Thứ Hai, 22 tháng 8, 2016

Nhân đọc hai bài thơ : Tổ Quốc Nhìn Từ Biển – Tổ Quốc Gọi Tên – Lộc Trang

Anh_4_Truong_Sa.JPG

Sáng! Ngồi bên li cà phê thường nhật, lang thang trên internet không chủ định truy cập điều gì. Bất chợt, đọc hai bài thơ trong chùm thơ Biển Đảo: Tổ Quốc Nhìn Từ Biển (nhà báo Nguyễn Việt Chiến), Tổ quốc gọi Tên (nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai). Một biểu hiện rất lạ của cảm xúc. Biết nói thế nào nhỉ! “rưng rưng cảm xúc”, lời buột miệng dân dã rất đời của người không giàu chữ nghĩa như tôi làm sao diễn đạt rốt ráo cảm xúc ấy. Xem đó là phản xạ tự nhiên tâm lí. Ban hãy đọc chậm., ngẫm nghĩ, liên tưởng, tôi tin bạn cũng có cảm xúc như thế. Không ít những câu thơ chạm đến trái tim hàng triệu triệu con dân Việt rất tự nhiên mà không phải là những mĩ từ, chi tiết ước lệ. Xin nhặt nhạnh những câu thơ, quả thật khi đọc cũng phải nghẹn lời! không hiểu sao, chỉ là cảm tính, tình cảm tự nhiên của một công dân Việt. Vây thôi! 
Đến với “Tổ Quốc nhìn từ Biển” gợi nhắc ta cội nguồn dân tộc, truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ, sự chia tay trong “đớn đau”. Lạ thay! Chia tay không hề chia cắt trong lời từ biệt “có gì hãy gọi cho nhau” để tạo dựng nên hình hài đất nước cho con cháu muôn đời sau sinh cơ lập nghiệp, cho ý thức chủ quyền đất nước mãi mãi thường trực trong tim con cháu Lạc Hồng. Lời dặn của “Lạc Long cha” “phải giữ từng thước đất” mãi mãi vang vọng đến ngàn đời, bởi Người nhận rõ hiểm hoạ đất nước sau này sẽ gặp phải “bão giông”. Quả thật như vậy, trong lịch sử dựng nước, giữ nước, dân tộc Việt gần như liên tục đương đầu với họa ngoại xâm “Suốt ngàn năm bóng giặc vẫn chập chờn” chúng luôn rình rập “Dẫm đạp lên hình hài đất nước”(Quế Mai). Con dân Việt không lúc nào nguôi ngoai lời cha dặn nên cứ phải “Bốn nghìn năm chưa bao giờ ngơi nghỉ” để giữ nguyên vẹn hình hài đất nước linh thiêng, không tiếc máu xương lớp lớp thế hệ nối tiếp nhau ngã xuống vì mảnh đất này! Định hình phong cách sống, thế đứng dân tộc, lại liên tưởng đến những câu thơ Huy Cận :
“Sông vững chãi  bốn nghìn năm sừng sững
 Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa
Trong và thực sáng hai bờ suy tưởng
Sống hiên ngang mà nhân ái chan hoà”
 
    Và có lẽ chưa có dân tộc nào trải  qua lịch sử bi hùng dằng dặc đến như dân tộc Việt! Càng thấm thía nỗi bất an, khắc khoải lúc “tổ quốc chập chờn bóng giặc” “Mẹ Âu Cơ không thể yên lòng” cả cháu con đều xót đau, quặn thắt khi hình hài đất nước bị “méo mó” bởi hoạ ngoại xâm! “Một tấc biển cắt rời, vạn tấc đất đớn đau”(Quế Mai). Câu thơ đọc đến nghẹn lời, như cắt cứa da thịt, co thắt trái tim người dân Việt! Xin hãy yên lòng, hỡi Cha Rồng- Mẹ tiên! Những đứa con theo mẹ lên rừng luôn dõi theo bóng giặc để cảnh giác “Các con nằm thao thức phía Trường Sơn”. Những đứa con theo cha xuống biển vẫn sẵn sàng hiến dâng xương máu của mình để giữ nguyên vẹn dáng hình đất nước “Máu của người nhuộm mặn sóng biển Đông”(Quế Mai), “Bạn tôi nằm dưới sóng mặn vùi thân”(Việt Chiến). Hai nhà thơ, hai khoảng trời cách xa, xuất phát từ hai sự kiện khác nhau về thời gian nhưng đã có sự cộng hưởng tri âm bi hùng về người ngã xuống như nén tâm hương cho người đã khuất vì đất nước. Máu xương, thân xác các anh được vây bọc, cất giữ bởi lớp lớp ngọn sóng tạo thêm vị mặn biển Đông, bồi đắp thêm lớp trầm tích dân tộc kiêu hùng, cũng là lớp lớp triệu triệu cơn sóng lòng trong trái tim người Việt đang dâng trào trên khắp mọi miền đất nước, khắp cả năm châu đều bật trên “môi người thao thức tiếng Việt Nam”(Quế Mai), hẳn để minh chứng, khẳng định một điều với tổ tiên, người đời “Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất- Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi”(Việt Chiến) và cũng “Để giấc mơ trẻ thơ bình yên trong bão tố” (Quế Mai). 
Xin trân trong, ngưỡng mộ tấm lòng hai nhà thơ đối với đất nước trong cơn “giông bão” bởi tư cách công dân. Nhận được sự đồng cảm mọi tầng lớp xã hội,, tạo ra hiệu ứng lan toả lớp lớp sóng lòng trong tâm thức người Việt về tự hào dân tộc, về tình yêu tổ quốc cho dù họ ở bất kì nơi nào. Đúng là lời hiệu triệu, như ai đó đã nói, và sẽ có triệu triệu lời hồi đáp. Bởi tính cách dân tộc Việt, tinh thần Việt, bao giờ cũng vậy, đời nào cũng thế! Chợt nhớ những câu thơ của Giang Nam “Yêu quê hương vì trong từng nắm đất/có một phần xương thịt của em tôi”.  Chúng ta yêu biển hơn vì trong từng ngọn sóng – Nhuốm một phần máu thịt của các anh…
Lộc Trang
Ninh Thuận

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét