Thứ Năm, 10 tháng 10, 2013

VỀ LẠI CHỐN XƯA - Truyện ngắn Nguyên Hạ


Đường vào khu căn cứ lõm sao dài lê thê. Có lẽ do chị phải dò đường từng chặng. Từ Thị Trấn Gò Dầu theo con đường nhựa đến Phước Hội, chị lại hỏi thăm một lần nữa. Và rồi nơi chị cần tìm đã hiện ra trước mặt. Thoáng ngỡ ngàng nhung lại rất thân quen. Có khác chăng là từ cổng chính vào, sừng sững một tương đài với hình ảnh các du kích quân trong tư thế hiên  ngang cầm súng xông lên phía trước. Dưới chân tượng đài nổi lên dòng chữ “ Quyết tử giữ Gò Dầu” và một ngôi sao nổi. Bên phải là nhà bia ghi lại tên tuổi các anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu hy sinh trên mảnh đất Gò Dầu. Phía sau tượng đài là ngôi nhà chính diện, được trưng bày các hiện vật đã qua khói lửa chiến tranh cùng với bằng chứng nhận “Di tích lịch sử cấp Quốc gia”.  

              Chị đi vòng quanh khu căn cứ. Có lẽ còn một thứ chị cần tìm, hy vọng sẽ còn nguyên vẹn. Đó là “ cây cám” cạnh căn hầm trú ẩn năm xưa. Đây rồi! Chị mừng như vừa gặp lại người thân. Hơn ba mươi năm rồi còn gì ! Và điều bí mật nữa là chũ viết tắt T M mà chị và người yêu lén khắc vào đó. Bây giờ người ngoài cuộc nhìn vào không ai có thể hình dung được gì. Cứ ngỡ đó là những vết đạn vô tình. Chỉ có chị mới biết. Còn anh thì không còn nữa. Tên anh đã được khắc chữ vàng ở nhà bia kia rồi.
                 Nắng chiều đã nhạt. Tiết trời hơi se lạnh bởi cơn mưa chiều tháng bảy. Từ nãy giờ thấy có người đến, chị Nhã định hỏi thăm. Nhưng sợ làm mất đi những giờ phút thiêng liêng của chị nên lại thôi. Bây giờ thấy chị ngồi tựa lưng vào gốc cây, mắt nhìn xa xăm chị Nhã mới đến gần vui vẻ:
      - Chào chị ! Tôi là Nhã phụ trách khu di tích này. Chị đến lâu chưa ? Sao không vào nhà uống nước nghỉ ngơi cho khỏe ?
Chị cũng vui vẻ đáp lại :
      - Chào chị ! Tôi là Mai. Tôi đến nãy giờ. Lâu rồi mới có dịp về đây. Mừng quá quên hết cả mệt nhọc.
            Nhìn chiếc ba lô con cóc đã cũ, bám đầy bụi đường. Chị Nhã đoán chủ nhân của nó chắc phải ở xa lắm. Chị hỏi thêm:
     - Chắc chị ở xa lắm nên giờ mới tới đây ?
     - Vâng ! Tôi ở tận Quảng Trị. Vừa đi vừa hỏi mất ba ngày đường rồi đấy.
Nhìn vóc dáng mảnh mai của chị, mái tóc đã điểm bạc, nhưng khuôn mặt vẫn còn đâu đó nét thanh tú của một thời. Nhã thầm nghĩ lúc còn trẻ chắc chị đẹp lắm.
             Hai người cùng trò chuyện vui vẻ như đã quen nhau từ lúc nào. Thế là chị kể lại thời còn chiến đấu ở đây. Chị thuộc từng ngỏ ngách của vùng này.
             Thùy Linh đến định hỏi thêm chị Nhã vài vấn đề. Thấy  chị đang nói chuyện với người lạ nên định quay đi. Chị Nhã gọi lại :
        - Thùy Linh ! Lại đây cô giới thiệu cho một pho tư liệu sống về vùng Lõm này đấy.
              Cô nói nửa đùa nửa thật. nhưng Thùy Linh cũng lại ngồi xuống cạnh hai người. Chị Nhã giới thiệu :
        - Đây là Thùy Linh, cô “ nhà văn trẻ” của quê mình đang tìm tư liệu để viết về “ Gò Dầu hai lần quyết tử”, nhất là vùng Lõm này.
             Quay sang chị Mai :
      - Còn đây là cô Mai, người đã từng chiến đấu ở khu căn cứ này cho đến gần ngày giải phóng. Hơn ba mươi năm rồi, nay về lại chốn xưa.
               Nghe đến đây, Thùy Linh mừng quá, nắm chặt tay cô Mai siết  manh :                                                                                                                              - Thế là con có đường đi rồi. Mấy bữa nay bế tắc quá không biết phải xoay sở thế nào…Cô ơi ! Cô giúp con nhé !                                                                                                           
- Vâng, giúp được gì là cô giúp ngay mà !
Trời sắp tối, Thùy Linh đề nghị :
     - Trời sắp tối rồi. Con mời cô về nhà con nghi ngơi cho khỏe nhé !
Thấy chị Mai còn do dự, Thùy Linh cố nài nĩ :
Nhà con không có ai. Chỉ có hai bà cháu thôi. Cô đừng ngại.
Chị Nhã chêm vào :
    - Chà ! Rủ cô Mai về nhà để khai thác thêm tư liệu phải không ? Cô đùa cho vui. Cháu Linh nói đúng đó chị Mai. Lẽ ra tôi mời chị ở lại đây với tôi, nhưng cháu rất cần chị…Ngày mai chị em mình gặp lại nhé !
Thấy hai người nói thế, chị Mai không thể từ chối. Vừa về tới đầu ngõ, Thùy Linh đã rôm rả :
    - Nội ơi ! Bữa nay nhà mình có khách.
Má sáu – Bà nội Thùy Linh- ngạc nhiên khi thấy cháu về nhà cùng người lạ. Bà vui vẻ :
     - Chào cô !
Linh tiếp lời bà nội :
      - Con giới thiệu với nội đây là cô Mai. Hồi trước cũng chiến đấu ở vùng nầy đó nội.
     - Dạ ! Con chào Bác.
      Má sáu tuy  ngoài bảy mươi, tóc đã bạc phơ nhưng trông còn rất khỏe.
Khi bước lên nhà trên để cất đồ đạc, chị Mai bỗng khựng lại khi nhìn thấy bàn thờ và nhũng tấm bằng Tổ quốc ghi công. Nhưng do mới đến nhà người lạ nên chị nên chị không dám tò mò mà nhìn cho kỹ. Chị Mai và Linh tắm rửa xong, má sáu cũng đã chuẩn bị thức ăn vào mâm.
            Quây quần bên mâm cơm, Linh huyên thuyên đủ mọi chuyện. Cuối cùng không quên những vấn đề cần khai thác của mình :
         - Cô ơi ! Khi xưa cô chiến đấu ở đây, bị thương ở chân và mất ba ngón tay là ở trận nào vậy cô ?
Nghe Linh nói thế, má sáu mới giật mình chú ý đến bàn tay trái của chị Mai. Chị Mai từ từ kể :
                - Lúc cô và hai đồng chí khác ở dưới hầm bí mật- cạnh cây cám hồi chiều cô ngồi đấy- bị phát hiện. Nếu ở dưới hầm cũng chết. Vì thế chờ khi bọn giặc đến gần, một đồng chí tung nắp hầm quăng lựu đạn lên. Bọn chúng chết năm tên, bị thương hai tên. Thế là cô và hai đồng chí thoát khỏi hầm, băng vào đám rừng chồi. Một tên lính bị thương ở chân còn tỉnh táo nên bắn theo. Một đồng đội của cô hy sinh tại chỗ, một đồng chí chạy thoát. Cô bị bắn mất ba ngón tay, bị thương ở chân nên bị chúng bắt làm tù binh. Chị Mai kể đến đây, má sáu thảng thốt :
              - Trời ơi ! Bé năm đây sao ?
Chị Mai cũng ngạc nhiên không kém :
             - Dạ, con là bé năm đây !
           Hai người cùng buông đũa. Chị quay sang ôm chầm lấy má sáu. Những giọt nước mắt mừng vui ràn rụa. Thùy Linh ngơ ngác nhìn hai người. Chị Mai vừa quẹt nước mắt vừa hỏi má sáu :
           - Vậy Thùy Linh có phải là bé Lượm không má ?
Má sáu cười nhưng nước mắt cứ ứa ra :
           - Thì nó đó chứ ai. Cả tuần nay cứ đi tìm nhân vật Bé Năm của nó, má biết đâu mà chỉ.
Chị Mai quay sang Thùy Linh, vừa vuốt tóc, vừa bảo :
           - Tội nghiệp con, mới đây mà đã hơn ba mươi năm rồi !
Chuyện xảy ra quá  đột ngột, quá bất ngờ làm Thùy Linh hoang mang :
        - Nãy giờ nội với cô Mai nói gì con không hiểu. Con là ai ? Chẳng phải ba Tùng của con đã hy sinh rồi sao ?
Má sáu dỗ dành :
       - Thôi, ăn cơm tiếp đi. Lát nữa cô Mai kể thêm cho mà nghe. Ăn đi con.
       - Chuyện dài dòng lắm. Lát nữa cô kể cho nghe mà.
Đêm hôm đó cả ba người dường như không ai ngủ được. Cứ nhắc hết chuyện này đến chuyện khác. Trong chiến tranh, chuyện mất mát đau thương là chuyện thương. Nãy giờ Thùy Linh cứ thúc thít, má sáu an ủi :
       - Nín đi con. Hồi đó ba Tùng và cô Mai sắp làm lễ “ Tuyên bố”. Không ngờ trong trận đánh ác liệt năm 1973, ba mẹ con hy sinh ( Ba mẹ con lại là hai người mồ côi, đồng cảnh ngộ thương nhau ). Ba Tùng và cô Mai đem con về nuôi. Chiến tranh ngày càng ác liệt, vì phải đi chiến đấu nên để con ở nhà cho nội nuôi. Không may ba Tùng con hy sinh. Đồng chí tung nắp hầm bị bắn chết mà cô Mai kể là ba Tùng của con…
Cô Mai tiếp lời :
        - Hôm ấy, cô bị bắt làm tù binh, ngày giải phóng mới được về quê. Giải phóng xong đất nước còn nhiều khó khăn, phương tiện đi lại không thuận lợi. Ba mẹ cô bệnh nặng rồi qua đời. Cô lại bệnh thường xuyên do vết thương cũ tái phát. Bà và cô bặt tin nhau từ đó. Giờ cô tìm về đây xem như con có mẹ và nội rồi. Vui lên chứ con !
Quay sang chị Mai, má sáu nói như tâm sự :
        - Bé Năm à ! Con nghĩ thế nào ? Giờ ở ngoài đó cũng không còn ai, con ở lại đây với má và bé Lượm được không con ?
Chị Mai xúc động nói :
        - Má ơi ! Dù con và anh Tùng chua chính thức làm lễ tuyên bố, nhưng chúng con đã thề sống chết có nhau. Gặp lại má con mừng lắm. Con ở lại đây chơi vài hôm rồi về quê thu xếp. Con sẽ trở vào đây thay anh Tùng chăm sóc má và bé Lượm. Được như vậy là con hạnh phúc và mãn nguyện lắm rồi.Có lẽ đây là những ngày hạnh phúc nhất đời con.
          Gà gáy canh ba. Thùy Linh đã thiếp đi bên cạnh chị Mai. Nhìn gương mặt hồn nhiên của cô bé, chị bùi ngùi nhớ lại chuyện xưa.
Quay sang má sáu, chị nhỏ nhẹ :
        - Khuya lắm rồi ! Má ngủ đi má.
           Chị lên cạnh bàn thờ, thắp thêm cho anh một nén nhang. Mùi hương ngan ngác, chị nghe cũng ấm lòng.
           Ngoài kia, tiếng gà tiếp tục gáy râm ran.
 
     
                                                                  NGUYÊN HẠ

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét