Thứ Tư, 3 tháng 8, 2016

Mưa bóng mây – Truyện ngắn Nguyễn Thị Mây

                                                                               
          Nhà tôi ở ngoại ô thành phố. Nơi có những hàng cây xòe tán rộng, ruộng lúa mênh mông và khoảng trời bao la trong lành, thoáng đãng. Nhưng nghèo và quê mùa hơn vùng nội ô.
          Dù vậy, mấy nhỏ bạn học của tôi cũng thích mê. Chúng thường sang thăm tôi  để được hít thở không khí trong sạch, không chút ô nhiễm. “ Những lá phổi xanh” đã lọc bớt chất độc cho những lá phổi đỏ tha hồ khỏe khoắn. Thục Trinh, Thu Đông và Liên Chi còn chê tôi ngu, chẳng biết mắc võng như “ trong rừng Trường Sơn” để …học bài, có ao đầm mà không chịu cắm câu! Và chim hót véo von, vui đến lạ mà lỗ tai chẳng  chịu thưởng thức. Có là …tai trâu mới vậy. Làm sao tụi nó hiểu được những thứ đó tôi đã thưởng thức  từ hồi mới lọt lòng đến giờ. Chúng đã trở nên thân thuộc và thấm đẫm vào tôi như máu chảy khắp cơ thể. Tôi không bao giờ quên mình đã được nuôi dưỡng và lớn lên trên mãnh đất nầy. Tôi đâu chối bỏ quê hương. Nhưng ai ngăn được những háo hức tìm kiếm, khám phá điều mới lạ. Từ khu phố đông đúc, những con đường tráng nhựa bóng loáng, thênh thang, hai hàng trụ điện đứng song song, mỗi cái giữ một bóng đèn tròn ngộ nghĩnh, giống như vầng trăng mười sáu nhưng ánh sáng đẹp và tỏ hơn. Ở đó lại có ngôi trường tôi đang học, cho tôi lớn thêm nhờ tri thức và còn biết bao kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi học trò. 


                    mưa bóng 
 
          Tôi thích đến nhà Thục Trinh để ngơ ngác nhìn cái cổng sắt kiên cố có gắn chuông điện. Ngôi nhà nhiều tầng đứng sau hàng phượng vĩ, nhô đầu lên cao hơn ngọn cây như đùa nghịch. Mấy ô cửa trên đó luôn đóng kín. Nắng không chui vào được, trong nhà âm âm, u tịch lạ lùng. Nó tựa như một lâu đài cổ kính. Hoặc tôi ghé vào nhà Liên Chi nằm lọt thỏm  trong chợ. Ở đó, tôi mặc tình ngắm hàng hóa bày la liệt, người qua, kẻ lại, tiếng nói, tiếng cười rộn rã. Thỉnh thoảng chen lẫn những trận cãi vã. Tôi và lũ bạn tha hồ vui rồi buồn, tức tối, hồi hộp hoặc lo lắng.
          Trong nhóm, Thu Đông nghèo nhất. Ngôi nhà gạch tuy lớn gấp đôi nhà tôi nhưng bước vào chật chội, tù túng làm sao! Từ trước ra sau, chỗ nào cũng có giường. Năm cái giường cả thảy . Một cái dành cho ba mẹ Thu Đông. Bốn cái kia tám đứa em nó làm chủ. Còn Thu Đông phải chạy tuốt lên gát xép, trải chiếu trên sàn ván. Làm chị hai thì phải vậy. Ở đó chẳng khác gì một cái  kho chứa đồ cũ tạp nhạp.Những chiếc ghế ba chân, hai cái bàn gãy, một rương quần áo cũ và hàng trăm thứ linh tinh khác được dồn vào một góc. Phần còn lại khoảng bốn mét vuông thì thuộc về Thu Đông. Đây là giang sơn của nó.  Ngay khung cửa sổ nhỏ chỉ bằng tấm lịch, Thu Đông kê tấm ván lên trên hai chồng tập cũ, làm thành cái bàn cho góc học tập. Thu Đông ngồi xếp bằng ghi chép, trông như một cô gái Nhật Bản đang học hành. Tôi cũng mê căn gác. Ở đó, hai đứa tha hồ nằm dài, gác chân lên nhau rì rầm học. Mặc dù những phút thảnh thơi kéo dài không lâu. Chốc chốc, Đông lại phải sầm sập chạy xuống nhà để phân xử, giải hòa khi bầy em đánh nhau. Hoặc ra sau bếp trông chừng nồi nếp dùng kháp rượu khi mẹ bạn đi chợ. Đây là cách làm kinh tế phụ của gia đình để góp vào tiền lương của ba Đông nuôi bầy con chín đứa, chưa kể bốn con heo lứa …phải ăn hèm.
          Tuy sống rất vất vả nhưng Thu Đông vẫn lạc quan, yêu đời. Nhìn mấy chú heo không chuồng trại cố định  mặc tình đi lại luôn tuồn trong nhà như …chủ, đôi khi chúng nằm ườn giữa cửa cái, Đông cười và bảo:
– Hình như chúng say rồi mầy ơi! Vừa chén sạch một nồi hèm.
Đông còn ngân nga :
– Người say mặt mũi đỏ gay. Heo say, heo cũng lăn quay, ai cười!
– Sao hai bác không làm một cái chuồng heo?
– Làm ở đâu? Không lẽ trên đầu tao. Có chỗ nào trống, mầy chỉ đi?
Quả thật, chật chội đến nghẹt thở nhưng tôi vẫn thích đến đây và thân thiết với Thu Đông hơn hết. Gần nó, tôi hiểu ra rằng trong hoàn cảnh nào, dù khó khăn mấy mà có nghị lực thì không việc gì phải sợ. Thu Đông vừa ẵm em vừa học bài vừa trông chừng bếp lửa cho nồi rượu. Vậy mà khi lũ bạn ngõ lời tội nghiệp là nó gạt phắt:
- Thôi đi! Đừng có làm nãn chí cô nương.
Thục Trinh lè lưỡi:
– Tao mà như mầy, tao khóc một ngày mười bận.
Thu Đông nhún vai, những sợi tóc dài buộc gọn sau ót đung đưa :
– Khóc giải quyết được gì? Vừa mất công hĩ mũi vừa phải giặt thêm chiếc khăn tay, càng khổ.
– Sao mầy cứng rắn đến thế? Tụi tao phục mầy sát đất!
Chúng tôi đã lầm. Thật ra, Thu Đông mềm như lá cỏ. Trái tim bao dung , rộng mở của nó  dễ bị lung lay hơn ai hết. Nhỏ bạn hiền hậu của tôi đã bị một cú “sét đánh” lăn quay. Bắt nguồn từ chuyện thích môn văn, yêu thơ ca  mà ra.
          Khi nghe tôi thông báo:
– Ê, tụi bây, cái quầy báo ở chân cầu vừa xuất hiện một tập thơ.
Cả bọn nhao nhao:
– Thơ tình hay thơ … con cóc?
– Thơ tình một trăm phần trăm. Nội nghe cái tựa cũng biết: “Những ngày tháng yêu và chết”.
          Liên Chi bật cười:
– Vậy ai dám yêu!
Thục Trinh giảng giải:
– Chúng mầy không nghe người ta hát sao? “Tình yêu như trái phá, con tim mù lòa. Một mai thức dậy, chợt buồn như lá cây…”
          Thu Đông lặng yên, mắt nhìn xa xăm. Thấy vậy, tôi hỏi:
– Mầy làm sao vậy?
Thu Đông tuyên bố:
– Tao sẽ yêu và … chết!
Chúng tôi cười rũ ra, Liên Chi hỏi:
– Nhưng mầy yêu ai cơ chứ?
– Tao sẽ yêu … nhà thơ ấy!
– Nhưng lỡ ông ấy không yêu mầy thì sao?
– Thì tao sẽ chết!
Tôi xua tay:
– Thôi đi, yêu kiểu đó vắn số lắm.
Thục Trinh tỉnh queo:
– Tụi bây đừng lo, ổng làm sao mà quen với nó mà yêu rồi chết.
– Tao sẽ làm quen với ổng – Thu Đông lại thông báo tin … rùng rợn.
Tôi thắc mắc:
– Quen bằng cách nào?
– Mua tập thơ ấy.
Chiếc cầu vắt ngang dòng sông, thả con dốc dài ra hai phía như một gạch nối giữa đôi bờ. Mỗi lần qua cầu tôi thường bước chầm chậm, hít đầy lồng ngực chút hơi hướm của biển lùa theo gió vào tận đây. Đôi khi, tôi cùng lũ bạn dừng hẳn lại, tựa vào thành cầu, nhìn theo triều nước. Sóng nhấp nhô, đục ngầu đẩy đưa vài cụm lục bình hoa ngan ngát tím. Mấy chiếc thuyền con lững lờ phía xa. Thu đông mê chiếc cầu này lắm nhưng bây giờ,  nó tuyên bố;
– Tao yêu cái quầy sách báo ở cuối con dốc cầu hơn.
Cái quán mới mọc lên khoảng một tháng nay thôi. Nó nằm lọt sang vùng ngoại ô mới lạ. Liên Chi thường cằn nhằn:
– Sao chẳng cất cái quán bên kia cầu nhỉ? Ở bển bán đắt hơn, bên này có mấy người đâu mà mua với bán.
          Tôi đoán:
– Chắc tại bên này mát hơn.
Đúng là mát thật. Những lúc rảnh rỗi, tôi thường ra đó đọc… “báo cọp”. Mượn một tờ rồi ngồi bẹp bên gốc dừa gần đấy, đọc ngấu nghiến tới giờ nấu cơm chiều mới chịu đứng lên, mua một tờ khác để chị chủ quán khỏi nổi nóng. Hôm qua, xảy ra một hiện tượng lạ. Giữa những tờ báo quen thuộc, lủng lẳng mấy quyển tập thơ khá xinh. Tôi định mượn một quyển đọc thử thì chị chủ quán vội nói:
– Không được đâu em. Ông nhà thơ nầy khó lắm, dặn đừng làm dơ hay nhèo thì xấu tập thơ đi.
– Không cho đọc thử thì làm sao biết hay dở, ai thèm mua.
– Ai biết đâu. Ông bảo thơ ổng đáng giá nghìn vàng mà chỉ bán có mấy chục ngàn đồng. Phải giàu, ổng phát không còn hơn.
Nghe tôi kể lại, cả nhóm cười rộ, trừ Thu Đông. Nó kéo chúng tôi đến quán báo. Chị chủ quán biến đi đâu mất . Bây giờ, người trông chừng hàng là một anh chàng râu ria xồm xàm nhìn phát khiếp. Gã đang cầm một quyển tập thơ, ấp vào ngực, mắt nhìn tận đâu đâu. Thục Trinh nắm tay tôi, hỏi nhỏ:
          – Ai vậy?
          – Người lạ! Hình như là tù vừa vượt ngục.
          Thu Đông thì thầm:
          – Tao nghi ổng là nhà thơ quá. Để tao… tính ổng.
          Thu Đông bương bả đến bên quầy. Giả đò ngây thơ:
          – Ông gì ơi! Ở đây có bán tập thơ “Những ngày tháng yêu và chết “ của nhà thơ Xuân Xanh không?
          Như từ trên cung trăng rơi xuống, hắn giật nẩy mình, ấp úng:
          – Cô bé… hỏi gì?
          – Ở đây có bán tập thơ “Những ngày tháng yêu và chết” không ông? Như từ dưới đất bay lên tận cung trăng, hắn tươi ngay nét mặt, liền cà….cà lăm:
          – Có…có, sao …sao …bé…bé biết tập thơ đó vậy ?
          Chúng tôi vội đưa tay che miệng cười khúc khích. Đông tán tỉnh:
          – Dạ, em nghe tụi bạn đồn quyển đó hay lắm. Mượn đọc,tụi nó không cho, sợ mất …màu. Tức quá , em tìm mua cho xong.
          – Vậy…vậy… sao….sao!
          Chẳng biết cái gì cựa quậy trong áo mà nhà thơ Xuân Xanh xoay trở đủ hướng như bị nhột. Rồi sực tỉnh. Nhà thơ vội dùng cả hai tay đưa tập thơ ra phía trước:
          – Có phải quyển nầy không em?
          Đông vờ reo lên:
          – Đúng rồi! Ôi, đúng nó rồi!
          Hình như những sợi tóc và râu của nhà thơ đều dựng đứng cả lên, hai gò má đỏ bừng như con gái, hắn lại cà lăm:
          – Phải …phải…nó …rồi …hả em?
          Đông dạ rất ngoan. Nó ấp tập thơ lên ngực, lim dim:
          – Dạ , bao nhiêu một quyển vậy ông?
          Nhà thơ vung tay một cách hào phóng:
          – Khỏi, khỏi trả tiền. Tặng cô bé đó!
          – Chết! Vậy kỳ lắm!
         – Không sao, không sao! Tặng các em mỗi người một quyển.
          Thế là mỗi đứa được một tập thơ với chữ ký của nhà thơ Xuân Xanh. Xong, cả nhóm còn được nhà thơ chiêu đãi một chầu kem. Ra về, đứa nào đứa nấy tươi hơn hớn, khoan khoái vô cùng. Chỉ riêng nhỏ Thu Đông là bị “dị ứng”, Nó nhiễm vi rút tình yêu và chờ chết.
          Trong một tuần mà đã có hai buổi nó không thuộc bài và một buổi trốn học để đi ….bán thơ giùm người yêu. Con nhỏ bạo gan tới nổi đem thơ vào lớp. Giờ ra chơi, nó lên bục giảng rao hàng:
          – Xin các bạn lưu ý! Xin các bạn lưu ý! Đây là tập thơ “Những ngày tháng yêu và chết “  của nhà thơ Xuân Xanh. Một tác phẩm bất hủ trong làng thơ. Xin hỏi các bạn đã yêu chưa? Các bạn sẽ tìm thấy sự đồng cảm nếu các bạn đang xuyến xao vì tình yêu. Còn như ngược lại, các bạn hãy…mua rồi đọc đi để khám phá tình yêu và nỗi chết.
          Cả lớp bò ra cười. Xong, mỗi đứa mua giùm một quyển vì …tội nghiệp. Nhưng điều chúng tôi khám phá ở đây không phải là tình yêu mà là năng khiếu chào hàng của nhỏ bạn. Nó bán sạch những tập thơ mà bấy lâu nay …ế ẩm. Và nhà thơ cũng tiêu tiền bán thơ sạch sẽ để đền ơn người đẹp.
          Kết quả, lúc tiền bạc đội nón ra đi, nhà thơ bỗng trở nên cáu gắt, nóng nảy. Hai người yêu nhau bắt đầu …cãi nhau và giận nhau. Cho đến một hôm, nhà thơ Xuân Xanh ra đi không hẹn ngày trở lại. Báo hại Thu Đông nhớ đứt từng đoạn ruột. Nó khóc như ri. Chẳng còn lạc quan yêu đời nữa. Đã vậy, nhà trường phát sổ liên lạc cuối năm, có bốn môn Thu Đông không đạt điểm trung bình. Mùa hè đến mà nó học. Nó học trối chết nếu không muốn hai năm ngồi một lớp. Ba Thu Đông kêu trời như bọng. Còn mẹ bạn thì hăm dọa sẽ tự tử nếu nó học dở và tiếp tục yêu.
          Bây giờ, chúng tôi phải công nhận nhà thơ Xuân Xanh tài thiệt. Đúng là những ngày tháng yêu đã qua và tử thần xuất hiện. Thu Đông đang chết trong mớ bài học tồn đọng lâu nay.
Nguyễn Thị Mây

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét