Tháng tám bầu trời thường vần vũ mây đen và sẵn sàng trút những cơn mưa lớn kéo dài dai dẳng. Có những ngày quang đãng thật sự thì nắng rất gay gắt và bức bối.
Thế nhưng, khi nắng lên sau mưa thì không có nắng nào đẹp hơn. Nắng đẹp tươi và vàng ngậy. Ôi! Nắng tháng tám sao mà lạ lẫm.
Ở độ tuổi ngoài bảy mươi rất e ngại mỗi khi ra đường vì trời luôn ảm đạm đe dọa bằng những cơn mưa. Nhưng khi nắng lên sẽ rất thích thú khi đi dưới nắng chiều se lạnh, gió dịu mát mơn man da mặt và nắng vàng của tháng tám, cùng chiếc dù trên tay đợi cơn mưa đột ngột. Không còn cái nắng gắt gỏng, cháy bỏng của mùa hạ hay màu nắng vàng vọt, khô se của mùa đông. Đi dọc theo bờ rạch Tây Ninh nhìn về hướng Cầu Quan, nắng chập chờn, tươm chảy giọt vàng trên dáng cong nhịp cầu trắng mang dáng lưng còng của mẹ. Dưới rạch nắng chấp chóa nhảy múa trên đám lục bình bông nở tím ngắt và ngụp lặn, nhấp nhô với sóng vú trắng rau nhút mỗi khi chiếc xuồng máy lướt qua. Nắng vàng trên tà áo bà ba nâu của cô gái thoăn thoát bơi xuồng bằng chân dưới nắng chiều man mác khúc sông quê…
Chợt nhớ những tháng năm còn sống ở vùng quê Tân Bình, tháng tám trời cứ chợt nắng, chợt mưa. Thuở đó, những triền ruộng sâu vẫn còn cấy lúa mùa và tháng này lúa đang thì con gái, lá xanh oằn sẫm khi mưa bỗng óng ánh bạc khi nắng lên. Cánh cò xám trên lưng trâu nằm nhơi cỏ dưới tán cây gõ chợt bừng sáng bên cạnh lũy tre ngà lùa ánh nắng về phía tây đón đàn bò về chuồng ngủ sớm, theo sau chúng là trẻ chăn khoe màu da rám nắng.. Bên cạnh chòi tranh mái rợm màu rơm, cây đu đủ trái vừa ửng chen chúc như lũ heo con bám vú mẹ cũng le lói ánh nắng vàng.
Còn gì vui hơn những trưa tranh thủ tạnh mưa đi tát mương, tát đìa bắt cá, cua về nấu canh chua kèo nèo, bông súng, lá vang. Nắng chuyển sang màu hồng tươi nằm vướng trên đọt cây gõ lấp lóa bảy sắc cầu vồng, rồi dịu lại bởi nỗi niềm riêng cùng bông súng tím dưới suối Vàng Cạn. Tôi đã xa vùng quế đó hơn hai mươi năm, nhưng ký ức vẫn còn lưu dấu ấn kỷ niệm và không thể nào quên tháng tám trời cứ chợt mưa, chợt nắng ấp ủ nỗi nhớ một miền quê.
La Ngạc Thụy
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét