Tôi nghiệm thấy
rằng, hiếm ai làm thơ mà giàu có cả. Nói cho chính xác, hiếm khi có một
nhà thơ nào sống được bằng thơ. Nguyễn Bính - nhà thơ của chân quê, tình
quê, hồn quê, nổi tiếng bởi những dòng lục bát ám ảnh và hay “đến tê
dại” như cách nói của một số bạn thơ tôi, đã từng đúc kết nghề thơ bằng
2 câu chua chát:
Mai sau chớ lấy chồng thi sĩ
Nghèo lắm con ơi, bạc lắm con…
Nét đau đáu trong một hồn thơ Lê Trí Viễn |
Cái nghèo vận vào nhà thơ, từng thời,
đều giống nhau. Thậm chí thơ hay khiến người ta thích thú, nhưng khi
nhìn thấy diện mạo và tư thế nhà thơ, nhiều người lại cám cảnh. Thôi thì
“yêu thơ em để trong lòng” còn “lấy anh chọn kiếp làm chồng… thì thôi”
để nói về sự lựa chọn gắn kết cùng thi sĩ là sự đấu tranh tư tưởng gay
cấn của nhiều cô gái.
Đó là chưa kể đã có nhiều nhà thơ (nam
và nữ) cũng phải giã từ tổ ấm không chỉ vì nghèo mà còn vì sự lập dị
khác người của chồng, hoặc vợ mình.
Nhà thơ Lê Trí Viễn, hội viên Hội văn học nghệ thuật Tây Ninh, dễ dàng “đánh gục” kẻ nghiền thơ bằng những câu thơ hay hiếm có:
Tôi thèm một chút tương tư lắm
Ai có mong tôi có đợi tôi
Gia tài tôi có bao đêm lẻ
Giấu ở vầng trăng khuyết cuối trời…
Nếu gặp Lê Trí Viễn, người ta có cảm
giác như một diện mạo của Văn Thùy. Cũng ngơ ngẩn, lãng đãng, bụi bặm,
với nụ cười ngây ngô… Nhưng độ tinh tế của Lê Trí Viễn hơn Văn Thùy một
trời một vực.
Con người ấy đã có lần nhận ra trong túi
không còn đồng nào cả. Thiếu tiền, ông gọi bạn bè nạp thẻ điện thoại
cho mình. Yêu quý nhà thơ và thích thơ ông, nhiều bạn bè đã ủng hộ ông
lộ phí mỗi lần ông định du ngoạn ở đâu đó. Con cái và vợ cho tiền, ông
mua rượu chiêu đãi bạn bè.
Những lúc tỉnh rượu, ông nhận ra mình cô
đơn và có lỗi với vợ con. Ông có những câu thơ “sám hối” sau những dằn
vặt suy nghĩ mông lung:
Con đừng oán giận gì cha
Lăng nhăng vài chữ sinh ra tội tình
Ngẩn ngơ suốt cuộc hành trình
Tìm không tìm được nên đành về không…
Hành trình tìm về quê hương Ninh Bình,
gặp bạn bè và người thân, sau đó lại hối hả về Tây Ninh để đỡ nguôi
ngoai với nỗi nhớ gia đình, vợ con và bạn thơ nơi quê hương mới. Ông
sống trong sự hâm mộ và yêu thương, cưu mang của bạn thơ. Các nhà thơ
như Thu Hà, Dương Thủy Đại, Như Nguyễn, Nguyễn Quốc Toản… ở Ninh Bình
luôn mở rộng cửa để chào đón nhà thơ Lê Trí Viễn.
Những bài thơ thấm đẫm tình đời, tình người đã ra đời trong hoàn cảnh cô đơn và … túng thiếu kiểu thi nhân như vậy.
Nhà thơ N.N.H ở Quảng Ngãi, sống trong
sự cưu mang của gia đình người bạn, khi bị liệt tứ chi và phải rời bỏ
vĩnh viễn giấc mơ giảng đường. Hàng ngày anh âm thầm sáng tác, coi sáng
tác không chỉ để tồn tại một cái tên, mà còn để tồn tại cho một sự sống
trên đời. Thơ anh hay, ám ảnh người đọc bởi sự tinh tế, tràn ngập tình
yêu thương. Cách đây gần chục năm, biên tập thơ N.N.H, tôi nhận ra một
giọng thơ lạ, tinh tế và đầy chất nhân văn. Những đồng nhuận bút thơ ít
ỏi là một niềm vui của H. Bởi nó nhắc cho anh, rằng mình còn có ích và
giúp cho bạn mình đỡ phần nào gánh nặng lo toan, nuôi nấng và chăm sóc.
Thời ấy, một truyện ngắn đã 300 – 800 nghìn đồng. Còn thơ chỉ 30 -
50.000 đồng/bài. Chênh lệch giữa thơ và văn xuôi bây giờ vẫn theo tỷ lệ
1/10 như thế. Có người dồn lại, để in vài bài, vài chùm thơ sau đó lấy
nhuận bút một thể “cho nó có món, có tấm”.
Anh đã in nhiều tập, tất nhiên là nhờ sự giúp đỡ của bạn bè.
Nhà thơ L.T.H, cũng quê Ninh Bình gửi
cho tôi xem bản thảo một tập thơ cách đây vài năm. Tập thơ chững chạc,
nhuần nhuyễn về câu chữ, nghệ thuật… và có nhiều bài hay. Nhưng khi anh
đang chuẩn bị tích cóp tiền in tập thơ, vợ anh bỗng nhiên lăn ra ốm. Và
căn bệnh tim của anh lại bùng phát. Vậy là ước mơ về một tập thơ mới ra
đời đã khép lại.
Cho đến bây giờ, tập bản thảo ấy chỉ là kỷ niệm thỉnh thoảng đọc cho vui mà thôi.
Còn chuyện in thơ của bạn tôi - một nhà giáo ở tỉnh T lại là câu chuyện bi - hài.
Ở tỉnh lẻ, việc bỏ ra 5 - 7 triệu đồng
để in một tập thơ là chuyện “dở hơi” - theo cách nói của nhiều người
“tỉnh táo”. Bạn tôi, âm thầm sáng tác. Mỗi khi bạn được in một bài trên
báo, là niềm vui lại nhân đôi. Tuy nhiên, khi đã đủ gần 70 bài để có thể
ra mắt một tập thơ, bạn lại băn khoăn vì tiền không có. Ngẫm mãi chẳng
biết lấy tiền ở đâu ra, bạn mới chợt nhớ đến chú lợn gần 50kg đang được
bà vợ chăm chút hàng ngày. Suy nghĩ, đắn đo mãi, thầy giáo của chúng ta
mới lựa lời, thẽ thọt vào tai bà vợ vốn coi thơ là thứ vớ vẩn:
- Tôi muốn in thơ bà ạ. Bà ủng hộ tôi nhé, bà cho tôi bán con lợn đi. Tôi in thơ bán rồi trả tiền cho bà…
Mới nghe đến đó, bà vợ chân chỉ hạt bột của thầy nhảy dựng lên:
- Ông có bị làm sao không đấy? Con lợn
nuôi để cuối năm sửa nhà… Thơ thẩn gì? Tôi chịu đựng đám bạn thơ của ông
chưa đủ sao? Lại dám nói bán lợn để in thơ… Thôi, chấm dứt ngay chuyện
này nhé. Đừng để tôi phải điên tiết lên…
Nhưng cuối cùng, tập thơ của ông vẫn
được in ra. Lẽ dĩ nhiên là bằng số tiền ông vay bạn bè mỗi người một ít.
Với số lượng khiêm tốn, chỉ có 300 bản, nhưng được biên tập viên NXB tư
vấn rằng, cứ đề rằng in 1.000 cuốn, “cho nó sang”. In xong ông gửi ở
nhà bạn, không dám mang về, kẻo “mụ vợ nó biết”. Sau nửa tháng, tặng
xong bạn bè số thơ trên, ông mới tiết lộ cho vợ biết rằng mình “đã phát
hành” xong số thơ 300 bản trên.
Mấy năm đã trôi qua, không biết nhà thơ của chúng ta đã có đủ tiền trả hết cho bạn bè chưa…
Là người biên tập thơ, tôi thường gặp gỡ
các nhà thơ, đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi thành phần, ở các địa phương khác
nhau đến gửi thơ và đợi lấy nhuận bút. Nhuận bút thơ ít lắm, dăm bảy
chục ngàn/bài. Số ĐB thì 100, hoặc hơn 100 ngàn/ bài. Các nhà thơ lấy
nhuận bút, rủ bạn bè đến khao thơ được in, thường thì phải bỏ ra gấp 5 -
10 lần như thế mới có cuộc tụ họp rôm rả.
Vâng, các nhà thơ thường nghèo. Nhưng
bên trong mỗi nhà thơ là cả một bầu trời khoáng đạt, với những khát
vọng, đam mê, cả nỗi cô đơn, hạnh phúc và cả sự da diết, trắc ẩn cùng
nỗi bao dung trước những bi - hài kịch cuộc đời.
Tôi vẫn biết, mỗi khi bất hạnh hay tuyệt
vọng, hay khắc khoải yêu thương, người ta vẫn lấy những câu thơ hay để
vận vào mình và ngân nga cho khuây khỏa. Bao đôi lứa yêu nhau, nhờ những
câu thơ tình được đọc đúng chỗ, đúng lúc, mà nên duyên chồng vợ.
Kiếp sau có thể nếu không ai dũng cảm
lấy chồng (vợ) thi sĩ, thì vẫn có những câu thơ là cứu cánh cho những
con tim yêu thương đang bên bờ tuyệt vọng. Như nhà văn Phùng Quán từng
nói:
“Có những phút ngã lòng/ tôi vịn vào câu thơ mà đứng dậy…”
Sa Mộc
nguồn ,(GD&TĐ) -
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét