(Tiếp theo bài 3)
Thái Diễm (蔡琰), còn gọi là Sái Diễm, tự Chiêu Cơ (昭姬). Kết hợp chung thành: “Kiến An Thập Nhất Tài Danh”
Người đời gọi Văn Học Kiến An là vì nền
văn học nầy bộc phát trong thời Hán Hiến Đế nên dùng niên hiệu Kiến An
của ông làm cái mốc thời gian với văn học Lưỡng Hán (Tây Hán và Đông
Hán) và nền văn học thời Lục Triều.
Lục triều (六朝), 220 hoặc 222–589 là một
danh từ dùng để chỉ 6 triều đại đặt kinh đô tại Kiến Nghiệp/Kiến Khang
(nay là Nam Kinh) gần Trường Giang, gồm các nước: Đông Ngô (222–280) /
Đông Tấn (317-420) / Lưu Tống (420–479) / Nam Tề (479–502) / Lương
(502–557) / Trần (557–589).
Còn 6 triều đại có quan hệ kế thừa, đã sử
dụng niên hiệu của các triều đại trên trong biên niên kí sự chính
thống, giai đoạn này là Lục triều, hoặc Ngụy-Tấn-Nam-Bắc triều, gồm các
nước: Tào Ngụy (220–265) / Tấn (265–420) / Lưu Tống (420–479) / Nam Tề
(479–502) / Lương (502–557) / Trần (557–589).
Năm 204, đánh bại Viên Thiệu ở Nghiệp
Thành, Tào Phi gặp Chân phu nhân (dâu Viên Thiệu) Tào Phi ham mê sắc đẹp
của Chân thị bèn ép Chân thị lấy mình – dù chồng bà là Viên Hy vẫn còn
sống. Sau khi tiếm ngôi Nhà Hán, Tào Phi xưng là Tào Ngụy Văn Đế (曹魏文帝),
Chân thị được Ngụy Văn Đế Tào Phi phong làm Chân Phu Nhân, năm 205 Chân
Phu Nhân hạ sinh Tào Duệ.
Ngụy Minh Đế (曹魏明帝) tức Tào Duệ (曹叡,
205-239); tự Nguyên Trọng (元仲), trị vì từ năm 226 đến 239. Tào Duệ là vị
vua thứ 2 của Tào Ngụy, có thực quyền.
Ngụy Minh Đế Tào Duệ không có con, xin
con của Nhậm Thành vương Tào Giai (曹楷) là Tào Phương – là hoàng thân
quốc thích Nhà Tào Ngụy – làm con nuôi rồi lập thành Thái Tử.
Tào Phương (曹芳), 232–274, tự Lan Khanh
(蘭卿), ở ngôi 239-254, mới 7 tuổi đã làm hoàng đế thứ 3 của Tào Ngụy. Do
lên ngôi lúc còn nhỏ, quyền chính về tay Tư Mã Ý. Năm 251, Tư Mã Ý chết,
quyền bính Nhà Tào Ngụy lọt vào tay hai người con của Tư Mã Ý là Tư Mã
Sư và Tư Mã Chiêu.
Năm 253, Tào Phương có ý muốn dẹp quyền lực dòng Tư Mã, bị Tư Mã Sư đoán được bèn truất phế và lập Tào Mao lên ngôi hoàng đế.
Tào Mao (曹髦) tự Ngạn Sĩ (彥士), 15/11/241-
2/6/260, tước Cao Quý Hương Công (高貴鄉公), con trai của Đông Hải Định
Vương Tào Lâm và là cháu nội Ngụy Văn Đế Tào Phi. Lên ngôi lúc 14 tuổi.
Năm 260, Tào Mao muốn trừ khử Chiêu, bị Chiêu giết và lập Tào Hoán lên
thay, tức Ngụy Nguyên Đế Tào Hoán (246–302).
Tào Hoán Ngụy Nguyên Đế, sanh năm 246,
tên thật Tào Hoàng (曹璜), là con trai của Yên Vương Tào Vũ (曹宇) là vị vua
cuối cùng của Nhà Tào Ngụy.
Năm 263, Tư Mã Chiêu điều binh diệt nước
Thục Hán xong, được vua Ngụy phong tước Tấn Vương. Năm 265, Tư Mã Chiêu
đau nặng, bèn lập con cả là Tư Mã Viêm lên thay.
Tư Mã Viêm làm Tấn Vương, không bao lâu
bèn buộc Hoàng đế Tào Hoán tức Tào Ngụy Nguyên Đế thoái vị vào ngày Nhâm
Tuất tháng 12 năm Ất Dậu (tức 4 tháng 2 năm 266). Tư Mã Viêm soán ngôi
Tào Ngụy, lên ngôi Hoàng đế vào ngày Bính Dần cùng tháng (tức 8 tháng
2), xưng là Tấn Vũ Đế. Nhà Tào Ngụy mất về dòng họ Tư Mã. Vương triều
Tây Tấn ra đời.
Quan Tư Không Nhà Tấn là Trương Hoa yêu mến tài năng của Trần Thọ, tiến cử Thọ làm Hiếu Liêm, bổ nhiệm làm Dương Bình Lệnh.
Bản thân được ổn định, Trần Thọ tiếp tục
viết bộ Tam Quốc Chí, ghi lại tất cả mọi diễn tiến trong thời kỳ Trung
Quốc bị phân ba nước: Ngụy, Thục Hán, Đông Ngô. Tổng cộng 65 thiên, sớm
trở thành một trong 24 bộ chính sử lớn nhất của Trung Hoa.
Bốn bộ sử liệu sau đây đã góp phần không nhỏ cho Trần Thọ hoàn thành bộ Tam Quốc Chi:
I. Ngụy thư của Ngụy Thâu
II. Ngụy lược của Ngư Hoạn,
III. Ngô thư của Vi Chiêu.
IV. Tấn Thư của Phòng Huyền Linh và Lý Diên Thọ
Riêng Thục Hán không có chính sử, Trần Thọ phải tự thu thập tư liệu để viết.
Trong 4 bộ Sử Thư nêu trên đây, chỉ có
hai Bộ: Ngụy Thư của Ngụy Thâu và Tấn Thư của Phòng Huyền Linh và Lý
Diên Thọ là đáng chú ý nhất.
A. Bộ Ngụy thư của Ngụy Thâu
Ngụy Thâu (魏収), 506–572, tự Bá Khởi, thụy
Văn Trinh, là con trai của Thái học Bác sĩ (Bác sĩ ở đây xin hiểu là
Tiến sĩ của ta, không là Bác sĩ như của ta) Ngụy Tử Kiến, người Hạ Khúc
Dương huyện Cự Lộc, Hà Bắc (nay thuộc Bình Hương, Hà Bắc) là Nhà văn,
Nhà sử học thời Bắc Tề, chủ biên bộ chính sử Ngụy Thư, năm Thiên Bảo thứ
5 (năm 554), đến năm Thiên Bảo thứ 10 (năm 559) mới hoàn thành.
Bộ Ngụy thư có 114 quyển, gồm Đế kỷ 12
quyển, Liệt truyện 92 quyển, Chí 10 quyển, chép về lịch sử hưng thịnh và
suy vong của Bắc Ngụy thời Nam Bắc Triều từ khi Đạo Vũ Đế kiến quốc năm
386 cho đến khi Đông Ngụy Hiếu Tĩnh Đế bị phế truất năm 550.
Khi viết, Ngụy Thâu có lòng thiên vị,
thiếu trung thực, phán xét sai lầm, lệch lạc nên đây là bộ Sử bị phê
phán nhiều nhất. Chẳng hạn, với chủ đích tâng bốc tổ tiên của tác giả
qua hình thức ca ngợi Bắc Ngụy quá trớn, mà hạ nhục tổ tiên đối thủ
chính trị với tổ tiên mình và bản thân tác giả. Người đương thời gọi
Ngụy Thư là “Uế thư” (Sách nhơ bẩn như rác rưới). Ngoài ra, còn viết sai
lầm lịch sử, cụ thể, trước Bắc Ngụy nước Đại chỉ là tiểu quốc, từng là
chư hầu của các nước Tiển Yên, Tiền Tần, Tây Tấn, Hậu Triệu nhưng, trong
Ngụy Thư lật ngược lại cho rằng nước Đại là một cường quốc, từng làm bá
chủ các nước nêu trên, những nước mà trước kia nước Đại chỉ là chư hầu
của họ.
Ngoài ra, tác giả chỉ đưa tên hoàng đế
Đông Ngụy là Hiếu Tĩnh Đế vào bộ Ngụy Sử mà cố tình “bỏ quên” không viết
tên tuổi các vị hoàng đế phía Tây Ngụy chỉ vì nước Tây Ngụy vốn là kẻ
thù địch của Đông Ngụy, trong khi tác giả Ngụy Thâu làm quan ở triều
Đông Ngụy. Mặt khác, trong Ngụy Sử, Ngụy Thâu không trung thực khi gọi
các nước thuộc Nam Triều và các quốc gia lâng bang bằng quốc hiệu, mà
chỉ viết các quốc gia ấy là thứ man di, mọi rợ,… Vì thế, đến đời Tùy,
Túy Văn Đế sai thuộc hạ soạn lại tòan bộ, bộ Ngụy Thư,
Tùy Văn Đế (隋文帝), 541-604 tên thật Dương
Kiên (楊堅), tự Na La Diên (那羅延), Tây Ngụy Cung Đế ban cho họ Phổ Lục Như
(普六茹), là con của Dương Trung. Ông là người sáng lập triều đại nhà Tùy, ở
ngôi từ năm 581 đến năm 604. Sau khi xem xong bộ Ngụy Sử (hay Ngụy Thư)
của Ngụy Thâu, thấy Ngụy Thâu viết không chính xác, thiếu trung thực,
ông không hài lòng bèn truyền lệnh cho Nhan Chi Suy cùng Ngụy Đạm soạn
lại, chưa xong thì Tùy Văn Đến bị chính con ruột của mình là Dương
Quảng, dùng độc tửu giết chết!
Những năm cuối đời, tính tình Tùy Văn Đế
thay đổi thất thường, giết người một cách tùy ý. Có lần đến kho vũ khí
tuần tra, thấy trong kho hơi dơ bẩn, ông ra lệnh bắt trưởng kho, hạ lệnh
tử hình.
Lại còn nghe lời gièm pha của người con
thứ là Dương Quảng phế con trưởng là Thái tử Dương Dũng, lập con thứ là
Dương Quảng làm Hoàng Thái Tử.
Tháng 7 âm lịch năm Nhâm Thọ thứ 4 (604), khi Tùy Văn Đế đang bệnh, bị Hoàng Thái Tử Dương Quảng hại chết, thọ 64 tuổi,
Dương Quảng (楊廣) hay Dương Anh (楊英), tự A
Ma (阿), sau khi giết chính cha ruột của mình là Tùy Văn Đế, để soán
ngôi, xưng là Tùy Dạng Đế (隋炀帝), 569 đến 11/4/618) (có sách viết là Tùy
Dượng Đế).
Sau khi soán ngôi của vua cha, Tùy Dạng
Đế sai Dương Tố, Phan Huy, Trử Lượng, Âu Dương Tuân cùng Nhan Chi Suy,
Ngụy Đạm họp thành nhóm chủ biên, nghiên cứu, viết tiếp Ngụy Thư, đến
khi hoàn tất, có 114 quyển.
Tùy Dạng Đế có công hoàn tất Ngụy Thư
(hay Ngụy Sử), nhưng y sớm trở thành tên bạo chúa. Giết anh ruột nguyên
là Thái Tử bị phế Dương Dũng, rồi giết tất cả con cái của Dương Dũng.
Hãm hại em trai là Dương Tú, Dương Lượng. Bức tử em gái là Công chúa Lan
Lăng. Lại bắt xây thành quách, cung điện ở Đông Đô vô cùng xa xí,…
Về sau Đường Trường Nhụ chủ trì tu chỉnh, nhuận sắc lại bộ Ngụy Thư (Ngụy Sử) mới được hoàn chỉnh như ngày nay.
B. Bộ Tấn Thư của Phòng Huyền Linh và Lý Diên Thọ.
– Tấn thư (晋書) là 1 trong 24 Bộ Chánh Sử
của Trung Hoa, do Phòng Huyền Linh và Lý Diên Thọ biên soạn năm 648, do
lệnh Đường Thái Tông Lý Thế Dân.
Đường Cao Tổ (唐高祖), 566 đến 25 tháng 7
năm 635, tục danh là Lý Uyên (李淵), tự Thúc Đức (叔德), là vị hoàng đế khai
quốc của triều Đường. Ông ở ngôi trên 8 năm (618-626). Trước, Lý Uyên
là tôi thần Nhà Tùy, cai quản khu vực tỉnh Sơn Tây ngày nay.
Lợi dụng khi triều đại Nhà Tùy mục nát,
Năm 617, Lý Thế Dân khuyên cha là Lý Uyên chống lại Nha Tùy. Khởi đầu
đánh chiếm kinh đô Trường An. Xong, Lý Uyên tự phong là "đại thừa
tướng", hưởng tước Đường Vương. Để che dấu ý đồ, Lý Uyên tôn Dương Hựu
lên ngôi làm hình nộm, tức là Tùy Cung Đế.
Tùy Cung Đế 隋恭帝 605-14 tháng 9 năm 619,
tên húy là Dương Hựu (杨侑), là hoàng đế thứ 3 của triều Tùy. Theo truyền
thống, ông được xem là vị hoàng đế cuối cùng của triều đại do là người
đã chính thức thiện nhượng cho Lý Uyên- hoàng đế khai quốc triều Đường,
mặc dù sau đó, Dương Đồng đã xưng đế và tiếp tục tại vị cho đến năm 619.
(Theo Tùy Thư Dạng Đế Truyện chép rằng”: “Ban đầu Dương Hựu được phong
là Trần vương và sau được cải phong là Đại Vương, song trong Cung Đế
Bản Kỷ cải chính rằng Dương Hựu ngay từ lúc đầu đã được phong là Đại
Vương. Tức là Dương Hựu không có thọ chức Trần Vương).
Sau khi cướp ngôi Nhà Tùy, Lý Uyên xưng
đế hiệu là Lý Cao Tổ, phong vợ là Đậu thị làm Thái Mục Hoàng Hậu. Con
trưởng là Lý Kiến Thành làm Đông Cung Thái Tử.
Đậu Thái Mục Hoàng Hậu ở với Đường Cao Tổ
Lý Uyên, có 4 người con trai và một người con gái, theo thứ tự: Lý Kiến
Thành, Bình Dương Chiêu công chúa, Lý Thế Dân, Lý Huyền Bá và Lý Nguyên
Cát.
Lý Thế Dân nghĩ mình có nhiều công lao
với vua cha, nên giành ngôi vị Thái Tử với anh trưởng là Thái Tử Lý Kiến
Thành. Vào ngày 2 tháng 7 năm 626, Lý Thế Dân cho phục kích tại Huyền
Vũ Môn giết chết người anh ruột của mình là Thái tử Lý Kiến Thành và
người em trai ruột là Lý Nguyên Cát.
Biết rõ tâm địa của Lý Thế Dân, Đường Cao
Tổ Lý Uyên (có lẽ sợ chết mà cũng không thể bắt tội con) bèn truyền
ngôi cho Lý Thế Dân.
Đường Cao Tổ Lý Uyên lên làm Thái Thượng
Hoàng, an hưởng tuổi già đến cuối đời. Lý Thế Dân tức vị, xưng đế hiệu
là Đường Thái Tông. Đường Thái Tông (唐太宗), trị vì từ 23 tháng 1-598 đến
10 tháng 7-649. Ông là con trai thứ 2 cũng là người nối ngôi Đường Cao
Tổ Lý Uyên.
Đường Thái Tông là vị vua thứ 2 của triều
đại Nhà Đường. Ông trị vì được 24 năm (626-649) niên hiệu là Trinh Quán
(貞觀). Suốt thời gian tại vị Đường Thái Tông chỉ dùng duy nhất niên hiệu
nầy.
Thuở nhỏ, Lý Thế Dân đã biểu lộ tài hoa,
giỏi thư pháp, âm nhạc, tinh thông thâp bát ban võ nghệ, có tài cầm
quân, thạo binh pháp, rất can đảm, không nề những việc hiểm nguy. Khi
tấn công thì như thác trào nước lũ, ào ạt như vũ bão,… đối phương luôn
kiêng dè, nể sợ.
Lúc 18 tuổi, đã nắm binh quyền, được
nhiều danh tài tìm đến đầu phục. Có những kẻ giàu khả năng, thiện chí
như Lý Tĩnh, Uất Trì Kính Đức, Tần Thúc Bảo, Từ Mậu Công, Trình Giảo
Kim… Ông được xem là Khai Quốc Hoàng Đế, đồng sáng lập nhà Đường với vua
cha là Đường Cao Tổ Lý Uyên.
Đường Thái Tông là một vị vua tài ba, đem
cường thịnh tột đỉnh đến Nhà Đại Đường. Ông được coi là một trong những
vị hoàng đế vĩ đại nhất trong đất nước Trung Hoa, không kém gì các vì
vua như Tần Thủy Hoàng Doanh Chính, Hán Cao Tổ Lưu Bang, Tống Thái Tổ
Triệu Khuông Dẫn.
Bộ Tấn Thư có 132 quyển gồm Mục Lục 1 quyển, Đế Kỷ 10 quyển, Chí 20 quyển, Liệt Truyện 70 quyển, Ký Tái
30 quyển. Phần Mục Lục có 2 quyển, bị mất. Hiện nay chỉ còn lại 130
quyển. Sách kể về lịch sử các sự kiện bắt đầu từ Tư Mã Ý thời Tam Quốc
đến khi Lưu Dụ phế Tấn Cung Đế lập nhà Lưu Tống năm 420, đồng thời sách
còn bổ sung thêm hình thức "Ký Tái" (ghi chép thêm), dùng để tường thuật tình hình chính quyền của 16 nước.
Nhóm tác giả "Tấn Thư" tổng cộng có 21 người bao gồm:
– Ba người trông coi việc tu sửa: Phòng Huyền Linh, Chử Toại Lương, Hứa Kính Tông.
– Tác giả của ba chí Thiên Văn, Luật Lịch, Ngũ Hành: Lý Thuần Phong
– Thể lệ tu sử đã định: Kính Bá (chú thích: không có lưu truyền lại)
16 người khác: Lệnh Hồ
Đức Phân, Lai Tế, Lục Nguyên Sĩ, Lưu Tử Dực, Lư Thừa Cơ, Lý Nghĩa Phủ,
Tiết Nguyên Siêu, Thượng Quan Nghi, Thôi Hành Công, Tân Khâu Ngự, Lưu
Dận Chi, Dương Nhân Khanh, Lý Diên Thọ, Trương Văn Cung, Lý An Kỳ và Lý
Hoài Nghiễm.
Ngoài ra Đường Thái Tông Lý Thế Dân còn viết thêm bốn thiên bàn luận lịch sử trong phần Tuyên Đế Kỷ Tư Mã Ý, Vũ Đế Kỷ Tư Mã Viêm, và hai phần liệt truyện là Lục Cơ, Vương Hi Chi, cho nên mới có tựa đề là “Ngự Soạn” (do vua soạn thảo).
Tam Quốc Chi của Trần Thọ ra đời cùng lúc Hạ Hầu Trạm biên soạn cuốn Ngụy Thư. Sau
khi ông đọc Tam Quốc Chí của Trần Thọ rồi, tự thấy không bằng liền tự
đem đốt bản thảo của mình. Điều nầy cho chúng ta thấy, sự xuất hiện tác
phẩm Tam Quốc của Trần Thọ đã khiến nhiều học giả đương thời nể trọng.
Còn giới quan lại Thục Hán chê Trần Thọ là kẻ vô tình, bất trung, tuyệt
Hán!
Tam Quốc Diễn Nghĩa, được La Quán Trung viết vào đầu Nhà Minh. (Nhà Minh hay triều Minh (明朝) từ 23 tháng 1 năm 1368 đến
25 tháng 4 năm 1644, là triều đại cuối cùng do người Hán trong lịch sử
Trung Quốc. Năm 1368, Hàn Tống Ngô vương Chu Nguyên Chương sau khi tiêu
diệt Trần Hữu Lượng, Trương Sĩ Thành và Phương Quốc Trân cùng các thế
lực quần hùng, cùng năm ngày 4 tháng Giêng âm lịch đăng quang tại phủ
Ứng Thiên, lấy quốc hiệu Đại Minh. Đầu thời kiến quốc, Minh Thái Tổ Chu
Nguyên Chương định đô tại phủ Ứng Thiên (nay là Nam Kinh), đến năm Vĩnh
Lạc thứ 19 (1421), Minh Thành Tổ Chu Lệ dời đô đến phủ Thuận Thiên (nay
là Bắc Kinh) Khoảng cách giữa chánh sử Tam Quốc Chí của
Trần Thọ ra đời với tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung
khoảng trên 1 ngàn năm. Trong thời gian đó bộ chánh sử Tam Quốc Chí đã
được quần chúng lưu truyền và các giới văn học nghệ thuật đã tiếp tay
phổ biến qua hình thức kịch, ca hát, tuồng tích, văn thơ… Tất
nhiên, những thể loại đó được thêm thắt, hư cấu không ít… và La Quán
Trung cũng đã dựa vào các giả thuyết, hư cấu ấy để viết Tam Quốc Diễn
Nghĩa, làm sao tránh khỏi sơ xuất?
Chính việc biên chép Tam Quốc Diễn Nghĩa
của La Quán Trung sai sót, thiếu trung thực, đề cao quá đáng những vật
của Hậu Hán mà đè bẹp những nhân vật chống Nhà Hán. Cho nên, về sau, rất
nhiều người chỉnh sửa, nhuận sắc lại nguyên bản của La Quán Trung cho
đúng sự thật. Những bộ Tam Quốc Diễn Nghĩa ra đời sau đó được lưu trữ
đến ngày nay, gồm có: Tam Quốc Diễn Nghĩa năm Dần với niên hiệu Hoằng Trị đời Minh (1494) / Tam Quốc Diễn Nghĩa năm Nhâm Ngọ với niên hiệu Gia Tĩnh (1522) gồm có 24 cuốn 240 tiết. Những bộ Tam Quốc Diễn Nghĩa đã lưu hành trước đây, nội dung đều có chỉnh sửa, nhưng không khác nhau nhiều.
Bản gốc, Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung so với bản của đời Nhà Nguyên, có những khác biệt:
– Loại bỏ một số phần mê tín, nhân quả báo ứng và những tình tiết hoang đường.
– Viết thêm, nội dung làm cho nội dung bộ truyện them phong phú.
– Tô vẽ tính cách và hình tượng nhân vật cho sâu sắc, đậm nét hơn.
– Nâng cao ngôn ngữ, tăng cường thêm sức hấp dẫn của nghệ thuật.
– Làm nổi bật lên một cách minh bạch và mãnh liệt mang tính văn học.
Tuy nhiên vẫn còn nhiều điều sai sót.
Đến đầu đời Thanh, 1664, Mao Luân cùng con trai là Mao Tôn Cương,
người Tràng Châu tỉnh Giang Tô, bắt đầu tu đính lại truyện Tam Quốc
Diễn Nghĩa. Phải mất 15 năm, đến đời Khang Hy thứ 18 (1678) mới hoàn
tất.
Trọng tâm của Mao Tôn Cương trong việc
chỉnh sử Tam Quốc Diễn Nghĩa gồm thêm bớt, nhuận sắc, sắp xếp lại các
hồi mục, câu đối, câu văn, câu thơ lẫn lộn, lời trùng, sai sót,… và tước
bỏ các chương tấu không cần thiết, dồn 240 tiết vào 120 hồi và thêm vào
đó những lời bàn,… Từ đó bản Tam Quốc Diễn Nghĩa do Mao Tôn Cương nhuận
sắc được lưu truyền rộng rãi.
Đến năm 1958, nhà xuất bản Văn Học Xuất
Bản Xã ở Bắc Kinh lại thêm một lần hiệu đính lại từ bản của Mao Tôn
Cương. Công việc chỉnh sửa, hiệu đính lại lần nầy rất kỹ. Họ dò lại, đối
chiếu từng câu, từng chữ, từng tên riêng với bản của La Quán Trung. Sau
só, đem sửa chữa ấy đối chiếu lại với bản của Mao Tôn Cương để tìm
những chỗ chữ sai, hỏng mà hoàn chỉnh lại. Tóm lại, vẫn giữ gần như
nguyên bản của họ Mao.
Đa số, những bản in gần đây, đều theo bản hiệu đính của nhà xuất bản nầy.
Như vậy, ta có thể hiểu, ban đầu bộ tiểu
thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa do La Quán Trung viết, về sau, Tam Quốc Diễn
Nghĩa trở thành bộ sách của rất nhiều tác giả.
***
Tài liệu tham khảo có trích đoạn:
– Kể chuyện Tam Quốc, của Lê Đông Phương
– Tướng soái cổ đại Trung Hoa, của Trịnh Phúc Điền, Khả Vĩnh Quyết, Dương Hiệu Xuân
– Khổng Minh Gia Cát Lượng đại truyện, của Trần Văn Đức
– Tam Quốc Chí của Trần Thọ.
– Bách Khoa Toàn Thư
– Trần Thọ, Tam Quốc chí, do Bùi Tùng Chi chú
– Kể chuyện Lưỡng Tấn Nam Bắc triều, của Thẩm Khởi
– Kể chuyện Tam Quốc, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2007 của Lê Đông Phương
– Kể chuyện Tần Hán, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2007 của Lê Đông Phương, Vương Tử Kim.
– Tam Quốc bình giảng, Nhà xuất bản tổng hợp An Giang, 1989 của Nguyễn Tử Quang (1989),
– Tướng soái cổ đại Trung Hoa, Nhà xuất bản Lao động, 2006 của Trịnh Phúc Điền, Khả Vĩnh Quyết, Dương Hiệu Xuân
– Kiến Thức net.
– …
Thái Quốc Mưu
(Atlanta, 02-8-2016)
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét