Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

Xung quanh Công trình biên soạn tài liệu Văn học địa phương Tây Ninh: Những điều cần bàn thêm - Nhất Phượng

Các tác phẩm thơ, văn Tây Ninh đã được xuất bản trong thời gian qua (ảnh chỉ minh hoạ)
Cuối tháng 6 vừa qua, Sở Giáo dục - Đào tạo Tây Ninh tổ chức hội thảo khoa học về việc biên soạn tài liệu văn học địa phương để giảng dạy trong trường phổ thông. Cuộc hội thảo thu hút khá đông những người hoạt động trong lĩnh vực văn học và giảng dạy bộ môn Văn trong tỉnh. Tưởng nên nhắc lại, từ năm học 1994 - 1995, ngành giáo dục Tây Ninh đã đưa văn học địa phương vào giảng dạy trong trường phổ thông theo chủ trương chung của Bộ Giáo dục - Đào tạo. Nội dung giảng dạy dựa trên tài liệu biên soạn “Thơ văn Tây Ninh trong nhà trường” (do cố giáo sư Lê Trí Viễn chủ biên). Sau bao nhiêu năm, đời sống xã hội đã có nhiều thay đổi, văn học Tây Ninh cũng đổi thay, vì vậy vấn đề đặt ra là phải có một tài liệu mới để thay thế cho phù hợp hơn.

Có thể thấy nhóm biên soạn tài liệu văn học địa phương lần này đã dày công nghiên cứu, tìm tòi, nhờ thế đã tập hợp được khá nhiều tác phẩm văn, thơ đặc sắc, tiêu biểu của Tây Ninh hoặc nói về quê hương, con người Tây Ninh. Căn cứ nội dung tài liệu do nhóm nghiên cứu, biên soạn trình bày tại cuộc hội thảo nói trên, nhiều đại biểu đã sôi nổi đóng góp ý kiến nhận xét, đánh giá, phản biện… trên tinh thần xây dựng. Tuy nhiên, do thời gian có hạn nên vẫn còn nhiều vấn đề chưa thể bàn bạc hết tại diễn đàn. Người viết bài này xin góp thêm mấy ý để các nhà biên soạn tham khảo (những ý kiến mà nhiều người đã đóng góp tại hội thảo, xin không nhắc lại).
Về cơ cấu chương trình, tài liệu biên soạn văn học địa phương lần này gồm có 2 phần: một dành cho cấp trung học cơ sở (THCS), một dành cho cấp trung học phổ thông (THPT). Ở  mảng truyện kể dân gian cấp THCS, ngoài truyện “Am mả dộc” có tựa đề sai chính tả (thực tế đó là con voọc- không phải dộc) đã được góp ý, tôi còn chú ý đến truyện “Xã Hoà Hiệp”- kể về sự tích tên gọi của một xã biên giới thuộc huyện Tân Biên. Thú thật, mặc dù là dân Tây Ninh chánh gốc nhưng đây là lần đầu tiên tôi được biết câu chuyện này. Đọc xong, cảm giác đầu tiên của tôi là nó… hao hao, na ná thiên tình sử Romeo và Juliet- tác phẩm nổi tiếng của kịch tác gia W.Shakespeare- hao hao từ cốt truyện, tình tiết cho đến tính chất bi kịch của truyện. Tuy nhiên điều tôi thấy băn khoăn lại chính là ở chỗ- câu chuyện tình bi thảm, được ghi chép bằng những câu văn cũng… bi luỵ không kém ấy lại được dùng để giảng dạy cho các em học sinh lớp 6. Thử trích ra đây đoạn kể về cái chết của cô gái: “Người nhà cô gái đem chiếc áo bị xé rách tả tơi và đẫm máu của chàng vào báo với nàng rằng chàng đã bị hổ vồ mất xác trong rừng… Quá đau đớn vì mất người yêu, cô gái khóc lóc, vật vã rồi nhịn ăn uống để tìm cái chết cho trọn tình”. Còn đây là cái chết của chàng trai: “Bên dòng suối vẫn thủ thỉ mãi những lời hát ngọt ngào của tình yêu đã từng ru say đắm đôi tim, chỉ còn lại ngôi mộ mới đắp… Sáng hôm sau, những người dân vào rừng sớm phát hiện ra xác chết của một chàng thanh niên phủ phục bên nấm mộ. Chàng thợ săn đã tự sát để tìm đến với người yêu trong một thế giới không có hận thù”. Tôi không nghĩ rằng đây là bài học nên dành cho lứa tuổi học sinh lớp 6. Chưa kể, văn vẻ như thế hoàn toàn không phù hợp với phong cách ngôn ngữ truyện kể dân gian (nhiều truyện kể dân gian khác trong tài liệu đều mắc lỗi này).
Cũng trong chương trình THCS, tôi rất ngạc nhiên về bài văn “Cây mận hồng đào” của tác giả T.H. Ngạc nhiên vì mấy lẽ: về nội dung, đây là một bài văn (hay đoạn trích- không rõ) khá là… không ổn. Trong đó kể lại một kỷ niệm sâu sắc (ấy là từ dùng của tác giả, chứ đọc xong tôi chẳng thấy có gì gọi là sâu sắc) của cô bé tên là Hồng Đào. Chuyện kể rằng: cô bé Hồng Đào mới tuổi lên hai mà đã “biết lao động thật sự” (?). Và cái “lao động thật sự” ấy của bé là đem “một cây non vừa lên hai chiếc lá nhỏ xíu” mà bé bắt gặp ở “góc hè nhà” đi trồng ở “góc hiên nhà”. Thời gian từ lúc bé trồng cây ấy xuống- theo mô tả trong bài cực kỳ ngắn ngủi: “Chỉ còn một ngày nữa là sang năm mới, cây sẽ có thêm một tuổi nữa, thế mà cây chưa cao hơn ngón tay út của Hồng Đào…”. Ấy thế mà, chỉ qua một đêm giao thừa, khi bé Hồng Đào thức giấc lúc sáng sớm đã thấy: “Không biết tự bao giờ cây đã vươn cành thật dài và phủ đầy những chiếc lá xanh to lớn hơn bàn tay đang ve vẫy chào bé”. Chỉ có thể hiểu là cái cây non ấy đã được… phun thuốc kích thích “siêu tăng trưởng” mà thôi! Còn một điều không ổn khác nữa, trong bài văn này có nhắc đi nhắc lại đến ba, bốn lần về tiếng pháo nổ với những liên tưởng đầy thi vị! Chẳng hạn: “Hồng Đào vội chạy vào hỏi ba thì ba bảo là khi nghe tiếng pháo giao thừa cây sẽ lớn, sẽ đâm cành trổ lá. Điều này có thật không? Bé trông chờ tiếng pháo giao thừa quá!”: “Hôm sau vừa thức giấc, bé chỉ còn nghe những tiếng pháo đón bình minh của năm mới”. Cũng có thể bài văn này ra đời đã lâu rồi. Nhưng dẫu sao, việc đưa nó vào giảng dạy trong nhà trường khi toàn xã hội đã tẩy chay việc đốt pháo từ lâu (kể từ khi lệnh cấm đốt pháo ban hành trên cả nước) thì liệu có phản giáo dục? 
Ở nội dung dành cho bậc THPT, mở đầu cũng là một truyện kể dân gian “Sự tích núi Bà Đen”. Phần tiểu dẫn có ghi: truyện đậm màu sắc truyền thuyết lịch sử. Theo tôi, cần bàn lại vấn đề này! Bởi xét về mặt khái niệm, truyện truyền thuyết- tuy là sáng tác dân gian, nặng chất hư cấu nhưng luôn chứa yếu tố lịch sử hoặc liên quan đến lịch sử. Ví dụ như các truyện: Thánh Gióng, An Dương Vương, Trọng Thuỷ Mỵ Châu, Sơn Tinh Thuỷ Tinh, Sự tích hồ Gươm… đều có liên quan đến một thời điểm, một giai đoạn có thật trong lịch sử. Còn “Sự tích núi Bà Đen”, nếu căn cứ trên văn bản in kèm- ngoài việc giải thích tên gọi ngọn núi, chủ yếu nhằm nêu bài học về đạo đức, thông qua việc ca ngợi người phụ nữ đoan trinh, tiết liệt, ngoài ra không thấy chút bóng dáng lịch sử nào. Vậy nếu nói đây là truyện đậm màu sắc truyền thuyết lịch sử thì liệu có thuyết phục? (Theo tôi, nên xếp nó vào nhóm truyện cổ tích thì đúng hơn). Thiết nghĩ, đây là tài liệu giảng dạy, nên cần xác định cho chính xác các thể loại, nếu không giáo viên sẽ gặp khó khi truyền đạt kiến thức cho học sinh.
Còn một số điều khác nữa mà do trang báo có hạn nên không thể nói hết được. Chẳng hạn, trong các tác phẩm văn học thể hiện trong tài liệu, cách dùng từ ngữ ở vài chỗ còn gượng ép hoặc chưa chuẩn theo tinh thần “giáo khoa thư”. Chẳng hạn trong văn bản truyện “Sự tích núi Bà Đen” có ghi: “Giữa lúc đôi bên đang thầm trông trộm tưởng về nhau” (sao không viết là thầm thương trộm nhớ cho thuận tai và chính xác thành ngữ?) hoặc: “Nhưng hạnh phúc yêu đương của đôi trẻ chưa kéo dài được bao lâu thì nhà nước gặp nạn ngoại xâm” (lẽ ra phải viết là nước nhà thì đúng hơn). Cũng xin nói thêm, trong số các tác phẩm thơ, văn được chọn để đưa vào chương trình, còn có một số bài mà theo chủ quan của người viết bài này là chưa đạt yêu cầu về giá trị nghệ thuật.
Tất nhiên, để hoàn thành một công trình nghiên cứu khoa học- nhất là công trình phục vụ việc giáo dục, dạy dỗ con người là không hề đơn giản, dễ dàng, những thiếu sót ban đầu cần bổ sung, chỉnh sửa… là không thể tránh khỏi. Thực tế cho thấy, nhóm biên soạn tài liệu văn học địa phương Tây Ninh đã rất nỗ lực để thực hiện công việc của mình. Nhưng có lẽ vẫn cần phải thêm vài lần hội thảo, lấy thêm ý kiến của nhiều người am hiểu hoạt động văn học tỉnh nhà, trên cơ sở đó bổ sung, chỉnh sửa cho thật hoàn thiện trước khi chính thức đưa vào giảng dạy trong nhà trường phổ thông.
Nhất Phượng
nguồn baotayninh.vn

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét