Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

Khai tử những hàng dừa - Trần Vũ

Giờ đã không còn hàng dừa ven rạch trước mặt hậu ngôi bệnh viện nữa. Thành ra kiến trúc ấy có đẹp nhưng đã trở nên trơ trụi. Tất cả được phô ra dưới nắng, từ những ô kính cửa phản quang chói gắt, đến những mảng tường lớn cứ trắng toát lên đến nhức mắt buổi đầu chiều.
 
Hàng dừa bên cầu mới
“Dừa ơi dừa! Người bao nhiêu tuổi
Mà lá tươi xanh mãi đến giờ…”
(Dừa ơi - Lê Anh Xuân
 
Báo Tây Ninh vài tháng trước đây đã có đăng bài nhắc đến sự mất mát vẻ đẹp cảnh quan khu vực cầu Quan trên rạch Tây Ninh, khi những rặng dừa ở hạ lưu cầu, phía bờ Đông bị mất. Điều này thì ai cũng dễ thấy và xác nhận, bởi đấy là khu vực trung tâm đông người qua lại mỗi ngày. Thế nhưng chẳng biết có ai để ý ở những tuyến đường vắng hơn như Quang Trung (bờ Đông) và Yết Kiêu (bờ Tây) rạch Tây Ninh cũng đã có những rặng dừa tự nhiên mất hút trong quá trình thi công bờ kè và công viên ven rạch.
Gần đây nhất, có lẽ là rặng dừa ở ngay phía sau Trung tâm Y tế Thị xã (TTYT) trên đường Quang Trung. Thật may mắn khi tôi còn giữ được cả file ảnh chụp ngôi bệnh viện này, trước và sau khi hàng dừa ấy biến mất, để bây giờ có thể so sánh về mặt cảnh quan trên một tuyến đường hẳn sẽ đẹp nhất khi công trình kè và công viên ven rạch hoàn thành. Mà cái đoạn đường có TTYT này lại càng là một khuôn hình nổi bật, nếu ta nhìn từ bờ rạch phía Tây.
Vâng! Khuôn hình nổi bật vì đẹp (và cả lạ) ấy là nhờ công trình TTYT mới xây, hoàn thành dạo đầu năm 2013 vươn lên cao tới sáu tầng nhà. Mặt tiền quay về phố Trần Hưng Đạo, còn mặt hậu trải dài theo dòng rạch trông cũng đầy ấn tượng về một mặt đứng kiến trúc hài hoà, trang nhã. Này nhé! Mái tươi đỏ màu son, tường màu ghi vàng sáng điểm trang những cột có sắc độ đậm hơn.
Vào một chiều mưa ảm đạm, độ phản chiếu của mặt nhà cũng đủ làm tươi sáng hơn khoảng không gian ven rạch. Còn khi chiều nắng gắt thì quả thật là mặt nhà ấy có hơi bị chói chang. Thế nhưng, chính nhờ hàng dừa cả chục cây ven rạch đã làm cho cảnh quan ấy dịu dàng trở lại. Nhất là khi ở đây có sự tương phản rõ nét giữa công trình và cây cối.
Bệnh viện thì vuông thành sắc cạnh, vươn cao bằng những đường thẳng đứng của cột, tường. Hàng dừa hơi nghiêng ra phía mặt nước rồi lại tự uốn cong ngược lại để vươn lên, tạo nên những đường cong dịu nhẹ, mỗi cây mỗi dáng. Chính hai thành phần cơ bản này đây đã tương hỗ nhau để tạo nên một cảnh quan đô thị rất ưa nhìn. Có nhà, hàng dừa bỗng nhiên đẹp và duyên dáng thêm, như thể một đoàn các cô gái đang đứng trước một phông nền màu trắng, tạo dáng cho nhà nhiếp ảnh bấm máy vừa tiện thể soi mình trong gương nước. Cũng xin nói để bạn đọc tiện hình dung: Ngôi nhà này có mặt tiền quay về hai phía Đông, Tây.
Giờ đã không còn hàng dừa ven rạch trước mặt hậu ngôi bệnh viện nữa. Thành ra kiến trúc ấy có đẹp nhưng đã trở nên trơ trụi. Tất cả được phô ra dưới nắng, từ những ô kính cửa phản quang chói gắt, đến những mảng tường lớn cứ trắng toát lên đến nhức mắt buổi đầu chiều.
Như vậy là, thị xã Tây Ninh đã vô tình để mất đi những cảnh quan tuyệt sắc, từng khảm khắc trong tâm hồn những người xa xứ. Như hàng dừa ở gần mố cầu Quan và có thể cả những cụm cây dừa khác ở bên bờ phía Tây là các phố Yết Kiêu và Phan Châu Trinh? Hiện nay chỉ còn hàng dừa trên phố Yết Kiêu phía hạ lưu cầu mới. Chỉ mươi cây này thôi đã làm bớt đi dáng vẻ nặng nề và gân guốc của những khối bê tông trên cây cầu mới.
Trở lại với hàng dừa vừa mới mất đi. Chắc chắn nếu còn thì nó cũng chẳng động gì tới bờ kè người ta sắp xây, vì ở những đoạn đã làm đều xây bờ kè ấy ở phía ngoài bờ rạch. Và bên trong là công viên, nên dĩ nhiên cũng chẳng ảnh hưởng gì, ngoài những ưu điểm sẵn có như cây cao bóng mát, đỡ tốn tiền xây thêm các bồn hoa và cây cỏ, cũng như tiền để mua kiểng và cây. Vậy mà nó vẫn mất đi, như một sự “thay cũ, đổi mới” lạnh lùng…
TRẦN VŨ
baotayninh.vn

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét