Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

BẾN TRĂNG QUÊ - Tản văn Nguyệt Quế



Phước Trạch quê tôi nằm bên tả ngạn sông Vàm Cỏ Đông trong mát hiền hòa. Làng có ba bến nước, bao quanh ấp Xóm Mía nơi tôi đang ở, mang những tên rất dân dã: bến Miểu, bến Trâu, bến Sân Lúa. Bến Sân Lúa trù phú nhất khi vào mùa vụ. Và nơi này ghi dấu ấn êm đềm của thời thơ ấu.
 
      Bến Sân Lúa nằm dọc chân gò chùa Cao Sơn, liền kề là bãi đất rộng, nơi tập kết lúa của dân làng từ đồng bưng bên này và bên kia sông trong mỗi mùa thu hoạch. Mỗi chiều, đứng nhìn dòng Vàm Cỏ êm ả và đón gió lộng thơm hương lúa ngọt ngào, thơm cả mùi bùn và mùi rơm rạ từ bên kia sông. Lục bình mắt lá hoang sơ lững lờ trôi giữa dòng xanh, trộn lẫn sắc hoa tím biếc pha thẫm ráng chiều. Tím đến nao lòng. Phía xa cánh cò vỗ nhịp hoàng hôn nghiêng về hướng núi. Tiếng chuông chùa vọng rớt xuống lòng sông bàng bạc sương lam, thơm mùi khói bếp. . . thêm yêu biết mấy quê nhà.
      Vào mùa gặt, bến Sân Lúa nhộn nhịp ngày đêm, nhất là khi lúa chín rộ, các ghe lúa về muộn, sân bãi không còn chỗ trống, ghe phải neo lại dưới bến, có khi chờ đến trăng lên hoặc gà gáy lúa mới được chuyển lên. Hơn bốn mươi năm qua, tôi vẫn nhớ mãi những đêm trăng như thế. Tuổi mới lên chín, lên mười đã phải nghe lệnh nội cùng thằng em trai nằm bến giữ lúa, để người lớn vác lúa lên xe trâu chuyển về nhà. Nói là giữ lúa, chớ thật ra chị em tôi cùng lũ bạn quê vui đùa đủ trò dưới ánh trăng ngà, sau những ụ lúa cao quá đầu, vì ở vùng quê này lúa chưa bao giờ bị mất. Dưới ánh trăng ngà, lũ con gái chơi trò trốn tìm, còn lũ con trai thì đuổi bắt nhau vòng quanh những ụ lúa cao. Mùi lúa mới lênh loang trong gió, chảy dài trên tóc, ướt đẫm lưng áo, như chảy cả vào lòng vị ngọt của quê hương.
       Không thể nào quên những đêm trăng như thế. Nhất là những tiếng khua cọc cạch, cọc cạch của xe trâu chuyển lúa xa dần. Nhớ lại hình ảnh hai chị em nhỏ bé lọt thỏm trước đôi trâu to lớn dềnh dàng, tay nắm vàm giữ yên để anh và ba chuyển từng bao lúa chất lên thùng xe. Nhìn quanh, lòng háo hức, chộn rộn không yên khi tiếng cười đùa của bọn trẻ cùng lứa cứ len vào tai. Khi lúa đầy thùng xe cũng là lúc chị em tôi ùa ra chơi cùng chúng bạn. Thằng Bảy em tôi và mấy đứa bạn trai của nó tha hồ chơi cầu tuột. Gọi là cầu tuột cho ra vẻ, thật ra chúng nó leo lên những ụ lúa có dốc nghiêng thoai thoải, nằm ngửa người ra co cẳng co tay rồi choài cả người chảy tuột xuống, có đứa lăn quay từ trên xuống đất bãi. Đứa nào xuống nhanh là thắng cuộc. tiếng reo hò, cãi vã xao động bến sông đêm. Văng vẳng tiếng ông Sáu gõ dầm xuống câu vọng cổ thật mềm trôi theo dòng nước bạc mênh mang, xa bờ . . . Đến chuyến cuối cùng, chị em tôi mới lót thót theo ba, theo xe lúa về nhà. Vậy là từng mùa gặt trôi qua thật êm đềm.
      Mùa cấy cũng là mùa tình yêu đôi lứa. Và bến Sân Lúa cũng là nơi hò hẹn, là nơi đã từng chứng kiến bao mối tình của các đôi trai gái yêu nhau. Ba tôi kể lại, hồi đó chú út tôi là một trong những lực điền của ấp Xóm Mía, còn thím tôi cũng là một trong những thợ cấy giỏi của ấp. Mùa cấy năm đó chú tôi chèo ghe đưa rước công cấy ruộng nhà. Sáng sớm chú đưa công qua ruộng, chiều lại rước về. Ruộng nhà cấy xong, chú út cũng xin làm công cấy cùng nhóm với thím. Hai người bén duyên từ đó, qua hai mùa cấy đã nên vợ chồng. Anh hai tôi cũng thế, cũng ở bến Sân Lúa này đã quen một người con gái.Và người đó chính là chị hai tôi bây giờ. Riêng tôi và người ấy cũng bén duyên từ thuở chăn trâu, cũng từng xuống bến Sân Lúa trong những đêm trăng. Những chiều tan học,trên đường về, tôi và anhthường rủ nhau xuống bến ngắm cảnh sông chiều, ngắm lục bình trôi. Hết cấp hai, anh lên tỉnh học, rồi thành người tỉnh lỵ, bỏ lại chốn quê này một mình tôi, đêm nằm nghe sóng vỗ mênh mang . . .
       Hơn bốn chục năm rồi! Bến Sân Lúa ngày nay đã đổi khác. Bãi đất rộng trên bến lúa xưa, nay thành bãi cát chạy dài theo bến. Những đụn cát cao như núi che khuất tầm nhìn, khuất cả bến sông. Địa danh cũng đổi theo thực tế phủ phàng: Bến Cát. Đâu còn cảnh ghe xuồng tấp nập rộn rịp lúa về đầy bến bãi trong những ngày mùa như xưa. Đâu còn những đêm giữ lúa đầy ắp kỷ niệm, những buổi hò hẹn giao duyên của các đôi trai gái trên bến sông này. Tất cả đã đi vào quá khứ. Đã nhường chỗ cho không khí công nghiệp sôi động ầm ào của bến Cát, của tiếng máy xúc, máy cào, xe kéo, xe ben. . .
      Mỗi lần đi qua bến lúa xưa, lòng tôi bồi hồi nhớ quay quắt, nhất là những đêm trăng vào mùa vụ, bến hiền hòa nằm đếm nhịp bánh xe trâu, nghe ông Sáu gõ dầm xuống câu vọng cổ, lắc lư vầng trăng bạc ngậm sông sâu … của bến nước quê nhà!
                    
Xóm Mía, tháng 03/2013                                    
N.Q

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét