩ giữa bạt ngàn biển xanh đã biến thành cảnh địa ngục trần gian, nơi đày ải, tra tấn tù nhân khổ sai là những người yêu nước, những cán bộ cách mạng. Trong khoảng thời gian hơn chín mươi hai năm dưới ách thống trị của Pháp và hai mươi mốt  năm thời Mỹ nguỵ, Côn Đảo là một hòn đảo tù, ngoài nhà tù và các cơ sở phục vụ bộ máy cai tù Côn Đảo không có một cơ sở văn hoá, xã hội nào khác. Bởi lẽ, sau khi chúng tôi đi thăm một vòng các khu di tích trên đảo thì ngoài khu nhà Chúa Đảo còn lại toàn là phòng giam, xà lim, chuồng cọp …và các sở tù để đày ải tù nhân làm lao dịch khổ sai nhằm giết chết dần mòn họ, đồng thời phục vụ toàn diện các mặt đời sống cho bộ máy cai tù.Từ sau ngày 1.5.1975 Côn Đảo hoàn toàn giải phóng, và cũng từ đó Côn Đảo không còn là “Địa ngục trần gian” nữa mà trở thành Khu di tích lịch sử cách mạng. Tháng 10.1991, Côn Đảo là một huyện thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Và có lẽ trong cả nước Việt Nam chỉ có huyện Côn Đảo này là huyện có chính quyền một cấp thông qua các cơ quan chức năng trực tiếp đến địa bàn dân cư.  Khi đến thăm trại tù Phú Hải, thời Pháp gọi là Banh I (Bagne I), nơi giam giữ Nhà cách mạng yêu nước Phan Chu Trinh, những cán bộ cách mạng Lê Đức Thọ, Ngô Gia Tự, Tôn Đức Thắng… . Bên tường trại có cẩn trang trọng bài thơ của cụ Phan Chu Trinh cảm tác trong những ngày bị tù đày:
Đập đá Côn Lôn

Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn
Lừng lẫy làm cho lở núi non
Xách búa đánh tan năm bảy đống
Ra tay đập vở mấy trăm hòn
Tháng ngày bao quản thân sành sỏi
Mưa nắng càng bền dạ sắt son
Những kẻ vá trời khi lỡ bước
Gian nan chi kể chuyện con con.
Bài thơ tỏ rõ khí tiết của những người Việt Nam yêu nuớc dù có bị  tù đày nhưng vẫn hiên ngang đứng vững xứng đáng kiếp làm trai giữa thời kỳ nước mất nhà tan. Và cái khí tiết ấy cứ như gió biển thổi lồng vào tâm thức người dân đảo khi sống giữa đất, trời và biển Côn Lôn.
Anh Lưu Văn Nhi Phó Trưởng ban quản lý Khu di tích lịch sử cách mạng Côn Đảo là một người vui tính, linh hoạt và cởi mở. Trong suốt ba ngày ở đảo, anh luôn là bạn đồng hành hướng dẫn đoàn đi tham quan hầu hết  những chứng tích tội ác trên đảo. Từ các trại tù, chuồng cọp và các sở tù… Đặc biệt, phía trước Nhà bảo tảng là cầu tàu lịch sử 914. Anh Nhi giải thích: “ Sở dĩ cầu tàu có tên là 914 vì nơi đây có ngần ấy con người đã hy sinh khi lao dịch khổ sai chuyển những tảng đá nặng hàng tấn từ trên núi Chúa xuống xây dựng Cầu tàu từ năm 1873”. Đây là nơi chứng kiến nỗi cực nhục đầu tiên của những người tù bị đày ra đảo. Nhiều người chỉ qua cầu có một lần rồi vĩnh viễn yên nghỉ tại Côn Đảo. Và cũng chính nơi đây chứng kiến những giờ phút vinh quang, xúc động khi đảo được giải phóng. Đến Côn Đảo mà không thăm nghĩa trang Hàng Dương cũng là một thiếu xót lớn. Vì nơi đây là nơi vùi lấp hàng ngàn người tù, cả tù chính trị lẫn tù thường phạm. Do vậy Nghĩa trang Hàng Dương trở thành biểu tượng tội ác của bọn thực dân, đế quốc và cũng là địa điểm di tích đặc biệt nhất trong tổng thể khi di tích lịch sử cách mạng Côn Đảo.
Chỉ kể từ năm 1940 cho đến ngày giải phóng 30.4.1975 thì tại đây chôn khoảng 6.000 người tù.Đó là những câu chuyện của thời đã qua. Hiện nay, sau ngày 2.6.1997 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng huyện Côn Đảo đến năm 2010 với tính chất là “khu vực di tích lịch sử cách mạng cần được bảo vệ và tôn tạo, là một khu kinh tế vùng biển kết hợp an ninh – quốc phòng” thì Côn Đảo đã được đầu tư nhiều hạng mục công trình. Từ đó đến nay Côn Đảo đã hình thành dần thị trấn với đầy đủ cơ sở kinh tế – văn hoá – xã hội  hạ tầng. Đường sá được nâng cấp láng nhựa thông thoáng, phố xá cũng mọc lên cùng với bệnh viện, trường học. Cuộc sống người dân được cải thiện và nâng cao với mức doanh thu hàng năm đạt gần 125 tỷ đồng, GDP bình quân đầu người  năm 2004 đạt tới 621 USD. Nếu như trước đây Côn Đảo chỉ có một ngôi trường tiểu học, thì nay đã có cả trường THCS, trường THPT, nhiều thanh niên vượt biển tiếp xúc với giảng đường Đại học. Người dân Côn Đảo chỉ quanh năm đối diện với biển khơi, vì cả đảo chỉ có hơn 76 hecta đất sản xuất. Dù người đất liền đến sinh cơ lập nghiệp trong vòng năm năm qua không ít, nhưng khi đến sống trên đảo phải giủ bỏ sạch bụi sa đoạ nơi đô thị. Côn Đảo không chấp nhận những quán cà phê đèn mờ, bia ôm. Ma tuý càng không có đất sống nơi đây. Đặc biệt không có ăn xin hay bán vé số lang thang. Mọi người cùng hoà nhập với cuộc sống trên biển dưới tàu. Khi đoàn tàu đánh cá trở về bến cảng, người mua kẻ bán nhộn nhịp cả một góc biển. Đó chính là cuộc sống của dân đảo.
Đảo ngày nay chính là thiên đường, không phải là địa ngục trần gian của hơn ba mươi năm về trước. Một vùng đất và núi nổi lên giữa biển vẫn có mạch nguồn nước ngọt nuôi sống dân đảo. Họ sống bình an, thanh bạch và đầy lòng nhân ái. Ở đây con người đến với nhau bằng tình người.

LNT

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét