Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2013

Tây Ninh thuở ấy, bây giờ... - Bút ký Nguyễn Quốc Trung






Trong buổi trò chuyện với anh Nguyễn Thảo, Phó Chủ tịch tỉnh Tây Ninh, tôi chú ý tới tiếng nói của anh, có những từ ngữ không thuộc miền Tây và miền Đông Nam Bộ, là phương ngữ của người Tây Ninh. Anh cho hay, đúng là dân cư Tây Ninh nằm giữa miền Tây và miền Đông nên có những khác biệt với hai vùng ấy. Người Tây Ninh, ngoài gốc dân tại chỗ, phần đông ngoài xứ Quảng vào từ thế kỷ 19, những kẻ bất mãn với triều đình đương thời, giỏi võ, yêu văn nghệ, chữ nghĩa, cũng có những người từ các tỉnh phía Bắc vào đây lập nghiệp. 

Địa lý như vậy, con người như thế, nên chẳng phải ngẫu nhiên mà trong hai cuộc kháng chiến, Tây Ninh được chọn là chiến khu của Trung ương cục miền Nam, trong cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước trước họa diệt chủng, một lần nữa Tây Ninh đứng đầu tuyến lửa, là phên dậu cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Anh Thảo nói:
- Hình như mọi cuộc chiến tranh đều không thể lường trước được. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, chúng ta đều nghĩ Tổ quốc sẽ mãi mãi không còn kẻ thù xâm lược, đâu dè, chỉ một thời gian rất ngắn bè lũ Pôn Pốt xâm lấn, giết dân ta ở biên giới Tây Nam. Đúng là như thế, năm bảy bảy, khi đơn vị tôi đang làm quân quản ở Sài Gòn, lớp lính trẻ chúng tôi cũng nghĩ vài năm sau sẽ đi học nghề hoặc về quê cầm cày. Hồi đó cái ăn còn là nỗi lo thường trực của xã hội,  được tự tay làm ra hạt gạo, củ khoai là mơ ước của nhiều người, và còn gì hạnh phúc bằng dẹp xong giặc rồi đi cày và đọc sách trong làng quê yên tĩnh của mình. Nhưng rồi, một đêm được lệnh báo động, chúng tôi lên xe tải phóng một mạch lên Tây Ninh, ngồi trên xe, người nào cũng nghĩ là diễn tập, đến thằng Mỹ còn phải cuốn cờ mà xéo thì đứa nào dám động tới đất đai nước ta. Ai ngờ, khi đến xã Tân Lập, tất cả đều bàng hoàng, những ngôi nhà bị đốt, khói còn âm ỉ bốc lên, xác người bị đâm bằng lưỡi lê, đập bằng báng súng, nằm ngổn ngang ở sân, dưới giếng sâu. Cả một ấp không còn một bóng người sống. Lúc ấy, chúng tôi không nhận ra thủ phạm là bè lũ Pôn Pốt-Yêng Xa Ri, mà nghĩ rằng, một đám quân phiến loạn từ bên kia biên giới sang giết người, cướp của. Khi đơn vị đang bố trí thành những cụm chốt chặn, bộ đội đang đào công sự, thì súng cấp tập vào đội hình, những tên lính áo đen, khăn rằn từ phía bên kia tạo thành nhiều mũi đánh sang. Tiểu đội trưởng Hòa của tôi hy sinh, anh là người đầu tiên của Trung đoàn 273 hy sinh trên biên giới Tây Nam. Trước khi nhập ngũ, anh đang học Đại học Lâm nghiệp, dáng người cao ráo, khuôn mặt ngời sáng, đọc nhiều sách, kiến văn rộng, ngày làm quân quản, các cô gái trường Đại học Văn khoa Sài Gòn cứ xúm lại nghe anh nói chuyện. Nếu không xảy ra sự kiện biên giới, trong tháng này anh sẽ chuyển về trường học tiếp. Đau đớn thay! Thế rồi, cũng trong đêm ấy, chúng tôi được cấp trên thông báo rất nhiều làng xóm ở Tân Biên, Xa Mát bị thảm sát, và mấy hôm sau, dân tỵ nạn từ Campuchia chạy sang, chúng tôi mới biết Pôn Pốt-Yêng Xa Ri đã phản bội lại chính nhân dân Campuchia. Từ đó, bè lũ phản động do hai tên diệt chủng ấy cầm đầu được dân và các phương tiện truyền thông điểm mặt hàng ngày.
Đó là thời kỳ Tây Ninh gặp cảnh ngặt nghèo nhất. Suốt dải biên giới hơn hai trăm cây số luôn bị địch xua quân mở những đợt tấn công sang. Chúng còn cho những nhóm thám báo lẻn sâu vào nội địa đặt mìn, cả tỉnh không thể sản xuất được. Rồi nhân dân Campuchia chạy sang xin nương náu tránh họa diệt chủng, tỉnh phải lập những trại tị nạn như trại Bến Sắn, Mộc Bài, Bến Củi… Không chỉ dựng nhà tạm, người Tây Ninh còn cung cấp lương thực, thực phẩm cho nhân dân bạn. Khi đến thăm các trại tị nạn ấy, nhiều cán bộ quân đội, dân chính tỉnh Tây Ninh đã gặp lại người từng đùm bọc, cưu mang mình trong những năm tháng chiến tranh ác liệt thời chống Mĩ trước đây.  
Sau mấy tháng đánh nhau ở biên giới, tôi đi trại văn rồi được điều lên Cục chính trị Binh đoàn Cửu Long đứng chân ở Thạnh Đức - Gò Dầu. Thời gian đầu tôi được bố trí ở trong một gia đình theo đạo phật, nhưng khi thấy gia đình bên cạnh chính giữa bàn thờ chưng hình trái đất có một con mắt, hỏi ra mới biết đó là biểu tượng của đạo Cao Đài, tôn giáo tôi chưa hề biết, nên xin sang tá túc. Tính tôi ham tìm hiểu những điều mới lạ. Chủ gia đình ấy là chú Tư Thạch, tuổi đã ngoài bảy mươi, ra khỏi nhà là mặc áo dài trắng, đầu đội khăn trắng, thông thạo chữ Hán, thường làm câu đối mừng thọ, làm nhà mới, viếng người quá cố. Anh Sáu Hoàng, con trai trưởng khoảng bốn mươi tuổi, sau giải phóng đưa vợ con lên Tân Biên khai hoang, trồng mì, chăn nuôi bò, cuộc sống bắt đầu ổn định thì lính áo đen Pôn Pốt tràn sang đốt nhà, giết người. Vợ chồng, con cái anh là một trong ít gia đình sống sót chạy được về xuôi. Bao nhiêu vốn liếng, công sức bỏ ra thành mây khói. Anh Sáu Hoàng phải xuống tận Long An gặt lúa thuê, cắt cỏ mướn, mỗi dịp về nhà anh lại vót chông cùng dân quân đưa lên đường biên cắm. Một trưa tôi nghe chú Tư Thạch ru cháu:
Da trâu nấu với lá bầu
Cháu ơi đừng khóc làm sầu dạ ông.

Đoàn nhà văn tạp chí Văn nghệ Quân đội trước ngôi nhà Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
từng sống và làm việc tại Di tích Căn cứ Trung ương Cục Miền Nam - Ảnh: Xuân Thủy

Da trâu không có dinh dưỡng, thường được dùng làm dây kéo, bưng trống, lá bầu thô nhám, cũng là thứ bỏ đi, nhưng cũng phải làm thức ăn, vậy là nghèo lắm. Chú Tư Thạch cho tôi hay, thời trước, giặc dã triền miên, ruộng đất không sản xuất được nên dân xứ này phần đông thuộc diện nghèo. Nghèo nhưng chú Tư Thạch thương bộ đội như con. Một sáng sớm, chú mời mấy cán bộ cục chính trị Binh đoàn Cửu Long ở nhà kế đó sang điểm tâm sáng và có việc nhờ tới. Chúng tôi được chú mời hủ tiếu Nam Vang thật ngon, đến bây giờ tôi vẫn còn lưu lại ấn tượng. Sau đó, vừa nhâm nhi cà phê, chú vừa cho biết một chuyện quan trọng. Đêm qua, cậu con út dẫn cô gái bán hàng chạp phô ở chợ Thạnh Đức về ở qua đêm, theo tục lệ hôm nay gia đình chú phải mang đồ lễ tới nhà gái nộp phạt rồi xin cưới. Vụ này rất khó nói với nhà gái, tui muốn nhờ mấy chú cùng đi để đỡ lời giùm tui. Chú mắc cỡ nói vậy. Chúng tôi đều ngạc nhiên với phong tục nộp phạt này. Chú Tư Thạch cho hay, nguồn gốc của tổ tiên chú và của rất nhiều đồng bào ở đây là từ biên giới phía Bắc vào nên mang theo tục bắt vợ như thế.
… Sau gần bốn mươi năm trở lại, chú Tư Thạch tạ thế đã được mười cái giỗ, anh Sáu Hoàng đã là chủ nhân của trang trại trồng mía ở Tân Biên, mỗi năm thu cỡ vài tỷ. Trên khu vườn tạp năm xưa đã mọc lên ngôi biệt thự nhà vườn hai lầu, chiếc xe hơi Camri đời mới trên một tỷ. Phần lớn nhà cửa trong thôn cũng đã xây khang trang. Anh Sáu Hoàng cho tôi biết, thời xưa họa binh hỏa triền miên nên dân Tây Ninh không dám làm nhà to, nay đất nước yên bình nên mới đầu tư dựng xây như thế.
         *
        *     *
Được trò chuyện với anh Nguyễn Thảo, Phó chủ tịch tỉnh Tây Ninh, mới biết được nhiều điều các anh đã và đang thực hiện, và cả những ưu tư việc chưa làm được. Trước kia, ruộng Tây Ninh không đủ thóc nuôi dân, bây giờ, nhờ thâm canh mỗi năm ba vụ, giống mới cao sản, không những dư thừa ăn và chăn nuôi, còn góp phần vào lượng gạo xuất khẩu cả nước. Mấy năm nay cây công nghiệp phát triển mạnh, đã có nhiều cửa khẩu, những khu kinh tế dọc biên giới với nước bạn, nhưng chưa thu hút được hàng hóa xuất nhập khẩu. Các khu chế xuất mọc lên nhưng chưa thu hút được nguồn vốn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.  Sản lượng mủ cao su, đường mía, khá cao nhưng vẫn bán thô, chưa có nhà máy chế biến thành sản phẩm, tạo việc làm cho người lao động. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, đường thôn được mở rộng, tráng nhựa hoặc đổ bê tông. Nước sạch đã về tới nhà dân ở ven đô thị còn vùng sâu vùng xa có nơi vẫn phải lọc nước phèn để dùng. Trường học đã được chuẩn hóa cấp quốc gia, nhưng tỉ lệ học sinh giỏi thực chất chưa cao, chưa thu hút được trí thức, nhân tài về làm việc.
Anh Thảo là người từng trải, đi nhiều nơi, ưa quan sát, có cách nói chuyện sinh động với những dẫn chứng sát thực, hóm hỉnh:
- Trước đây, tức là những năm chín mươi, Bình Dương còn cử cán bộ sang Tây Ninh học cách làm ăn, vậy mà bây giờ Bình Dương đã vượt Tây Ninh về nhiều mặt. Đó là điều khiến chúng tôi phải suy nghĩ. 
Điểm xuất phát của Tây Ninh cũng giống như các tỉnh khác trong vùng. Sau chiến tranh chống Mỹ, Tây Ninh phải khôi phục hậu quả chiến tranh nặng nề. Cơ sở sản xuất, làng xóm, giao thông bị bom đạn phá hại điêu tàn, tính riêng số lượng gia đình liệt sỹ ở huyện Trảng Bàng chỉ đứng sau Điện Bàn - Quảng Nam. Hòa bình chưa được hai năm, cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam lại bùng nổ, Tây Ninh là hướng tấn công chính diện của kẻ thù. Vậy là trong khi cả nước hòa bình, Tây Ninh buộc phải chiến đấu bảo vệ đất, bảo vệ dân, làm phên dậu cho các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh. Nhân dân Tây Ninh lại lên đường biên đào hào, đắp lũy, các làng ấp lại tổ chức những đội vũ trang chiến đấu cùng bộ đội chủ lực, sau năm 1979, mới được yên bình. Một lần nữa, Tây Ninh lại phải bắt tay khắc phục hậu quả chiến tranh, chỉ riêng tháo gỡ các loại chất nổ địch để lại dọc đường biên cũng phải mất thời gian khá dài. 
Tôi đã từng đến viếng các nghĩa trang liệt sỹ ở Tây Ninh, có nhiều thế hệ bộ đội, dân quân du kích và nhân dân hy sinh trong các cuộc kháng chiến cùng tề tựu về đây. Đồng chí Phó chủ tịch tỉnh cho biết, sau khi Quân tình nguyện Việt Nam từ đất nước Chùa Tháp trở về, phần lớn qua cửa khẩu Tây Ninh. Sau này tỉnh lại được giao nhiệm vụ qui tập mộ liệt sỹ hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới, tổ chức các đội sang nước bạn tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sỹ bên đó đưa về. Trải qua hơn mười năm, đã có hàng ngàn mộ được qui tập nhưng đến nay vẫn chưa hết.
Nói như vậy không có nghĩa là đổ lỗi cho hoàn cảnh khách quan trong việc chưa xây dựng Tây Ninh tương xứng với tiềm năng, nhưng quả thực hậu quả chiến tranh để lại cho người dân Tây Ninh là rất nặng nề. Có lẽ trải qua đồng cam cộng khổ, hứng chịu nhiều đau thương mất mát nên con người Tây Ninh đoàn kết gắn bó, thương yêu nhau, không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng, trong các ấp làng đồng bào theo các đạo giáo khác nhau vẫn đối xử với nhau như bà con ruột thịt.
Đối với nhân dân láng giềng Campuchia cũng vậy. Bà con ta sống trong các làng ấp dọc hai bên đường biên với nhân dân trong các phum sóc của Campuchia cũng quí trọng nhau như anh em. Các cột mốc biên giới đã cắm hoàn tất, nhân dân qua lại với nhau hàng ngày, chợ đường biên vẫn tập nập người mua kẻ bán, trao đổi hàng hóa, thân thuộc như ngàn năm vẫn vậy. Tôi đã từng chứng kiến có những đôi lứa Việt Nam - Campuchia kết nghĩa vợ chồng, và tận mắt nhìn thấy những đám rước dâu đi qua biên giới trong bầu không khí êm ả, thanh bình.
Tháng Bảy này tôi lại về Tây Ninh. Tháng Bảy là tháng thiêng bởi có Ngày Thương binh Liệt sỹ. Người hành hương về Tây Ninh khá đông.  Họ không chỉ tới thăm danh lam thắng cảnh mà còn đến các nghĩa trang liệt sỹ dâng hương, tìm người thân, đồng đội. Nghĩa trang của các huyện nằm dọc đường biên, tiếp giáp với nước bạn Campuchia, luôn ngạt ngào hương hoa và khói nhang. Gần đó là những cửa khẩu liên thông, người dân hai nước có thể qua lại cùng nguồn hàng hóa dồi dào của thị trường hai bên đường biên. Bây giờ Tây Ninh tiến lên công nghiệp hóa hiện đại hóa như thế nào? Đó là cả một câu hỏi lớn mà các đồng chí lãnh đạo tỉnh phải là người đầu tiên trả lời. Mủ cao su, mía đường chủ yếu vẫn là nguyên liệu thô. Đất đai rộng, mặt bằng cho các khu chế xuất, nhà xưởng đã sẵn sàng, nguồn nhân lực, nhân công cũng khá dồi dào nhưng vẫn còn quá thiếu những nhà máy chế biến sản phẩm thô để có thể vực dậy nền kinh tế. Nhưng tôi tin rồi đây những thị tứ, những khu chế xuất, những nhà máy, xí nghiệp, những khu vui chơi, thương mại sẽ mọc lên, sẽ biến Tây Ninh thành một cửa ngõ sầm uất của miền đông Nam Bộ.
Tôi có niềm tin ấy khi nhận thấy trên mỗi gương mặt người Tây Ninh đều có dấu ấn lịch sử vùng đất. Vâng, ít có vùng đất nào mang những dấu ấn lịch sử quyết liệt như nơi cửa ngõ Tây Nam này. Lửa chiến tranh đã tắt gần bốn mươi năm rồi, Tây Ninh đang bước vào công cuộc xây dựng, kiến thiết với bao điều mới mẻ đang đặt ra. Còn nhiều khó khăn đang ở phía trước nhưng nhìn vào giương mặt người Tây Ninh, luôn thấy ánh lên sự lấp lánh của niềm tin. Vâng, người Tây Ninh được như ngày hôm nay là bởi luôn có niềm tin vào tương lai
N.Q.T
Nguồn vannghequandoi

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét