“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”

    “Chỉ cách nhau ba mươi cây số mà phải mất hai mươi năm mình mới gặp lại. Hóa ra trái đất có lúc thì chật chội, lúc lại mênh mông”. Chín “cò” nói với tôi trong ánh mắt xa xăm. Con chim sa sả đậu tít ngọn cầy cao ngút mắt gióng giếc một hồi saaả..! saaả!.. làm lung lay cả không gian. Đó là một loài chim lẻ bạn, lúc nào cũng bay cô đơn một mình và kêu tiếng buồn não nuột. Thịt của chúng tanh và dai nhách nên chẳng ai mê. Chín “cò” ước lượng khoảng cách rồi nheo nheo mắt nói: “ Nếu là ngày xưa mình sẽ tì bá súng vào chỗ này và…đùng một phát. Con chim đó sẽ không còn cơ hội để than thở”. Đôi mắt ánh lên tia nhìn của gã thợ săn làm tôi chợt rùng mình. “Cậu còn nhớ cái lần cậu đã thua cuộc mình không?”. “Nhớ. Lần đó là con chim két mồng đậu tận ngọn cây vênh vênh độc chiếc”. “Đúng vậy. Khi mình nổ súng, ba mươi giây sau con chim vẫn đứng im. Cậu cười bảo trật rồi, còn mình thì biết chắc nó trúng đạn. Và cậu đã thua”. Viên đạn xuyên qua đầu con chim một cách bất ngờ khiến những ngón chân của nó co quắp bám vào cành cây không rời. Chỉ đến khi hồn lìa khỏi xác nó mới chao nghiêng rơi xuống như chiếc lá rừng khô. 
 
     Ráng chiều bựng một màu đỏ rực làm mảng trời phía Tây giống như tấm phông in lên trên đó vài bóng cây cổ thụ xẩm màu lưa thưa. Tôi tái ngộ Chín “cò” rất tình cờ ở khu di tích cách mạng nằm trên biên giới trong dịp tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm ngày đất nước giải phóng. Chín lái xe cho một cơ quan cấp tỉnh chở cán bộ đi dự lễ, tôi dẫn quân văn hóa huyện lên phục vụ. Thời gian còn cả đêm đủ để trút bầu tâm sự. Cạn ly rượu đầu tiên ngọt sớt, Chín châm điếu thuốc rít mạnh một hơi rồi thổi khói vào đầu đóm đang cháy. Đó là kiểu hút thuốc đặc biệt của Chín. Đôi mắt Chín trở nên long lanh, sáng quắt. Gọi là Chín “cò” vì hai nguyên nhân. Thứ nhất, là thủ kho kiêm lái xe cho trạm cơ giới, nhưng trong đám lính khai hoang bụi bặm, ngang tàng thì Chín lại trắng trẻo thư sinh, gầy cao như con cò. Thứ hai, biệt tài của Chín là săn bắn, mỗi khi siết cò cây súng trường K63 ít khi nào sai mục tiêu. Chín điềm đạm, dễ gần và chơi với bạn bè thì rất chân tình. Tôi gặp Chín tại một nông trường mù xa giữa rừng biên giới. Hai thằng có nhiều cái chung, nên thân. Chỉ khác nhau một chuyện, tôi thích câu cá còn Chín thích săn bắn. Tôi rủ đi câu, Chín nói ngồi lì một chỗ chán lắm. Chín rủ tôi đi săn, tôi bảo dã man quá. Chín cười cười: “Thế cậu nghĩ xem, khi cậu giật được cá, nó đau đớn giảy dụa và tuyệt vọng, cậu không dã man à!”. Tôi chịu. Từ đó chẳng thằng nào rủ thằng nào đi theo, nhưng mỗi khi thấy Chín xách xâu chim lủng lẳng với những cái đầu bê bết máu từ rừng về, tôi vẫn thấy ghê ghê. Đêm đêm, tôi ôm đàn hát còn Chín im lặng nằm nghe, đốt từng điếu thuốc rít và thổi vào đóm cho cháy đỏ lên. Nhiều năm tháng tuổi xanh chúng tôi đã trôi qua như điếu thuốc cháy dần, trên một vùng đất mỗi ngày rừng cứ lùi xa, cho đến khi chia tay nhau.
     “Rời trạm khai hoang mình về lái xe cho “sếp” huyện H.. Đời vẫn gắn với cái vô-lăng, chỉ khác là sạch sẽ, êm ái hơn”. Giọng Chín rù rì: “ Rồi mình cưới vợ, sinh con, hai chú nhóc bụ bẫm cách nhau ba năm. Cuộc sống cứ tưởng sẽ bình yên trong hạnh phúc đơn giản. Nhưng không, lớp kịch bi ai của đời mình còn chưa kéo màn”. Giọng Chín cố ra vẻ giễu cợt nhưng nghe như có gì cay đắng bên trong. Theo lời Chín kể, thằng con đầu lớn nhanh như trái bầu trái bí, thông minh, sáng dạ. Vợ chồng vui lắm. Nhưng đến năm tám tuổi, thằng bé bỗng có những biểu hiện bất thường. Chỉ cây cà nói cây ớt, đọc sách cứ nhìn nghiêng. Đến khi đưa con đi khám ở bệnh viện thành phố mới phát hiện con mắt bên trái thị lực yếu, chữa mãi không khỏi, rồi sau đó bị mù hẳn. Hai vợ chồng suy sụp, buồn bã đến mấy năm. Niềm hy vọng đổ dồn vào đứa kế. Rút kinh nghiệm đứa đầu, Chín đưa con đi khám tổng quát, kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Đứa bé lớn lên trong sự chăm sóc kỹ càng của hai vợ chồng. Thằng bé thông minh học giỏi từ lớp một đến lớp tám, năm nào cũng xuất sắc. Sang năm lớp chín, bỗng đâu tai họa lại ập đến:  “Hôm đó là vào đầu mùa mưa. Đi học về thấy trời chuyển mây đen mà bên hàng xóm bà cụ đang loay quay với mớ lúa phơi không kịp đem vào nhà, nó chạy sang giúp. Trong lúc vội vàng  nó bị trợt té, đầu đập xuống nền sân phơi bằng gạch tàu. Chiều về kêu đau, mình và mẹ nó cứ tưởng chuyện ngã té bình thường vì chẳng có biều hiện gì lạ. Sau lần đó thằng bé hay bị nhức đầu, mình nghĩ rằng do học nhiều nên chỉ thang thuốc sơ sơ. Năm đó thằng bé học sút dần và đau đầu kinh niên. Ngày nhận kết quả xét nghiệm bệnh của con từ bệnh viện chuyên khoa, mình muốn khuỵu xuống. Thằng bé bị tụ huyết não từ lâu mà không biết, phải chờ đủ điều kiện mới có thề mổ. Bây giờ hai vợ chồng mình chỉ cầu mong cho nó sống an lành là đủ, tương lai tính sao”. Cạn thêm ly rượu, nối điếu thuốc mới, để khói hờ hửng bay lên, giọng Chín nhẹ như gió: “Con mình đã trả nợ cho mình. Đau lắm cậu ạ!”. Tôi chợt rùng mình, không hiểu do cái giọng than vãn rợn người của Chín hay vì cơn gió lành lạnh từ đâu bất chợt thổi qua đám lá trên vòm cây xao xác rồi đi về hun hút phía rừng xa đã nhuộm màu tối thẩm. Rừng đã vào đêm.
 ****
     Gặp lại Trinh “quìu” tôi không tin và mắt mình. Cầm ly rượu đưa trước mặt anh, tôi hỏi: “Còn làm được chút đỉnh nào hôn đại ca?”. Giọng Trinh cuống quýt như sợ tôi đổi ý: “Được, được… chứ!”. Ly rượu sóng sánh trên bàn tay phải có út dính sát vào da run run. Hình như không phải Trinh uống mà rượu như tự chảy vào trong, mà phía trong là cái hang đang khô khát. “Thằng anh mầy..ti..ê u..tiêu rồi !”. Trinh cay đắng nói với tôi bằng giọng ngọng nghịu lắp bắp do di chứng của cơn tai biến đang hành hạ anh. Còn đâu nữa  bóng dáng tên “giặc lái” ngang dọc suốt những dảy rừng biên giới trong những năm rộn ràng “tiếng hát người đi khai hoang”. Chiếc máy ủi bánh xích lầm lì dưới tay anh càn ngang quét xuôi bao cánh rừng, bao vạt đất hoang để nên đồng nên ruộng, để thành mật ngọt, vàng trắng bây giờ đang chảy ro ro vào túi những đại gia. Ngày đó Trinh như con cọp dũng mãnh giữa rừng, quần áo bệt, nón bê rê, súng M16 kè kè một bên, là kiện tướng trong đám lính khai hoang cơ giới. Trinh say mê việc khai hoang, khoái trá khi nhìn thấy những thân cây rừng to lớn thi nhau ngã đổ, khuất phục trước bàn tay của chính mình. Nghiện cái mùi ẩm mốc của lá ủ, mùi hăng hăng của thân cây bị dập nát tỏa ra. Thích thú khi nhìn thấy lũ thú rừng nhỏ bé táo tác chạy trốn trong hoảng loạn. Những chú thỏ ngơ ngác, những con rắn hổ bươn bã cuống cuồng, bầy chim nháo nhác. Thỉnh thoảng giương súng đoàng một phát, Trinh thấy mình như vị chúa tể của rừng xanh. Một hôm, trong lúc say sưa khai hoang Trinh bỗng phát hiện một con trăn rừng rất lớn đang lờ đờ di chuyển trên vạt đất mới ủi. Theo phản xạ, Trinh đẩy cần điều khiển thủy lực cho cái “lam” chiếc máy ủi D65 nặng hàng tấn xắn ngang mình con vật. Chiều đó Trinh mang về lán trại chỉ phân nửa thân mình con trăn nhầy nhụa máu, phần đầu không tìm thấy. Cả bọn xúm xít lột da, tách lấy mỡ, phần xương thịt nấu một nồi cháo to xì xụp ăn nhậu. Trinh lặng lẽ uống rượu khan, đôi mắt lầm lì. Sáng hôm sau, Trinh huy động thêm hai chiếc máy ủi phá banh bờ lô mới khai hoang hôm qua quyết tìm cho được phần còn lại của con trăn. Sau mấy giờ quần thảo, ba thằng “giặc lái” bỗng thẩn thờ khi nhìn thấy phần đầu của con trăn với ruột gan lòng thòng, bê bết đất cát nằm ngúc ngoắc, nó vẫn còn sống nhưng đôi mắt thì mở to, lạnh lẽo, vô hồn…
     Nhưng ai ngờ người đi khai mở bao nhiêu là đất vậy mà đến khi buông tay lái lại chẳng có một tấc đất để cắm dùi. Trạm khai hoang giải thể, nhận chút tiền chế độ bèo bọt chỉ đủ mua được chiếc honda 67 chạy xe ôm độ nhật. Trong một lần chở khách gặp tai nạn, Trinh trở thành người tàn phế. Về tá túc bên nhà vợ ngay trên cái mảnh đất nông trường ngày nào mình đã khai hoang, gia đình gặp chuyện buồn phiền, anh lê những bước chân khập khiểng bán từng tờ vé số nuôi thân. Buồn, thất chí, bệnh hoạn, anh sa đà vào rượu. Mãnh hổ rừng hoang ngày xưa giờ chỉ còn là con mèo nhà nhàu nát, tả tơi…
     Đó chỉ là hai lát cắt của hai cuộc đời mang “ân oán”  với rừng mà tôi được chứng kiến với cái kết cục buồn. Khi tôi viết những dòng chữ này thì Chín “cò” vẫn còn miệt mài với từng vòng vô- lăng nhọc nhằn nuôi hy vọng chữa được bệnh cho hai đứa con. Nhưng có điều, vườn nhà Chín bây giờ cây cối thì xanh um và ngập tràn tiếng chim hót, bình yên lắm. Trinh “quìu” đã mất cách đây không lâu, anh nằm yên nghỉ trên khu đất ngày xưa từng là vạt cây dầu xanh mượt do chính tay anh khai phá giờ thành nghĩa trang của xóm. Và xung quanh anh là những vườn cao su rợp bóng đang ở kỳ khai thác, trải bạt ngàn xanh như rừng của thuở nào.


                                                                               PHƯỚC HỘI