Thứ Ba, 16 tháng 7, 2013

Trang văn đẹp nhất - Truyện ngắn Vũ Thiện Khái


Đụng mấy bạn già máu nhiễm văn chương mỗi sáng cà phê cà pháo, ông Năm nhà văn thường bị bỗ bã vỗ vai thân tình :
- Nhà văn có truyện nào mới viết lâm ly bi thiết đọc nghe coi ?
Ông cười hiền :  
- Nhà văn nhà báo gì đến tớ. Viết lách chỉ là cách tìm thú vui cho tuổi già như các ông chăm cây cảnh hay nuôi chim ấy mà.

          Chơi chơi nói vậy cho xong, thực tình ông biết, ai đã dính vào cái nghiệp văn, nghiệp báo là chịu cay nghiệt mọi bề. Thú vị, sung sướng may được một vài phút vừa hoàn thành tác phẩm, được đăng lên báo vui hơn chút xíu, được bạn đọc bàn tán khen chê vui nhiều hơn. Nhưng kèm theo đó là muôn nỗi lo âu, thấp thỏm. Ban đêm người ta yên giấc thì mình trằn trọc. Ban ngày gặp một cảnh đời bất hạnh éo le, người ta biết vậy hoặc than thở đôi lời rồi đâu bỏ đó, mình thì mang nó vào lòng như ôm một bó gai, khẽ cụng cựa là đau nhoi nhói. Thuở còn lận đận lo cơm áo gạo tiền, bòn được chút thì giờ hiếm hoi, ngồi vào bàn viết, nhấp nhổm như ngồi lên ghế nóng. Ấy vậy mà những cái truyện, những câu thơ ông viết ra bạn bè văn chương bảo nhau tìm đọc, người viết thành bài phê bình trên mặt báo, phần nhiều tán dóc bằng miệng tào lao trong những dịp túm tụm vui vẻ cụng dăm ly rượu chốn quán nghèo. Mà cái sự gật gù trà lá ấy cũng thường xuyên lắm, cũng năm mồm bẩy mép ra trò. Thơm danh hay xú danh cũng từ cái lò ấy mà ra. Nhưng mà văn mình được dư luận chú ý, khen hay chê cũng ấm lòng. Còn bây giờ chẳng phải vướng bận chuyện tiền bạc sát sườn, truyện, thơ ông vẫn viết đều đều, xem ra chưa đến nỗi lạc lõng so với những cây viết trẻ, và ơn trời còn lác đác góp mặt trên vài tờ báo tỉnh mà chả hiểu sao nó cứ theo nhau chìm lỉm vào im lặng. Không khen cũng chẳng ai chê. Đôi khi gặp vài bạn viết già bắt tay hờ hững:
          - Mới đọc ông trên tờ ấy, tờ nọ. Vẫn phong độ như xưa. Chúc mừng nhá!
          Ông cũng bắt tay thân mật trả lễ. Cũng cảm ơn lịch thiệp xã giao. Nhưng trong lòng hơi đăng đắng. Hơi man mác buồn. Buồn nhưng ông chưa thấy nản. Còn nhủ lòng kiên gan cần mẫn hàng ngày ngồi hí hoáy viết dưới tán cây hoàng lan tầng lá ken dầy phủ bóng mát rượi một góc sân. Trưa nóng chẳng cần đến quạt. Lẫn trong làn gió hiu hiu, hương hoa hoàng lan thoang thoảng suốt sáng suốt chiều dìu dịu. Được ngồi sáng tác trong điều kiện ấy thật là lý tưởng. Vậy mà nguồn cảm hứng, mạch văn chương tắc nghẽn. Giốc bầu tâm sự buồn buồn ấy cùng bà vợ vốn là cô giáo dạy văn vài mươi năm trước, bà chia sẻ:
          - Ông viết văn mà sát sau lưng lúc nào cũng ỏm tỏi đủ mọi chuyện nhí nhố của đám bụi đời du thủ du thực thì còn hồn vía nào mà ra văn ra chữ.
          Ông cho là phải, mà cũng không phải. Nhà ông ngay mặt phố. Đất không có chiều sâu nên phải làm khuôn sân hẹp dọc theo hông nhà. Một hàng rào B40 ngăn cách mảnh sân với một dãy phòng trọ bình dân của nhà hàng xóm. Tối tăm lụp sụp nóng bức vậy nhưng người ở trọ không khi nào vắng. Hiện mấy phòng phía trong chứa mấy nhà nghèo, vợ chồng đeo tha cả bầy con cái nheo nhếch ở tạm theo mùa vụ làm thuê, bán buôn lẹp nhẹp. Hai phòng ngoài cùng, sát sau lưng bàn viết của ông, khách trọ là một thằng đàn ông hoàn toàn khoẻ mạnh bình thường nhưng hắn giả làm kẻ cùi què khốn khó, môi trên, cằm dưới lởm chởm những sợi râu còi cố ý không cạo sửa, nhìn chẳng đoán được tuổi tác còn trẻ hay già. Mỗi sáng chưa rõ mặt người, hắn ta và một thằng nhỏ gầy đét khoảng hơn mười tuổi đã nhẹ nhàng mở cửa tránh tiếng động. Thằng bé ra hè ngồi chờ, ngáp ngáp thèm giấc ngủ. Thằng Cùi giả lặng lẽ buộc vào bắp chân này một đoạn ruột heo bầy nhầy xanh xám, thối inh, chân kia bẻ quặt ra sau lưng y như người tàn tật. Khoác lên tấm thân hộ pháp một tấm áo lùng thùng rách rưới, hôi hám, hắn hoàn thành công đoạn hóa trang cuối cùng. Thằng bé kéo đến tấm ván gắn bốn bánh xe, hắn ta nhảy phắt lên nằm ngửa chỏng chơ, ngoẹo mái đầu tóc giả bết bùn, mồm  khò khè thở hắt kiểu sắp chết. Đeo vào cổ chiếc bơ rỉ rỗng, khoác lên vai sợi dây thừng đen nhánh, thằng bé ật ưỡng kéo tấm ván người khật khừ, cót két từng bước xiêu vẹo ra ngoài phố. Bọn chúng tới đâu ruồi nhặng bay theo ù ù từng bầy dầy đặc. Hễ tấm ván dạt vào cửa nhà nào, chưa yên chỗ người ta đã vội vàng thảy vào miệng ống bơ những đồng tiền lẻ để mau tống khứ chúng đi cho rảnh. Gặp cửa hàng ăn uống sang trọng, tiền ném vào ống bơ không to to là thằng Cùi giả nằm ỳ. Chủ tiệm phải cho thêm vài tờ cùng với  một xá lạy các bố phắn mau cho chúng con làm ăn. Chừng sẫm mặt người chúng mới mò về với đầy cóng bơ tiền. Thằng nhỏ mệt mỏi nằm lăn ra ngủ. Còn thằng Cùi giả chậm rãi rũ bỏ hóa trang, xối nước tắm gội ào ào, thay quần áo mới, đầu chải mượt bóng. Có bận phởn chí hắn sức thêm chút nước hoa rồi mò ra quán cà phê nghe nhạc Trịnh, nhâm nháp vị đời ngọt đắng tới nửa đêm. Khách trọ phòng bên cạnh chúng là một ả có biệt danh Miền tây. Sự đi về của ả này chẳng theo qui luật nào. chập tối son phấn ngào ngạt rồi đi. Nửa đêm khuya lặng lẽ đi. Sáng sớm hay giữa trưa bất kể, hễ chiếc điện thoại di động rung lên là hấp tấp ra khỏi nhà.  Những buổi tối mưa rào tầm tã, cả ba cùng ngồi tụm một góc đọc báo. Chúng thay nhau đọc to những tin giật gân giết chóc cướp bóc cùng hãm hiếp rồi bình luận nhăng nhăng cuội cuội. Tắt đèn đi ngủ, thế nào ả Miền tây cũng buông câu hát: Đời tôi cô đơn vẫn cô đơn. Thằng Cùi giả đấm dăm nắm tay bình bịch vào tường rồi la: Đ.M cái đời chó đẻ. Bên này, ngồi lặng cầm cây viết, ông Năm nhà văn nghe thấy hết. Vừa thương, vừa giận, vừa tê tái buồn.
Một tối, thằng Cùi giả ra quán được lúc lâu, thằng bé chừng như có điều gì muốn thổ lộ, nó lén ra ngồi sát bờ rào nhìn đăm đăm khung cửa sổ sáng ánh đèn ấm áp nhà ông Năm. Ông Năm xách chiếc ghế đẩu đến ngồi cạnh nó. Im lặng ông đút qua lỗ hàng rào trái mãng cầu. Nó lễ phép cám ơn. Chưa vội ăn, nó khẽ hỏi:
- Từ đây về Thanh hoá xa lắm phải không ông?
- Cháu nhớ nhà lắm à?
- Cháu không có nhà. Cháu nhớ trại mồ côi.
Rồi nó thì thào, sau khi đã cẩn thận dặn ông đừng nói lại với đại ca của nó:
- Cháu trốn trại mồ côi gần hai năm rồi ông ạ. Cách nay khoảng mười mấy tháng, ở ga Đà nẵng, cháu sờ túi bị đại ca túm chặt tay. Không báo công an nhưng đại ca bắt cháu kết nghĩa anh em cùng nhau kiếm ăn bằng cái nghề này. Bây giờ cháu chán lắm rồi. Muốn về lại trại mồ côi nhưng sợ đại ca bắt được thì chỉ có chết.
Ông Năm mồm an ủi trấn an nó rằng sẽ có cách. Nhưng trong bụng ông chưa nghĩ ra kế gì. Bằng vào linh giác nhà văn, ông biết có nhiều u uất nơi mấy cảnh đời này. Nửa đêm ấy ông nghe tiếng nắm đấm đập vào tường bình bịch, sau đó là tiếng gầm của thằng Cùi giả: Đ.M đời là một vại dưa muối hỏng. Ông biết đó là câu ta thán của một nhân vật trong cuốn tiểu thuyết vừa được giải của Hội Nhà văn năm trước. Vậy ra hắn cũng là dân có học. Sáng hôm sau nhân lúc hắn vừa mở cửa, ông Năm dúi qua bờ rào vài tờ báo Văn nghệ. Hắn lặng lẽ đón nhận, lí nhí cám ơn. Tối ấy ông không thấy hắn ra quán. Ngọn đèn trong phòng hắn sáng tới khuya. Những ngày liên tiếp, nhận được tờ Văn mới nào ông đều cho hắn mượn. Có bữa ông vờ quên, hắn gọi với sang hỏi, ông đáp ứng rồi nhân cớ gợi chuyện:  
- Mấy truyện tuần rồi có hay không? Hắn nheo nheo cặp mắt sáng sủa:
- Hay, hay lắm bác ạ. Rồi cứ thế, ngày một ngày hai, hai người trở nên thân mật tự lúc nào. Và những trang văn quặn đau nhân thế, thổn thức nỗi người và lấp lánh nét đẹp cao cả tình nhân loại liên tục bay qua bờ rào, từng chút thấm vào lòng hắn. Ông để ý thấy hắn ít dần những buổi bắt thằng bé mồ côi cót két kéo ván ăn xin ngoài phố. Thay vào đó là nhiều buổi hắn bần thần ngồi như tượng gỗ hàng giờ. Rồi xin phép sang chơi với ông Năm. Sau vài chén trà móc câu đậm chát, ông Năm thân mật hỏi:
-Tớ xin lỗi, đừng cho là tò mò nhé. Thế mấy năm nay kiếm được nhiều tiền vậy để làm gì? 
Hắn thật thà bộc bạch:
- Để về quê xây nhà, cưới vợ. Không được vậy thì nhục lắm.
Rồi hắn kể:
- Chẳng dám giấu nhà văn, cháu quê Thanh hoá, vốn là con của gia đình tử tế được cha mẹ cho ăn học đàng hoàng. Học được một năm đại học Ngân hàng thì theo đám bạn bè hư hỏng vướng vào hút chích. Về quê cai nghiện lần một. Tái nghiện, cai nghiện lần hai. Tái nghiện nữa, lần này thì của nả cha mẹ sạch sành sanh. Cháu đi cai nghiện lần ba với quyết tâm trở lại làm người tử tế. Không ngờ ở nhà cha mẹ cháu buồn phiền lần lượt qua đời. Hết nghiện về nhà, bị hàng xóm khinh rẻ đã đành, các anh chị cháu cũng ghét bỏ, ruồng rẫy. Phẫn chí cháu bỏ nhà lang thang. Làm thuê đủ nghề nhưng ráo mồ hôi là hết tiền. Nhân một hôm thấy một người cùi lở ăn xin được bộn tiền, cháu nghĩ ra trò lừa gạt này. Vài năm nay cháu kiếm cũng gần đủ tiền cho dự định rồi ông ạ.    
Ông Năm ngắt lời:
- Thế nếu anh chị cháu và hàng xóm biết cái nhà to vật vã của cháu là do những đồng tiền lừa gạt bá tính, họ có trọng cháu không?
Hắn ta lặng thinh không nói gì. Đến mấy ngày hắn đóng cửa nằm nhà không đi hành khất. Rồi trưa đó, hắn rụt rè xin ông Năm giới thiệu cho một việc làm. Chẳng chút ngạc nhiên, ông Năm đã trù liệu cả rồi. Ngay lúc đó, ông gọi điện thoại cho người bạn cố tri chủ nhân mấy chục mẫu cao su đang khai thác, hỏi việc hôm nọ ông nhờ cậy có duyệt không. Trong máy vang lên mấy tiếng  ÔKê… Vây là thằng Cùi giả hôm sau đã là anh công nhân học việc cạo mủ cao su chăm chỉ. Anh ta khẩn khoản nhờ ông Năm trông nom thằng bé mồ côi, để cho nó cứ ở lại phòng trọ cũ. Ông Năm hàng ngày được người bạn thông báo rất vừa lòng về hắn. Một tối hắn ta về thăm ông Năm và các bạn trọ. Bác cháu đang trò chuyện thì cửa phòng cô Miền tây bị xô đạp rầm rầm. Mấy thằng đầu gấu ở đâu đến la lối hăm doạ:
- Đ.M… muốn chuồn hả? Chị Tư mấy lần gọi sao mày không đến trình diện? Muốn ăn axít hả.
          Lập tức anh ta nhảy phắt qua bờ rào, tay nhăm nhăm con dao bấm nhọn hoắt:
- Đố cha thằng nào đập phá phòng vợ tao vậy? Biết thằng cùi nằm ván lăn không? Chính là ta đấy.
Dẹp yên được bọn đầu gấu, anh ta cùng với thằng bé mồ côi và cô Miền tây sang chào ông Năm rồi đi thẳng.
Hơn một năm sau có một ngày đại hỉ. Vợ chồng ông Năm nhà văn được đón một gia đình hạnh phúc gồm vợ chồng anh công nhân cạo mủ (Thằng Cùi giả, cô Miền Tây) và thằng bé mồ côi dạo nào. Cùng với họ còn một thành viên mũm mĩm - Thằng cu Cao su của họ vừa tròn ba tháng tuổi. Thằng bé mồ côi xách cặp gà mái ghẹ. Anh chồng tràn trề hạnh phúc vác một bao rau củ xanh rờn lễ phép thưa:
- Đây toàn là những thứ gia đình con tự tay chăn nuôi sản xuất. Rất sạch với đầy đủ mọi ý nghĩa đấy ạ.
Trong bữa cơm thân tình chan hòa thân ái ấy có một chi tiết không kể ra thì rất tiếc, ấy là lúc thằng cu Cao su đang nằm gọn trong lòng bà Năm bỗng tè vọt cần câu trúng bát canh gà. Người bố đứng lên thay con xin lỗi ông bà nội, người mẹ cãi lại là ông bà ngoại, chả ai chịu ai. Thằng bé mồ côi chan canh húp xoàn xoạt khen ngon nhưng hơi mặn. Ông Năm nhà văn chấm chấm đuôi mắt ngấn lệ nói :
- Đấy là bát canh hạnh phúc ngon ngọt nhất đời đấy các cháu ạ.
Còn bà Năm, cô giáo dạy văn ngày trước thì hai tay nâng thằng cu Cao su vẫn nhắm mắt ngủ ngon lành giọng run run:
- Thằng cháu vàng cháu bạc này chính là trang văn đẹp nhất đời văn của ông nhà văn thân yêu của chúng ta đấy.
Ông Năm thầm nghĩ rưng rưng: Lần này thì bà nói đúng hoàn toàn rồi. Cám ơn bà, bà vợ thân yêu của tôi .                         

Tân châu 7/5/2013 
VTK

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét