Tây
Ninh, mảnh đất "phên dậu" của Tổ quốc ở vùng biên giới Tây nam, cũng có
núi có sông, sơn thủy hữu tình, song chưa phải là mảnh đất của Thơ ca.
Tuy nhiên, Tây Ninh cũng đã gắn liền với thơ ca, theo chân những người
đi mở cõi và giữ nước như các bậc tiền hiền : Huỳnh Công Giảng, Trương
Huệ, Lãnh binh Két, Lãnh binh Tòng.v.v...Rồi đến các bậc Văn nhân thi
sĩ tiền bối từ năm 1915 trở đi như các cụ Tô Ngọc Đường, Huỳnh Văn Tâm,
Võ Văn Sâm, đến Thanh Vân, Toại Chí, Nguyễn Thanh Phong...
Tây
Ninh cũng đã có một giai thoại gắn liền với thơ ca, đó là vào năm Tân
Sửu (1901), nhận lời mời của các cụ Võ Sâm, Tô Ngọc Đường, nữ sĩ Sương
Nguyệt Anh đã lên thăm núi Điện Bà và đề thơ vịnh cây Bạch mai trên
núi. Tây Ninh còn có Quán thơ trên núi, đồi thơ ở Lòng hồ Dầu Tiếng và
cả...mộ thơ ở Cực lạc Thái Bình!
Tra cứu sách cũ, tiếc thay lại không thấy...bóng dáng của những Văn
nhân thi sĩ nữ, mãi đến những năm sau này, và đặc biệt là sau ngày
thống nhất đất nước. Các bóng hồng mới thấy xuất hiện trên văn đàn thơ
ca của tỉnh.
Đi
đầu trong phong trào sáng tác thơ ca của phái nữ, phải kể đến nữ sĩ
Phan Phụng Văn với hơn 50 năm miệt mài, đắm đuối với thơ ca. Nữ sĩ đã
vào hàng U80, vẫn không ngừng giao lưu và sáng tác thơ. Nữ sĩ đã là
"lớp người cũ", nhưng vẫn thường tâm niệm: "Kiếp tằm thì phải nhả tơ/ Là thi sĩ phải làm thơ tặng đời...", đáng để cho các thế hệ nhà thơ nữ tiếp theo chiêm nghiệm.
Ở
hàng từ U50 trở lên, phải kể đến các nhà thơ : Nguyệt Quế, Nguyên Hạ,
Vũ Tuyết, Ngọc Thanh...Thơ các chị vẫn giữ nét dung dị, đằm thắm và
thiên về truyền thống.
Lớp
trẻ hơn có Nhất Phượng (Viết văn và làm thơ), Nguyễn Thị Kim Liên,
Thiên Kim, Lê Thị Phù Sa, Đặng Mỹ Duyên, Đào Phạm Thùy Trang (Viết văn
và làm thơ)...
Những
người gốc gác Tây Ninh, làm thơ và làm việc ở TP.HCM như Trương Gia
Hoà, Ngô Hồng Phước, Phan Thị Liên Giang, Ngô Thị Hạnh...
Nhìn
chung thơ nữ ở Tây Ninh vẫn chưa thực sự đổi mới, chưa dám mạnh dạn bứt
phá, quyết liệt và dữ dội. Phần lớn vẫn đằm thắm, dịu dàng như bản tính
của người phụ nữ ...tỉnh lẻ.
"
Núi Bà Đen! gần cũng như em/ Núi Cậu xa! Xa cũng như anh/ Em ngước mắt
trông lên, núi cao vời vợi/ Rồi đứng lặng nhìn dưới bóng cây che..." (Anh và em-Vũ Tuyết). Hay như : " Nắng ghé trên vai/ Phủ màu thời gian lên tóc mẹ/ Con chim sẻ râm ran/ Vẫn cất tiếng đầu cành/ Khi bình minh thức dậy..." (Mẹ tôi- Nguyên Hạ)
Đó cũng là Nguyễn Thị Kim Liên, với thiên chức của người vợ, người mẹ: "Và
mỗi chiều ta lại gọi: mình ơi!/ Anh vẫn thế, dù tháng năm từng trải/ Em
đã bớt những ngây thơ, vụng dại/ Con chúng mình đã biết ngắm trước gương..."(Ngôi nhà cỏ hoa).
Từ ý thức của người phụ nữ, dù rất cố gắng để làm mới, bộc lộ tính cách. Nguyệt Quế cũng chỉ dừng lại ở chỗ: "Nguyệt
rằm cởi tóc cài hương/ Vén xiêm từ cõi vô thường bước ra/ Đầy căng nhũ
ngọc hoa ngà/ Nửa khuya tuôn mật bóng tà ngả nghiêng..." (Nguyệt).
Hay một sự thú nhận, vượt qua ranh giới giới tính : "Đâu
phải bây giờ em mới yêu anh/ Em yêu anh từ mười năm trước/ Ngã rẽ cuộc
đời mấy ai biết được/ Bao người yêu nhau mà sống gần nhau." (Với anh- Đào Phạm Thùy Trang).
Với Lê Thị Phù Sa thì: "Tôi
chờ ai? Ai đón tôi?/ Lở bồi bến nhớ/ Trăng rơi mạn thuyền/ Lục bình
trôi, phận thuyền quyên/ Nhọc nhằn câu hát trân chuyên nhủ thầm..." (Tình khúc lý qua đò)
Đặng Mỹ Duyên dường như đang "bơi" trong những nỗi buồn: "
Cũng đành rớt giọt nước mưa/ Đựng trong hủ mẻ/ Đậy vừa mo nang/ Cũng
đành/ Lỡ đục, lỡ trong/ Sương treo bông bưởi/ Rớt vòng nhện giăng..."(Cũng đành), hay : "Cô ấy khóc mình ên suốt tối/ Chẳng một người cho mượn đỡ bờ vai." (Cô ấy khóc mình ên).
Nhà
nghiên cứu văn học Khổng Đức, từng là giáo sư dạy học ở Tây Ninh, trong
một lần giao lưu, đã thẳng thắn nhận xét về thơ nữ Tây Ninh đại khái
như sau: " Những người làm thơ nữ ở Tây Ninh là có tiềm lực, song
phần lớn vẫn theo lối truyền thống, "bình cũ rượu mới", nếu mạnh dạn
giao lưu, lược bỏ những cái cũ, công thức, sẽ hứa hẹn một sự rỡ
ràng...".
Song
bên cạnh, lại là một lo lắng khác. Đó là đội ngũ kế cận, khó tìm những
gương mặt thơ nữ trẻ ở Tây Ninh hiện nay. Trong hàng vạn các em học
sinh nữ và những cô sinh viên trường cao đẳng, chẳng biết có bao nhiêu
em yêu thơ và muốn trở thành nhà thơ? Chưa thể biết được!
Thơ
vốn dĩ là cái đẹp, người làm thơ được mệnh danh là thiên sứ mang lại vẽ
đẹp cho nhân loại, song thực tế, người làm thơ, nói theo một nhà thơ đã
nổi tiếng là : "Người làm thơ là người bị...trời đày", nữ giới
làm thơ, nỗi vất vả nặng nề lại nhân đôi. Bởi lẽ những chuyện thường
tình: cơm, áo, gạo, tiền, rồi thiên chức và bổn phận làm mẹ, làm
vợ...cứ quấn vào các chị...Ai sẽ là người thông cảm, nâng đỡ, để tiếng
thơ, và là tiếng lòng của các chị, những nhà thơ nữ, được bay xa, bay
cao? Thật khó lắm thay!
Dù
sao, những người làm thơ nữ, cả nước nói chung, và Tây Ninh nói riêng,
vẫn như những con tằm, âm thầm, bền bĩ, nhả tơ cho đời. Xin trân trọng
nâng niu và chúc mừng họ. Mong tất cả là những đóa hoa thơm, mãi mãi
ngát hương...
Gò Dầu hạ, tháng 3/ 2009.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét