Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013

Ngẩn ngơ giữa cõi trời hiu quạnh - La Ngạc Thụy


Thương tiếc nhà thơ Hồ Nhật Nguyệt


Xem hình

 Vậy là anh đã ra đi. Đi mãi không về.
Từ rất lâu rồi, anh vắng bóng trên thi đàn. Và hôm nay anh thật sự giã từ cõi đời này, thật sự “ngẩn ngơ giữa cõi trời hiu quạnh”.

Hồ Nhật Nguyệt là bút danh của nhà thơ Trần Minh Nguyệt. Anh sống và làm thơ, viết văn cùng thời với các nhà thơ Vũ Anh Sương, Dạ Vũ, Phan Trần Duyên, Điệp Thuyên Ly, Sa Chi Lệ, Hồ Chí Bửu, La Ngạc Thụy, Phương Đình, Mạc Liên Hà, Nhật Vũ, Thy Vy Lệ (Vũ Miên Thảo) … sau các nhà thơ đã thành danh: Từ Trẫm Lệ, Thanh Việt Thanh, Thẩm Thệ Hà, Trường Anh … Thơ và truyện ngắn của Hồ Nhật Nguyệt đã được đăng tải trên các tạp chí Văn, Văn Học, tuần báo Khởi Hành… và hầu hết các trang văn nghệ nhật báo trước năm 1975. 

Hồ Nhật Nguyệt làm thơ từ thuở anh còn ngồi trên ghế nhà trường Trung học công lập Tây Ninh với bút danh Trăng Nguyên Thủy, rồi Trần Thy Dã Tràng trong bút nhóm Trăng Vàm Cỏ Đông. Ở Tây Ninh, lúc bấy giờ hoạt động văn nghệ hết sức sôi nổi với nhiều bút nhóm, văn đoàn. Và có thể nói bút nhóm Trăng Vàm Cỏ Đông tập họp nhiều người làm thơ và nổi bật hơn cả. Chỉ có điều, từ sau năm 1975, không kể những người đã bỏ đất nước ra đi như Điệp Thuyên Ly, Sa Chi Lệ … còn lại vẫn còn sáng tác như Vũ Anh Sương, La Ngạc Thụy, Vũ Miên Thảo, Hồ Chí Bửu … riêng anh thì buông bút hẳn và sống nghèo khổ với nhiều nghề: bán nước mắm dạo, chạy xe ôm, bán vé số dạo … cho đến khi được người bạn giúp vốn làm đại lý vé số cấp 3 cho đến ngày anh qua đời. Phải nói là Hồ Nhật Nguyệt lắm tài hoa trong sáng tác văn học, nhưng lại là người bạc hạnh nhất trong số anh em văn nghệ sĩ cùng thời cho đến ngày anh vĩnh viễn ra đi. 
Hãy nghe anh buông lời ai oán: 
Ta thua ai đây chăng, ôi đời ta không cần
Ta thua đời đây chăng, ôi đỉnh chung ta không màng
Ta thua tình yêu chăng, ôi nhan sắc ta không ngó
Ta thua lòng người chăng? Ôi bình sinh hề chân giả đâu ngờ. 
Cuộc đời Hồ Nhật Nguyệt là vậy đó. Lắm thua thiệt, chẳng màng đỉnh chung. Gia đình anh cũng lắm bất hạnh. Anh có vợ và sinh được 2 người con gái, đứa con gái út lại bị mù… nên cuộc sống gia đình luôn gặp khó khăn. Và có lẽ từ đó, anh mặc cảm và sống dần xa cách bạn bè. Thỉnh thoảng có gặp nhau trên đường chỉ gật đầu chào nhau, anh viện cớ công việc bận rộn từ chối mọi lời mời, dù chỉ là bù khú với nhau bên ly cà phê đen … có còn chăng là nhà thơ Vũ Anh Sương, muốn gặp nhau để tâm sự thì phải có lời hẹn trước qua chiếc điện thoại bàn. 
Khi nhà thơ Vũ Anh Sương gọi điện thoại báo tin anh qua đời đã cách ngày anh yên mồ hơn tuần lễ. Điều hối tiếc nhất của anh Sương là chưa kịp tập hợp thơ anh để xuất bản. Riêng tôi, niềm ân hận cứ dâng trào là không thắp cho anh được nén nhang trước linh cửu, dù nhà tôi cách nhà anh chừng hơn 2 km. 
Phải chăng do: 
Đêm nay mưa gỏ ngoài hiên lạnh
(Mưa trái mùa rơi xuống gọi mùa)
Bồi hồi gỏ nhịp xề, ta hát
Bình sinh, bình sinh hề tay trắng nên thua. 
Và: 
Thôi hát làm chi để ngậm ngùi
Ngẫu đời chi những tiếng hơn thua
Nghêu ngao trời đất ta đâu nhỉ?
Một tiếng thơ ta cũng đủ rồi. 
Thuở còn đi học, Hồ Nhật Nguyệt học trên tôi và Sa Chi Lệ 2 lớp, nhưng tuổi lại sàn sàn nhau, do tôi và Sa Chi Lệ dấu tuổi. Đến năm lên trung học đệ nhị cấp, tôi và Sa Chi Lệ học đệ tam, Hồ Nhật Nguyệt đã lên đệ nhất. Nhà chúng tôi cũng cách nhau chỉ hơn 500 mét, nên mỗi sáng cùng nhau tụ hợp tại quán cà phê của chị Tuyết ở Ngã Ba Mít Một trước khi đến trường bằng xe đạp. Có một kỷ niệm đáng nhớ qua bài thơ Mưa Cẩm Giang của nhà thơ Trường Anh mà hầu như chúng tôi đều thuộc nằm lòng và chị Tuyết là đối tượng chủ quán cà phê trong bài thơ. Phải nói là chị Tuyết thật đẹp, thanh niên thời bấy giờ ai cũng si mê, trong đó có 3 chúng tôi và có lẽ chị Tuyết cũng dành cảm tình đặc biệt với chúng tôi. Bởi mỗi sáng khi uống cà phê, chúng tôi thường mượn lời thơ chòng ghẹo chị: 
“Cho cốc cà phê – cô hàng xanh tóc!
Tôi uống đắng cay, hay mắt em say?” 
“Cô hàng xanh tóc, cà phê đầy cốc
Miệng em cười, nhạc đắng chở màu cay” 
“Cho thêm nữa cà phê, sao em khóc? 
“Cho thêm nữa đi và em đừng khóc
Ta hiểu rồi, lòng đã cảm thương vay” 
Hoạt động văn nghệ trước năm 1975 có 3 nhóm hoạt động sôi nổi nhất, phát hành hẳn những tập san và 3 anh em tôi lại tách riêng mỗi người một nhóm: tôi là chủ bút văn nghệ Đất Đứng, Sa Chi Lệ là thư ký tòa soạn tập san Động Đất, Hồ Nhật Nguyệt sáng lập tập san Trần Gian. Nhắc như thế để thấy rằng kỷ niệm giữa chúng tôi thật nhiều. Vậy mà! Nguyệt ơi, tha thứ cho tôi sự vô tình không cố ý. 
Nửa thu trăng chếch bên bờ dậu
Ta đứng nhìn sao chợt ngậm ngùi
Những vì sao giữa trời đơn độc
Nghĩ thế nhân lòng chợt mất vui.
……
Cùng nhau câu chuyện bàn chưa hết
Ngõ tối Trần Gian đã lạnh về
Giấc ngủ ơ hờ chăn chiếu lệch
Nghe tình tri kỷ ấm sao khuê.
…….
Nằm đây quán trọ cô liêu gió
Nghe máu về tim bỗng lạnh lùng
Nhớ nhau từ độ trăng về ngõ
Sao rụng bên thềm nhạt đỉnh chung. 
Tình bạn tựa như một quả bóng bàn nắm chặt trong lòng bàn tay, nhưng khi nó được tung lên và chiếc vợt chao nhẹ quả bóng sẽ có đường bay khó đóan, khi không hiểu và đoán định hướng bay, quả bóng sẽ bay lên bầu trời xanh, ngút tầm mắt và mất hẳn. Tình bạn giữa tôi, Sa Chi Lệ và Hồ Nhật Nguyệt là như thế. Sa Chi Lệ đã bay vút vào trời xanh và đang ngự trên một bang trên đất Mỹ. Còn Hồ Nhật Nguyệt thì hôm nay thật sự đã mất hẳn. 
Khi tôi đang viết những dòng thương tiếc này thì nhận được tin nhắn của Vũ Anh Sương. Anh Sương gửi cho tôi 4 câu thơ thương tiếc gửi Hồ Nhật Nguyệt qua bài viết này: 
Thương tiếc Hồ Nhật Nguyệt 
Thơ Vũ Anh Sương 
Chiều cuối tuần nằm nghe tiếng chim chăn vịt
Thầm nhớ người bạn cũ đã ra đi
Đi là mất, là thiên thu vĩnh biệt
Là trời xanh sương đẫm cỏ xanh rì. 
Kỷ niệm giữa chúng mình thì không thể nào kể xiết, vì đã sống và chơi với nhau từ thưở còn cắp sách đến trường cho đến lúc vào đời. Hãy để nó nằm yên trong ký ức, để còn nhớ về nhau. 
Ngày đi chưa hết lời giao cảm
Đã biệt ly hề, tống biệt chăng?
Có nhớ mưa dầm đêm tháng tám
Lòng đau thế kỷ đệm hơi băng 

Em ơi! Gió lạnh từ biên giới
Gió tới lòng ta tiếng rã rời
Đêm nay sao chết bên bờ dậu
Ta nằm chết giữa rượu và thơ. 
 Vậy đó Nguyệt ơi. Đi là mất, là thiên thu vĩnh biệt. Hãy yên nghỉ đi Nguyệt nhé và hãy “ngẩn ngơ giữa cõi trời hiu quạnh”
La Ngạc Thụy

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét