Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

BÀI THƠ "MÁI CHÙA QUÊ HƯƠNG" QUA NGHỆ THUẬT THƠ CA CỦA PHAN KỶ SỬU - NHẤT LOAN

               Tuổi đời sắp "lục thập bất hoặc". Người Tây Ninh. Đang sống tại thị xã quê nhà. Mùa thu năm 2006, Phan Kỷ Sửu in tiếp tập thơ riêng thứ tư của mình, có tên "Nắng Trong Tim, Nắng Trong Thơ". "Mái Chùa Quê Hương" là một trong 90 bài thuộc tập thơ này. Nó khá dài, gồm 28 câu, chia đều vào 7 khổ.
 
Khổ thơ đầu:
"nghiêng xuống tuổi thơ tôi
bóng chùa như truyện cổ
nghiêng xuống dòng sông tôi
bóng chùa là nỗi nhớ".
Tại đây, riêng "bóng chùa", trước tiên, đã là một "thành phẩm" nghệ thuật thơ ca. "Bóng", trong văn cảnh này, là biểu tượng râm mát, kết quả của sự chắn che. "Chùa", là biểu tượng đùm bọc, ôm ấp, cưu mang. "Bóng chùa", do đó, mang giá trị hình tượng yên ả, thanh bình nội tâm. Mà, trong khổ thơ này, lại "nghiêng xuống tuổi thơ tôi", "nghiêng xuống dòng sông tôi". "Bóng chùa", vì vậy, rõ ràng, đang nằm trong tâm điểm hoài niệm, ngoái nhìn, căng kéo từ một chủ thể  nào  đó . Hay, đúng hơn, trong thế cấu ý dọc giữa 4 câu thơ, nhân vật "tôi" là người đang hoài niệm, ngoái nhìn, nhớ nhung, chịu nổi niềm căng kéo về dòng sông tuổi thơ yên ả, êm đềm và đẹp như cổ tích đã trôi xa của mình. Quả là lung linh chồng lên lung linh, khi sử dụng, thiết kế "bóng chùa" "nghiêng xuống" hoài niệm tuổi thơ của nhân vật "tôi" trong bài thơ.
Hai câu tiếp theo, nằm nơi khổ thơ 2:
"chuông chùa tan trong sương
hồn tôi tan trong hương".
Không thể không bảo rằng khá đẹp, khá hay. Hình tượng "bóng chùa" ở trên bắt đầu ngân lên tiếng chuông.Ấn tượng tiếng chuông chùa luôn là nỗi bâng khuâng khó xác định, mang âm hưởng mênh mông lan toả u sầu  rồi khuất dần vào không gian và thời gian. Nhưng, ở đây, tiếng chuông chùa không đi hết lộ trình bình thường của nó. Mà "tan"nửa chừng.Bị tắt nghẹn vào biểu tượng khác. Đó là "sương". Trong thế câu chữ thiết kế bổ đối nhau, đó còn là "hương". Và, như vậy, tiếng chuông chính là tiếng hồn, tiếng lòng của nhân vật "tôi". Một nỗi niềm nhớ thương thắc thẻo đang triền miên trôi mênh mang thoáng chút ngậm ngùi cay cay xa cách.
Tới đây, đọc tiếp 2 câu còn lại của khổ thơ:
"sao không còn mãi nhỉ?
thời tôi say cánh chuồn".
Ta có thể nhận rõ lần nữa đối tượng gây ra tâm trạng trên chính là tuổi thơ cánh chuồn đã mất của nhân vật "tôi". Xem như, trọn 2 khổ thơ đầu, nỗi nhớ về những tháng năm yên ả, thanh bình nội tâm bên cánh chuồn chuồn ấu thơ của nhân vật "tôi" đã được biểu đạt viên mãn. Thế rồi, bất chợt, sang khổ 3, tại câu đầu tiên:
"mẹ đâu rồi, mẹ ơi!".
Đây là kết quả của một liên tưởng đặc biệt. Từ chỗ nhớ về tuổi thơ yên ả không còn nữa, nhân vật "tôi" bỗng đồng thời thảng thốt nhận ra sự trống lạnh hiện thực đang gây nên bởi một nguồn vô tâm xa lạ như thế nào đó. Theo thói quen ấu thơ, mà cũng là bản năng, nhân vật "tôi" vội vứt nhanh cánh chuồn chuồn đang bay trong ký ức. Nhân vật "tôi" mếu máo gọi mẹ, kêu mẹ. Cuối cùng là chạy đi kiếm mẹ. Kiếm một vòng tay ôm ấp, bảo bọc, chở che. Một vòng tay yêu thương. Nhưng,
"tháng giêng rằm lặng lẽ
cổng chùa vàng lá rơi
đâu còn rơi vai mẹ".
Mẹ của nhân vật "tôi" trong bài thơ đâu còn nữa giữa khung cảnh cũ vẫn đang còn. Đã mang theo luôn một "bóng chùa" mát râm những câu truyện cổ đầy yên lành mê say. Đến đây, về phương diện nghệ thuật, Phan Khắc Sửu đã lồng chuyển thành công nội dung biểu tượng "bóng chùa" vào  "mẹ". Hay, nói cách khác, nhân vật "tôi" của Phan Kỷ Sửu đã ẩn dụ mẹ mình, tình yêu thương che chở êm đềm trong trẻo nơi mẹ mình vào "bóng chùa". Biến "bóng chùa" thành một hàm ngôn lấp lánh và mênh mông nghĩa. Nên, không lạ gì, tới khổ thơ 4, ta thấy Phan Kỷ Sửu viết:
"thuở ngàn trời, vạn biển
nửa đời còn tha hương
lòng không nguôi xao xuyến
một bóng chùa thân thương".
"Bóng chùa", ở đây, rõ ràng ẩn dụ về mẹ, về lòng mẹ, tình mẹ với con. "Lòng không nguôi xao xuyến" về "bóng chùa", ấy là về mẹ của nhân vật "tôi" trong bài thơ.
Sang khổ 5, mạch xúc cảm thẩm mỹ của người đọc đang trôi quanh hình tượng "bóng chùa" trong sự  gắn liền, tiếp thông với người mẹ, tình mẹ. Bỗng nhiên nó chạm phải "mái chùa" ngay câu thơ đầu:
"mái chùa là quê hương
là cây đa, bến cũ
là mẹ hiền nhung nhớ
với thơ, dạt dào nguồn".
Trong khi đó, "bóng chùa" và "mái chùa" là khác nhau. "Bóng chùa" là hình tượng văn học. "Mái chùa", trong văn cảnh ở đây, chỉ là một đối vật thuộc về hiện thực khách quan. Nó không ôm một nghĩa nào khác lớn hơn nó. Nó chưa qua quá trình nội tâm hoá của nhân vật "tôi" trong bài thơ, dưới ngòi bút sáng tạo nghệ thuật của Phan Kỷ Sửu. Nó chỉ là khái niệm từ vựng đeo trên lưng một nghĩa đen của chính nó. Ở đây, nếu "mái chùa" được thay bằng "bóng chùa" thì liền lặn hơn, chỉn chu hơn. Nghĩa biểu tượng của "bóng chùa" dễ gây liên tưởng xúc cảm tương đồng sang "quê hương", "cây đa", "bến cũ", "nguồn thơ" của nhân vật "tôi", dù "cây đa", "bến cũ" luôn là biểu tượng về sự thắm thiết đợi chờ thường không thuộc về tình cảm mẹ con...
Nhưng, dẫu vậy, hai khổ thơ cuối vẫn gắn tiếp được vào mạch diễn dịch tâm tư của nhân vật "tôi" về người mẹ được hình tượng hoá bằng "bóng chùa":
"mái rêu bao đời phủ
vạn thọ vàng trước sân
dẫu muôn đời không cũ
lắng trong tôi mỗi vần
tôi về làng, bối rối
dẫu bóng chùa lắng im
mẹ ơi con vẫn nói
nơi này như trái tim".
Nhìn chung, xúc cảm của nhân vật "tôi" trong bài thơ là cực kỳ sâu đậm, tha thiết, chân thành. Về phương diện nghệ thuật, Phan Kỷ Sửu đã tư duy khái quát những phẩm chất trừu tượng nơi người mẹ với con vào "bóng chùa" một cách khá đắc, khi bản thân "bóng chùa" đã là đơn vị yếu tố thuộc về sáng tạo thi ca trong ngôn ngữ diễn đạt trước đó của anh. Tất cả góp phần làm nên vẻ đẹp của bài thơ. Có lẽ đẹp hơn cả, trong bài thơ này, là hai câu:
"chuông chùa tan trong sương
hồn tôi tan trong hương".
Dù khá đậm chất truyền thống trong thi pháp, "Mái Chùa Quê Hương" vẫn gây được xúc cảm thẩm mỹ nhất định nơi lòng người đọc. Xin trân trọng tập thơ "Nắng Trong Tim, Nắng Trong Thơ" của anh nói chung và bài thơ "Mái Chùa Quê Hương" nói riêng.
                                                         Thị xã Tây Ninh mùa hạ

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét