Kết thúc buổi tổng kết khoá học bồi dưỡng chuyên môn, tôi tha
thẩn trên dãy phòng tầng ba hun hút, yên ắng đến nao lòng. Cửa phòng lớp
học nào đó vẫn khép hờ. Ghé mắt vào, tôi chợt phát hiện : ai đó – trước
lúc ra về – còn kịp bỏ lại trên bảng nét chữ thanh thoát, mềm mại,
phóng túng theo kiểu thư pháp câu ca dao :
“Ra về anh có dặn rằng
Đâu hơn em kết, đâu bằng đợi anh.”
Thầm nghĩ ở đâu mà ra về, ai ra về, sao lại có chuyện “hơn”, “bằng” trong tình yêu ?…nghĩ miên man rồi suy ngẫm…
Câu ca dao trên là lời kết cho đêm tự tình đôi lứa mà tình yêu họ
dành cho nhau đã đến trước thềm hôn nhân. Nhưng sự đời thật vô thường,
tình yêu vẫn trêu ngươi, cản bước tiến của họ ở dấu chân cuối cùng sắp
đặt vào vườn hồng hạnh phúc. Vì lẽ gì? Thói đời? Quan niệm xưa cũ? Hay…?
Tựu trung họ không được toại nguyện, gặp trắc trở bởi hoàn cảnh. Đêm
nay, họ vượt rào cản dấn thân đến điểm hẹn. Những bước chân “xăm xăm” ấy
đã ý thức quá rõ : có thể là lần gặp cuối cùng để rồi mãi xa nhau. Điểm
hẹn ấy là nơi nào? “Ra về” đầu câu lục đã mách ta biết : đầu đình, gốc
đa, giếng nước, hay luỹ tre uốn theo con đường làng… Nơi mà họ đã hơn
một lần tình tự, đắm say trong hạnh phúc tình yêu đôi lứa. Nơi đã chứng
giám lời hẹn ước, thề nguyền bằng ngôn ngữ, cử chỉ tình yêu. Vì vậy có
ra về mà không người đưa tiễn – hai ta cùng ra về khi tâm sự đã giãi
bày.
Tôi lại hình dung tâm trạng đôi lứa trong thời khắc tự tình ấy. Em
thì đa mang về duyên phận người con gái “nên chăng thì cũng bởi lòng mẹ
cha”, có sự định sẵn nào đây nên nỗi lòng em mang đến thật là “ngổn
ngang trăm mối”. Dù có yêu thương hết mực với người mình yêu, người con
gái không thể không đắn đo, vướng víu một khi đã có nhân vật thứ ba xuất
hiện do sự “ định sẵn” ấy. Lí trí thầm nhắc em lựa chọn giữa hai ngã
đường của tương lai, hạnh phúc. Quyết định hệ trọng dường ấy, làm sao
không phân vân, lo lắng được! Trong tình cảnh này, anh thấu hiểu lòng
em. Thế là câu chuyện diễn ra: Lời thoại chủ động, phần nhiều thuộc về
anh hòng chinh phục trái tim người mình yêu. Có vậy mới đến lời kết nặng
như đá tảng mà ngôn từ thoáng nghe có vẻ dửng dưng, phớt lờ “Đâu hơn em
kết…”. Thật tình người ngoài cuộc cảm phục tấm lòng vị tha, cao thượng
của chàng trai : để người mình yêu rộng đường so sánh, chọn lựa. Dễ
thường ai dám “hi sinh” một cách thật lòng như thế(?). Bởi tình yêu đôi
lứa là thứ tình cảm ích kỉ nhất trong mọi thứ vị kỉ. Người đã yêu, đang
yêu ắt muốn chiếm giữ, sỡ hữu cho kì được đối tượng cho riêng mình,
không vì lí do gì mà nhường nhịn, chia sẻ cho kẻ khác. Lẽ đời như thế!
Một Hoạn Thư trong truyện Kiều, đứng trước vành móng ngựa cũng đã nêu ra
lí lẽ “sâu sắc nước đời” ấy : “Lòng riêng riêng những kính yêu – Chồng
chung chưa dễ ai chiều cho ai”. Tình thế này, Kiều, đại diện công lí,
nạn nhân của tội phạm cũng phải đuối lí mà buông tha – biết làm gì hơn!
Trở lại lời dặn trên, người trong cuộc, ý tình chàng trai không
thể là biểu hiện lòng vị tha, tính cách cao thượng mà đó là biểu hiện
tình cảm mạnh mẽ, quyết liệt, tin tưởng tuyệt đối tình yêu của mình đối
với em. Chính lời khẳng định ấy đã “đóng chặt” tình cảm em trên “gía
tình yêu” thì làm gì em có thể lựa chọn! Thực tế lòng em và tình anh đâu
dễ dàng chấp nhận “đâu hơn (thì) em kết. Em hiểu ẩn tình anh đã trao :
Trước tiên ngôn ngữ đối thoại(lời anh) ngày nào đã chuyển hoá thành ngôn
ngữ độc thoại trong tâm trạng em(chủ thể trữ tình)và đã hoá thân vào
anh(đối tượng trữ tình) để em hoài mong, chiêm nghiệm. Về điều gì ư?
“hơn”, “bằng” , dễ nhận ra lô gic tín hiệu ngôn ngữ mang chức năng thông
báo hơn, bằng về gia thế, địa vị, của
cải… nhất định không thể sánh được tình cảm anh dành cho em. Vậy thì ý
ngầm nghệ thuật trong lời anh dặn ẩn chứa sự phủ định : không nơi đâu,
không ai trên cõi đời này hơn, bằng anh để em kết bạn trăm năm! Lời có
vẻ vơ vào, võ đoán nhưng đáng trân trọng đó là tiếng lòng thốt lên bởi
tình yêu mãnh liệt nhất của trái tim khát khao về hạnh phúc lứa đôi
nhưng lại mong manh, dự cảm về sự tan vỡ. Vì thế tình anh lúc này cần
khẳng định quyết liệt, cả sự thách thức hiện thực. Rõ là anh neo vào tâm
trí em niềm tin vững chắc như thế làm sao không là nỗi ám ảnh thường
trực cõi lòng em… Để rồi người con gái vẫn đợi…cho dù “bao giờ cho đến
bao giờ”.
Thật ra, ý nghĩa lời dặn dồn vào chữ ĐỢI. Đó là sự thử thách tôn cao
lòng chung thuỷ, điểm sáng về phẩm hạnh người phụ nữ. ĐỢI té ra, xuất
phát điểm sự trục trặc lại khởi sự từ phía anh. Có phải anh đang gặp
hoàn cảnh nào đó : đi xa, gia cảnh chưa đủ để “quan năm tiền cưới”
chăng?…
Cuối cùng liệu có chủ quan mà suy diễn quá lên chăng? Tôi vẫn nghĩ
lời dặn trên là phần kết câu chuyện – một lối kết để mở.. và người đọc
lại tiếp tục hình dung kết cục về một chuyện tình với viễn cảnh tốt
đẹp…Ai bảo rằng lối kết thể loại dân gian xưa không hiện đại!
Trang Lộc
Ninh Thuận
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét