Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2013

Tiếng gõ cửa đêm - Những kỷ niệm thời xa lắc - Trần Hoàng Vy


 

(Đọc tập truyện ngắn Tiếng gõ cửa đêm của Nguyễn Thị Mây, NXB Hội Nhà Văn ấn hành tháng 12/ 2012)
* Trần Hoàng Vy
     Tập truyện dày 164 trang, 15 truyện ngắn, nhẹ nhàng, dung dị, man mác những hoài niệm của thời đã qua, đã làm nên bút pháp như cái bút danh Nguyễn Thị Mây của chị. Người đàn bà của xứ Trà Vinh có nhiều cây xanh trong phố, có vị mặn mòi của biển xa, cùng những ngôi chùa Khmer cổ kính, trầm mặc…

     Tiếng gõ cửa đêm là tập truyện có lẽ là đầu tiên sau 9 tập in chung của Nguyễn Thị Mây? Nghe đâu chị còn bản thảo một tập truyện dài mang tên “Biển tím” và tập truyện thiếu nhi chưa xuất bản. Nguyễn Thị Mây, còn sở hữu 5, 6 cái giải thưởng về văn chương của báo Tuổi Trẻ, báo Cần Thơ, UBBVCSTE VN từ năm 1996 đến 2009.

 
     Tốt nghiệp Đại học Sư phạm khoa Tâm lý giáo dục, khởi đầu nghiệp viết bằng những tác phẩm dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt, và Nguyễn Thị Mây đã chọn cho mình lối đi bằng những truyện ngắn sáng tác. Vốn là cô giáo nên truyện của Mây phù hợp với lứa tuổi học trò, lúc nào cũng ăm ắp kỷ niệm, song cũng đầy những trò nghịch phá tinh quái của đám học trò. “Hoa sen ngày ấy”, “Thám tử tình”, “Khi tình yêu đến”, “Dáng xuân”… là những truyện ngắn như vậy. Hãy nghe Nguyễn Thị Mây tả cái cách “trả thù” rất học trò và trẻ con: “ Thấy điệu bộ lạ lùng của tôi, cả lớp nhao nhao:

- Đem hoa tặng ai vậy?

Tôi vênh mặt:

- Tụi mày muốn xem tao trổ tài ảo thuật không?

- Xem, xem…!

Trước những cặp mắt ngơ ngác, tôi đưa cánh hoa sen lên: “ Đây quí vị xem đây! Hoa chưa nở”. Với động tác nhịp nhàng khéo léo, tôi lật từng cánh hoa ra xung quanh cái nhụy vàng tôi nói:

- Đây, hoa nở xòe!- Bấy giờ cái hoa to hơn, cánh phập phồng theo cử động đưa cao hạ thấp của tôi. Trong lúc các bạn cười vang, tôi bắt đầu ngắt từng cánh nèm xuống đất, chúng bay tan tác theo chiều gió. Tôi bẻ ngang cuống rồi nói:

- Đây, quí vị xem! Hoa tàn.

Có tiếng nấc từ phía sau lưng tôi. Ai cũng ngỡ ngàng khi biết đó là Hoa Sen, cô bạn nhỏ hiền hậu. Cô bé không thèm nhìn tôi, hét thật lớn:

- Đồ… ác độc!” ( trang 157, 158).

     Hoặc như: “ Nhờ tôi… méc, cô chủ nhiệm đã bắt quả tang Tuấn đang dán tờ giấy có hai chữ “của nợ” lên lưng Thái. Cô bắt Tuấn quì gối. Giờ về nó đuổi theo tôi và dùng thước quất một cái vào mông tôi như… trời đánh. Mặc tôi kêu khóc ầm ĩ, trước khi bỏ đi nó còn hăm dọa:

- Còn méc, thì… tới số với tao!” ( trang 112)

     Những kỷ niệm qua ngòi bút của Mây cứ êm đềm, có khi nhẹ tưng như… mây, cũng có lúc nặng nề, như trời… sắp mưa: “ Mắt mẹ long lanh những giọt sương đêm. Mẹ quay đi, nhìn vào góc nhà, nơi có chiếc bàn nhỏ mà ngày xưa ba thường ngồi làm việc. Trên bàn , một lọ hoa rỗng cũng nhìn lại mẹ…” ( trang 68). Thêm những ám ảnh, day dứt và cũng thật mộc mạc về loại sen hồng, khi Mây chọn cho hai cái kết của hai truyện: “ Chỉ riêng những đóa sen hồng hiểu rõ lòng Nguyên, khi cô cúi xuống, những giọt nước mắt tưới lên hoa như thì thầm: “ Tâm ơi! Lại một ngày qua vội!” ( trang 80) và “ Hoa Sen nhìn tôi, ánh mắt long lanh. Bỗng dưng tôi hồi hộp, lòng vui như hội. Tôi muốn biến mình thành cái đầm rộng mênh mông. Và, có một đóa sen hồng đứng ngẩn ngơ trong đó.” ( trang 161).

     Nhân vật trọng truyện của Nguyễn Thị Mây cũng nhẹ nhàng, không có nhiều tính cách phức tạp. Giống như những hoa đồng cỏ nội, giản dị, hiền và dễ thương tuy cũng có lúc…ương bướng. Đó là Trà, là Thức, Hoa Sen…, cùng với nhân vật xưng Tôi trong phần lớn truyện. Có lẽ truyện ngắn “Tiếng gõ cửa đêm” dùng làm tựa đề cho cả tập là đề cập đến một hoàn cảnh… nghèo khó, cùng sự chịu thương chịu khó của người phụ nữ có chồng là “tài công” lang chạ khắp nơi, chổ của ông dừng chân, và đem về cho “mối tình lớn” tức người vợ chính thức của mình những đứa con rơi. Và người vợ ấy, với một chiếc xe bán phở đêm, đã cưu mang tất cả những đứa con riêng của chồng. Cái kết khá bất ngờ, khi chính A Lành, cô con gái mới lớn tưởng là con của má, nhưng thực ra cũng chính là con…nuôi: “ Má mầy không đẻ được, ta đem con về cho nhờ lúc về già, đòi gì nữa. Phải bỏ công mới được hưởng chứ?....”. Má Lành ngồi bật dậy, hốt hoảng nhìn Lành. Cô lặng đi giây lâu rồi chợt hiểu. Lành nao nao xúc động. Cô gọi: “má, má của con!...”. (trang 13).

     Tiếng gõ cửa đêm, cho dù còn khẻ khàng, nhưng vẫn vang động, chạm vào khắc khoải những hoài niệm. Cánh cửa mở, kỷ niệm xa lăng lắc len nhẹ vào như mây, như sương và kết lại thành những hình hài…



Vàm Cỏ Đông, tháng 7/ 2013



TRẦN HOÀNG VY

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét