Ảnh tư liệu baotayninh.vn
Ấn hành năm 2006, "Địa chí Tây Ninh" dày 742 trang giấy khổ lớn. Đây là một công trình văn hóa - lịch sử đồ sộ của tỉnh Tây Ninh. Khi tiếp xúc với nó, có lẽ ai cũng khâm phục và mến mộ quyết tâm và sự công phu của những người gián tiếp và trực tiếp khảo cứu, biên soạn ra nội dung quyển sách này.
Có thể nói rằng, "Địa chí Tây Ninh" là một kho tư liệu từ xưa cho đến nay về đất đai và con người của tỉnh Tây Ninh hiện nay. Nó không chỉ có giá trị truyền thông ở thì hiện tại mà còn cho nhiều thế hệ mai sau. Không chỉ trong phạm vi nội tỉnh mà còn mở rộng tới ngoài tỉnh. Tuy nhiên, sau khi đọc xong, tôi đã phát hiện trong quyển sách này có 02 điểm sai sót nhỏ. Xin trình bày ra đây với hi vọng nội dung công trình văn hóa - lịch sử này được hoàn chỉnh hơn.
Tại trang 87, dòng 15, từ trên đếm xuống, sách viết: "Vào giữa thế kỷ XVIII, dọc theo sông Vàm Cỏ Đông và các phụ lưu, nhà Nguyễn đã bố trí 720 lính biên phòng, quản lý 05 đội thuyền với 15 chiếc thuyền". Sách lại chú thích rằng tư liệu này lấy từ "Phủ biên Tạp lục" của Lê Quý Đôn.
1. Theo chính sử xưa nay ở nước ta, cùng căn cứ vào thực tế lịch sử khách quan lúc bấy giờ, giữa thế kỷ XVIII, nhà Lê vẫn còn tại vị, dù rằng chúa Trịnh nắm thực quyền ở Đàng Ngoài và chúa Nguyễn nắm thực quyền ở Đàng Trong. Nên, ở đoạn văn này, nói "chúa Nguyễn" thay cho "Nhà Nguyễn" mới là chính xác. Vì trong lịch sử nước ta, phải đến đầu thế kỷ XIX mới xuất hiện "nhà Nguyễn" bằng sự đăng quang đế hiệu Gia Long của Nguyễn Phúc Ánh. Dĩ nhiên, dưới con mắt sử học nói chung về giai đoạn này ở nước ta, "chúa Nguyễn" và "Nhà Nguyễn" là hai phạm trù lịch sử hoàn toàn khác nhau.
2. Theo binh chế của Đàng Trong lúc bấy giờ, Dinh, Cơ, Đội, Thuyền là tên gọi cấp bậc biên chế binh lực trong quân đội của các chúa Nguyễn. (Giống như cấp sư đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội ngày nay). "Dinh" là cấp đơn vị to mạnh nhất. "Thuyền" là cấp đơn vị cuối cùng. Về mặt lý thuyết, "Thuyền" là đơn vị thành phần của "Đội"; "Đội" là đơn vị thành phần của "Cơ"; "Cơ" là đơn vị thành phần của "Dinh". Hay nói cách khác, cấp dưới của "Dinh" là "Cơ"; cấp dưới của "Cơ" là ‘Đội"; cấp dưới của "Đội" là "Thuyền". Nhưng trong thực tiễn tổ chức quân đội của Đàng Trong bấy giờ, rất phức tạp. Có khi "Thuyền" lại thuộc quyền chỉ huy trực tiếp của "Cơ"; có khi thuộc quyền trực tiếp chỉ huy của "Đội". Và, cũng trong thực tiễn tổ chức quân đội của Đàng Trong, các cấp đơn vị, từ Dinh, Cơ, Đội, Thuyền, đều đặt tên riêng. Ví như: "Cơ Tả Dực", "Đội Hữu Thủy", "Đội Hùng Duệ",...v...v...
Hồi ấy, khoảng giữa thế kỷ XVIII, chúa Nguyễn đã bố trí cả thảy 05 "Đội" lính làm nhiệm vụ phòng thủ biên giới dọc theo sông Vàm Cỏ Đông, nằm về Đạo Quang Hóa, thuộc tỉnh Tây Ninh ngày nay. Bấy giờ, mỗi "Đội" tại đây quản lý, chỉ huy trực tiếp 03 ‘Thuyền", mỗi "Thuyền" được biên chế 48 quân, tổng cộng là 720. Về phương tiện tuần tra và chiến đấu khi cần thiết, 05 đội ở đây, gồm 15 "Thuyền" hay 720 quân, được trang bị 15 "chiếc thuyền" (có nghĩa là chiến thuyền"). Bình quân mỗi "Thuyền", 48 người lính, được cấp cho một "chiếc thuyền". Nhiều tài liệu lịch sử viết về giai đoạn này của Đàng Trong ưa ghi tắt là "x Đội Thuyền". Ta nên hiểu tên "Đội", tên "Thuyền" ở đây đã được lược bỏ hoặc không còn nhớ được nữa. Và ta cũng nên hiểu "x Đội Thuyền" chính là x đơn vị cấp "Đội" có đơn vị cấp "Thuyền" làm thành phần lực lượng ở bên trong. Nếu hiểu "x Đội Thuyền", cụ thể ở đây là "05 Đội Thuyền với 15 chiếc thuyền" theo kiểu mỗi đội có 03 "thuyền chiến" là đã có sự nhầm lẫn. Nhầm lẫn, vì đã hiểu tên một cấp đơn vị trong binh chế của Đàng Trong bấy giờ thành tên khối lượng phương tiện tuần tra và chiến đấu của lực lượng biên phòng tại đây: ấy là "Đội Thuyền", một tập hợp những sản phẩm bằng gỗ có khả năng chở được người đi lại trên mặt nước bằng động tác bơi, chèo hay chống...
Tóm lại, nên hiểu rằng, thậm chí ghi nhận trực tiếp rằng, vào giữa thế kỷ XVIII, phía sông Vàm Cỏ Đông, thuộc tỉnh Tây Ninh ngày nay, chúa Nguyễn đã bố trí tại đây 05 "Đội" lính biên phòng, được biên chế đều vào 15 "Thuyền", mỗi "Thuyền" có 48 người, tổng cộng chung là 720 người. Và, với 05 Đội, hay 15 Thuyền hoặc 720 binh lính này, chúa Nguyễn đã trang bị cho họ cả thảy là 15 chiếc thuyền. Bình quân mỗi "Thuyền" lính biên phòng được cấp một "chiếc thuyền" để dùng trong công tác tuần tra và chiến đấu khi cần thiết. Hoặc có thể nói rằng, được bố trí 05 "Đội", mỗi đội có 03 "Thuyền" lính, gồm 144 người, cùng 03 chiến thuyền; tổng cộng 720 lính và 15 chiến thuyền. Không nên hiểu lầm hồi ấy, dọc theo sông Vàm Cỏ Đông, có "05 đội thuyền với 15 chiếc thuyền" nằm dưới sự quản lý, sử dụng của 720 lính biên phòng.
Thị xã Tây Ninh mùa hạ 2008
N.L
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét