Thứ Ba, 16 tháng 8, 2016

TRẦN THỌ – TÁC GIẢ BỘ CHÁNH SỬ TAM QUỐC CHÍ (Bài 3) – Thái Quốc Mưu


tqc
(Tiếp theo bài 2)
 
“… Tài thừa tướng gấp mười Tào Phi, tất yên định được nhà nước, làm nên việc lớn. Đối với con trẫm, nếu có thể giúp được thì giúp, nếu nó bất tài, hãy tự thay đi!”
Lời của Lưu Bị nói với Khổng Minh trên đây, cho ta thấy ông ta là một “Chúa điếm”. Gởi gắm con cho người, mà lại nói: “Đối với con trẫm, nếu có thể giúp được thì giúp, nếu nó bất tài, hãy tự thay đi!”.
Hãy tự thay đi, có nghĩa là “Hãy giết nó rồi soán ngôi.” Điều nầy đã đặt và buộc Khổng Minh phải có lời thề trung thành với ấu chúa. Cho nên: Chư Cát Lượng khóc và một mực từ chối, thề sẽ trung thành tận tâm với Lưu Thiện đến cùng.

Lưu Bị gọi Lỗ Vương Lưu Vĩnh đến dặn dò các anh em:
“Sau khi ta qua đời, anh em các ngươi phải coi thừa tướng như cha, ngươi phải cố sức cộng sự với ông ta.” Lưu Bị đã cột chặt Khổng Minh vào lời được cho là “lời dặn con nầy!”
Ông gọi Lý Nghiêm đến, dặn giúp Chư Cát Lượng phò ấu chúa. Cùng ngày, Lưu Bị gọi các cận thần lại, tuyên bố việc gửi ấu chúa Lưu Thiện cho Chư Cát Lượng và Lý Nghiêm làm phó cùng phụ chính.
Qua lời Lưu Bị công bố trên đây, cho ta thấy Lưu Bị xứng đáng với danh hiệu “Chúa Điếm”, chẳng khác gì ông ta trói Khổng Minh bỏ vào rọ. Khổng Minh không thê nào phản Lưu Thiện được.
Giữa tháng 6 (sử ghi ngày 24 tháng 4 âm lịch) năm 223, Lưu Bị qua đời tại cung Vĩnh An, thọ 63 tuổi.
Khổng Minh Chư Cát Lượng được cho là kẻ giàu mưu trí, nhưng qua lời trối trăn, gởi gắm, dặn con, ta mới thấy Khổng Minh còn thua xa Lưu Bị.
Trong sử sách và trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa” có thể thống kê được ít nhất 4 lần Lưu Bị có hành động không được xứng tầm với một đại anh hùng, vứt bỏ vợ con, chạy lấy thân mình.
– Lần thứ nhất: Năm Kiến An thứ nhất, khi đó Lưu Bị vừa tiếp nhận ấn soái Từ Châu. “Viên Thuật tới tấn công tiên chủ, tiên chủ chống lại ở Hu Di, Hoài Âm,…” Lưu Bị đành để Trương Phi ở lại phòng thủ Hạ Phì còn bản thân mình thì đem quân chống lại Viên Thuật. Kết quả Tào Tháo cấu kết với Lã Bố tấn công Hạ Phì, “Bố bắt vợ con Lưu Bị làm tù binh”.
Lưu Bị không còn cách nào, chỉ còn cách đồng ý giảng hòa cùng Lã Bố, “Bố mới thả vợ con (Lưu Bị) về”.
– Lần thứ 2: Nhằm năm Kiến An thứ ba, do cuộc tấn công của Lã Bố ở Từ Châu, Lưu Bị chỉ còn biết đóng quân ở đất Tiểu Bái. Trong thời gian này Lưu Bị những muốn tập hợp lực lượng tìm Lã Bố trả thù. Không ngờ rằng lần tái chiến này lại tiếp tục gặp phải thất bại đành chạy đến chỗ Tào Tháo. Tào Tháo đối đãi ông ta cũng chẳng bạc, phong ông ta làm Dự Châu mục.
Nhưng Lưu Bị không cam tâm, chuẩn bị tới huyện Bái để thu thập tàn quân, những mong rửa mối nhục cũ. Tào Tháo cũng ủng hộ, cấp cho Lưu Bị quân lương, phái quân đội theo ông ta tìm Lã Bố phục thù. Kết quả là Lưu Hoàng thúc không chịu thua kém ai lại bị bại dưới tay bộ tướng của Lã Bố là Cao Thuận. Cao Thuận “lại bắt được vợ con tiên chủ đưa về cho Lã Bố”.
Cuối cùng chính Tào Tháo phải thân chinh đánh Lã Bố. Sách “Tam Quốc Chí” chép: “Tào công tự mình thân chinh, giúp tiên chủ vây Lã Bố ở Hạ Phì, bắt sống được Bố”. Chỉ tới lúc này, Lưu Bị mới có thể đem vợ con về.
– Lần thứ 3: Năm Kiến An thứ 5, Lưu Bị không cam tâm dưới trướng Tào Tháo, mượn cớ Viên Thuật mâu thuẫn với Tào Tháo mà đánh chiếm Hạ Phì vốn đã thuộc về Tào Tháo.
Tào Tháo không thể tha thứ bèn đem quân đánh Lưu Bị. Lần này lại thêm một lần mất mặt. Chưa giao chiến, chỉ mới thấy cờ quân Tào đã hoảng sợ không còn con đường lựa chọn nào khác “bỏ dân mà chạy”. Kết quả là Tào Tháo lại “bắt được thê tử của tiên chủ, đồng thời bắt sống cả Quan Vũ”.
– Lần cuối cùng và cũng là thứ 4: Vào năm Kiến An thứ 13, trong chiến dịch Trường Bản, Lưu Bị “bỏ vợ con, cùng Chư Cát Lượng, Trương Phi, Triệu Vân,… khoảng hơn mười người ngựa bỏ chạy”. Cam phu nhân và A Đẩu may mắn được Triệu Vân bảo vệ mới thoát khỏi kiếp nạn.
Như vậy, Lưu Bị bốn lần li tán cùng gia đình, trong đó, Lã Bố bắt hai lần, Tào Tháo bắt hai lần.
***
Khi Trần Thức kéo tàn quân về, Khổng Minh xét thấy Trần Thức trái quân lệnh, truyền chém đầu thị chúng. Tuy nhiên, có sách mô tả Trần Thức chỉ bị Chư Cát Lượng xử tội khôn hình để răn đe (khôn hình là cạo sạch một bên đầu, hay cạo trọc đầu, mục đích để làm nhục!) Chính sự kiện nầy khiến cho con của Khổng Minh là Chư Cát Chiêm mỗi khi gặp Trần Thọ mới khinh khỉnh lộ vẻ coi thường…
Về cái chết của Trần Thức, người viết mạo nghĩ, có thể ông bị xử tử chính xác hơn, vì Khổng Minh thà giết Trần Thức chứ chẳng dại gì làm nhục để gây thù chuốt oán về sau.
Việc Khổng Minh chỉ biết giết tướng nhà khi bại trận, cho ta thấy Không Minh chỉ biết dùng bá đạo để trị quân.
Một chứng minh khác cho thấy, Trần Thức bị Khổng Minh giết chết đúng hơn dùng khôn hình để trị tội ông, là khi Thục Hán sắp mất về tay Nhà Tấn, Trần Thọ vì thù cha (qua việc Khổng Minh giết cha ông), nên Trần Thọ không hề luyến tiếc trào Thục Hán. Trong khi, ngay khi đó, Quan Tư Không Nhà Tấn là Trương Hoa mới gặp Trần Thọ đã ái mộ tài năng nên liền giới thiệu Trần Thọ cho vua Tấn, và vua Tấn liền cho Thọ làm quan Nhà Tấn.
Ngoài ra, khi viết về Khổng Minh Chư Cát Lượng, ở quyển thứ 35, Trần Thọ hạ bút viết về Khổng Minh, “Danh quá kỳ thực.” (tiếng tăm vượt quá tài năng). Nhận xét của Trần Thọ vế Chư Cát Lượng rất chính xác. Có điều, Trần Thọ đã là nhân vật được mọi người cho là bậc chính nhân quân tử, mà xử sự trong việc phê phán Khổng Minh như vậy, chắc chắn dễ gây ngộ nhận rằng, chỉ vì hận thù cá nhân với Khổng Minh mà Trần Thọ mới xét đoán như thế.
Ngoài bộ Tam Quốc Chí Trần còn soạn bộ Cổ Quốc Chí gồm 50 thiên và Ích Đô Kỳ Cựu Truyện gồm 10 thiên.
Đánh giá tác phẩm Tam Quốc Chí, Phòng Huyền Linh (房玄齡) tên tục Kiều, tự là Huyền Linh; 579–648, người Sơn Đông, khi còn nhỏ cần cù, thông minh, thạo kinh sách năm 15 tuổi (594) đỗ Tiến sĩ, nhận chức Vũ Kỵ Úy và sau đó được thăng chức Thị Lang bộ Lại. Tể tướng và Tể phụ vua Đường Thái Tông. Ông còn được gọi là Lương Văn Chiêu Công. Ông là người chủ biên của Tấn Thư – một trong 24 bộ chính sử Trung Hoa, đã khen Trần Thọ: “Người đương thời khen Thọ là giỏi kể chuyện, có tài viết sử.”
***
* Chư Cát Chiêm:
Năm 234, sau khi Khổng Minh chết ở Ngũ Trượng, Hậu Chúa Lưu Thiện (con Lưu Bị) hoàng đế thứ hai cũng là sau cùng của Nhà Thục Hán, nhớ ơn và công lao Chư Cát Lượng bèn phong cho Chư Cát Chiêm làm Vũ Lâm Trung Lang Tướng, rồi Thanh Xạ Hiệu Uý, Thị Trung, Thượng Thư Bộc Bạ, gia thêm chức Quân Sư Tướng Quân, tước Vũ Hương Hầu. Và, gã công chúa cho Chư Cát Chiêm.
Chư Cát Chiêm (諸葛瞻), 217–263, tự Tử Viễn, người quận Lang Gia, Thanh Châu (nay thuộc huyện Nghi Nam, Sơn Đông, Trung Quốc), là con trai trưởng và cũng là con trai thứ của Khổng Minh với Hoàng Tố, tự Hoàng Nguyệt Anh. Bởi, trước khi Hoàng Nguyệt Anh sinh Chiêm, Khổng Minh đã đem con của Chư Cát Cẩn là Chư Cát Kiều, về làm con nuôi. Sau khi Chư Cát Kiều mất, con là Chư Cát Phần trở về Đông Ngô.
Hoàng Tố, tự Hoàng Nguyệt Anh, 188-255, là một trong năm người phụ nữ tài danh nhưng, xấu nhất trong lịch sử Trung Hoa (y thị nằm trong Ngũ Xú Trung Hoa). Bà là con gái của danh sĩ Hoàng Thừa Ngạn. Truyền thuyết dân gian cho rằng Hoàng Nguyệt Anh có tài thao lược, thường cùng Khổng Minh bàn thảo mưu cơ.
Tương truyền, Chư Cát Chiêm thông minh từ nhỏ, lúc trưởng thành giỏi thư họa, do đó, trở nên kiêu kỳ, cao ngạo ngất trời. “Nhưng, một lòng trung quân ái quốc (?).”
Ở trận Miên Trúc, Chư Cát Chiêm bị tướng Đặng Ngãi truy đuổi, bị quân Ngụy bắn trọng thương, nhào xuống đất rồi than: “Sức ta đã cạn rồi, xin đem cái chết này để báo ơn nước.” nói xong rút gươm tự tử.
Một người bị trọng thương thì, không thể nào còn sức lực để tự dùng gươm đâm mạnh vào ngực mình đến chết. Có thể, giới quần thần Thục Hán do ái mộ Khổng Minh Chư Cát Lượng – nên tạo cho dòng họ Chư Cát – cụ thể là Chư Cát Chiêm, một cái chết giàu lòng dũng cảm và giàu tinh thần ái quốc!
Trong tập Di Động Tạp Ký của Tôn Thịnh chép rằng: “Chư Cát Chiêm và Đổng Quyết thấy Khương Duy chinh chiến nhiều khiến quốc lực suy kiệt, triệu về làm Thứ sử Ích Châu, bổ Dương Vũ ra thay. Về sau Thường Cừ mới kể lại rằng: “Trần Thọ từng làm thư lại cho Chiêm, bị Chiêm làm nhục, cho nên nhân việc đó đổ tiếng ác cho Hoàng Hạo, mà nói rằng Chiêm không chỉnh đốn được triều chính.”
Câu chuyện trên, cho ta biết Thường Từ chỉ là bọn vô danh tiểu tốt, chỉ nói càng, nói bừa vô căn cứ, hoặc có thể y cùng phe cánh với hoạn quan Hoàng Hạo nên tố khổ người lương chính như Trần Thọ. Chúng ta hãy nghe Chư Cát Thượng, trước khi chết than: “Cha con ta chịu trọng ân của quốc gia, chẳng sớm chém Hoàng Hạo, để sau cùng phải nghiêng ngửa bại vong, còn sống để làm gì!” Lời than tự trách của Chư Cát Thượng, đủ đế chứng minh Hoàng Hạo là kẻ lộng hành.
* Hoạn quan Hoàng Hạo:
Hoàng Hạo (?-?) là một hoạn quan phục vụ Lưu Thiện, khoảng những năm 220. Theo Tam Quốc Chí của Trần Thọ, “Hoàng Hạo được Lưu Thiện ưa thích do có tài xu nịnh, nhân đó muốn tham dự triều chính. Đổng Doãn thường nghiêm sắc mặt khuyên can Lưu Thiện không nên trọng dụng Hoàng Hạo, đồng thời quở trách Hạo, khiến Hạo sợ hãi, không dám làm trái. Khi Đổng Doãn còn sống, chức vụ của Hoàng Hạo chỉ là Hoàng Môn Lệnh (黃門令).”
Sau Hoàng Hạo làm Phụng Xa Đô Úy, nắm hết quyền hành, làm nghiêng đổ triều đình Thục Hán. Đại tướng quân Khương Duy nhiều lần đem quân đánh Ngụy không thành công, Hữu đại tướng quân là Diêm Vũ âm mưu cùng Hoàng Hạo muốn cách chức Khương Duy để Diêm Vũ thay chân vào đó.
Khương Duy ghét Hoàng Hạo chuyên quyền, bẩm với Lưu Thiện muốn giết đi. Lưu Thiện nói: “Hạo chỉ là đứa tiểu thần để sai khiến, trước đây Đổng Doãn cứ nghiến răng căm tức, ta vẫn hận việc ấy. Ngươi cần gì phải để ý.” Lời của Lưu Thiện đúng là lời lẽ của một tên hôn quân, mê muội!
Năm 263, Tư Mã Chiêu sai hai tướng Ngụy là Chung Hội và Đặng Ngải mang quân đánh Thục. Khương Duy dâng biểu cấp báo với Lưu Thiện yêu cầu quân Thục phòng bị, Hoàng Hạo bèn mời đồng cốt đến, nói rằng quân Ngụy sẽ không tới, bảo Lưu Thiện cứ gối cao đầu mà ngủ, quần thần không hề hay biết gì. Đến khi quân Ngụy tiến sát, Lưu Thiện phải mời cha con Chư Cát Chiêm, Chư Cát Thượng ra chống cự ở Miên Trúc nhưng thất bại.
Trong Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa, La Quán Trung viết: “Khi Hoàng Hạo theo Lưu Thiện đến Lạc Dương, Hoàng Hạo liền bị Tư Mã Chiêu bắt xử tội lăng trì.”
TQC 1
Hai cái chết của Chư Cát Thượng và Hoàng Hạ, cho ta thấy: Cái chết của Chư Cát Thượng tiếng thơm để lại đời đời. Còn cái chết của Hoàng Hạ thì đời sau sẽ thốt lên hai tiếng “Đáng đời!”
Làm người hãy sống sao cho “người ra NGƯỜI” khác với những kẻ mang danh NGƯỜI nhưng chẳng phải người là vậy!
Ngoài ra, sau khi Đặng Ngải chiếm được Thành Đô, Lưu Thiện đầu hàng, Đặng Ngải nghe tiếng Hoàng Hạo gian hiểm, bắt muốn giết đi, Hoàng Hạo hối lộ nhiều cho bộ hạ của Đặng Ngải nên thoát chết.
Cuộc đời của Hoàng Hạo cho ta thấy, ở đời hễ ai có cách sống lương thiện, thật thà, đãi người bằng trái tim chân chính,… thì dù là kẻ thù của quốc gia kẻ ấy cũng tôn trọng họ. Còn kẻ nào giả nhân, giả nghĩa, đạo đức mồm, thuộc loại “Chúa Điếm” cho dù cố tạo dáng bên ngoài để che đậy sự dã tâm, lòng nham hiểm trước sau gì người đời cũng biết, cũng tránh xa… thậm chí kẻ thù của đất nước kẻ ấy cũng chẳng dung tha nó.
* Hán Hoài Đế Lưu Thiện
Lưu Thiện (刘禅), 207-271, tự A Đẩu (阿斗), tước An Lạc Tư Công (安樂思公), tự là Công Tự (公嗣), thụy là Hán Hoài Đế (懷帝), là con của Lưu Bị với Cam phu nhân, là hoàng đế thứ hai và cũng là cuối cùng của Nhà Thục Hán.
Lưu Thiện cho lập Trương thị trẻ tuổi, hiền hậu. Trương thị là con gái của Trương Phi, người em kết nghĩa cùng Lưu Bị làm hoàng hậu và sai Thượng Thư Lang Đặng Chi sang giảng hòa với nước Ngô sau mấy năm chiến tranh. Từ đó hai nước lập lại hòa hảo.
Năm 292, Đặng Ngải đưa quân phá tan quân Thục ở Hầu Hòa, quân Thục bị tổn thất nghiêm trọng. Sau đó, Khương Duy dung chiến thuật “Dương Đông Kích Tây”, đánh bại Đặng Ngải, chiếm được 9 trại Kỳ Sơn, đồng thời chuẩn bị quân mã tấn công Trường An.
Thấy tình thế bất lợi, Đặng Ngải sai người đem châu báu mua chuộc Hoàng Hạo, Hạo khuyên Lưu Thiện triệu Duy về. Hoàng Hạo khoe tài muốn ra thay Khương Duy nên Lưu Thiện sai sứ hai ba lần đến thúc giục Khương Duy lui binh. Khương Duy đành phải lui về. Hoàng Hạo sau đó lại xin Lưu Thiện rút lại lệnh xuất quân. Khi Khương Duy về triều thì không được Lưu Thiện cho gặp.
Khương Duy thấy Hoàng Hạo chuyên quyền, xin Lưu Thiện giết đi. Lưu Thiện nói: “Hạo chỉ là đứa tiểu thần để sai khiến, trước đây Đổng Doãn cứ nghiến răng căm tức, ta vẫn hận việc ấy. Ngươi cần gì phải để ý”. Rồi sai Hoàng Hạo đến tạ tội Khương Duy, Nhưng, Khương Duy sợ Hoàng Hạo sau nầy sẽ trả thù, để tránh hậu hoạn Khương Duy xin Lưu Thiện đến Đạp Trung lập đồn điền để dưỡng già. Cuộc Bắc chinh chấm dứt.
Năm 263, Tướng nước Ngụy là Tư Mã Chiêu muốn đánh Thục Hán, bèn sai Đặng Ngải cùng Chung Hội dẫn đại quân đánh Thục. Khương Duy đang ở Đạp Trung được tin, bèn viết biểu về triều, đề nghị Lưu Thiện điều động Trương Dực, Liêu Hóa bảo vệ Dương An và Âm Bình. Nhưng Lưu Thiện tin theo Hoàng Hạo, không nghe theo Khương Duy, nên không phòng thủ. Khi quân Đặng Ngải sắp đến Đạp Trung, Chung Hội sắp vào Lạc Cốc, Thục Hán mới truyền cho Trương Dực, Đổng Quyết sai Dương An lập trại ngăn chận.
Tháng 10 năm 263, Đặng Ngải cho tiến quân theo đường núi Âm Bình, vượt qua Cảnh Cốc, đánh nhau với tướng Thục là Chư Cát Chiêm (con trai của Chư Cát Lượng) và con của Chư Cát Chiêm là Chư Cát Thượng ở Miên Trúc. Ngải đem quân đi lẻn về phía Âm Bình Sơn, một vùng núi non hiểm trở, nơi mà quân Thục không phòng bị.
Quân Ngụy vượt qua khỏi 800 dặm đường núi hoang vắng, xuống đồng bằng phá thành Miên Trúc. Đặng Trung và Tư Mã Sư Toản đưa hai cánh quân tả hữu ra giao chiến với Chư Cát Chiêm, gặp bất lợi định quay về. Đặng Ngải không chịu và phái trở lại tham chiến. Lần này quân Ngụy giết chết cha con Gia Cát Chiêm vào thẳng Thành Đô.
Một dặm Tàu cũ có 444.00 mét x 800 dặm = 355.52 km. / Về sau, 1 dặm Tàu có 500 mét x 800 dặm = 400 km. / Còn 1 dặm Anh có 1.609.3 mét x 800 dặm = 1.287.44 km. Người viết không biết La Quán Trung viết chiều dài của dặm nào? 
Tại Thành Đô, Lưu Thiện nghe theo lời của Tiều Chu và Đặng Lương, muốn ra hàng quân Ngụy. Bắc Địa Vương Lưu Kham cầu xin tiếp tục giao chiến nhưng Lưu Thiện không chịu. Lưu Kham tuyệt vọng, giết cả gia quyến rồi tự sát.
Lưu Thiện, Trương Thiệu, Tiều Chu và Đặng Lương mang thư đến doanh trại Đặng Ngải xin hàng. Nước Thục diệt vong.
Đặng Ngải bái Lưu Thiện làm Phiêu Kị Tướng Quân và cho đưa ông về Lạc Dương. Ông viết thư khuyên Khương Duy đầu hàng. Khương Duy trá hàng và dụ Chung Hội tạo phản để chống lại Tư Mã Chiêu, nhưng không thành rồi bị giết.
Lưu Thiện được đưa về Lạc Dương, kinh đô Nhà Ngụy. Triều đình Nhà Ngụy phong cho ông làm An Lạc Huyện Công. Tuy vậy, Tư Mã Chiêu vẫn đề phòng Lưu Thiện.
Theo Hán Tấn Xuân Thu, một hôm Chiêu mời Lưu Thiện  cùng các quan viên cũ của Thục, đến phủ mình dự tiệc. Trong buổi tiệc, Tư Mã Chiêu cho cung nữ múa các điệu múa ở nước Thục, nhiều quan lại trước kia của nước Thục cảm động khóc. Nhân đó, Tư Mã Chiêu hỏi Lưu Thiện “…  có còn nhớ đất Thục không?” Lưu Thiện đáp: “Ở đây rất vui! Tôi không còn nhớ gì đến đất Thục nữa.”
Khước Chính ngồi nghe thấy lời của Lưu Thiện thì không hài lòng và khuyên Lưu Thiện, nếu Tư Mã Chiêu còn hỏi thì nên nói rằng: “Mồ mả tổ tiên vẫn còn ở Lũng Thục, chẳng ngày nào mà không nhớ!”
Lát sau Tư Mã Chiêu lại hỏi, Lưu Thiện đáp y như vậy. Chiêu bèn bảo: “Sao giống lời Khước Chính thế.” Tư Mã Chiêu đúng là người xét việc như thần.
Lưu Thiện thất kinh, thú thật! Mọi người xung quanh đều chê cười tên vua sớm mất nguồn cội nầy! Năm 271 đời Thái Thủy Nhà Tấn, Lưu Thiện mất.
Lưu Thiện chết để lại hai người vợ và 8 người con. Hai bà vợ của Thiện là: Vương Quý Nhân và bà vợ thứ hai là Lý Chiêu Nghi. Đặc biệt, bà Lý Chiêu Nghi, tự sát khi nước Thục Hán đầu hàng Nhà Tấn. Thời nào cũng có những vị nữ anh thư tiết liệt. Cái chết của bà Lý Chiêu nghi đáng quý làm sao!
tam-quoc-chi---vien-ngoc-quy-trong-thu-phong-11-160120
Đến sau thế kỷ thứ III, Nhà Tấn rối loạn bởi Tám vị vương vốn là tôn thất Nhà Tấn tranh quyền, gây bạo loạn (gọi là Loạn Vĩnh Gia), gồm: Sở Vương Tư Mã Vĩ (con thứ 5 của Tấn Vũ Đế) / Nhữ Nam Vương Tư Mã Lượng (con thứ 4 của Tư Mã Ý, vào hàng chú của Tấn Vũ Đế, ông của Tấn Huệ Đế) / Triệu Vương Tư Mã Luân (con thứ 9 của Tư Mã Ý, em của Tư Mã Lượng) là người tham vọng nhất, từng phế Huệ Đế Tư Mã Trung để làm vua, nhưng bị các vương khác xúm lại đánh, buộc phải tự vẫn năm 301 / Tề Vương Tư Mã Quýnh (con của Tư Mã Du – em của Tấn Vũ Đế. Du từng được Tư Mã Chiêu cho Tư Mã Sư làm con nuôi) / Thường Sơn Vương Tư Mã Nghệ (sau là Trường Sa Vương – cháu thứ 6 của Tấn Vũ Đế) / Thành Đô Vương Tư Mã Dĩnh (con thứ 16 của Tấn Vũ Đế) / Hà Gian Vương Tư Mã Ngung (cháu của Tư Mã Phu – em của Tư Mã Ý) / Đông Hải Vương Tư Mã Việt (cháu của Tư Mã Ý).
Vì “Loạn Vĩnh Gia”. Dòng Thục Hán bị dứt điểm. Tuyệt tự!
* Khước Chính:
Khước Chính (郤正), có tài liệu chép là Khích Chính (hay Chánh) tự Lệnh Tiên, tục danh là Toản, người Yển Sư, Hà Nam, mất Cha sớm, mẹ tái giá, phải sống tự lập, nghèo mà hiếu học, đọc đủ các sách. Lớn lên được vào triều làm thư lại (như thơ ký ngày nay), rồi Lệnh Sử, thăng chức Lang, rồi làm Lệnh. Khích Chánh không tham danh lợi, phú quý, thích văn chương, tìm tất cả sách nổi tiếng mua đọc, dù vất vả thế nào cũng cố tìm cho được. Có lần đến tận Ích Châu để tìm sách mua.
Khước Chính làm việc ở triều Thục Hán 30 năm, biết Hoàng Hạo từ khi ông ta còn là tên hoạn quan tầm thường. Đến khi Hạo lộng quyền, Hạo không ưa thích Khước Chính mà cũng không ghét.
Năm Cảnh Diệu thứ 6 (263), Khích Chính nhận lệnh Lưu Thiện viết thư xin hàng Ngụy. Năm sau, Hậu Chúa Lưu Thiện theo Tư Mã Chiêu về Lạc Dương, chỉ có Khích Chính và Điện Trung Đốc Trương Thông, người Nhữ Nam, bỏ vợ con ở lại đất Thục, đi theo hầu vua cũ (Lưu Thiện) đến Lạc Dương. Hậu thế đều ngợi khen Khích Chính và Trương Thông về lòng trung thành.
Trên đường sang Ngụy, Lưu Thiện được Khước Chính chỉ dẫn nhiều điều hay, nên than thở: “Phải chi ta sớm biết nghe lời ông thì đâu có bị như ngày hôm nay.” người đương thời nghe được khen ngợi Khước Chính vô cùng.
Ở Lạc Dương, Khích Chính được ban tước Quan Nội Hầu, rồi An Dương Lệnh. Năm Thái Thủy thứ 8 (273) có chiếu thư rằng: “Khước Chính xưa ở Thành Đô, giữa buổi nhiễu nhương mà vẫn giữ nghĩa, không mất trung tiết, đến khi được dùng, tận tâm làm việc, có thành tích trị lý, nên ban cho (Khước) Chính làm Ba Tây Thái Thú.”
Năm Hàm Ninh thứ 4 (278), Khước Chính mất, để lại đời sau nhiều trước tác đến vài trăm thiên văn chương.
***
* Tư Mã Chiêu
Tư Mã Chiêu (司馬昭), 211-265, tự Tử Thượng (子上), em của Tư Mã Sư, (司馬師), 208-255, Chiêu là con thứ hai của Tư Mã Ý, (司马懿) 179-7/9/251. Tư Mã Ý là con của Kinh Triệu Doãn Tư Mã Phòng, trào Đông Hán. Tư Mã Chiêu là tướng Nhà Ngụy thấy triều đình Thục Hán suy sụp, không bỏ lỡ thời cơ, năm 263, Chiêu dẫn 3 đạo tinh binh, thế như chẻ tre, tiến vào Hán Trung, thẳng vô Thành Đô giật sập Nhà Thục Hán. Nhà Thục Hán cáo chung.
Tào Phi (曹丕), 187 đến 29 tháng 6 năm 226, tự Tử Hoàn (子桓), sinh ở huyện Tiêu, nước Bái thuộc Dự Châu, ông là con thứ hai của Tào Tháo và là anh của Nhà thơ Tào Thực. Mẹ người họ Biện.
Tào Thực (曹植), 192-232, tự Tử Kiến (子建), là con thứ 3 của Tào Tháo. Ông cùng nơi sanh với anh trưởng là Tào Phi. Tào Thực một nhà thơ nổi bật trong giới văn nhân thời Kiến An. Kiến An là niên hiệu của Hán Hiến Đế.
Hán Hiến Đế (汉献帝), tục danh Lưu Hiệp, tự Bá Hòa (伯和), (181 đến 21/4/234, trị vì trên 11 năm từ 189 đến 25/11/220, niên hiệu Kiến An, là vị Hoàng đế thứ 14 của Nhà Đông Hán cũng là hoàng đế cuối cùng của Hán triều. Ông ở ngôi vào thời Hán mạt, đất nước hỗn loạn, quan chức tranh nhau tham ô của công, bốc lột dân lành, mua quan bán chức, tranh quyền đoạt lợi, trộm cướp dẫy đầy, trăm họ đói nghèo, dân tình vô vàn thống khổ, thán oán.
Văn Học Kiến An có 7 người nổi danh nhất, được người đương thời tặng danh hiệu “Kiến An Thất Tử”, gồm: Khổng Dung, Nguyên Vũ, Trần Lâm, Từ Cán, Lưu Trinh, Vương Sán và Ứng Dương (theo Dịch Quân Tả thì là Ứng Sướng). Nếu tính luôn “Tam Tào” gồm: Tào Tháo, Tào Phi, Tào Thực. Và đặc biệt là nữ sĩ...
 
 (Xin mời quý độc giả xem tiếp bài 4)
 
TQM

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét