Tạp chí Đương
Thời, có bài viết của Nguyễn Hải Thảo số 21 chuyên đề văn hóa Việt Nam
& Thế giới với tựa đề: Ba anh em trên chuyến tàu
nghệ thuật- Chủ biên: Phan Hoàng,tòa soạn tại số 15-17 Cộng Hòa phường
4 Quận Tân Bình TP HCM
Trích lời dẫn: Họ là ba anh em ruột
cùng họ Nguyễn Quốc.Nam là anh lớn nhà thơ.Đông và Tây là nhạc sỹ có những hoạt
động văn nghệ khá đình đám ở Tây Ninh...
BA ANH EM TRÊN CHUYẾN TÀU NGHỆ THUẬT
Nguyễn Hải Thảo
Họ là ba anh em ruột cùng họ Nguyễn Quốc. Nam là
anh lớn, Đông và Tây là hai anh em trai cùng một gien văn nghệ, cùng có những
hoạt động văn nghệ khá đình đám ở Tây Ninh. Nam là nhà thơ, còn Đông và Tây là
nhạc sĩ, cả ba cùng đồng hành trên chuyến tàu mang tên nghệ thuật. Trước tiên,
tôi xin đề cập đến nhà thơ Nguyễn Quốc Nam .
Đến với thơ trước khi
thành kỹ sư nông nghiệp...
Khoảng thập niên 90, những lúc "lai
rai" bia cùng nhạc sĩ Vũ Ngọc Giao và bạn bè, tôi hay nghe Giao nhắc đến
kỹ sư Nguyễn Quốc Nam- giám đốc một nông trường ở Tây Ninh, "chịu
chơi" và rất "máu" văn nghệ, đặc biệt là thơ. Nghe và đôi lần
gặp loáng thoáng bên bàn rượu, nhưng tôi không ấn tượng về Nam lắm. Cho đến năm 2006, khi Nam
xuất bản "Chốn xưa" (NXB Văn Nghệ TP.HCM) và tổ chức ra mắt tập thơ ở
một quán trên đường Lê Quí Đôn, quận 3, thì tôi có nhiều dịp xuôi ngược Sài Gòn
- Tây Ninh với Nam và gần gũi với ba anh em Nam hơn.
Nguyễn Quốc Nam sinh năm 1952 tại Phú Cường,
Thủ Dầu Một, Bình Dương. Sau đó, theo cha mẹ về sống ở Long Hoa, Phú Khương,
Tây Ninh. Có năng khiếu sáng tác từ nhỏ, năm 15 tuổi, Nam đã làm Trưởng ban Báo
chí Văn nghệ của trường Trung học Nông Lâm Súc Tây Ninh và Trưởng Thi văn
đoàn Tiếng Lòng Vàm Cỏ. Ngoài việc làm báo cho trường, cho Thi văn đoàn,
Nam còn cộng tác thơ với các báo trong nước.
Năm 17 tuổi, Quốc Nam cùng với hai người bạn xuất bản
chung tập thơ "Cò trắng" (1969) gây được tiếng vang ở Tây Ninh. Cũng
trong năm này, thơ anh được chọn ngâm ở Đài Phát thanh Cần Thơ và in trên báo
Phổ Thông. Nhưng phải nói đến năm 1972, khi báo khởi Hành in bài thơ
"Những ly rượu tâm tình" của Nam thì anh mới tạo được sự chú ý
trong giới văn nghệ.
Sau năm 1975, Quốc Nam vẫn làm việc trong ngành Nông
nghiệp và trải qua nhiều chức vụ từ nhân viên đến phó phòng, trưởng phòng, phó
giám đốc giám đốc... Dù ở cương vị nào, bận rộn cách mấy, Nam vẫn tiếp tục làm thơ lai rai và
gửi in các báo. Thơ Nguyễn Quốc Nam
chân tình, mộc mạc, đi vào lòng người. Qua hơn 40 năm làm thơ, anh vẫn trung
thành với con đường mình đã chọn. Đối với Quốc Nam : "Thơ là sự thăng hoa của
ngôn ngữ. Mỗi người có một cõi thơ riêng và hình thức diễn đạt riêng. Dù ở bất
kỳ hoàn cảnh nào hoặc bận bịu đến đâu, tôi vẫn dành riêng cho mình một chút
không khí thơ để thở vì nó làm cho tôi cảm thấy phấn khởi, xóa đi những mệt
nhọc mỗi khi làm được một bài thơ, một câu thơ hay, một từ ưng ý".
Là kỹ sư nông nghiệp, Nam có nhiều
dịp đi đó đây, quan sát nhiều. Anh nói: "Tôi thường ra đồng để hướng dẫn
bà con kỹ thuật sản xuất và chăm sóc các loại cây trồng nên luôn được gần gũi
với thiên nhiên, hàng ngày được tiếp cận với những người lao động chơn chất.
Tôi nghe - thấy - sờ - đụng và cảm nhận được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng,
niềm vui, nỗi buồn và nỗi khó khổ của nhiều tầng lớp. Chính điều này đã giúp
tôi có vốn sống thực tiễn và sáng tác bằng sự rung cảm thực sự của mình".
Sau khi xuất bản tập thơ "Chốn xưa",
Quốc Nam
lại nhận được tin vui khi một Tuyển thơ ở nước ngoài cho in lại bài thơ
"Những ly rượu tâm tình" mà anh đã được báo Khởi Hành in năm anh 19
tuổi với bút danh Mạc Hàn Vi Linh. Nghĩa cử này của nhóm thực hiện đã làm anh
rất cảm động. Niềm vui này lan tỏa trong Nam nhiều tháng và thêm một động
lực thúc đẩy anh tiếp tục sáng tác. Năm 2007, Quốc Nam góp mặt trong Tuyển thơ
"Hạnh ngộ 2" (NXB Văn Nghệ) với 10 bài thơ chọn lọc và lai rai xuất
hiện trên các trang thơ các báo: Văn nghệ Tây Ninh, Văn nghệ Bình Dương,
Văn Nghệ TP.HCM... cho đến nay.
Hành trình của hai anh
em mê nhạc
Trong những ngày theo chân Nguyễn Quốc Nam lên Tây Ninh gặp gỡ bạn bè văn nghệ,
tôi có nhiều dịp trò chuyện, trao đổi với hai người em ruột của anh, đó là
Nguyễn Quốc Đông và Nguyễn Quốc Tây.
Từ sau năm 1975 đến nay, họ là những tên tuổi
khá nổi bật trong phong trào văn nghệ của tỉnh Tây Ninh. Quốc Đông được nhiều
người biết đến ở các ca khúc: Khi bầy chim trở lại (phổ thơ Đỗ Trung
Quân), Miền ký ức (thơ Chu Ngạn Thư), Dư âm mẹ, Ai có về Tây
Ninh... Còn Nguyễn Quốc Tây đi vào lòng người qua các ca khúc: Nhớ Gò
Dầu, Tình ca tôi và em (phổ thơ Vũ Miên Thảo), Hạnh
ngộ (thơ Nguyễn Hải Thảo), Hoa ở trên cao, Khi cháu nhìn ảnh Bác,
Ngôi trường thân thiện... Tính đến nay, hai anh em đã xuất bản các Tuyển tập ca
khúc: Tên em là dòng suối (Quốc Đông, Quốc Tây), Miền ký ức (Quốc
Đông), Cho tình yêu của anh (Quốc Tây) và 03 album CD với các chủ đề
nói trên cộng 01 CD chủ đề Tiếng hát mây chiều (Quốc Đông)...
Âm nhạc đến hai anh em Đông và Tây cũng rất
tình cờ. Vào những năm 1965-1966, dạo ấy chiến tranh ở miền Nam gia tăng ác
liệt, xã hội hỗn loạn, ngoài giờ đến lớp, sợ các con giao du với đám trẻ ngoài
phố hư người nên bố của Đông và Tây đã mua sách tự học âm nhạc, mua đàn
Mandolin tạo điều kiện cho hai anh em học chơi nhạc. Đến thập niên 70, cả hai
có dịp quen biết với nhạc sĩ Vũ Ngọc Giao (bạn của ông anh) và thụ giáo bộ môn
guitar classic, tập tành viết ca khúc, chủ yếu là những bài phổ thơ của các thi
sĩ tiền chiến như Nguyễn Bính, Xuân Diệu... và thơ của ông anh ruột - Nguyễn
Quốc Nam.
Nguyễn Quốc Đông sinh năm 1956 tại
Tây Ninh. Thời trung học, Đông đã mê văn thơ, âm nhạc, tập sáng tác ca khúc và
tham gia ban nhạc của trường. Sau khi tốt nghiệm Sư phạm, Quốc Đông được phân
công về dạy tại vùng biên giới thuộc huyện Châu Thành vào những năm chiến tranh
biên giới Tây-Nam khốc liệt. Là một giáo viên yêu nghề, mảng đề tài học đường
chiếm số lượng khá lớn trong các ca khúc của anh, có thể kể: Khi bầy chim trở
lại, Ngôi trường em yêu, Nối tiếp bước truyền thống Hoàng Lê Kha, Em có nghe
mùa hạ về, Những mùa hạ qua đi, Phượng xưa...
Những năm gần đây, Quốc Đông được người yêu
nhạc chú ý đến mảng tình ca. Đông viết khá mượt mà những ca khúc: Dáng
xưa, Tiếng hát mây chiều, Tóc bối rối, Mùa đông bồi hồi (thơ Trần Hoàng
Vy), Nói với mùa thu (Kim Tuấn)... và anh đi vào cả những đề tài mang
tính tự sự như: Miền ký ức (thơ Chu Ngạn Thư), Màu tím (thơ
Kha Ly Chàm)...
Còn Nguyễn
Quốc Tây cũng chào đời tại Tây Ninh năm 1958. Mê guitar
classic từ bé, Tây quyết tâm trở thành một guitarist. Ban đầu là tự học qua
sách hướng dẫn, sau khi được học guitar với nhạc sĩ Vũ Ngọc Giao, dần dần qua
khổ luyện, ngón đàn của Tây ngày càng tinh tế, chiếm được nhiều thiện cảm của
những người yêu guitar classic trong tỉnh. Bên cạnh đó, sáng tác ca khúc cũng
là thế mạnh của Quốc Tây. Hầu hết ca khúc của anh thiên về tình yêu và quê
hương. Quê hương trong ca khúc của Tây chỉ là một bến đò, một cây cầu nhỏ, một mối
tình khép nép... Dù có đi bất cứ nơi đâu, những hình ảnh đơn sơ ấy vẫn nằm hoài
trong ký ức của anh. Những ca khúc như: Chiều bên sông, Một đời bên em,
Chia xa, Tên em là dòng suối, Bên cầu Xa Cách (Thơ Nguyễn Quốc
Nam), Tình ca tôi và em, Nhớ Gò Dầu (thơ Vũ Miên Thảo), Mi thứ,
Hạnh ngộ (thơ Nguyễn Hải Thảo), Giữa những tiếng ve ngân (thơ Đặng Mỹ
Duyên)... là những sáng tác có giá trị lâu dài của Quốc Tây về mặt nghệ thuật.
Gần đây, Quốc Tây tham gia viết một số ca khúc
thiếu nhi. Năm 2009, anh đoạt giải B của Ban Tuyên giáo tỉnh Tây Ninh
và giải Khuyến khích của Hội Nhạc sĩ Việt Nam với ca khúc thiếu nhi
"Khi cháu nhìn ảnh Bác". Cũng trong năm 2009, Quốc Tây còn đoạt Tặng
thưởng của Hội Âm nhạc TP.Hồ Chí Minh với ca khúc "Hoa ở trên cao".
Năm 2010, anh được Giấy khen của Liên Hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật
TP.HCM.
Anh làm thơ, em viết nhạc, mỗi người một vẻ,
nhưng tựu trung ba anh em nhà Nguyễn Quốc đều chung một chuyến tàu nghệ thuật,
mong muốn góp cho đời những vần thơ chân tình, những giai điệu, những tình cảm
đẹp về tình yêu, tình đất, tình người...
'
Nguyễn Hải Thảo
Nguồn Giai điệu Tây Ninh
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét