Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2013

Hướng đi nào cho nghiên cứu lý luận phê bình văn học Tây Ninh? - La Ngạc Thụy


Vừa qua, tại TP Đà Lạt tỉnh Lâm Đồng, Hội đồng Lý luận -Phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức lớp tập huấn “Quan điểm của Đảng về văn học, nghệ thuật và hoạt động phê bình văn học, nghệ thuật” khu vực phía Nam. Thành phần tham dự đủ các chức danh có trách nhiệm về lý luận, nghiên cứu, phê bình là cán bộ lãnh đạo, quản lý các Ban Tuyên giáo, Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch; các hội văn học nghệ thuật tỉnh thành phố; cán bộ quản lý và phóng viên, biên tập viên các báo, tạp chí, đài phát thanh - truyền hình Trung ương và địa phương cùng giáo viên VHNT của các trường cao đẳng, đại học. Các năm trước, hàng năm đều có các lớp tập huấn như thế. Thế nhưng, bao nhiêu năm qua, thực trạng lý luận, nghiên cứu, phê bình ở Tây Ninh vẫn chưa thấy khởi sắc? Nguyên nhân vì sao?


Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ đặt vấn đề về phê bình văn học, vì những năm gần đây, trên tạp chí Văn nghệ Tây Ninh và trang văn hóa thể thao Báo Tây Ninh thỉnh thoảng xuất hiện vài bài thuộc lĩnh vực phê bình văn học dưới dạng giới thiệu tác phẩm tác giả, đọc sách và cùng thưởng thức thơ hay...Trước nhất, cần khẳng định, xét ở góc độ sáng tạo, phê bình văn học cũng chính là sáng tác văn học. Do vậy, người viết phê bình văn học không phải là người giữ vai trò phán quyết số phận của các tác phẩm văn học mà là người phát hiện, khám phá, giải mã giá trị tư tưởng, nghệ thuật của tác phẩm văn học. Cụ thể hơn, người viết phê bình văn học là “người đọc chuyên nghiệp” biết bày tỏ thái độ, tư tưởng và sự khen chê bằng một hệ thống thuật ngữ và hình tượng văn học đối với các tác phẩm, giúp cho tác giả nhận ra cái hạn chế để bổ sung, cái hay để phát huy, hướng dẫn bạn đọc thưởng thức tác phẩm văn học một cách trọn vẹn, toàn diện hơn. Trong những cuộc trao đổi về phê bình văn học (bên lề, không chính thức), có người nói vui: “Ở Tây Ninh có mấy tác phẩm văn học xứng đáng để được phê bình và ai có đủ tầm để phê bình được giới sáng tác văn học chấp nhận?” Có người cũng đặt vấn đề rằng phê bình văn học bị xem như công cụ để một số cây bút phê bình chửi bới nhau hoặc bốc thơm nhau đang diễn ra hàng ngày trên các trang báo, đặc biệt là trên mạng internet … Với những quan điểm về phê bình văn học như thế thì rõ ràng lĩnh vực lý luận phê bình ở Tây Ninh quá yếu cũng không có gì phải ngạc nhiên.
               Nếu xác định nhà phê bình văn học là người phát hiện, khám phá và là người đồng hành của những người sáng tác trên con đường nghệ thuật, giúp người đọc thưởng thức tác phẩm văn học một cách trọn vẹn vàtoàn diện hơn thì có thể nói ở Tây Ninh chưa có tác giả nào thật sự chuyên tâm đeo đuổi công việc viết phê bình văn học. Bởi lẽ, viết phê bình văn học đòi hỏi tác giả phải có năng khiếu và quá trình tự nghiên cứu, rèn luyện viết phê bình, nhất là phải có trình độ nhất định để tự nghiên cứu về quan điểm lý luận phê bình của các trường phái, trào lưu lý luận, mở rộng tầm nhìn cũng như quan điểm lý luận phê bình để vận dụng vào việc viết phê bình văn học, khi phê bình phải phù hợp với từng phong cách sáng tác của các tác giả để đồng hành cùng tác giả giải mã cái hay, cái đẹp và chỉ ra những hạn chế về tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm văn học; nhằm mục đích mở đường, khai phá chân trời nghệ thuật mới. Cũng không khó nhận ra ở Tây Ninh có vài tác giả viết phê bình văn học như nhà văn Nguyễn Đức Thiện, Trần Hoàng Vy, nhà giáo Vũ Hồng và mới đây có nhà giáo Đào Thái Sơn… nhưng chỉ viết dưới dạng giới thiệu tác phẩm, chưa nghiên cứu phê bình về công việc sáng tạo của tác giả và đặc trưng thể loại tác phẩm văn học nên chưa mang tính hệ thống, tính tư tưởng và tính định hướng cũng như chưa thật sự khơi gợi, thúc đẩy sự sáng tạo của các nhà văn, nhà thơ.
               Những năm qua, kể từ khi tạp chí Văn nghệ Tây Ninh xuất bản ổn định, đều kỳ đã đăng hàng trăm bài viết, qua đó chúng ta có thể nhận ra, thời gian qua thật sự chưa có nhiều tác phẩm hay, để lại những ấn tượng sâu sắc, gây sự chú ý đặc biệt cho bạn đọc. Qua các tác phẩm chúng ta cũng dễ dàng nhận ra một số văn nghệ sĩ còn thiếu vốn sống, thiếu thực tế và thiếu cả sự lao động đúng nghĩa trong sáng tác, quá dễ dãi, hời hợt khi thể hiện tác phẩm. Đây cũng là vấn đề khó cho người viết phê bình văn học, chẳng lẽ chỉ viết chê, nên chỉ còn cách viết để động viên họ.
               Trong phương hướng hoạt động của Phân hội văn học – Hội VHNT Tây Ninh hàng năm cũng đề ra việc củng cố lực lượng viết lý luận phê bình góp phần định hướng cho hội viên phân hội trong sáng tạo tác phẩm, có năm đề ra hẳn một chương trình hành động về lĩnh vực nghiên cứu lý luận phê bình nhằm nâng cao chất lượng hoạt động trên lĩnh vực này. Nên chăng Phân hội văn học có hành động cụ thể, tránh tình trạng lý thuyết suông trong phương hướng kế hoạch. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch, Hội VHNT tỉnh cũng cần tổ chức hội nghị bàn cụ thể về vấn đề này đề ra định hướng hoạt động cho các tác giả viết phê bình cùng đối thoại, trao đổi tìm ra con đường của nghiên cứu lý luận phê bình văn học nghệ thuật ở Tây Ninh.


La Ngạc Thụy

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét