Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

NGƯỜI GÁC CỔNG CƠ QUAN - Truyện ngắn: THIÊN HUY


Sau khi đã bàn giao xong công việc của cơ quan, anh Quang, người thủ trưởng cũ bắt tay từ giã tôi và dặn lại một câu : "Gì thì gì, xin anh đừng đổi ngay người gác cổng cơ quan, ít nhất cũng là trong năm ba tháng đầu". Tôi biết anh Quang là người rất chăm lo và thông cảm với đời sống của cán bộ nhân viên nên sợ tôi cho ông Hai, người gác cổng cơ quan nghỉ việc ngay thì khổ cho ông. Nghe đâu ông Hai đã già yếu, bệnh tật liên miên nên nhiều người đã đòi đổi ngay người gác cổng cơ quan khác nhưng anh Quang nhất định không chịu. Tôi ậm ờ cho qua chuyện vì còn phải xem xét lại vấn đề ra sao đã.

          Chưa biết tâm tính ông Hai như thế nào nhưng rõ ràng hình dáng bên ngoài của ông làm cho người tiếp xúc không ai dám nhìn lâu vì sự tàn phá - chắc là sự tàn phá của chiến tranh - trên con người ông. Một con mắt đã mất tròng chỉ còn lại trũng loét đỏ nhầy nước mắt. Một bên mặt mất cả mảng da chỉ còn lại thịt đỏ nhăn nhúm, lồi lõm. Chỉ có điều là con mắt còn lại của ông thì toát lên cái vẻ long lanh cương nghị. Con mắt ấy lần đầu tiên nhìn tôi làm tôi rờn rợn và dường như vẳng lên một tiếng nói âm thầm nào đó. Ánh mắt đó dường như tôi đã gặp ở một nơi nào đó và dường như rất quen thuộc trong cuộc đời tôi. Còn dáng đi của ông thì lệch lạc, thọt một bên chân. Một bàn tay chỉ còn lại ngón cái và ngón trỏ. Nói chung hình dáng bên ngoài của ông Hai đã mất hẳn cái đối xứng đẹp đẻ mà Tạo hóa đã dành cho con người. Nhưng còn điều gì đã làm cho ông Hai biến dạng như thế thì không ai rõ vì người ta ngại tiếp xúc với ông và cả cơ quan cũng không ai quan tâm đến ông. Tôi dự định hôm nào đó rỗi việc tôi sẽ tìm hiểu điều đó.

          Nhưng việc đầu tiên gây cho tôi nỗi bực mình ở cơ quan nầy xuất phát từ ông Hai. Hôm ấy làm việc quá trưa, tôi nghỉ lại cơ quan . Vừa mới chợp mắt được năm, ba phút thì tiếng ồn ào, la hét của trẻ con ở sân cơ quan làm tôi choàng tỉnh. Đợi mãi không nghe tiếng la rầy của ông Hai, tôi ngồi bật dậy đi ra cửa thì thấy ông đang ngồi thủ thỉ với những đứa trẻ nhỏ, mặc cho đám trẻ lớn đùa giỡn. Tôi nổi xung lên, gắt :
          - Ông Hai, ông đui hay sao mà để cho trẻ con la ó, phá cả cái yên tĩnh của cơ quan vào buổi trưa, không để cho ai nghỉ ngơi chứ !
          Dường như bị bất ngờ, ông Hai quay nhìn tôi, con mắt còn lại lóe sáng một thoáng rồi nói nhỏ nhẹ :
          - Dạ, để tôi bảo chúng nó yên.
           Rồi ông quay sang bảo tụi nhỏ :
          - Này, các cháu có chơi thì nói nhỏ thôi để các chú còn nghỉ ngơi buổi trưa...
Tôi hét lên :
          - Không có chơi bời gì cả. Đuổi ra hết đi. Đây là cơ quan chứ đâu phải là cái  nhà giữ trẻ.
          Ông Hai ngẩn người một lát rồi nói với tôi :
          - Nhưng thưa ... thưa, thủ trưởng, chung quanh đây không có bóng cây nào cho chúng trú nắng. Trời độ này nắng gắt quá.
          - Mặc xác chúng, cứ về nhà mà chơi. Tôi không muốn cái trò này tái diễn nữa.
          Ông Hai lại quay sang nói với bọn trẻ :
          - Thôi các cháu về nhà chơi nhé.
          Thế nhưng việc đó mấy ngày sau lại diễn ra đến nỗi tôi phải dọa : " Nếu tôi còn thấy tình trạng này xảy ra lần nữa, tôi buộc phải cho ông nghỉ việc đấy ... " Ông Hai chỉ dạ một tiếng rồi đi ra chiếc lồng cu của mình ở cổng cơ quan.

          Việc thứ hai xảy ra vào hôm tôi có việc phải ghé vào cơ quan lúc gần nửa đêm để lấy một số giấy tờ cho phiên họp hôm sau. Cả cơ quan tối om, chỉ có một bóng đèn nhỏ ở cổng. Văng vẳng tiếng đờn cò trong cơ quan gây một ăm điệu thật thê lương như tiếng khóc của một đám tang. Tôi cảm thấy rờn rợn, gọi giật giọng ông Hai nhưng không nghe tiếng trả lời. Tôi phải dùng những viên đá chọi vào cơ quan mới cắt đứt tiếng đờn và ông Hai đi ra phía cổng. Hóa ra ông Hai ngồi trong bóng tối gần cổng nhưng ông đang thả hồn theo âm điệu bổng trầm của tiếng đàn nên không nghe tôi gọi. Tôi lại không dằn nổi :
          - Ông Hai, từ đây về sau ông phải chấm dứt cái trò kéo đàn rên rỉ trong đêm khuya thế nầy đi. Cơ quan có ai chết đâu mà phải kéo đàn đám tang! Còn những bóng đèn trong cơ quan thì ông phải bật sáng lên. Mất tiền thì cơ quan chịu, hại gì đến ông.

          Rồi trong một phiên họp cơ quan, nhiều người có ý kiến nên thay đổi ông Hai ngay. Anh phó thủ trưởng đề nghị nên thay đổi người bảo vệ hay ngủ gà ngủ gật ở chiếc lồng cu. Cô văn thư đánh máy thì lên giọng tố khổ : Bảo vệ gì mà ngồi đó cứ để cho lũ trẻ con vào cơ quan chơi giỡn như cái chợ, còn người nhà tôi tới tìm thì không cho vào mà cứ bắt ngồi ở phòng đợi. Chị cấp dưỡng cũng góp thêm vào : May là ổng có một mắt mà còn cứ soi mói vào chuyện người khác chứ hai mắt thì ai chịu nổi. Ba cái thứ nồi niêu, chén bát ai mà lấy làm gì, vậy mà cứ thấy mang đi là tra hỏi. Một chút cơm thừa cá cặn mang về cho heo ăn cũng hạch sách. Anh tổ chức nhân sự gõ gõ cây bút xuống bàn lên tiếng : Thay người bảo vệ có gì là khó. Hiện nay đã có năm, bảy lá đơn xin hợp đồng. Chỉ cần thủ trưởng gật đầu một cái là ngày mai sẽ có người khác thay ngay. Anh Chủ tịch công đoàn cơ quan lên tiếng : Cho ông Hai nghỉ việc thì được rồi, nhưng theo tôi, nên xem lại tuổi tác của ông để vận động ông nghỉ hưu trước tuổi và giải quyết chế độ đầy đủ để tránh lôi thôi ...
        Tôi cũng cảm thấy bực mình nhưng nhớ lời ông Quang dặn nên còn chần chừ :
          -  Thôi để vài ngày nữa ta quyết định. Bây giờ xin bàn sang chuyện khác đi.
         
          Không hiểu những lời phát biểu trong phiên họp đó có lọt đến tai ông Hai không  - vì tôi cố tình không để ông tham dự phiên họp - nhưng vài ngày sau, trong khi tôi đang đi công tác ở xa thì nhận được điện thoại của anh phó thủ trưởng báo là ông Hai đã gởi đơn xin thôi việc . Tôi cảm thấy bất ngờ và xao xuyến trong lòng. Đối xử với một nhân viên già nua, tàn tật như thế có quá đáng không ? Những việc mà người ta phản ảnh về ông có thật như vậy không ? Ngay cả những vấn đề tôi bực bội với ông thì phần nào đó cũng không đúng và mang tính độc đoán. Có ai bắt ép ông phải làm đơn xin thôi việc để tránh bớt phiền phức cho tôi không ? Tuyển dụng người mới có bảo đảm việc bảo vệ tài sản của cơ quan không ? Vì thật ra từ ngày tôi về đây đã gần nửa năm rồi mà chưa có sự mất mát nào xảy ra.  Rồi lời dặn cuối cùng của anh Quang có ẩn ý gì không ? Tôi vẫn chưa hiểu gì hết về ông Hai. Thật tình tôi cảm thấy băn khoăn với ý định xin thôi việc của ông Hai và cảm thấy có một cái gì đó hụt hẩng.
 Tôi bảo với anh Phó là chờ tôi về sẽ tính sau nhưng anh bảo là ông Hai nhất định đòi giải quyết ngay vì ông có chuyện ở quê nhà. Tôi bảo anh Phó là cứ cho ông nghỉ phép một thời gian, bao lâu cũng được để giải quyết việc nhà đi rồi chờ tôi về quyết định.

Tôi tưởng rằng việc thiếu một nhân viên gác cổng và bảo vệ cơ quan thì đâu có đáng gì để quan tâm nhưng khi về đến cơ quan tôi mới thấy mình lầm. Bao nhiêu nền nếp của cơ quan đã bị xáo trộn. Ai sẽ trực cơ quan ngoài giờ làm việc đây ? Phân công trực thì ai cũng có lý do chính đáng để xin được miễn. Anh kế toán thì vợ bệnh, con đau, heo đẻ không thể bỏ nhà vào ban đêm được. Cô văn thư đánh máy thì nhà xa, mẹ già lụm cụm phải về lo cơm nước trưa chiều. Anh tổ chức nhân sự thì ban đêm phải đi học thêm Anh văn, chị cấp dưỡng thì chồng đi làm ăn xa, đàn con nhỏ ban đêm không thể không có người lớn, Anh chủ tịch Công đoàn thì đau yếu, ban đêm phải ở nhà để vợ con lo thuốc thang. Anh Phó thủ trưởng thì nhà đang xây cất, cửa nẻo chưa có, vật tư bề bộn, còn tôi thì thường xuyên đi công tác mấy khi được ở nhà với vợ con ... Rồi lại còn những việc tạp vụ mà từ trước đến nay ông Hai vẫn làm như quét sân, đốt rác, dội cầu, nấu nước, tưới hoa kiểng ... Ông phải lê bước khó khăn làm những công việc đó từ bốn giờ khuya để đến giờ làm việc ai vào cơ quan cũng thấy được bộ mặt sạch sẽ, hoa kiểng tươi mắt. Ai cũng thấy điều đó nhưng cũng chưa bao giờ có ai hỏi là người nào đã làm và làm tự bao giờ .... Cuối cùng tôi đành ra lệnh phải chấp hành phân công trực nghiêm túc, mỗi người phải " hy sinh " một chút  để bảo đảm công việc của cơ quan chờ ông Hai về.

Những gương mặt rạng rỡ trước đây chợt xìu xuống như tàu lá úa và những tiếng làu bàu trong miệng : " Ông già quỷ quái thật. Đã đến lúc nghỉ việc rồi còn làm phiền phức người khác. Tối ngày chỉ ngồi chơi xơi nước thôi thì còn cho ông nghỉ phép làm gì, lại còn những hai tháng cơ ! Chi bằng cho nghỉ phức đi cho rồi. Họp đồng bảo vệ khác có phải là đỡ phiền toái anh em không ? "
Tôi cũng có nghĩ đến việc tìm người khác thay thế nhưng tôi lại muốn gặp ông Hai một lần rồi mới quyết định. Có một điều gì đó cứ làm cho tôi không an tâm.
                                               *       *
                                                   *
Hai tháng trôi qua, cơ quan bắt đầu có mùi khai thối, cây cỏ héo úa mà ông Hai vẫn biền biệt. Tôi bực dọc và cảm thấy giận ông Hai vô cùng. Lần này mà ông về là tôi ký ngay vào lá đơn cho thôi việc. Còn nhân viên ở cơ quan đã đến lúc biểu lộ cái vỏ rỗng tuếch, không làm nên tích sự gì cả, chỉ là những " công tử, tiểu thơ đỏm dáng ". Trực thì đến trễ lại còn bỏ đi chơi, cây cỏ kêu gào, cơ quan mất vệ sinh cũng mặc kệ, chỉ mong hết giờ quay lại giao ca. Người sau đến chậm, người trước cằn nhằn, xảy ra xích mích. Hiện tượng mất vặt của cơ quan từ bàn tay vô hình nào đó mà không làm sao phát giác được. Mà có ai quan tâm đến điều đó đâu !

          Hai ngày, năm ngày,một tuần lễ rồi mười ngày, tôi bắt đầu sốt ruột về sự trễ phép của ông Hai. Anh em ở cơ quan thì rối rít lên là phải báo ngay việc đào nhiệm của ông Hai và chọn người khác thay thế việc làm của ông. Họ bới móc những chuyện trước đây, nói xấu ông Hai đến nỗi tôi phải bực mình với những điều quá đáng đó. Điều khổ tâm của tôi là cho đến lúc này mà tôi vẫn chưa có cái nhận định đánh giá nào về con người ông Hai.

          Thật sự ông là người tốt hay xấu ? Khi thì thấy ở ông biểu hiện một thái độ xa cách, khó hòa hợp với ai. Một tình cảm nào đó thật riêng tư đang chất chứa trong con người ông. Khi thì trầm lặng cô đơn, khi cởi mở thân mật nhất là với lũ trẻ mà tôi không bao giờ chịu nỗi. Còn về nhiệm vụ, dù có nói gì đi nữa cũng không thể chê trách ông Hai vào đâu được. Thế mà hễ cứ bình bầu thi đua thì bao giờ ông cũng " được " xếp cuối bảng. Có người cũng phát biểu rằng bảo vệ cơ quan thì có gì mà phải đánh giá thi đua. Chỉ ngồi để xem xét người ra vào thì sao có thể so sánh với cô văn thư đánh máy bận rộn với đống tài liệu hoặc anh cán bộ tổ chức điên đầu với chuyện điều động, thuyên chuyển. Đấy, công việc của ông Hai không có gì để đánh giá mà không có ông thì quả thật rối ren. Tôi chịu, không có gì để biết rõ hơn về ông Hai, cả những người làm việc lâu năm ở đây cũng thế. Có lẽ họ nghĩ rằng có gì mà phải quan tâm đến cuộc đơi của một người bảo vệ.

          Tôi lật lý lịch của ông Hai ra để xem xét. Đột nhiên cái tên làng ở một vùng biển đập vào mắt làm tôi xúc động. Hóa ra quê quán của ông Hai ở cái làng mà trong suốt thời gian kháng chiến tôi đã bám trụ nhiều năm, được sống sót nhờ tình yêu của dân làng. Nếu không nhờ những người dân ở đây lấy sinh mạng mình để che chở cho tôi, liệu tôi có còn sống đến ngày nay không ? Thế mà tôi không hề hỏi han gì đến quê quán của người bảo vệ này. Tôi thật vô tình, ngay cả khi ông xin về quê tôi cũng không hề hỏi đến quê ông ở đâu. Nếu sớm biết, tôi đã hỏi ông tình hình làng quê, về " Ông giáo tú tài " - người ta gọi thế - người đã chọn cái chết để cho tôi được sống. Làm sao tôi quên được cái hầm bí mật dưới hàng tre sau nhà ông, nơi tôi nhận từng chén cơm, miếng thịt, bắt ông phải giặt giũ, phục vụ cho tôi suốt mấy tháng trời vì trận càn và đóng chốt của địch. Bọn địch nghi gia đình ông nuôi giấu cách mạng, bắt ông tra khảo đến nỗi hư cả một con mắt và cháy một mảng da mặt. Một đêm tối trời, chúng đốt nhà thiêu rụi vợ và 3 đứa con của ông nhưng ông vẫn không khai chiếc hầm bí mật dưới bờ tre dày đặc. Khi tôi đã thoát được ra ngoài, trở về hậu cứ thì được điều đi công tác khác và khi hòa bình đã lập lại thì gia đình ông Hai không còn ai nữa. Biết bao hy sinh mất mát trong cuộc kháng chiến trường kỳ đó. Mỗi lần nghĩ đến thảm kịch của gia đình " ông giáo tú tài " tôi cảm thấy ray rứt vì mình chưa làm được gì để xứng đáng với sự mất mát kia. Có đôi lúc tôi còn quên đi từ đâu mà tôi có cuộc sống này. Tôi cứ tưởng mình có nhiều công lao trong kháng chiến nên bây giờ phải có những đặc quyền, đặc lợi. Thủ trưởng một cơ quan thì phải có địa vị một thủ trưởng! Một giấc ngủ không yên tĩnh đã làm tôi bực bội. Tại sao tôi lại nói với ông Hai một câu nói vô tình : Ông đui hay sao ! ... A, một ý nghĩ thoáng qua làm tôi rùng mình. Con mắt còn lại của ông Hai, ôi , sao lại có ánh mắt lóe sáng giống như đôi mắt của ông giáo. Cái lóe sáng căm thù, nuốt giận khi thằng giặc đóng cửa nhốt vợ con ông vào nhà với câu nói : " Mầy đui mù che giấu Cộng sản, tao sẽ cho mầy sáng mắt ra ". Cái lóe sáng không bằng lòng vì thái độ khinh bạc của tôi đối với người tàn tật chăng ! Chả lẽ ông giáo lại còn sống ở đây ? Có thể nào một người bị khoét mắt, đốt da mà lại còn sống được ? Nếu quả thật ông Hai là ông giáo thì nỗi ân hận trong tôi biết lấy gì để đong đếm đây ? Tôi nhất định phải trở về làng xưa một lần nữa để tìm cho ra sự thật này. Tôi giao công việc lại cho người phó để làm một chuyến hành hương về làng xưa với một tâm trạng nặng nề.

                                                *                    *
                                                           *

          Anh cán bộ huyện trao cho tôi quyển sổ tay được niêm gói cẩn thận và nói thêm :
          - Cách đây gần hai tháng, ông giáo có trở về đây thăm lại từng người du kích trong thời kháng chiến. Người còn, người mất, ông đều nhớ hết và có người là học trò ông ngày xưa bây giờ đã là Chủ tịch, Trưởng phòng huyện. Chúng tôi thấy sức khỏe ông quá yếu nên đưa đi điều trị ở bệnh viện huyện nhưng không qua khỏi. Trước khi ra đi, ông trao lại cho chúng tôi một quyển sổ tiết kiệm với một món tiền khá lớn - ( Ông nói món tiền này là công sức lao động của ông dành dụm được trong nhiều năm, tiền sạch ) - và dặn dò chôn cất ông đơn giản, còn lại bao nhiêu thì gởi tặng viện cô nhi. Chúng tôi còn hỏi ông có nhắn gởi với ai điều gì không thì ông im lặng rất lâu rồi gởi lại cho chúng tôi quyển sổ này và bảo đưa lại cho người nào đến tìm ông, nếu có. Tôi nghĩ quyển sổ này chắc là gởi cho  anh. Tối nay anh đọc đi, ngày mai tôi sẽ đưa anh đi viếng mộ ông giáo.

          Tôi như kẻ mất hồn, ôm quyển sổ tay về nhà khách của ủy ban. Nét chữ nghiêng nghiêng đều đặn mà ngày xưa tôi đã từng luyện viết theo như đập vào mắt tôi :
          - Ngày ... tháng 2 năm 1975 : Ra khỏi tù với tấm thân tàn ma dại, chắc mình không về làng cũ nữa. Biết có chịu đựng nỗi với hình ảnh vợ con cháy thiêu trong đám lửa tai nghiệt đó không !
          - Ngày ... tháng 4 năm 1975 : Tiếng loa đại thắng vang lên trong cả nước. Niềm vui lớn lao quá. Vậy là mình mãn nguyện. Nhưng phải tìm một việc gì làm để sống nốt quãng đời còn lại. Chỉ có công việc mới lấp được nỗi đau mất mát trong lòng. Chắc mình không thể đứng trên bục giảng với thân hình thế này rồi.
          - Ngày ... tháng ... năm 1980 : Công việc của người gác cổng cơ quan cũng vui chứ. Mình có một chỗ riêng biệt ở chiếc " lồng cu " thật thú vị. Mình ghi chép thế này để ngày tháng không thừa thãi và về sau có ai cần thì cũng là điều hay hay.
          - Ngày ... tháng ... năm 1980 : Cơ quan cũng khá phức tạp đấy. Mình không còn đứa con nào, nhưng có con mà như cô văn thư đánh máy thì chắc không cần. Có lẽ cô ta mải lo trau chuốt son phấn, mốt áo này quần nọ mà quên mình đến cơ quan để làm gì. Gõ vài chữ rồi lại ngồi tán gẫu chuyện người này người khác. Hẹn hò với bồ vào cơ quan, mình bắt ngồi ở phòng chờ đợi thì cô ta gây sự nhiếc mình là làm thân gác cổng mà không biết phận. Thật ra thì mình đã làm tròn phận đấy chứ !
          - Ngày ... tháng ... năm 1983 : Tối hôm nay, ông Ngân, phó thủ trưởng cơ quan và anh kế toán trưởng mang đến mấy chiếc xe để mượn mấy chục bao xi - măng. Sao lại mượn mà không có giấy tờ gì cả thế này? Ông Quang trước khi đi đã dặn mình coi chừng mấy trăm bao xi-măng để xây hội trường. Thôi, phải từ chối để chờ ông Quang về đã. Mặc, ai hăm dọa mình cũng được nhưng phải chờ ông Quang về đã.
          - Ngày ... tháng ... năm 1986 : Mấy hôm nay anh Trưởng phòng tổ chức gọi mình lên bảo là tuổi già rồi có làm việc cũng không vào biên chế được, nên xin nghỉ việc trước, lãnh chút ít tiền rồi về quê dưỡng già. Khi mình trả lời là không còn ai ở quê nhà, xin được sống chết với cơ quan thì anh ta nặng giọng : " Xin nghỉ trước thì còn được hưởng năm, ba tháng lương chứ đợi đến khi đuổi việc thì không có đồng nào đâu ! ". Chuyện này cũng lạ đó, không biết ông Quang có ý kiến gì không ?
          - Ngày ... tháng ... năm 1986 : Mình còn đang băn khoăn là không biết có nên xin nghỉ việc để đi tìm việc làm khác hay không thì có tin Thủ trưởng Quang sắp đổi đi nơi khác. Hôm qua, ông Quang gọi mình lên bảo : " Tôi sẽ chuyển công tác nơi khác nhưng ông hãy cố gắng ở lại làm việc cho cơ quan đến ngày cuối cùng, khi chết thì cơ quan sẽ lo chôn cất cho ông ". Mình nghẹn ngào, không nói được điều gì với ông và còn biết bao nhiêu điều mình chưa kịp nói với ông. Nhưng thôi, dù phức tạp nhưng quy luật của cuộc sống sẽ dần dần loại bỏ những điều không phù hợp.
          - Ngày ... tháng ... năm....: Ông Ngân không được đề bạt lên thay. Sẽ có thủ trưởng mới về. Anh Trưởng phòng tổ chức lo không biết thủ trưởng mới có tin cậy mình không ? Cô đánh máy bận tíu tít để sắp xếp lại chỗ làm việc đâu ra đấy.
          - Ngày ... tháng ... năm .... : A! Thủ trưởng mới ! Có thật là chú đấy không, Lê Trọng Bình ? Dù có đẫy đà ra. da dẻ hồng hào hơn nhưng không thể nào lầm được. Nốt ruồi cạnh hàm trái, đôi hàng mi xếch, gương mặt xương ... Ước gì út Bá, con trai mình còn sống, nó sẽ nhảy lên đeo cổ, hôn má chú Bình ... À, mà lúc đó nó thường hay đòi gì nhỉ ? Chắc lại là những vỏ ốc, vỏ hến lấp lánh trong túi dết chú Bình. Ôi ! Sao gặp người xưa mình xúc động quá. Chú Bình, chú có nhận ra tôi không ? Mình muốn kêu lên và ôm chầm lấy chú. Nhưng có lẽ nên chờ xem chú ấy ra sao đã, không khéo người ta lại nói " thấy người sang bắt quàng làm họ" Bây giờ mình đã tàn tạ quá rồi nhưng chắc cũng còn một vài nét gì đó của ngày xưa. Nếu chú Bình vẫn còn là chú Bình của ngày nào, với tình cảm hơn ruột thịt ấy, chắc sẽ nhận ra mình thôi. Để rồi xem ...
          -  Ngày ... tháng ... năm .... : Ngày xưa chú Bình rất thích trẻ con mà bây giờ sao lại xa lạ đến thế. Cái gì đã làm cho chú thay đổi như vậy ?
          - Ngày ... tháng ... năm .... : Có lẽ mình cũng nên bỏ thói quen kéo đàn đêm khuya này đi. Chỉ sợ rằng mình không xóa được tiếng đàn không âm thanh cứ vút lên trong lòng mình lúc nửa đêm khuya vắng rồi chịu không nỗi. Sao ngày xưa chú Bình thích tiếng đàn của mình trong đêm khuya thanh vắng đến thế mà bây giờ thì lại trở nên bực bội. Có phải vì ngày xưa, khi tiếng đàn của mình trổi lên là tín hiệu báo bình yên để chú có thể đi lại, còn bây giờ tiếng đàn của mình đã thay  đổi, đã bi thảm hóa cuộc sống này chăng ?
          - Ngày ... tháng ...năm .... : Mấy hôm nay mình cố gắng chống lại những cơn ho và đau nhức khắp cơ thể. Bọn ác ôn đánh mình thật độc địa . Đã đến lúc không giúp được gì cho xã hội rồi. Chắc phải xin nghỉ việc về quê thôi. Dù sao khi chết người ta cũng muốn tìm về nơi chôn nhao cắt rún để gởi xác thân. Còn chú Bình, chú không nhận ra mình nữa rồi. Thế cũng tốt thôi, để chú khỏi đau lòng và nhớ lại quá khứ. Bây giờ chú có cuộc sống mới, địa vị, vật chất cũng nên hưởng thụ phần nào nhưng tiếc là những thứ đó đã làm cho tâm tính chú thay đổi quá nhiều. Thôi mình sẽ ra đi trước lúc chú Bình trở về để tránh giờ phút chia tay âm thầm như người xa lạ.
          - Ngày ... tháng ... năm .... : Cầm tờ giấy nghỉ phép trong tay mình lại cảm thấy xúc động. Có ai hiểu được chuyến đi này mình sẽ vĩnh viễn rời bỏ nơi đã ghi bao kỷ niệm một đoạn đời. Bao nhiêu buồn vui, phiền hà trách cứ, chắc rồi cũng sẽ trở thành nỗi cảm thông vì cuộc sống vốn vẫn như thế mà ...

          Chiếc đồng hồ ở nhà khách Ủy ban thong thả gõ năm tiếng và kéo theo một điệu nhạc du dương. Bình minh ở đây êm ả quá. Tôi biết là mình đã qua một đêm không ngủ và chắc là còn nhiều đêm không ngủ nữa trong khoảng đời còn lại. Ở đâu đó, con mắt còn lại của người gác cổng cơ quan đang nhìn thẳng vào tôi, chờ đợi tôi một câu trả lời để được yên lòng vĩnh biệt. Tôi hiểu là cái nhìn đó sẽ không rời tôi một phút giây nào nữa trong suốt cuộc đời tôi.


 T.H

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét