Thứ Ba, 23 tháng 8, 2016

Sài Gòn lập thể & Áo dài bolero - Trác Thúy Miêu

Bolero, áo dài trang kim và những chiếc soiree trật nhịp
 
Hồi trước khi bắt đầu Tình Bolero mùa thứ nhất, có người gợi ý “mùa Solo Cùng Bolero chị đã khuếch trương nguyên collection áo dài Công Trí quá trời quá đất rồi, mùa này phải làm gì khác chớ?”
Phải nói, quả tình những chiếc áo dài của nhà thiết kế Công Trí đã cho cả sân khấu truyền hình một màu sắc tân thời nhưng chuẩn mực tuyệt đối. Hãnh diện nhất là chiếc áo dài trắng trên đó in chi chít những hàng chữ theo lối chữ in xưa “Anh cũng là người Sài-Gòn nè!”, “Cám ơn Sài-Gòn”, v.v… Có hôm chiếc áo dài tôi bận in hình trái cây sản vật Nam bộ, nhà thiết kế còn tinh quái dặm thêm dĩa muối ớt đỏ chót giấu chỗ này chỗ kia. 

  MC – Nhà báo Trác Thúy Miêu trong trang phục áo dài Công Trí và diễn viên Qúy Bình trên sân khấu Solo Cùng Bolero. Ảnh: TL

Có khi, bề mặt trang trí chiếc áo dài lại là mấy trang báo chính luận tiếng Việt, có lúc lại là poster hình ảnh nghệ sĩ, bìa đĩa xưa,… Mặc chiếc áo lên người không khác gì một tác phẩm mỹ thuật đương đại, hãnh diện vô cùng. Anh Công Trí gallant hết cỡ với host của chương trình, may đo riêng hẳn hoi, vừa mượn lại vừa được tặng mấy chiếc, mê tới không dám mặc, treo lên đặng ngắm và giữ làm kỷ niệm về sau. Chiếc áo hàng chục triệu đó, thiệt có mê, có mơ cũng không dễ bề mấy ai dám sở hữu.


Quay trở lại chuyện áo xống cho Tình Bolero, thiệt ngại ngùng khi lại tiếp tục khai thác “công” và “trí” của áo dài Công Trí giá trị bộn bạc, đau đầu hết mấy đêm, tôi định bụng thử diện soiree với người ta cho có vẻ văn minh hợp thời. Vậy rồi cũng thử mặc đầm, mặc soiree trong hai, ba tập liền thấy chuệch choạc lạ lẫm giữa bộ da của mình và phần hồn của âm nhạc. Đang nghe bolero tắc cụp từng tứng tưng ngó qua thấy người dẫn chuyện cứ loà xoà cọc cạch váy đầm váy ơ xa lạ, chắc Tổ nghiệp sân khấu cũng không cưng, đi đứng không tự tin, thành ra phát ngôn cũng có bề gượng gạo.
Nhiều người quen cũng lo tôi sẽ quay lại bận áo dài, e khán giả coi cái áo dài cổ lỗ sĩ riết cũng ngán, cứ bolero là thấy áo dài, bắt nhàm.
Nhưng phàm người ta, ai đã thương nhạc vàng mà không tương tư cái áo dài Sài Gòn? Nghĩ khán giả sẽ ham vui con mắt mà quày quả quay lưng với chiếc áo dài, quả vô tâm với khán giả còn ưu ái đem lòng thương tưởng hương xưa.
Nhưng phải là hương xưa chánh hiệu.
Vậy là tôi quyết định chọn cả xấp xấp vải kim tuyến đủ màu đủ kiểu, dù ngày nay, rất nhiều quý bạn e ngại loại vải này vì trông chúng rực rỡ quá, có người còn cho là “cải lương”. Nhưng với tôi, cái vẻ óng ánh trang kim mỹ kí nọ đến từ kí ức về những cô cavalière hay nhảy đầm ở Rex, ở Arc En Ciel được tận mắt ngắm nghía hồi còn nhỏ, lòng xiết bao ái mộ. Cô nào cũng tha thướt sang trọng, tai đeo tòn teng cặp bông đá xoàn lấp lánh chẳng kém gì minh tinh Thượng Hải.
Họ, những người đàn bà môi thoa son đỏ chẳng ngại tay, đã thoả thuê mặc sức dát lên bộ cánh nữ hoàng mọi viễn tượng báu châu ngà ngọc, của đời sống hoan hỉ về đêm, ngập tràn màu sắc diễm tình và hưng vượng, đặc biệt được chuộng bởi người Hoa Chợ Lớn, thuộc nhóm thương gia lãnh xướng kỹ nghệ dịch vụ hưởng thụ xa xỉ cho cả trung tâm Sài Gòn. Nét hoa mỹ thừa mứa đó của những tấm áo trang kim, người thời xưa coi lại, ắt sẽ loáng thoáng nhận ra. Đó cũng là màu sắc lấp lánh phô trương của thế giới phòng trà, rạp hát, như một đặc quyền của giới ca kỹ và các cô đào chánh thứ, nên người trẻ thời nay có xách mé là “cải lương”, tôi cho rằng có cơ sở, dù mang màu sắc bỉ bai tiêu cực.
Nghĩ là làm, cứ thẳng hướng Soái Kình Lâm, Tân Định, Bến Thành để lựa hàng vải, rồi đội rổ vải kim tuyến đủ màu với một xấp bạc qua tiệm may ông anh ở tuốt luốt Gò Vấp, ổng vừa gấp vừa vò thành cả một bộ sưu tập nhỏ, dư mặc suốt mùa Tình Bolero. Có lẽ nghiệp tổ ưng ý nên từ khi mặc lại áo dài, ngôn văn lại hoạt bát, phong thái khoan thai, khán giả gửi thư nhắn tin tưng bừng khen quá trời quá đất. Các bà các chị bán hàng trang kim cũng được khách tới hỏi mua cũng đông dần, về sau đi ngang hàng vải, người ta kể lại cho nghe vậy.
Duyên may, cũng nhờ từ đó mà chiếc áo dài kiểu cũ được khuếch trương rộng rãi trở lại dù nhiều chị còn e dè chiếc eo bị siết nhỏ tới bất tiện. Nhưng ngoài đường, trên mạng xã hội, trên các sân khấu phòng trà đã thấy phất phới chen bông với những kiểu áo dài què, áo dài gấm Tàu, áo dài giả vẽ thì bắt đầu có quá trời các bà các cô diện áo dài Lệ Xuân đúng điệu. Cái cổ kiểu Lệ Xuân thật hợp với vóc áo dài Sài Gòn, bởi phần eo chít bên dưới khiến tôn bờ ngực, mà chiếc cổ và nét xương quai xanh để hở thật thanh tú, phóng khoáng mà vẫn đài các lịch duyệt, vẫn rất “tây đầm” bởi cài chiếc trâm đá hay chuỗi ngọc, cặp bông.
Áo dài là thường phục của phụ nữ Sài Gòn trước 1975. Ảnh TL
 
Chưa kịp ngắm cho mãn nhãn thì lại tới mùa rục rịch chuẩn bị cho phiên bản thường kỳ Solo Cùng Bolero, “chị ba Bolero” tôi lại trăn trở một lần nữa: mặc cái gì đây cho mùa này?
Cũng gần chẵn mười năm làm nghề thiết kế áo dài, vậy mà khi chính mình cần thì lại tối dạ khó xử vô cùng. Thầy tôi, đại nguyên soái áo dài Sĩ Hoàng nhắn “Em vẽ lại đi, thầy trò mình sẽ làm cái gì đó thật tuyệt”. Nhưng mà từ giờ tới khi ghi hình có còn đủ thời gian đâu mà vừa thiết kế, vừa viết kịch bản, vừa viết báo, làm trăm thứ chuyện khác bên cạnh công việc truyền hình. Đành phải tạm gác lời hẹn với Thầy, chớ cọ vẽ với lốc màu bao năm vẫn giữ kỹ trong hòm, đợi ngày khai quật.
Tôi, như thói nết đàn bà ưa làm đỏm muôn thuở, đứng trước tủ đồ chật ních mà thở dài sườn sượt vì “con không có quần áo đẹp đi dạ hội bolero, Bụt ơi!”
Dầu sao thì cũng phải có một bộ sưu tập áo dài mới, đúng chất Sài Gòn và không hổ danh “chị Ba Bolero”.
Trong đêm thi nhạc kịch Bolero với kịch bản vở Tình Đời do nghệ sĩ Hữu Quốc chuyển thể, tôi thửa được chiếc áo hoa văn kỷ hà đen trắng, lòng tâm đắc lắm bởi nhìn hao hao giống chiếc áo ông Thái Thúc Nha ra mắt tại buổi lăng-xê thời trang áo dài nội hoá năm 1961, do nữ tài tử cine Kiều Chinh diện. Chiếc áo và sự kiện nọ cũng chính là tiền thân của mẫu áo mang tên bà Nhu, hoặc Lệ Xuân về sau, vì bà quá ưng ý mẫu cổ thuyền nên đích thân lăng-xê về sau tới mức về sau kiểu áo được đặt theo tên bà là vậy. Chuyện này đã có viết trên tạp chí Người Đô Thị về trước, nhưng tháng nào tôi không nhớ.
Cũng chính nhờ liên tưởng tới nguyên tác mẫu hoa văn trên chiếc áo dài Sài Gòn “đời đầu” nọ, coi như được tổ ca diễn và tổ may mặc phò độ mà tôi trở nên sáng dạ, bụng mừng rơn vì đã tìm được hình vóc lý tưởng cho một bộ sưu tập Áo Dài Bolero. 

Mẫu cổ thuyền của "áo dài bà Nhu". Ảnh: LIFE
 
Từ huyền thoại nét vẽ Duy Liêm tới tà áo mang hương hồn những tờ bướm nhạc
 
Nói một cách nào đó, có thể hình dung về hoạ đồ tính cách bản địa Sài Gòn như một bức tranh lập thể. Những đời di dân tứ xứ đan xen, va đập, nhưng chằn chặn chân phương những góc cạnh bản ngã địa phương, không cào bằng hoà lẫn mà tác thành những khối, mảng đa giác sặc sỡ muôn màu bắt mắt. Sài Gòn chuyển động như một cú xoay ống kính vạn hoa, những mảng màu cá nhân đó lại xôn xao vận động để mỗi ngày, mỗi khắc lại làm nên một Sài Gòn đa diện lấp lánh không ngừng.
Sự quyến rũ của viên kim cương, nếu không bởi những mặt cắt sáng tối lấp lánh sát bên nhau, thì liệu có khác chi một viên bi thuỷ tinh vô giá trị? Sài Gòn không thể chỉ quyến rũ người ta bởi ánh sáng phồn hoa khu trung tâm đô thị, bởi nếu vậy, nó đâu thể nào bì kịp những kinh đô tân kỳ lộng lẫy khác trên thế giới, mà cái lòng thương tưởng tương tư chỉ dấy nên bởi chỉ cách nhau những kênh rạch ngoằn ngoèo đường kỷ hà chi chít, là những mảng tối đời ven đô, của hồn vía hẻm nghèo nhếch nhác ánh điện câu, của những kiếp sống vỉa hè chen chân bên lề phồn thịnh.
Có lẽ bởi vậy mà cái cảm giác ngờ ngợ về một điều gì đó rất Sài Gòn lại dấy lên trong tôi mỗi khi ngắm một chiếc áo dài trang trí lập thể, như thể một bức hoạ đồ thành thị.
       
Áo dài Sài Gòn của những thập niên 50-60 đã thành thứ thường phục để đáng gọi là quốc phục, lịch duyệt văn minh không kém tây đầm, nhưng người phương xa tới nơi này, kể cả người miền Bắc vào năm 1975 cũng phải nghiêng mình choáng ngợp trước bản sắc đại thị sang trọng kiêu kỳ. 
Chiếc áo dài Sài Gòn nó như hồn vía thời cuộc, linh hoạt cách tân đúng theo nếp ăn ở của đàn bà con gái Sài Gòn, à la mode, tân thời, ăn theo thuở ở theo thời nhưng vẫn giữ gìn cốt cách. Nhà Dior phương Tây có New Look thì mình chít eo, tà rộng, Huê kỳ có trường phái hippy, có thẩm mỹ flower-power thì áo dài Sài Gòn cũng có luôn.
Thời thập niên 50, khi mới áp dụng lối chít eo New Look kiểu Dior, thì chiếc cổ áo vẫn còn cao, cao tới tận cằm, phần lớn may bằng vải dầy dặn, mình gấm hay satin. Thập niên 60 thì cái hàng vải nhập khẩu ngày càng phong phú đa dạng hơn, chiều ý các bà các cô tha hồ chưng diện cho áo dài. Màu solid, in bông, thêu, đủ kiểu, và mấy bà mấy cô lịch sự sang trọng chốn phòng trà, vũ trường, thì như kể ở trên, bận vải dệt thêu kim tuyến đủ màu.
Nhưng kỷ niệm về nhạc vàng, về Bolero không chỉ là vũ trường tiệm nhảy, mà còn là hồi ức về những tờ bướm nhạc in vẽ cầu kỳ, hay được bán bên vỉa hè Lê Lợi ở gần nhà Thuý Miêu hồi nhỏ. Mấy anh chị yéyé hay ra đây lựa mua, về sau người ta hết làm tờ bướm lẻ in màu mà thành từng tập mỏng nhạc ngoại quốc, nhạc thời trang in ronéo hai màu đơn điệu, nét vẽ cũng hao hụt phần nào vẻ cầu kì mỹ diệu của những tờ bìa đĩa, bướm nhạc xưa.
Về sau lấy chồng, từ hồi mới yêu nhau, thương bồ mê nhạc vàng, chồng cũng đèo bòng công khó sưu tầm đĩa nhạc xưa, đến nay thành thần, rồi bắt qua mê mẩn mấy bìa đĩa, tờ bướm nhạc xưa, bán tống bán tháo ngoài tiệm đồ cổ ngoạn rẻ như cho.
Ở Sài Gòn cho tới nay vẫn tồn tại những nhóm bạn trẻ có, trung niên có, chia sẻ thú sưu tầm lưu giữ những tờ bướm nhạc xưa, có người đã sở hữu những bộ sưu tập đồ sộ tới ngàn tấm. Nhiều nhất trong số này vẫn là những bản bìa được vẽ minh hoạ bởi hoạ sĩ Duy Liêm, dễ nhận biết ở nét vẽ chân phương, những khối màu lập thể khúc chiết và đặc biệt là những nét trang trí kỷ hà, với sắc lam, sắc chàm trầm, cùng bảng màu vàng nghệ, cam gạch non đầy hoài cảm, thi thoảng điểm vài nét đỏ son rất bắt mắt, thường để tô cho chiếc môi hay móng tay trau chuốt của các giai nhân trang bìa.
Thời gian gần đây, xuất hiện một hoạ sĩ trẻ, là người làm nghề mỹ thuật tài tử tay ngang, nhưng phục dựng rất thành công trường phái lập thể của hoạ sĩ Duy Liêm xưa. Anh bạn hậu duệ trẻ, không rõ bởi chọn bút danh theo tên thần tượng, hay một sự tình cờ của số phận mà có tên là Kha Liêm, chỉ vẽ bởi niềm vui và như thể phóng thích một sự ám ảnh thẩm mỹ nào đó, có lẽ dịp sau xin kể rõ hơn câu chuyện về anh bạn này và những tờ bướm nhạc, bìa đĩa được phục dựng âm thầm.

Minh họa bìa nhạc của họa sĩ Duy Liêm thường có tà áo dài. Ảnh: TL
Quay trở lại những bức vẽ của hoạ sĩ Duy Liêm, rõ ràng ảnh hưởng của tinh thần mỹ thuật retro Hoa Kỳ khi này đã dần dà có chỗ đứng trong mắt thẩm mỹ văn nghệ của dân Sài Gòn từ những năm đầu thập niên 60. Khi này, ở Pháp và Hoa Kỳ, người ta rầm rộ phong trào hiện sinh, hoa văn thổ dân, hoạ tiết kỷ hà và lập thể với mini jupe hoạ tiết lập thể theo gout vị lai, chemise chẽn cổ cao phanh ngực và quần ống patt, tiên phong rõ rệt có thể còn nhìn thấy qua hình ảnh Cher hay các bìa đĩa Nana Mouskouri. Nhưng phải mất vài đôi năm sau, theo “di chỉ” hình ảnh còn lại cho thấy, tận cuối thập niên 60 thì tinh thần này mới ứng dụng rõ rệt trên thẩm mỹ thời trang, ở đây là áo dài Sài Gòn.
Chiếc áo dài Sài Gòn khi này đã thư thả vòng eo theo đúng tinh thần urban Mỹ, chiếc cổ thuyền vẫn được chuộng, nhưng cổ  áo dài truyền thống tái xuất với bản hẹp hơn. Chen chân với mốt minijupe và quần patt, những chiếc áo dài của các bà các cô Sài Gòn khi này mang hoạ tiết lập thể sặc sỡ, đeo với cặp kiếng cú mèo kiểu bà phu nhân Kenedy, ôm eo ếch bồ bát phố trên Vespa hay Honda 67 ngầu quên sầu. Thời này, cô Kiều Chinh, cô Thanh Nga đóng cine lăng-xê mốt này nhiệt tình nhất, trong khi đào Thẩm Thuý Hằng đã chuyển hẳn sang mốt Âu phục tân thời với minijupe và quần patt, kiếng mát chuồn chuồn sành điệu.

 Ảnh: TL
Những dấu tích, tư liệu nọ, tôi chỉ được chiêm ngưỡng qua những đoạn phim, hình ảnh còn giữ được tới giờ, nhưng thấm thía rõ rệt nhất vẫn là qua việc sưu tầm những tờ bướm nhạc. Nhưng chỉ ngần đó e rằng thiếu sót, bởi dù sinh ra sau thời kỳ hưng thịnh của áo dài Sài Gòn, tôi vẫn may mắn kịp chiêm ngưỡng tận mắt giai kỳ cuối của mốt áo dài lập thể, bởi mốt nọ tồn tại tới tận sau năm 1975, ngay giữa thời khắc kỷ kiêng khem.
Nhờ ba làm công việc có liên quan tới xuất nhập khẩu qua tàu, đứa nhỏ là tôi đã may mắn được ngắm các cô cavalière ở câu lạc bộ thuỷ thủ dưới Tân Cảng diện áo dài lập thể lả lướt du dương trên piste danse thuỷ tạ, tóc bới cao hay thả dài như Khánh Ly, mi cày cả tấc, đẹp hớp hồn. Giới nghệ sĩ thời đó thì còn có cô Phượng Liên, cô Thanh Lan, nhưng nhất là cô Cẩm Vân rất chuộng bông lập thể, mà mãi cho tới sau này, đó vẫn là một phong cách signature của những chiếc áo dài Cẩm Vân. Mình hàng thì phổ biến nhất bấy giờ là mousseline mình trơn hay mình cát, và vải soie Pháp, mà chỉ những phụ nữ trung lưu hoặc có thân nhân ở hải ngoại gửi về thì mới diện được những mình vải xa xỉ này.
Vậy tạm gọi đó là trào lưu áo dài lập thể, tồn tại kéo dài tới tận cuối thập niên 80, dù về sau này áo dài không còn được mặc nhiều ở Sài Gòn nữa. Đó đã là một thời kỳ buồn thảm, cũng không nên nhắc tới nhiều ở đây.
Hoạ tiết kỷ hà hay khối lập thể vừa chân phương, tạo khối cho hình thể rất tốt mà đa phần là bảng màu sặc sỡ, hiệp với tính cách đàn bà con gái phương Nam vô cùng. Tuy các nét và khối trông tưởng như thô cứng, nhưng ốp vô đường cong hình thể và trên mình vải mềm mại thì lại càng linh hoạt, chấp chới vui mắt khi chuyển động hoặc chỉ cần một hơi gió nhẹ của thời tiết Sài Gòn. Gặp bữa nắng, màu sắc càng rực rỡ, mà mình hàng mỏng nhẹ lại khiến người mặc thấy mát mẻ, thoải mái như không. Hàng mousseline cát lại được cái thoải mái khi ủi, rủi ngồi lâu nhăn vạt thì hoạ tiết hoa văn cũng khiến vệt nhăn rất khó thấy. Nét retro vừa yểu điệu kiêu kỳ, lại chân chất hiền lành đúng điệu Nam bộ, càng thêm lộng lẫy về đêm, chỉ cần bới kiểu đầu điệu điệu, hoặc tóc bob kiểu ban Abba, tóc bob kiểu Cẩm Vân, dến đôi giày thiệt cao là bảo đảm lé mắt phố phường. Áo dài lập thể mỗi khi xuất hiện, lại như một trò ảo giác của chiếc kính vạn hoa đa sắc, sặc sỡ với những chiếc môi thoa son đỏ không ngại tay, gìn giữ cho Sài Gòn một chút hồn vía điệu đà đỏm dáng đến hồn nhiên của nó.

Ca sĩ Cẩm Vân với áo dài và kiểu tóc làm nên dấu ấn riêng. Ảnh: TL
 
 Bức hoạ đồ thành thị
 
Gần đây thấy mấy bồ mặc nhiều mốt áo dài cụt bằng gấm, phải nói thật lòng, tôi thấy vải này hợp với người Tầu hơn. Họ bận với áo xẩm, áo dài Thượng Hải rất đẹp, nhưng lên chiếc áo dài nhìn không thật sự ưng mắt lắm. Thêm khoanh dồi huyết bện trên tóc, ngó na ná hình ảnh mấy bà quan huyện, bà đề trong tuồng Ngao Sò Ốc Hến, hay chị văn công trong tiết mục Quan Họ hơn.
Nhưng nghĩ là nghĩ vậy thôi, chớ thời may chiếc áo dài của mình đẹp quá, trộm vía bạn bận chi nó cũng đèm đẹp là. Thứ đến, như đã nói ở trên, chiếc áo dài có khả năng chuyển biến theo thời cuộc mà thể hiện mồn một ngữ cảnh thời kỳ của nó. Không thể phủ nhận ảnh hưởng của văn hoá Trung Quốc lan rộng và tác động mạnh tới tận tủ quần áo của các bà các cô nước lân bang sát vách, và chiếc áo dài chỉ như chiếc gương soi, chỉ đang làm công việc phản chiếu rất thật thà của nó. Không thể phủ lập thực tế, không có nghĩa là người ta không thể tự cho mình cái quyền thay đổi nó, có khi từ chính tấm áo khoác lên mình mỗi ngày.
Ngoài chợ gần đây cũng rộ lên mốt vải in, in hẳn nhiều bông hoa bừ bự, có cả cuống lẫn đài, hơi giống mốt áo dài vẽ tay hồi trước của hoạ sĩ Sĩ Hoàng, nhưng vải nọ do thợ in, chớ không phải được hoạ nên bởi tay cọ bậc thầy, nên hoà sắc chua chua, lờn lợt, nhìn không đã mắt. Đã vậy nét vẽ cố tình làm cho mềm mại quá, hao hao tranh thuỷ mặc bờ hồ. Chớ vội tưởng đường nét nọ sẽ làm thân mình nữ chủ nhân thon thả hơn, tình thực cái nét uốn lượn bầu bầu thoai thoải khiến bụng và eo mất ranh giới, canh không khéo nhìn bệ xệ.
Người mặc thường kì công đếm bằng hết số màu xuất hiện trên đó rồi lựa vải may cặp quần phải ton suit ton với một trong số mấy màu đó, khi thì tím nhạt, hồng tươi, xanh ngọc, nhìn lại càng khó mà cho là đẹp bởi xưa giờ, dù qua bao cuộc cách tân, áo dài vẫn mặc đẹp nhất là với quần đen hay trắng, phân biệt rạch ròi giữa “áo” và “quần” chứ khó trộn lẫn bảng hoà sắc để thành một thứ soiree có đáy.
Áo dài Sài Gòn xuất hiện trong tạp chí Life. Ảnh: TL
Điều e ngại nhất, đó là giữa cơn sốt vải in bông, hoa văn vintage và những mốt như vừa kể ở trên, tôi băn khoăn không biết liệu có còn không những vuông vải áo dài hoa mỹ nét kỷ hà hay chân phương lập thể của thời xưa. Tôi bước vô một tiệm hú hoạ cầu may, vừa chỉ tay vô xấp vải thì bà cô chủ sạp nhìn tôi e ngại: “vải này chỉ có hồi xưa mới mặc, giờ người ta chê hoa văn cứng quá, không chuộng nữa em ơi”.
Tôi cứ khăng khăng, sạp này hết thì mấy bà mấy chị trong chợ hò nhau mỗi sạp quăng qua vài xấp vải lập thể qua cho “chị ba Bolero” lựa, cầm những vuông vải trên tay mà cảm giác không khác gì đang cầm trên tay bức vẽ của hoạ sĩ minh hoạ bậc thầy Duy Liêm. Bởi loại mình hàng không còn là quá xa xỉ nữa, thành ra lại rẻ hơn những mình vải in chân bông, gấm dệt hay tơ Tàu bây giờ.
Áo dài lập thể, màu chi cũng vậy, cái kỳ lạ là chỉ hạp với quần soie đen. Dù hoa văn có sáng màu tới mấy, cứ quất cái quần màu, hay thậm chí quần trắng lên là không ăn nhập. Màu lãnh, satin hay soie đen bóng lưỡng, kiêu kỳ và ý tứ. Lúc vén tà ngồi khép trên yên sau xe Honda cũng không bối rối bởi chiếc quần lụa trắng dễ phơi bày những thất thố bên trong.
Nay tôi quyết định mang vô cái vóc chiết eo của áo dài thập niên 60 cả cái tinh thần của nét vẽ bướm nhạc của hoạ sĩ Duy Liêm, ắt sẽ thành một tinh thần của môi trường âm nhạc Bolero, vẫn là cốt cách tinh thần giai điệu bản địa mình đó, hơi hướm ngũ cung mỹ diệu với ngôn từ Hán-Việt cầu kì đó, nhưng hài hoà với tiết tấu Latin, lẫn những bản phối đậm đặc hơi hướm Jazz hay Blues điệu nghệ của người ngoại quốc.
Vậy mà thành Bolero Sài Gòn.
Như dĩa cơm tấm với lạp xưởng của người Tàu, bì chả của người Bắc, ăn với fourchette của người Phú Lang Sa.
Vậy mà ghiền. Vậy mà tìm không đâu có.
Lại nhớ ước mơ từ thời nhỏ là được sống lại, dù chỉ một ngày trong cái thời mà đàn bà con gái, tân thời à la mode tới mấy, cứ ra đường là khoác áo dài. Áo dài Sài Gòn của những thập niên 50-60 đã thành thứ thường phục để đáng gọi là quốc phục, lịch duyệt văn minh không kém tây đầm, nhưng người phương xa tới nơi này, kể cả người miền Bắc vào năm 1975 cũng phải nghiêng mình choáng ngợp trước bản sắc đại thị sang trọng kiêu kỳ.
Có một ai đó đã nói đại loại “Thay vì nằm mộng được sống trong mơ, hãy sống như trong mộng”, bài viết này, những chuyến bôn ba trăn trở với áo dài, làm sao để điệu đà chuẩn mực mà dễ xài, dễ sắm đã khiến tôi nhận ra mình đang tiếp cận giấc mộng của mình.
Thay vì được sống trong một Sài Gòn tràn ngập nếp áo hoa như ngày cũ, chính tôi sẽ đưa mộng vào thực trong đời, bằng hình ảnh chính mình thường xuyên bận chiếc áo dài dù không phải là nhân viên ngân hàng, lễ tân khách sạn hay những cô em tiếp thị massage, làng nướng – những người phụ nữ hiếm hoi vẫn mặc áo dài hàng ngày bởi chức năng đồng phục.
Bởi vậy, bài viết này như một tâm sự, một lời tuyên xưng vậy, của kẻ làm công việc phục dựng một hồn phách Sài Gòn. Xin chớ nghĩ rằng tôi là người hoài cổ, tôi chỉ đơn giản là hoài vọng về những cái gì thật sự đẹp, mà sự tình cờ nào đó đã khiến những điều từng đẹp nhất, tất thảy đã ở sau lưng, người ta chỉ việc thong thả tìm về. Có người bằng vài tờ bướm nhạc còn lưu dấu thủ bút của một tình nhân nào đó hơn nửa thế kỷ trước, trong nét hoạ thời hoàng kim của nghệ thuật và âm nhạc bản địa, người khác, như tôi, lại bằng những thần sắc Sài Gòn trong vạt áo, vóc người. 

Trác Thúy Miêu
Nguồn nguoidothi.vn

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét